Những điểm rút ra từ kháng cáo của cựu TT Trump về quyền miễn trừ lên Tối cao Pháp viện
Một luật sư của ông Trump lập luận rằng nếu không được bảo đảm quyền miễn trừ đối với các hành động theo thẩm quyền, các tổng thống sẽ bị giới hạn quyền lực khi tại vị và dễ bị tống tiền.
Hôm 25/04, Tối cao Pháp viện đã nghe các tranh luận trong một vụ kiện cáo buộc mang tính chính trị về việc liệu cựu Tổng thống Donald Trump có được hưởng quyền miễn trừ khỏi bị truy tố đối với các hành động theo thẩm quyền được thực hiện trong thời gian ông tại vị hay không.
Nhìn chung, Tối cao Pháp viện cố gắng kết thúc nhiệm kỳ thường niên của mình, vốn bắt đầu vào tháng Mười, và đưa ra những phán quyết về rất nhiều vụ án mà tòa án này đã xét xử trong nhiệm kỳ kết thúc vào cuối tháng Sáu hàng năm, nhưng Pháp viện có thể đưa ra bản ý kiến của mình trong vụ ông Trump kiện Hoa Kỳ bất cứ lúc nào. Thời điểm đưa ra bản ý kiến sẽ có những tác động mang tính chính trị, đặc biệt là nếu Tối cao Pháp viện trả lại vụ việc cho tòa án cấp dưới để xem xét lại.
Tòa án cấp dưới có thể không ra phán quyết kịp thời và điều này có lẽ sẽ giúp ích cho đội ngũ pháp lý của ông Trump, vốn đang cố gắng trì hoãn các vụ truy tố khác nhau.
Đảng Dân Chủ cho rằng cựu Tổng thống Trump phải bị truy tố vì ông được cho là đã vi phạm các quy tắc khi còn đương chức, và họ lo ngại rằng nếu ông giành được chiến thắng về quyền miễn trừ tổng thống, thì các vụ án hình sự đang chờ giải quyết chống lại ông ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, New York, Florida, và Georgia có thể bị bị chậm lại hoặc thậm chí bị bác bỏ.
Đảng Cộng Hòa cho rằng các vụ truy tố ông Trump khác nhau này là các hoạt động chính trị mang tính đảng phái một cách rõ ràng do đối thủ tranh cử của ông, Tổng thống của Đảng Dân Chủ Joe Biden, dàn dựng nhằm mục đích gây tổn hại cho chiến dịch tranh cử năm 2024 của ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng Hòa này.
Sau khi Tòa Phúc thẩm Liên bang cho Khu vực Thủ đô Hoa Thịnh Đốn từ chối tạm dừng cuộc truy tố chưa từng có trong lịch sử của Biện lý Đặc biệt Jack Smith về can thiệp bầu cử đối với Tổng thống Trump hồi tháng 12/2023, Tối cao Pháp viện đã đồng ý đẩy nhanh vụ việc. Vụ truy tố ở Hoa Thịnh Đốn, vốn đã bị tạm dừng tại tòa án quận liên bang ở giai đoạn trước khi xét xử, xoay quanh vụ vi phạm an ninh tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 06/01/2021 khi các nhà lập pháp đang bỏ phiếu để chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống năm 2020.
Phía công tố cho rằng Tổng thống Trump đã cố gắng một cách bất hợp pháp để phá hoại tiến trình dân chủ bằng cách thách thức kết quả của cuộc bầu cử năm 2020.
Câu hỏi chính xác mà Tối cao Pháp viện đã đồng ý xem xét là, “Liệu và nếu có thì ở mức độ nào một cựu tổng thống được hưởng quyền miễn trừ tổng thống khỏi bị truy tố hình sự đối với hành vi bị cáo buộc là có liên quan đến các hành động theo thẩm quyền trong nhiệm kỳ của ông ấy?”
Dưới đây là những điểm quan trọng từ phiên điều trần hôm 25/04.
Luật sư của ông Trump cảnh báo về việc làm suy yếu các tổng thống
Luật sư của Tổng thống Trump, ông D. John Sauer, cho rằng chức vị tổng thống không thể thực hiện đúng chức năng trừ phi tổng thống được bảo đảm rằng sau khi rời nhiệm sở, ông sẽ không bị truy tố vì các quyết định chính sách của mình.
Ông Sauer nói trong tuyên bố mở đầu: “Những hệ quả từ phán quyết của tòa án ở đây vượt ra ngoài dữ kiện của vụ kiện này.”
Ông nói: “Trong 234 năm lịch sử nước Mỹ, chưa có tổng thống nào từng bị truy tố vì những hành động theo thẩm quyền của mình. Những nhà soạn thảo Hiến Pháp của chúng ta xem một viên chức hành pháp đầy nghị lực là cần thiết để đạt được quyền tự do.”
“Nếu một tổng thống có thể bị buộc tội, đưa ra xét xử, và bỏ tù vì những quyết định gây tranh cãi nhất của ông ấy ngay khi ông ấy rời nhiệm sở, thì mối đe dọa rình rập đó sẽ làm méo mó việc ra quyết định của tổng thống ngay khi cần nhất là hành động táo bạo và can đảm.”
Luật sư này cho biết nếu không có quyền miễn trừ, mọi tổng thống sẽ có thể bị các đối thủ chính trị của mình tống tiền khi vẫn còn đương chức.
“Việc truy tố tổng thống vì những hành động theo thẩm quyền của ông ấy là một sự đổi mới không có chỗ đứng trong lịch sử hay thông lệ, và không phù hợp với cấu trúc Hiến Pháp của chúng ta.”
Thẩm phán Gorsuch: ‘Viết một quy tắc cho mọi thời đại’
Hai thẩm phán lo ngại rằng việc buộc tội hình sự một cựu tổng thống sẽ tạo tiền lệ xấu có thể gây tổn hại cho đất nước.
Thẩm phán Brett Kavanaugh nói với luật sư Michael Dreeben của Bộ Tư pháp rằng vụ kiện khiến ông “lo ngại những lần sử dụng luật hình sự trong tương lai để nhắm vào các đối thủ chính trị dựa trên những cáo buộc về động cơ của họ.”
“Theo quan điểm của tôi, vụ kiện này có hệ quả rất lớn đối với chức vụ tổng thống, đối với tương lai của chức vụ tổng thống, đối với tương lai của đất nước,” Thẩm phán Kavanaugh nói.
Sau khi lưu ý “tính chất nguy hiểm của việc buộc tội đối thủ chính trị của quý vị có động cơ xấu,” Thẩm phán Neil Gorsuch nói rằng Tối cao Pháp viện có trách nhiệm nặng nề đối với các thế hệ tương lai để phải làm mọi việc cho đúng đắn.
“Chúng tôi đang viết ra một quy tắc cho mọi thời đại,” ông nói.
Thẩm phán Alito: Truy tố vì những lỗi lầm ngay thật?
Thẩm phán Samuel Alito cho biết “các tổng thống phải đưa ra nhiều quyết định khó khăn về việc thi hành luật pháp, và họ phải đưa ra các quyết định về những vấn đề chưa được giải quyết.”
“Tôi hiểu ý ông khi nói, ‘Chà, quý vị biết đấy, nếu ông ấy phạm sai lầm, ông ấy phạm sai lầm, thì ông ấy phải chịu luật hình sự giống như bất kỳ ai khác.’ Ông không nghĩ là ông ấy ở một vị trí đặc biệt, đặc biệt rủi ro phải không?” vị thẩm phán này nói với ông Dreeben.
Ông Dreeben cho rằng không thể có chuyện một tổng thống sẽ mắc sai lầm.
“Ông ấy đã được tiếp cận với sự tư vấn pháp lý về mọi việc ông ấy làm,” luật sư này nói. “Luật pháp Hoa Kỳ và Hiến Pháp Hoa Kỳ, và việc phạm sai lầm không phải là nguyên nhân khiến quý vị bị truy tố hình sự.”
Ông Dreeben cho rằng những hành động của Tổng thống Trump xung quanh ngày 06/01 không nên được miễn trừ vì tổng thống không thực sự tham gia vào thủ tục Quốc hội chứng nhận kết quả bầu cử.
“Tôi khó mà hiểu được làm sao lại có thể có một thắc mắc nghiêm túc về Hiến Pháp khi nói rằng quý vị không thể dùng cách gian lận để cản trở chức năng đó. Quý vị không thể cản trở chức năng đó bằng sự lừa dối,” ông nói.
“Quý vị không thể tước đi quyền của các cử tri mà theo đó lá phiếu của họ phải được kiểm đếm cho ứng cử viên mà họ đã chọn.”
Thẩm phán Jackson: ‘Quyền miễn trừ tuyệt đối’ có thể khuyến khích hành vi phạm tội
Sau khi ông Sauer nói rằng viễn cảnh các tổng thống bị truy tố sau khi rời nhiệm sở có thể làm nhụt chí hành vi của họ khi còn đương chức, Thẩm phán Ketanji Brown Jackson cho rằng nguy cơ này không khiến bà lo lắng.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ gặp phải một vấn đề trái lại thực sự nghiêm trọng nếu như tổng thống không biết sợ. Nếu như … người quyền lực nhất thế giới này … có thể nhậm chức biết rằng sẽ không có hình phạt tiềm tàng nào cho những tội lỗi phạm phải, thì tôi đang cố gắng hiểu xem điều gì sẽ cản trở việc biến Oval Office thành … trung tâm của hoạt động tội phạm ở đất nước này,” vị thẩm phán này nói.
“Nếu trách nhiệm hình sự có thể được loại bỏ, thì liệu sẽ có nguy cơ đáng kể rằng các tổng thống tương lai sẽ được khuyến khích phạm tội khi họ còn đương chức không?”
“Ngay từ đầu,” các tổng thống đã biết rằng sau này họ có thể bị truy tố, và “đó có thể là điều khiến cho văn phòng này không trở thành kiểu trung tâm tội phạm mà tôi đang hình dung,” bà nói.
“Một khi chúng ta nói ‘Không có trách nhiệm hình sự, thưa Tổng thống, ông có thể làm bất cứ điều gì ông muốn,’ thì tôi lo rằng chúng ta sẽ gặp phải một vấn đề tồi tệ hơn vấn đề là tổng thống cảm thấy bị ràng buộc phải tuân theo luật pháp khi còn đương chức.”
Ông Dreeben nói rằng Tối cao Pháp viện “chưa bao giờ công nhận quyền miễn trừ hình sự tuyệt đối đối với bất kỳ công chức nào.”
Tổng thống Trump tuyên bố ông “có quyền miễn trừ hình sự vĩnh viễn đối với các hành động theo thẩm quyền của mình, trừ phi ngay từ đầu ông bị đàn hặc và tuyên bố có tội,” luật sư này nói.
“Thuyết mới” này về “quyền miễn trừ tổng thống không có cơ sở trong Hiến Pháp,” ông cho biết.
“Những nhà soạn thảo [Hiến Pháp] biết quá rõ những nguy hiểm của một vị vua không thể làm gì sai. Do đó, họ đã nghĩ ra một hệ thống để ngăn chặn những hành vi lạm dụng quyền lực, đặc biệt là việc lợi dụng quyền hạn thuộc thẩm quyền vì tư lợi.”
Không có phán quyết trước đây về việc Tổng thống tự ân xá
Mặc dù Hiến Pháp Hoa Kỳ không quy định rõ ràng việc một tổng thống không thể tự ân xá, nhưng Tối cao Pháp viện chưa bao giờ thực sự ra phán quyết về vấn đề này.
“Chúng tôi chưa bao giờ trả lời liệu một tổng thống có thể làm điều đó hay không,” Thẩm phán Gorsuch nói. “May mắn thay, việc này chưa bao giờ được đưa ra cho chúng tôi.”
Ông cho biết, tuy vậy, nếu các tổng thống biết rằng họ không có quyền miễn trừ đối với các hành động được thực hiện khi còn đương chức và họ sợ những người kế nhiệm mình sẽ truy tố hình sự khi họ quay trở lại cuộc sống bình thường, thì họ có thể bắt đầu tự ân xá cho bản thân trước khi rời nhiệm sở.
“Có lẽ, nếu ông ấy cảm thấy cần phải làm vậy, thì ông ấy sẽ tự ân xá cho mình … bốn năm một lần kể từ bây giờ,” vị thẩm phán này nói.
Ông Dreeben cho biết Bộ Tư pháp không có quan điểm gì về vấn đề tự ân xá, mặc dù một thành viên của Văn phòng Tư vấn Pháp lý đã viết một nghiên cứu nói rằng một tổng thống không thể tự ân xá cho chính mình.
Vị luật sư này nói, ý tưởng rằng một tổng thống có thể làm điều đó “dường như mâu thuẫn với nguyên tắc nền tảng của luật pháp của chúng ta rằng không ai sẽ là thẩm phán trong vụ kiện của chính mình.”
Còn hành động của Tổng thống Obama và Tổng thống Roosevelt thì sao?
Thẩm phán Alito muốn biết liệu sắc lệnh của Tổng thống Franklin D. Roosevelt ra lệnh giam giữ những sinh viên người Mỹ gốc Nhật trong Đệ nhị Thế chiến có thể dẫn đến một cáo buộc âm mưu chống lại quyền công dân hay không. Chính sách giam giữ này đã bị chỉ trích gay gắt trong những năm hậu chiến tranh.
Ông Dreeben trả lời “hiện nay, thì có,” vì Tối cao Pháp viện đã bác bỏ phán quyết của mình trong vụ Korematsu kiện Hoa Kỳ (1944). Vụ Korematsu, trong đó Pháp viện ủng hộ chính sách của Tổng thống Roosevelt, được cho là một trong những phán quyết tồi tệ nhất chưa từng có của Tối cao Pháp viện.
Chánh án John Roberts đã viết bản ý kiến đa số trong vụ ông Trump kiện Hawaii (năm 2018), ủng hộ chính sách của Tổng thống Trump về việc ngăn mọi người ra khỏi những khu vực trên thế giới bị ảnh hưởng bởi khủng bố, điều mà vị thẩm phán này mô tả là “một chính sách có vẻ ngoài trung lập phủ nhận đặc quyền được tiếp nhận của một số công dân ngoại quốc.” Chính sách của Tổng thống Trump, mà những người chỉ trích gọi là một “lệnh cấm Hồi Giáo,” khác với “việc cưỡng bức di dời công dân Hoa Kỳ đến các trại tập trung, chỉ và rõ ràng là dựa trên cơ sở chủng tộc,” Thẩm phán Roberts viết.
Nhưng sau đó ông Dreeben dường như lảng tránh, nói rằng Tổng thống Roosevelt “đã đưa ra quyết định với sự tư vấn từ tổng chưởng lý của ông ấy. Đó là một tầng bảo vệ.”
Thẩm phán Kavanaugh hỏi liệu Tổng thống Gerald Ford có thể bị truy tố vì ân xá cho Tổng thống Richard Nixon hay không. Mặc dù quyết định này không được nhiều người ủng hộ vào thời điểm đó và có thể dẫn đến sự thất bại của Tổng thống Ford trong cuộc bỏ phiếu năm 1976, nhưng “hiện giờ tôi nghĩ quyết định đó được hầu hết mọi người coi là một trong những quyết định tốt hơn trong lịch sử tổng thống.”
Có lẽ Tổng thống Ford đang nghĩ, “‘chà, nếu mình ân xá cho ông Richard Nixon, liệu chính mình có thể bị điều tra vì tội cản trở công lý dựa trên lý thuyết rằng mình đang can thiệp vào cuộc điều tra ông Richard Nixon không?’” vị thẩm phán này hỏi.
Ông Dreeben trả lời rằng “điều này sẽ rơi vào lĩnh vực cốt lõi nhỏ … thuộc trách nhiệm của tổng thống mà Quốc hội không thể kiểm soát.”
Thẩm phán Kavanaugh hỏi liệu Tổng thống Barack Obama có thể bị truy tố vì ra lệnh các cuộc tấn công bằng thiết bị bay điều khiển bằng vô tuyến (drone) khiến nhiều công dân Mỹ thiệt mạng hay không.
Ông Dreeben nói: “Không có nguy cơ bị truy tố vì tiến trình của hoạt động đó.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times