Ukraine đối mặt với tình trạng mất điện kéo dài sau các cuộc không kích của Nga
Hôm 18/10, còi báo động của cuộc không kích tiếp tục vang lên khắp Ukraine và ở thủ đô Kyiv khi các vụ nổ lớn cũng được báo cáo ở một số thành phố, cùng với sự gián đoạn nguồn điện lớn ở khu vực Mykolaiv.
Các quan chức ở Kyiv cho biết ít nhất hai cơ sở năng lượng ở trung tâm thành phố Dnipro đã bị hư hại nặng, có lẽ là do hỏa lực của pháo binh Nga.
Những tin tức này được đưa ra một ngày sau khi quân đội Nga thực hiện một làn sóng tấn công bằng hỏa tiễn và phi cơ không người lái trên khắp Ukraine, khiến ít nhất bốn người thiệt mạng ở thủ đô Kyiv.
Ngoài Kyiv, các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và/hoặc phi cơ không người lái đã được báo cáo ở các vùng Zaporizhzhia, Kharkiv, Dnipropetrovsk, Mykolaiv, và Zhytomyr.
Trong khi Moscow cho biết họ đang sử dụng vũ khí chính xác cao để giảm thiểu thương vong cho dân thường, Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết đợt không kích mới nhất nhấn mạnh “sự tàn bạo” của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nói với các phóng viên hôm 17/10, bà Jean-Pierre cho biết Tòa Bạch Ốc “lên án mạnh mẽ” các cuộc không kích của Nga và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine “chừng nào còn chiến tranh.”
Bà nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục áp đặt các chi phí đối với Nga,” và “buộc họ phải chịu trách nhiệm về các tội ác chiến tranh của mình.”
Theo các quan chức Bộ Quốc phòng, Hoa Kỳ đã công bố gói viện trợ quân sự trị giá 725 triệu USD mới cho Ukraine hồi tuần trước, gói này sẽ bao gồm đạn pháo dẫn đường chính xác và hỏa tiễn chống bức xạ tốc độ cao.
Gói viện trợ mới nâng tổng hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Kyiv lên hơn 17.5 tỷ USD kể từ ngày 24/02, khi Nga bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” của họ ở Ukraine.
Đợt không kích mới nhất của Nga diễn ra một tuần sau một loạt các cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái và hỏa tiễn tương tự trên khắp Ukraine nhằm vào những gì Moscow mô tả là “cơ sở hạ tầng quan trọng.”
Làn sóng không kích đầu tiên hôm 10/10 diễn ra sau một vụ nổ hai ngày trước đó làm hư hỏng một cây cầu chiến lược nối đất liền Nga với Bán đảo Crimea – một cuộc tấn công mà Moscow quy trách nhiệm cho quân đội Ukraine.
Hôm 18/10, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết ước tính khoảng 30% các trạm phát điện của Ukraina đã bị phá hủy kể từ ngày 10/10, dẫn đến tình trạng mất điện kéo dài trên toàn quốc.
Trên Twitter, ông Zelensky đã mô tả các cuộc tấn công liên tục của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng là hành vi “khủng bố”, nói thêm rằng “không còn cơ hội cho các cuộc đàm phán” với Moscow nữa.
Đổ lỗi cho Iran
Tối hôm 17/10, quân đội Ukraine tuyên bố đã bắn rơi thành công 37 phi cơ không người lái của Nga trong 24 giờ trước đó. Các quan chức Ukraine cũng khẳng định rằng các cuộc tấn công mới nhất sử dụng phi cơ không người lái do Iran sản xuất — một đánh giá dường như đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tán thành.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo rằng nếu Iran bị phát hiện cung cấp cho Nga các chiến đấu cơ không người lái, điều đó sẽ vi phạm Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Được thông qua vào năm 2015, nghị quyết đó đã cung cấp khuôn khổ cho một thỏa thuận năm 2015 giữa Iran và sáu cường quốc — trong đó có Hoa Kỳ — tìm cách hạn chế các hoạt động làm giàu uranium của Iran. Mặc dù Hoa Kỳ đã rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018, nhưng các nhà ngoại giao phương Tây nói rằng nghị quyết này bao gồm các hạn chế đối với việc xuất cảng một số công nghệ quân sự của Iran, bao gồm cả phi cơ không người lái dành cho chiến đấu.
Về phần mình, Tehran phủ nhận họ đang cung cấp các chiến đấu cơ không người lái cho Nga, trong khi Moscow từ chối bình luận về vấn đề này.
Tuy nhiên, hồi tháng trước, Ukraine đã thu hồi giấy ủy nhiệm của đại sứ Iran tại Kyiv trong bối cảnh có cáo buộc rằng Tehran đang cung cấp cho Nga các phi cơ không người lái loại Shahed tân tiến.
Bất chấp những diễn biến leo thang mới nhất, ngày 17/10, Nga và Ukraine đã thực hiện một cuộc hoán đổi tù binh lớn trong số 218 người bị giam giữ, trong đó có 108 phụ nữ Ukraine bị quân đội Nga bắt giữ kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột.
Mặc dù trước đây đã có một số vụ hoán đổi tù binh có số lượng giới hạn, nhưng vụ trao đổi gần đây là lớn nhất cho đến nay.
Sau cuộc trao đổi, ông Zelensky kêu gọi quân đội Ukraine đẩy mạnh nỗ lực bắt giữ các tù binh Nga, theo ông, điều này sẽ giúp bảo đảm việc thả các binh sĩ Ukraine vẫn bị Nga giam giữ.
“Tôi cảm ơn tất cả những ai đã góp sức vào thành công này,” ông Zelensky nói trong một bài diễn văn trên truyền hình. “Tôi cũng cảm ơn tất cả những ai đã bổ sung cho quỹ trao đổi của chúng tôi, và những người thực hiện việc bắt giữ quân thù.”
‘Các phần không thể chia cắt của Nga’
Tình hình quân sự ở Ukraine ngày càng leo thang kể từ hôm 30/09, khi Moscow chính thức sáp nhập bốn khu vực của nước này – Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia, và Kherson – vào Liên bang Nga.
Hành động này diễn ra sau các cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức ở cả bốn khu vực trên, trong đó đa số người dân đã bỏ phiếu để sáp nhập với Nga, theo các nguồn tin Nga và thân Nga.
Về phần mình, Kyiv và các đồng minh cho rằng bước này dẫn đến việc Nga đơn phương “sáp nhập” các vùng lãnh thổ và từ chối công nhận kết quả thăm dò.
Quân đội Nga và các đồng minh địa phương của họ hiện nắm giữ khoảng 60% Donetsk và gần như toàn bộ Luhansk, được gọi chung là vùng Donbas nói tiếng Nga. Họ cũng kiểm soát khoảng 70% khu vực phía nam Zaporizhzhia và gần như toàn bộ tỉnh Kherson lân cận.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times