Giá vàng, một chỉ báo đo lường tâm lý sợ toàn cầu, đang tăng vọt
“Cơn sốt vàng” đang tấn công thế giới ở mức độ rất cao. Giá kim loại màu vàng này đã tăng hơn 2,360 USD/ounce trong tuần qua và đã tăng hơn 8% chỉ trong ba tháng qua và hơn 16% so với cùng thời kỳ năm trước.
Thông thường, người ta mua vàng như một biện pháp phòng ngừa lạm phát và mất giá tiền tệ. Nhu cầu ngày càng tăng từ các ngân hàng trung ương là một động lực lớn thúc đẩy giá vàng lên cao, nhưng cũng có những nguyên nhân khác.
Nhu cầu vàng cao ở Hoa Kỳ trong bối cảnh niềm tin giảm sút
Ví dụ, hiện nay ở Hoa Kỳ, lạm phát vẫn tồn tại bất chấp lãi suất cao, vì vậy không có gì là lạ khi mọi người muốn mua vàng như một biện pháp phòng ngừa rủi ro. Dòng người nhập cư tràn vào biên giới phía nam của chúng ta, sự chia rẽ chính trị ngày càng gia tăng trong nước, chi tiêu thâm hụt hàng ngàn tỷ USD, và sự thiếu tin tưởng vào tương lai nói chung khiến người Mỹ rơi vào tình thế không chắc chắn và có tâm trạng bối rối nghi ngờ ở mức độ cao.
Đó là lý do tại sao vàng đang thu hút người tiêu dùng Hoa Kỳ. Vàng có thật và hữu hình, không giống như máy in hay những đồng tiền được tạo ra bằng kỹ thuật số vốn chỉ là những biểu tượng trên màn hình máy điện toán. Mọi người hiểu rằng nguồn cung vàng trên thế giới là hữu hạn, và mọi người đều muốn có một ít. Hơn nữa, vàng luôn được sử dụng trong suốt lịch sử như một phương tiện lưu trữ giá trị.
Hiện nay việc mua vàng ở Hoa Kỳ phổ biến đến mức nào?
Costco, nơi mà quý vị có thể mua hàng bình sốt mayonnaise với dung tích tính bằng gallon (1 gallon tương đương với khoảng 3.78 lít), đang bán vàng Thụy Sĩ theo ounce với giá hơn 3,000 USD, với giới hạn chỉ hai ounce cho mỗi thành viên và không hoàn lại tiền. Khỏi cần phải nói, khi ngay cả Costco cũng đang bán vàng, thì có nghĩa là cơn sốt mua vàng đã tác động rất lớn đến người tiêu dùng ở Hoa Kỳ. Đây là biểu hiện rõ ràng của nỗi lo sợ của người tiêu dùng Hoa Kỳ, những người đang phải gánh chịu chi phí cao trong những mặt hàng cơ bản như thực phẩm và nhiên liệu.
Nhu cầu toàn cầu tăng do tâm lý lo sợ và việc mua vào của các ngân hàng
Nhưng vàng cũng có nhu cầu cao trên toàn thế giới. Theo JP Morgan, hoạt động mua của ngân hàng trung ương đã thúc đẩy giá vàng tăng kể từ năm 2022, và lượng mua vào của các ngân hàng trung ương trong năm đó đã cao hơn gấp đôi so với khối lượng mua vào trung bình hàng năm trong thập niên trước.
Trong số các ngân hàng trung ương trên thế giới, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) là ngân hàng mua vàng nhiều nhất vào năm 2023. Trên thực tế, khi môi trường địa chính trị quốc tế xấu đi, PBOC đang tiếp tục tăng dự trữ vàng của họ để phòng ngừa sự sụt giảm giá trị của đồng USD, công khố phiếu Hoa Kỳ, và các tài sản tính bằng USD khác. Ngoài ra còn có mong muốn quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Đồng nhân dân tệ được bảo đảm bằng vàng có thể tỏ ra phù hợp hơn so với đồng USD chìm ngập trong nợ nần chỉ được bảo đảm bằng một quốc gia có khoản nợ hàng ngàn tỷ USD.
Tất nhiên, PBOC không phải là ngân hàng trung ương duy nhất dự trữ vàng. Theo UBS, nhiều ngân hàng trung ương đang làm như vậy để tự bảo vệ khỏi sự suy giảm giá trị tiềm năng của đồng USD. Ngoài ra, các quốc gia có GDP tăng cao như Ấn Độ đang mua nhiều hơn vì họ có đủ khả năng. Trong trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, việc mua vàng của quốc gia này là để đáp lại sự mất giá của đồng lira.
Nga cũng đã tăng lượng dự trữ vàng trong nhiều năm và tiếp tục thực hiện điều đó một cách nghiêm túc nhằm giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và việc đóng băng tài sản tính bằng đồng USD của Nga. Nga thậm chí còn bảo đảm cho đồng rúp bằng vàng vào đầu năm 2022 như một cách để ổn định giá trị của đồng rúp.
Người tiêu dùng Trung Quốc cũng mua vàng
Nhưng ở Trung Quốc, không chỉ PBOC mới mua vàng. Người tiêu dùng Trung Quốc cũng đang làm như vậy, và là vì lý do chính đáng. Trong nhiều năm qua, người dân Trung Quốc đã chứng kiến của cải của họ dần biến mất ngay trước mắt họ do giá địa ốc sụt giảm, các khoản thuế, các chương trình đầu tư bất hợp pháp, những lần thị trường chứng khoán sụp đổ, những ảnh hưởng của các đợt phong tỏa kéo dài, và tình trạng đình chỉ công việc và mất việc làm kéo theo sau đó.
Họ cũng lo ngại sâu sắc về sự sụt giảm giá trị của đồng nhân dân tệ khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái, mà nguyên là do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra. Vàng là thứ mà một người dân Trung Quốc bình thường thực sự có thể cầm nắm trong tay, sử dụng để mua hàng hóa, dịch vụ, và có thể mang theo, vì vậy vàng mang lại cho họ mức độ kiểm soát đối với tương lai trước mắt của họ.
Theo một nghĩa rất thực tế, cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine đang giúp đẩy giá vàng lên cao, trong đó họ nắm giữ hơn 166 tỷ USD dự trữ vàng. Nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất, và còn cách rất xa để trở thành nguyên nhân duy nhất.
Chiến tranh khiến chỉ báo đo lường sợ hãi và bất ổn này tăng cao
Lý do căn bản khiến phần lớn nhu cầu về vàng tăng cao là thực tế không thể phủ nhận rằng những thay đổi lớn đang diễn ra trên thế giới. Mọi người hiểu rằng ngày mai chứa đựng sự chắc chắn ít hơn nhiều so với ngày hôm qua. Khi nỗi sợ hãi, sự không chắc chắn và nghi ngờ gia tăng trên thế giới, thì nhu cầu và giá vàng cũng tăng theo.
Nhu cầu vàng cho chúng ta biết gì về mức độ sợ hãi và bất ổn trên thế giới?
Thực ra là khá nhiều.
Cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn và diễn ra theo chiều hướng không tốt đẹp đối với Ukraine cũng như các đồng minh NATO ở châu Âu và Hoa Kỳ. Với việc các quốc gia như Pháp kêu gọi quân đội Âu Châu hiện diện tại Ukraine để ngăn chặn Nga chiến thắng, triển vọng hòa bình trên lục địa này đang nhanh chóng mờ dần. Việc mở rộng chiến tranh ra bên ngoài Ukraine sẽ là thảm họa đối với châu Âu, Hoa Kỳ, và sự ổn định của toàn khu vực. Một cuộc chiến tranh Nga-NATO sẽ phá vỡ trật tự thời hậu chiến và có thể nhanh chóng leo thang lên cấp độ toàn cầu.
Nguy cơ tương tự cũng xuất hiện trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas, và bây giờ là cả với Iran. Cả hai cuộc chiến này cũng đang đẩy chỉ số không chắc chắn lên cao. Những mối đe dọa đối với chuỗi cung ứng dầu mỏ ngay lập tức hiện lên trong tâm trí mọi người. Với 25% lượng dầu của thế giới chảy qua eo biển Hormuz, nằm ngay ngoài khơi Iran, khả năng thiếu hụt dầu và giá cả tăng vọt là rất thực tế.
Cuối cùng, Trung Quốc đặt ra một mối đe dọa không thể phủ nhận đối với toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khi Nhật Bản và Philippines đang nỗ lực củng cố các thỏa thuận phòng thủ chung với một Hoa Kỳ đang suy yếu.
Tất cả những yếu tố kinh tế và địa chính trị này đang đe dọa rất lớn đến nền kinh tế và sự ổn định của thế giới, gây sợ hãi và bất ổn. Nhưng không phải ai cũng đang mua vào. Một số người đang bán vàng của họ ở những mức giá kỷ lục và đang thu về lợi nhuận.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times