Vận mệnh không tốt có thể cải biến được không?
Phật gia nói rằng vận mệnh của con người, tất cả họa phúc trong đời đều là hiện thân của nhân quả nghiệp báo. Vậy làm cách nào để con người có thể cải biến thọ mệnh, thay đổi đường đời? Vận mệnh không tốt có thể chuyển hóa được không?
Con trai hiếu thuận, trùng tạo lại vận mệnh kiếp này
Ngô Nhị là một thường dân ở Lâm Xuyên, bình thường anh rất tận tâm phụng dưỡng mẹ già, luôn làm cho mẹ vui vẻ hài lòng. Một đêm nọ, anh mộng thấy có vị Thần nói với anh rằng: “Trưa mai, ngươi sẽ bị sét đánh chết”.
Ngô Nhị nói: “Mẹ con tuổi tác đã cao, cần con chăm sóc, có thể miễn tội chết cho con được không?”
Vị Thần nói: “Đây là Thiên mệnh, không thể miễn”.
Ngô Nhị lo mẹ sợ hãi, lúc sáng sớm đang chuẩn bị bữa sáng cho mẹ, anh nói với mẹ rằng: “Con có chuyện cần đi ra ngoài một chuyến, xin mẹ tạm thời đến nhà chị gái”. Nhưng mẹ anh không đồng ý.
Chẳng mấy chốc, bầu trời mây đen tứ phía, sấm rền vang dội. Ngô Nhị càng lo lắng rằng mẹ mình sợ hãi, anh bèn đóng cửa lại, rồi lặng lẽ đi đến cánh đồng hoang vu, chờ đợi sự trừng phạt. Không lâu sau, mây đen trên trời dần dần tản đi, sự việc mà anh chờ đợi đã không hề xảy ra.
Ngô Nhị vội vã trở về nhà và an ủi mẹ mình, trong lòng vẫn lo lắng rằng mối họa chưa dứt, nên không dám nói với bà về nguy hiểm mà mình đã trải qua. Đêm hôm đó, Ngô Nhị lại nằm mộng thấy Thần nói với mình rằng: “Lòng hiếu thảo của ngươi đã cảm động đến Thiên Đình, do đó đã đặc cách miễn xá tội nghiệp của ngươi ở kiếp trước, ngươi phải tôn kính mẫu thân nhiều hơn nữa”. Kể từ đó, Ngô Nhị càng hiếu thuận với mẹ hơn, phụng dưỡng mẹ cả đời.
Con dâu hiếu thuận, thoát khỏi nghiệp kiếp trước
Dụ Thị là thê tử của Chi Tổ Nghi, sống ở Thê Ấp, Tứ Xuyên. Cô rất hiếu thảo với mẹ chồng, còn mẹ chồng thì tính tình nghiêm khắc nóng nảy, rất khó phụng dưỡng. Dụ Thị vẫn ngoan ngoãn phụng dưỡng bà, chưa từng có một câu oán trách.
Một đêm nọ, Dụ Thị có một giấc mộng. Trong mộng, Thần nói với cô rằng:
“Kiếp trước ngươi là thê tử của Mưu Dung, năm 30 tuổi, ngươi bị bệnh nặng, nằm nửa tỉnh nửa mê trên giường hơn một năm. Mẹ chồng ngươi ngoài 70 vẫn nấu cháo cho ngươi ăn. Ngươi vì đắng miệng, chán ăn mà khóc lóc và chửi bới không ít lần. Khi ngươi sắp chết, ngươi kêu trời trong tuyệt vọng: ‘70 tuổi chưa chết, tôi mới 30 tuổi đã sắp chết rồi, ông trời thật bất công!’. Tư Mệnh (vị thần an bài số mệnh con người) hỏi ý Thiên Đế, Thiên Đế ra lệnh đốt xác ngươi, lúc đó ngươi đã tuyệt khí rồi.
Bây giờ, đã đến lúc thanh toán ác nghiệp của ngươi, ngươi sẽ chết bởi Lôi Phủ, không lâu nữa sẽ thực thi. Vì kiếp này ngươi có hiếu với mẹ chồng, nên báo trước cho ngươi biết”.
Dụ Thị tỉnh dậy sau giấc mơ. Sáng sớm, cô tắm rửa thay quần áo mới, đến bái kiến mẹ chồng và nói: “Con về làm dâu ba năm rồi, đã phụng dưỡng mẹ không chút lỗi lầm. Hôm nay con muốn về nhà mẹ đẻ một thời gian, nếu con không may qua đời, xin mẹ hãy buông tâm xuống, đừng quá đau buồn”. Mẹ chồng cô nghe thấy con dâu thốt ra những lời không bình thường này thì hết sức kinh ngạc và khó hiểu.
Dụ Thị trở về nhà để từ biệt cha mẹ đẻ, đồng thời đem chuyện trong mộng kể cho cha mẹ nghe. Sau đó, nàng ra ngoài sân thắp một nén nhang, đứng dưới gốc cây ở phía Nam nhà mình ngẩng đầu nhìn trời khấn vái: “Thị nữ đáng chết, đây là tội nghiệp kiếp trước, con nên thừa nhận và sẽ không từ chối. Nhưng nghĩ đến mẹ chồng lớn tuổi, trượng phu nghèo khó, ai sẽ chăm sóc cho họ? Cha mẹ con từ nhỏ đã dạy con làm người tốt, nay con bị Trời phạt, sẽ khiến cha mẹ phải xấu hổ. Bây giờ con đang mang thai được bảy tháng, nếu là con trai, họ Chi sẽ có con nối dõi. Xem ra hai việc đầu tiên đều khó tránh khỏi, riêng chuyện nhà họ Chi không có hậu thế, cầu xin Thượng thiên hoãn hình phạt cho con ba tháng, đợi con sinh con rồi mới thực hiện”.
Lúc đó là ban ngày, bầu trời bị bao phủ bởi mây đen, gió sấm cuồn cuộn, trời đất là một vùng tăm tối. Văn Xương Đế Quân biết được tình huống của Dụ Thị, liền bẩm báo với Thiên Đế thay thế Dụ Thị bằng Mã Thị vợ của Trương Thực, là một người hung tàn ngang ngược trong làng. Cuối cùng, Mã Thị dâm ác hung hãn, làm loạn nhân luân, đối đãi vô lễ với mẹ chồng, đã bị sét đánh chết trong cơn bão, còn Dụ Thị thì được miễn tội chết.
Hiếu tử khiến hổ dữ cảm động, người cha được kéo dài tuổi thọ
Ở Ngân Địa (nằm ở phía Đông tỉnh Chiết Giang) có một người tên Từ Nhất Bằng, tự là Quý Tường. Anh hết lòng hiếu thảo với cha mẹ, nhưng nhà nghèo nên chỉ có thể rời nhà đến vùng biển để dạy học. Vào một đêm nọ, anh đột nhiên có một giấc mộng kỳ lạ, mộng thấy mình nói với chủ nhân rằng: “Cha tôi e là ngã bệnh rồi”.
Bừng tỉnh sau giấc mộng, Quý Tường bèn vội vã trở về nhà, đi đường không quản ngày đêm. Khi anh đi qua một ngọn núi vào ban đêm thì bất ngờ bị một con hổ chặn đường.
Quý Tường van xin con hổ, nói: “Tôi vì cha bị bệnh mà vội vã về nhà, cho dù răng hổ ở trước mặt, tôi cũng không sợ”. Con hổ dường như hiểu được lời của anh, nó quay người vẫy đuôi bỏ đi.
Về đến nhà, người nhà cho biết cha anh bệnh tình nghiêm trọng, thần trí đã không còn tỉnh táo. Khi Quý Tường đến gần cha mình, người cha đột ngột tỉnh lại và nói với anh: “Con trai, vừa nãy trên đường về nhà, có gặp phải con hổ nào không? Vừa rồi ta bị đưa đến một công phủ, có một viên quan mặc áo đỏ nói: Thọ mệnh của ngươi đúng là đến hạn rồi, nhưng lòng hiếu thảo của con ngươi đã cảm động con hổ, khiến hổ phải nhường đường. Nhờ người con hiếu thảo, ta đặc biệt kéo dài tuổi thọ cho ngươi 12 năm”.
Tài liệu tham khảo: “Đức Dục Cổ Giám”
Hoài Nhẫn Nhẫn thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ