Ukraine chính thức bước vào đàm phán gia nhập EU
Hôm thứ Ba (25/06), Ukraine đã bắt đầu tiến hành đàm phán gia nhập Liên minh Âu Châu (EU). Bộ trưởng của các quốc gia thành viên EU sẽ gặp các quan chức Ukraine tại Luxembourg để chính thức khởi động các cuộc đàm phán gia nhập EU của Ukraine. Tuy nhiên, bản thân các cuộc đàm phán này sẽ là một quá trình lâu dài và gian khổ, dự kiến sẽ mất ít nhất vài năm.
Nghi thức diễn ra tại Luxembourg chỉ mang tính tượng trưng, chứ chưa phải là đàm phán thực sự. Chỉ sau khi EU xem xét kỹ lưỡng lượng lớn luật pháp của Ukraine và đánh giá những cải tổ cần thiết đối với luật pháp quốc gia này nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của EU, thì các cuộc đàm phán mới thực sự bắt đầu. Dẫu vậy, đối với Ukraine, một quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh, việc khởi động đàm phán vẫn là một động lực quan trọng để chống lại sự xâm lược của Nga.
Ngay trong ngày hôm đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã viết trên nền tảng mạng xã hội X rằng, “Hôm nay là một ngày lịch sử, chúng tôi sẽ thực hiện các cuộc đàm phán thực chất, chân chính với EU về việc Ukraine gia nhập EU. Tôi cảm ơn tất cả những ai đã bảo vệ Ukraine, đất nước và người dân của chúng tôi. … Tôi cảm ơn đội ngũ đã nỗ lực hết mình để chúng tôi trở thành một phần của Liên minh Âu Châu. Chúng tôi sẽ không bao giờ đi lệch khỏi con đường của mình, hướng tới một châu Âu thống nhất, hướng tới ngôi nhà chung cho tất cả các quốc gia châu Âu. Ngôi nhà này phải là nơi hòa bình!”
Today is a historic day as we proceed to actual, real negotiations with the European Union on Ukraine's membership. On February 28, 2022, just a few days after the full-scale invasion began, we signed the application for membership.
Almost two years ago, in June 2022, we… pic.twitter.com/nHMQwR1acB
— Volodymyr Zelenskyy / Володимир Зеленський (@ZelenskyyUa) June 25, 2024
Bà Olga Stefanishyna, Phó Thủ tướng đặc trách các vấn đề gia nhập EU của Ukraine, đã dẫn phái đoàn Ukraine đến tham dự cuộc họp gia nhập. Đợt đàm phán gia nhập EU lần này còn có phái đoàn của quốc gia láng giềng Moldova, do Thủ tướng Dorin Recean dẫn đầu.
Trong các cuộc đàm phán sắp tới, EU sẽ khởi động một quy trình để đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn EU của Ukraine và Moldova trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, và pháp lý, cũng như tiến hành nhiều công việc khác. Sau đó, EU sẽ bắt đầu đặt ra các điều kiện đàm phán cho 35 lĩnh vực chính sách, từ thuế đến môi trường.
Mong muốn gia nhập EU và thoát khỏi ảnh hưởng từ Nga của Ukraine có thể bắt nguồn từ cuộc nổi dậy Maidan năm 2014, sau khi tổng thống thân Nga lúc bấy giờ của Ukraine, ông Viktor Yanukovych — đình chỉ ký kết các hiệp định chính trị và thương mại tự do với EU và thay vào đó chuyển sang tăng cường mối bang giao với Nga — bị người dân nổi dậy biểu tình lật đổ.
Sau khi bị Nga xâm lược vào tháng 02/2022, Ukraine đã lập tức thỉnh cầu gia nhập EU, Moldova cũng theo sát sau đó. Tháng Mười Một năm ngoái (2023), Ủy ban Âu Châu đã đề nghị hai nước bắt đầu đàm phán gia nhập. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã phản đối việc đàm phán cho Ukraine gia nhập. Tuy nhiên, Hungary đã bỏ phiếu trắng tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng Mười Hai năm ngoái, giúp các cuộc đàm phán gia nhập EU được tiến hành.
Trong hội nghị thượng đỉnh bàn về khả năng Ukraine gia nhập EU đó, ông Orban đã trình bày trước Nghị viện Âu Châu rằng, Ủy ban Âu Châu đã đặt ra bảy điều kiện để Ukraine trở thành ứng quốc gia ứng cử, tuy nhiên Ukraine chỉ đáp ứng được bốn trong số đó. Vì vậy, EU thậm chí không nên cung cấp tư cách ứng cử viên cho Ukraine, chứ đừng nói đến việc bắt đầu tổ chức các cuộc đàm phán gia nhập.
Mỗi quốc gia được phép giữ chức chủ tịch luân phiên EU tối đa trong nửa năm, Bỉ đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên từ ngày 01/01 năm nay, và sau đó Hungary sẽ tiếp quản vào ngày 01/07. Theo Reuters, mục tiêu của Ủy ban Âu Châu là bắt đầu đàm phán trước khi Hungary đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên EU.