Nga tấn công ‘cơ sở hạ tầng quan trọng’ trên khắp Ukraine, gồm cả Kyiv
Hôm 17/10, quân đội Nga đã tấn công các vị trí trên khắp Ukraine — bao gồm cả thủ đô Kyiv — trong bối cảnh các cường quốc phương Tây đã hứa sẽ tăng cường hỗ trợ cho quốc gia bị bao vây này.
Theo các quan chức Ukraine, các lực lượng Nga đã sử dụng thiết bị bay không người lái để tấn công các mục tiêu ở Kyiv, đồng thời cũng nã pháo vào nhiều vị trí khác tại nước này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết qua ứng dụng nhắn tin Telegram, “Thiết bị bay không người lái và hỏa tiễn Kamikaze đang tấn công toàn bộ Ukraine,” đồng thời tuyên bố rằng ít nhất một tòa nhà dân cư ở Kyiv đã bị tấn công.
Ông Zelensky nói, “Kẻ thù có thể tấn công các thành phố của chúng ta, nhưng họ sẽ không thể làm chúng ta nhụt chí … chúng ta sẽ giành chiến thắng.”
Các quan chức Ukraine cho biết các cuộc tấn công vào Kyiv — được cho là đã làm thiệt mạng ít nhất ba người — có điểm nổi bật là “các thiết bị bay không người lái tự sát” do Iran chế tạo, tự phát nổ khi chúng đến được mục tiêu.
Về phần mình, Iran đã nhiều lần phủ nhận rằng họ đang cung cấp các thiết bị bay không người lái chiến đấu cho Nga, trong khi Điện Kremlin từ chối bình luận về những tuyên bố này.
Tháng trước, Ukraine đã thu hồi ủy nhiệm thư của đại sứ Iran tại Kyiv trong bối cảnh các cáo buộc rằng Tehran đang cung cấp cho Nga các thiết bay không người lái loại Shahed tân tiến.
Các cuộc tấn công mới nhất diễn ra một tuần sau khi quân Nga thực hiện một loạt các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái và hỏa tiễn nhằm vào những gì Moscow mô tả là “cơ sở hạ tầng quan trọng” ở Kyiv và các khu vực khác của Ukraine.
Làn sóng tấn công đầu tiên vào hôm 10/10 xảy ra ngay sau khi một cây cầu đường bộ và đường sắt nối lục địa Nga với Bán đảo Crimea bị hư hại nghiêm trọng do một vụ đánh bom xe tải chí tử mà Moscow đã đổ lỗi cho các cơ quan bí mật của Ukraine.
Các đồng mình cam kết hỗ trợ hơn nữa
Trong khi đó, các đồng minh phương Tây của Kyiv đã nhắc lại sự ủng hộ liên tục của họ đối với Ukraine khi đối mặt với các vụ oanh tạc ngày càng không ngừng leo thang của quân Nga.
Hôm 16/10, Pháp đã cam kết cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không tân tiến và mở rộng các chương trình đào tạo cho quân nhân Ukraine. Hai ngày trước đó, Hoa Kỳ đã công bố kế hoạch cung cấp cho Ukraine gói viện trợ quân sự mới trị giá 725 triệu USD.
Hơn nữa, hôm 17/10 — khi Nga đang tấn công các mục tiêu ở Kyiv — NATO đã bắt đầu tiến hành các cuộc tập trận hạt nhân trên các không phận tây bắc Âu Châu.
Mười bốn trong số 30 quốc gia thành viên của liên minh này sẽ tham gia vào cuộc tập trận thường niên, sẽ được tổ chức tại Biển Bắc và trên không phận của Vương quốc Anh và Bỉ cho đến cuối tháng Mười.
Ngoài ra, một sự thay đổi đáng chú ý hôm 16/10 là ông Nachman Shai, Bộ trưởng Bộ các Vấn đề Cộng đồng Do Thái của Israel, đã kêu gọi đất nước của mình tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Cho đến nay, những đóng góp của Israel cho nỗ lực chiến tranh Ukraine phần lớn chỉ giới hạn trong các thiết bị quân sự không sát thương.
Lặp lại các tuyên bố gần đây trên truyền thông Hoa Kỳ rằng Iran đang cung cấp hỏa tiễn đạn đạo — cũng như các thiết bị bay không người lái — cho Nga, ông Shai cho biết trên Twitter: “Không còn nghi ngờ gì nữa về lập trường của Israel trong trận chiến đẫm máu này.”
“Đã đến lúc Ukraine cũng được nhận viện trợ quân sự [từ Israel]”, ông khẳng định “cũng chỉ như Hoa Kỳ và các nước NATO cung cấp”.
Ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đáp lại lời kêu gọi của ông Shai bằng cách nói, “Israel dường như đang có kế hoạch gửi vũ khí cho chế độ Kiev. Đây là một hành động rất liều lĩnh.”
Phát ngôn trên Telegram, Thủ tướng Medvedev nói thêm: “Điều đó sẽ phá hủy toàn bộ mối bang giao giữa hai quốc gia chúng ta.”
Cuộc xung đột không ngừng leo thang
Kể từ ngày 30/09, tình hình quân sự ở Ukraine đã liên tục leo thang, khi Moscow chính thức hợp nhất bốn khu vực của nước này — Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson — vào Liên bang Nga.
Theo các nguồn tin Nga và thân Nga, hành động này diễn ra sau các cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức ở cả bốn khu vực, trong đó đa số người dân đã bỏ phiếu để gia nhập Nga.
Tuy nhiên, Kyiv và các đồng minh phương Tây nói rằng những bước đi này dẫn đến việc Nga đơn phương “sáp nhập” những vùng lãnh thổ này, và từ chối công nhận kết quả của những cuộc trưng cầu dân ý này.
Các lực lượng Nga và các đồng minh địa phương của họ hiện nắm giữ khoảng 60% Donetsk và gần như toàn bộ Luhansk.
Hai lãnh thổ nói trên cùng với khu vực Donbas nói tiếng Nga vẫn là trọng tâm chính của “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Moscow ở Ukraine, bắt đầu gần tám tháng trước.
Các nhân vật thân Nga ở Donbas nói rằng, kể từ năm 2014, dân thường trong khu vực này thường xuyên bị ngược đãi — phần lớn không được giới truyền thông phương Tây chú ý — dưới sự kiểm soát của quân đội Ukraine và các nhóm bán quân sự.
Về phần mình, các nhà chức trách ở Kyiv phủ nhận những tuyên bố này.
Quân Nga hiện cũng kiểm soát khoảng 70% khu vực phía nam Zaporizhzhia và gần như toàn bộ vùng Kherson lân cận.
Toàn bộ bốn khu vực này vẫn là nơi thường xuyên xảy ra giao tranh, chủ yếu dưới hình thức pháo kích ăn miếng trả miếng trên khắp chiến tuyến dài khoảng 1,100 km.
Cả hai bên tiếp tục cáo buộc lẫn nhau đối với hành động nã pháo vào các khu vực dân sự. Hôm 16/10, các quan chức thân Nga ở thành phố Donetsk cáo buộc quân đội Ukraine nhắm vào văn phòng thị trưởng địa phương.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và The Associated Press
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times