Tổng thống Putin khẳng định ATACMS tầm xa do Hoa Kỳ cung cấp sẽ không xoay chuyển được cục diện chiến tranh
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng việc Kyiv sử dụng các Hệ thống Hỏa tiễn Chiến thuật Lục quân (ATACMS) do Hoa Kỳ cung cấp sẽ không đủ để xoay chuyển cục diện cuộc xung đột theo hướng có lợi cho Ukraine.
Trong một cuộc họp báo hôm 18/10, ông Putin cho biết việc Ukraine sử dụng hệ thống hỏa tiễn tầm xa “không có cơ hội làm thay đổi hoàn toàn tình hình dọc theo phòng tuyến liên lạc.”
Một ngày trước đó, quân đội Ukraine lần đầu tiên sử dụng hệ thống hỏa tiễn tiên tiến này để tấn công các vị trí của Nga ở các khu vực Kherson và Zaporizhzhia phía nam.
Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, cuộc tấn công kép này đã thành công trong việc phá hủy phi cơ, xe và thiết bị quân sự, hai phi trường, và một kho đạn dược.
Một phát ngôn viên của Lực lượng Không quân Ukraine nói trong các bình luận trên truyền hình rằng: “Giờ đã có thể tấn công các mục tiêu một cách hoàn hảo, với độ chính xác cao, khiến kẻ thù không có cơ hội.”
Sau đó, Moscow đã xác nhận các cuộc tấn công vào các thành phố cảng Skadovsk và Berdyansk (nằm ở Kherson và Zaporizhzhia), cả hai thành phố này đều nằm phía sau các tuyến phòng thủ của Nga vài chục dặm.
Theo các quan chức Nga, cả hai cuộc tấn công nói trên đều không gây thiệt hại đáng kể.
The Epoch Times không thể xác minh độc lập các tuyên bố của cả hai bên.
Ngay sau hai cuộc tấn công, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảm ơn Hoa Kỳ vì đã cung cấp những hệ thống hỏa tiễn này, trong đó có một số phiên bản có thể được sử dụng để bắn trúng các mục tiêu ở khoảng cách lên tới 190 dặm.
“Hôm nay tôi đặc biệt biết ơn Hoa Kỳ,” ông Zelensky nói trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm 17/10.
Những hệ thống hỏa tiễn tầm xa này “đã chứng tỏ được khả năng của mình.”
Cùng ngày, bà Adrienne Watson, một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, xác nhận rằng những hệ thống hỏa tiễn này đã được chuyển đến Kyiv.
Bà Watson nói: “Chúng tôi tin rằng điều này sẽ khiến cho khả năng chiến đấu của Ukraine được tăng cường đáng kể mà không gây nguy hiểm cho khả năng sẵn sàng của quân đội chúng tôi.”
Vẫn chưa rõ Hoa Kỳ đến bây giờ đã chuyển giao cho Ukraine bao nhiêu hỏa tiễn ATACMS.
Nhưng một bài báo gần đây trên The New York Times, dẫn lời các quan chức phương Tây, đã đưa ra con số khoảng 20 hỏa tiễn.
Giống như các loại vũ khí tấn công khác do Hoa kỳ cung cấp, Kyiv được cho là đã cam kết không sử dụng ATACMS để thực hiện các cuộc tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga.
Tháng 09/2022, Nga đã sáp nhập thành công Kherson và Zaporizhzhia, cùng với hai khu vực khác ở miền đông Ukraine.
Với sự giúp đỡ của các đồng minh phương Tây, Kyiv tuyên bố sẽ lấy lại toàn bộ lãnh thổ đã mất bằng vũ lực.
Các đợt giao hàng bí mật
Hôm 19/10, ông Dmytro Kuleba, Ngoại trưởng Ukraine, cho biết Kyiv dự kiến sẽ nhận thêm các đợt chuyển giao hỏa tiễn của Hoa Kỳ — thường mang theo bom chùm — một cách thường xuyên và với số lượng lớn hơn.
Ông Kuleba nói trong các bình luận trên truyền hình, “Đây là kết quả trực tiếp của thỏa thuận giữa Tổng thống Zelensky và Tổng thống [Joe] Biden, đạt được tại Hoa Thịnh Đốn trong một cuộc gặp cá nhân hồi cuối tháng Chín.”
Trong nhiều tháng, Kyiv đã thúc bách các đồng minh phương Tây của mình để có được các hệ thống hỏa tiễn tầm xa hơn, bao gồm cả ATACMS và hỏa tiễn Taurus do Đức sản xuất.
Tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc đã dừng lại, vì lo ngại hành động này sẽ làm leo thang cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng với Nga này.
Trong chuyến thăm Hoa Thịnh Đốn hôm 21/09, ông Zelensky được cho là đã lặp lại yêu cầu này với Tổng thống Biden.
Vào thời điểm đó, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cho biết Tổng thống Biden đã cân nhắc yêu cầu này nhưng cuối cùng quyết định từ chối.
Nhưng ngay sau đó, NBC — dẫn lời các quan chức Hoa Kỳ ẩn danh — đưa tin rằng Tổng thống Biden trên thực tế đã bật đèn xanh cho hành động này.
Hôm 18/10, CNN đưa tin Hoa Thịnh Đốn đã quyết định chuyển giao hệ thống hỏa tiễn tầm xa—một cách bí mật—để “khiến người Nga bất ngờ.”
Cùng ngày, ông Putin thừa nhận rằng việc đưa hệ thống hỏa tiễn này vào kho vũ khí của Ukraine sẽ gây ra “thêm mối đe dọa” cho Nga.
Nhưng ông tiếp tục khẳng định rằng quân đội Nga “chắc chắn có thể đẩy lùi các cuộc tấn công [bằng hỏa tiễn tầm xa] này.”
Ông Putin chế nhạo quyết định của Hoa Kỳ trong việc cung cấp cho Kyiv hệ thống hỏa tiễn tiên tiến, mà theo ông, sẽ “chỉ kéo dài nỗi thống khổ của [Ukraine].”
Ông cũng cho biết hành động này là bằng chứng nữa cho thấy Hoa Kỳ đang “ngày càng tham gia vào cuộc xung đột.”
Hôm 19/10, Reuters đưa tin rằng Hoa Kỳ có thể sẽ bắt đầu cung cấp cho Ukraine nhiều phiên bản của hệ thống hỏa tiễn tầm xa này.