Trí tuệ cổ xưa: Ngày lòng tốt thế giới
Ngày Lòng tốt Thế giới (13/11) được tổ chức hàng năm trên nhiều quốc gia (kể từ khi Phong trào lòng tốt thế giới được khởi phát từ năm 1998), đó là ngày để tuyên dương những nghĩa cử cao đẹp trong cộng đồng và đồng thời để nhắc nhở chúng ta về năng lượng tích cực mà lòng bác ái có thể đem đến. Trên hết, lòng tốt là sợi dây giúp liên kết chúng ta; nó giúp ta vượt qua những rào cản về chủng tộc, tôn giáo, chính trị, giới tính và vị trí địa lý.
Vậy nên, nhân ngày Lòng tốt Thế giới, đội ngũ Epoch Times xin giới thiệu bài viết này với nội dung được trích từ một phần của chương trình Những câu chuyện về trí tuệ cổ xưa của Đài Phát thanh Hy Vọng. Bài viết này gồm hai mẩu truyện ngắn từ thời Trung Hoa cổ đại với nội nhằm hoằng dương đức hạnh và lòng tử tế.
Hãy thưởng thức nội dung câu chuyện dưới đây, chúng tôi hy vọng bạn sẽ có được sự hứng khởi vào ngày Lòng tốt thế giới!
Điều cao đẹp nhất trong bản chất của một người chính là đức hạnh; và lương tâm là một món quà mà thiên thượng đã trao cho chúng ta. Vì thế điều tối quan trọng với một người là không ngừng trau dồi và đề cao phẩm chất đạo đức.
Bậc quân tử luôn hứng thú với việc đọc thư tịch hàm chứa nội dung khuyến thiện và đồng thời luôn sẵn lòng thực hành chính nghĩa. Chưa hết, họ còn luôn khuyến khích và ngợi ca điều thiện song song với việc giáo hóa muôn dân hành thiện lợi dữ dân. Khi người ta có thể chiểu theo những quy luật của đất trời và sống một đời công chính, tâm họ sẽ dần hướng thiện, và họ sẽ được phúc báo để vui hưởng một cuộc sống sung túc và viên mãn.
Đó là lý do vì sao cổ nhân dạy rằng: “Đại trượng phu luôn lấy thiện đãi người.” Để khuyên người hành thiện, cổ nhân đã để lại nhiều bài học và lời khuyên vô giá, và ví dụ dưới đây cũng là một trong những lời khuyên đó.
Vào thời Xuân Thu (770 TCN – 476 TCN), khi Tử Lộ – một người dân nước Lỗ lần đầu diện kiến Khổng Tử, ông đã đội trên đầu một chiếc mũ lông công với dáng vẻ kiêu ngạo và đầy tính khiêu khích. Tuy nhiên, sau khi được nghe Khổng Tử luận bàn về tính khiêm cung, Tử Lộ đã bị thuyết phục và rồi ông nhanh chóng thay y phục bằng trang phục của một nho sinh và bắt đầu theo Khổng Tử học các phép tắc giao tế.
Khi chỉ dạy Tử Lộ về phép tắc ứng xử của bậc trượng phu và đạo của người làm quan, Khổng Tử nói: “Đối với người quân tử, lòng trung là thứ quan trọng nhất. Vì đấng trượng phu nếu thiếu mất lòng trung, dẫu có chí can trường, e rằng sau này sẽ sanh tâm phản loạn; kẻ tiểu nhân nếu thiếu đi lòng trung, dù can đảm cũng không khác chi phường trộm cắp. Đại trượng phu phải có tâm cầu đạo, phải xem nhẹ cái ăn, chí đặt trong đạo, không đặt tại tài phú thế gian. Quan lại phải làm gương cho hết thảy, phải lo cho dân, không bao giờ được sao nhãng việc công.” (tạm dịch)
Nhằm tuyên giảng những bài học về đạo đức, Khổng Tử cùng Tử Lộ đã thực hiện một chuyến đi qua bốn nước. Trên đường tháp tùng vị chân sư, sở học của Tử Lộ ngày càng được đề cao. Vì thế, Tử Lộ sau này rất trung thành với người thầy của mình và đồng thời tận lực cống hiến cho nước Lỗ.
“Tử Lộ là người luôn hoan hỉ khi được nghe về những thiếu sót của chính mình, và sau đó không ngừng quy chính, đó chính là đề cao”, Khổng Tử.
Sau đó, Tử Lộ được giao một chức quan lớn tại quận Phổ Nghi. Ba năm trôi qua, ông bắt đầu cai quản bằng lễ tiết và âm nhạc, và Phổ Nghi đã biến thành một nơi yên bình và thịnh vượng, nơi mà mọi người đều tôn trọng lẫn nhau. Khổng Tử cho rằng tất cả những chuyển biến tích cực ở quận Phổ Nghi là nhờ lòng bác ái của Tử Lộ, một vị học trò của ngài.
Ngũ Thiên Cân đến từ Sán Đầu, triều Minh (1368–1644), ông là người có thân hình vạm vỡ và mọt tính khí hung tợn. Ỷ vào võ nghệ phi thường, ông thường xuyên mượn vũ lực để giải quyết bất kỳ ai dám cản đường. Ông ngang tước đoạt tài sản và tiền bạc của những người xung quanh, điều này khiến nhiều người vô cùng khiếp sợ.
Vào một ngày nắng gắt, ông lên tầng trên của một khách điếm để lẩn tránh cơn oi bức. Trông thấy ông, mọi người tỏ vẻ khiếp sợ và vội vã rời đi. Duy chỉ còn một ông lão nán lại, vẻ mặt không lộ chút sợ hãi.
Ngũ Thiên Cân ra oai: “Ai cũng bỏ chạy trừ ông, ông nghĩ ta không phải là một cao thủ à?”
“Ngươi sai rồi,” ông lão đáp. “Công lao phụ mẫu sinh thành và dưỡng dục, hy vọng nhà ngươi có thể tận hiến cho giang sơn xã tắc. Ngươi giờ đây đã là một người võ nghệ tinh thông, có bao giờ ngươi nghĩ đến việc phụng sự quốc gia không? Hay là vẫn đang an phận thủ thường để sống đời bất hảo. Tiếc thay! Tiếc thay!”
Nghe những lời đó, Ngũ Thiên Cân rưng rưng: “Người khác quở ta xấu xa, cho nên ta vô tình chỉ xem mình ngang hàng với phường bất hảo. May thay, lời nói của người hôm nay chấn động tựa như tiếng chuông canh sáng, như tiếng trống canh khuya, những lời đó đã làm ta thức tỉnh, ta đã choàng tỉnh từ một giấc ngủ say. Nhưng hỡi ôi, ta đã sống đời hạ lưu quá lâu, liệu ta còn có thể làm một trang hảo hán? Như ánh trăng khuyết, tự nó có đầy được hay không?
Ông lão đáp lời: “Nếu ngươi hết lòng quy chính bản thân, bắt đầu tu dưỡng để trở thành một trang hảo hán, ta cho rằng không gì là không thể.”
Từ đó, Ngũ Thiên Cân dốc lòng quy chính bản thân với nguyện ý phụng sự đất nước. Sau này, ông trở thành phó soái và được người đời nể trọng và ngợi ca vì tài thao lược và tấm lòng bác ái đối với nhân dân.
Cổ nhân có câu: “Là thường nhân ai cũng mắc sai lầm, nhưng nỗ lực để vãn hồi những sai lầm đó đòi hỏi sự khoan dung vô cùng lớn lao.”
Giáo dục bằng đức hạnh và chuyển hóa người phạm sai lầm bằng lòng trắc ẩn có thể lay động nhân tâm và thôi thúc người ta suy ngẫm về ý nghĩa nhân sinh và những vấn đề xoay quanh phạm trù đạo đức, chẳng hạn như làm thế nào để thể hiện tình thương với mọi người và đồng thời vượt qua những cám dỗ đến từ danh văn lợi dưỡng.
Rõ ràng, lòng tốt có quyền năng lớn lao, có sức lan tỏa và có khả năng thức tỉnh một người từ sâu thẳm bên trong. Lòng tốt thôi thúc người ta tìm kiếm và thực hành chân lý, đưa họ về với tự tánh thiện lương, khiến họ lựa chọn và làm những điều ngay chính, và đánh tan mọi thứ bất hảo.
Câu chuyện Sức mạnh của lòng tốt được tái bản với sự cho phép của “Những câu chuyện về trí tuệ cổ xưa – Sách dành cho học sinh” do Đài Phát thanh Hy Vọng xuất bản. Âm thanh và hình ảnh minh họa của Đài Phát thanh Hy Vọng. Bản quyền ©2012.
Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times