Ukraine sắp mất đồng minh chủ chốt sau khi ứng cử viên ‘thân Nga’ thắng cuộc bầu cử ở Slovakia
Đảng của ông Robert Fico, vốn phản đối việc viện trợ không giới hạn cho Ukraine, hiện đang đàm phán với các đối tác liên minh tiềm năng.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Ukraine nói rằng “còn quá sớm” để nói kết quả cuộc bầu cử quốc hội hôm 30/09 của Slovakia sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cách tiếp cận của Bratislava với Ukraine.
“Ukraine tôn trọng sự lựa chọn mà người dân Slovakia đã đưa ra,” ông Dmytro Kuleba, Ngoại trưởng Ukraine, nói với các phóng viên hôm 02/10.
“Còn quá sớm để đánh giá xem những cuộc bầu cử này sẽ tác động như thế nào đến sự ủng hộ của [Slovakia dành cho] Ukraine. Chúng ta phải đợi cho đến khi một liên minh được thành lập.”
Nhận xét của ông Kuleba được đưa ra chưa đầy 48 giờ sau khi đảng SMER-SSD của Slovakia, do cựu Thủ tướng Robert Fico lãnh đạo, dẫn đầu trong các cuộc bầu cử tại Quốc hội với 23% phiếu bầu.
Là một bên thẳng thắn chỉ trích sự ủng hộ không giới hạn cho nỗ lực chiến tranh của Kyiv, chiến dịch tranh cử của ông Fico đã đưa ra khẩu hiệu: “Không một viên đạn nào nữa” cho Ukraine.
Sau khi chiến thắng bầu cử được xác nhận, ông Fico nhấn mạnh rằng đảng của ông “sẵn sàng giúp đỡ Ukraine theo cách nhân đạo.”
Trước đó, ông Fico từng nói rằng Slovakia có “những vấn đề lớn hơn” cuộc xung đột ở Ukraine, bao gồm cả việc chi phí sinh hoạt tăng vọt và tình trạng nhập cư bất hợp pháp tràn lan.
Ông cũng nói rằng đảng của ông ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine để chấm dứt cuộc xung đột mà gần đây đã bước sang tháng thứ 20.
Đảng SMER-SSD của ông Fico hiện đang đàm phán với các đảng chính trị khác với hy vọng hình thành một chính phủ liên minh khả thi. Bất kỳ liên minh nào như vậy có thể sẽ bao gồm ít nhất một đảng khác không công khai có cùng quan điểm với SMER-SSD về việc viện trợ quân sự cho Kyiv.
Đảng Cấp tiến thiên tả của Slovakia, vốn ủng hộ việc tiếp tục trợ giúp Ukraine, đứng ở vị trí thứ hai trong cuộc bầu cử, giành được 18% số phiếu bầu.
Đảng của ông có thể tìm kiếm liên minh với đảng HLAS cánh tả ôn hòa, đảng này giành được 15% phiếu bầu, hoặc Đảng Quốc gia Slovakia, đảng được cho là có quan điểm thân Nga.
Là thành viên của Liên minh Âu Châu và NATO từ năm 2004, Slovakia cho đến nay vẫn ủng hộ Kyiv chống lại cuộc xâm lược mà Nga đang tiến hành ở miền đông Ukraine.
Dưới thời chính phủ tiền nhiệm, Slovakia, quốc gia chỉ có 5.5 triệu dân, đã cung cấp cho Ukraine một lượng lớn không tương xứng các thiết bị quân sự. Đầu năm nay, Bratislava, thủ đô của Slovakia, là một trong những đồng minh phương Tây đầu tiên của Kiev cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine.
Mặc dù Slovakia là thành viên ở trong cả EU và NATO, nhưng nhiều người Slovakia được cho là đồng tình với tuyên bố của Nga về việc chống lại một phương Tây suy đồi và bá quyền.
Dưới sự lãnh đạo của ông Fico, Slovakia có thể tiến gần hơn đến Hungary, quốc gia thành viên EU và NATO duy nhất phản đối việc viện trợ không giới hạn cho Ukraine.
Đáng chú ý, kết quả bầu cử Slovakia không phải là tin xấu duy nhất mà Kyiv nhận được hồi cuối tuần qua.
Cùng ngày, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật chi tiêu khẩn cấp—với mục đích ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa—trong đó rõ ràng đã bỏ qua việc tài trợ cho Ukraine.
Về phần mình, ông Kuleba cho biết Kyiv tin tưởng Hoa Thịnh Đốn sẽ tiếp tục giúp đỡ cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine.
Phản ứng của Nga
Khi được hỏi về phản ứng của Moscow trước sự thay đổi lãnh đạo ở Slovakia, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov lưu ý rằng các cuộc đàm phán liên minh đang được tiến hành.
Tuy nhiên, nhìn chung, ông Peskov lưu ý, Moscow hy vọng sẽ thấy “nhiều chính trị gia hơn [như ông Fico], những người có kinh nghiệm, tỉnh táo, và có thể đánh giá tình hình một cách thực tế.”
Trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội Slovakia, Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga cáo buộc Hoa Kỳ đang tìm cách tác động đến kết quả bầu cử theo hướng có lợi cho Đảng Cấp tiến của Slovakia.
Cơ quan này cho biết trong một tuyên bố rằng Hoa Thịnh Đốn “không muốn thấy một thủ tướng khác có định hướng quốc gia [như ông Orban] lên nắm quyền ở Châu Âu.”