Liên minh Âu Châu ký hiệp ước an ninh 10 năm với Kyiv tại Hội nghị thượng đỉnh Brussels
Các thành viên EU là Lithuania và Estonia ký các hiệp ước tương tự với Ukraine đang khốn đốn.
Liên minh Âu Châu đã ký một thỏa thuận an ninh với Kyiv tại hội nghị thượng đỉnh hôm 27/06 của các nhà lãnh đạo Liên minh Âu Châu với sự tham dự của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.
Ông Zelenskyy cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội, rằng: “Lần đầu tiên, thỏa thuận này sẽ ghi lại cam kết của tất cả 27 quốc gia thành viên [EU] về việc cung cấp cho Ukraine sự trợ giúp toàn diện, bất kể có sự thay đổi nào trong thể chế nội bộ [của EU].”
“Mỗi bước đi sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với mục tiêu lịch sử là hòa bình và thịnh vượng trong ngôi nhà chung Âu Châu của chúng ta.”
Thỏa thuận này buộc khối gồm 27 thành viên phải tiếp tục cung cấp cho Ukraine vũ khí và các hình thức viện trợ khác trong 10 năm tới.
Theo các quan chức EU, thỏa thuận này không phải là một hiệp ước “phòng thủ chung” theo kiểu ràng buộc các thành viên của liên minh phương Tây NATO.
Đúng hơn, đây là một cam kết tiếp tục trợ giúp Kyiv ngăn chặn “sự xâm lược trong tương lai” của Nga, quốc gia đã xâm lược miền đông Ukraine hồi tháng 02/2022.
Hiệp ước này sẽ tăng cường cam kết của EU về việc giúp đỡ Ukraine trong một số lĩnh vực, bao gồm mua sắm vũ khí, huấn luyện quân sự, hợp tác công nghiệp quốc phòng, và các nỗ lực rà phá bom mìn.
Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels này đã chứng kiến các thỏa thuận song phương tương tự được ký kết giữa Ukraine và hai thành viên EU là Lithuania và Estonia.
Ông Zelenskyy nói: “Hàng năm, Lithuania sẽ cung cấp cho Ukraine sự trợ giúp về an ninh và chính trị.”
Ông cho biết hiệp ước mới được ký kết với Estonia “gồm có hợp tác cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự, đào tạo … và hợp tác công nghiệp quốc phòng.”
Cả hai nước này đều là thành viên lâu năm ở NATO, và hai quốc gia vùng Baltic này đều nằm trong số những nước Âu Châu ủng hộ Kyiv nhiệt tình nhất.
Moscow vẫn chưa bình luận về bất kỳ hiệp ước an ninh nào trong số ba hiệp ước an ninh được ký tại Brussels.
Đồng minh đầy tham vọng
Ba thỏa thuận này theo sau các hiệp ước tương tự giữa Ukraine và các đồng minh của nước này, hơn một chục hiệp ước trong số đó đã được ký kể từ đầu năm 2024.
Hồi tháng Một, Vương quốc Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên ký hiệp ước an ninh song phương với Kyiv.
Vào thời điểm đó, London nói rằng thỏa thuận này sẽ “chính thức hóa” sự trợ giúp hiện tại của Vương quốc Anh dành cho Ukraine, “gồm có chia sẻ thông tin tình báo, an ninh mạng, huấn luyện y tế và quân sự, và hợp tác công nghiệp quốc phòng.”
Kể từ đó, 13 quốc gia Âu Châu khác — trong đó có Đức, Pháp, Ý, và Hà Lan — cùng Canada đã ký các thỏa thuận tương tự với Kyiv.
Đầu tháng này, bên lề một hội nghị thượng đỉnh G7 ở Ý, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã ký hiệp ước an ninh với Ukraine.
Đáng chú ý, thỏa thuận với Hoa Kỳ cam kết các chính phủ Hoa Kỳ tương lai sẽ tiếp tục trợ giúp Ukraine.
Tổng thống Joe Biden, người sẽ đối đầu với cựu Tổng thống Donald Trump vào tháng Mười Một, cho biết sau khi ký thỏa thuận, rằng: “Mục tiêu của chúng tôi là gia tăng các năng lực phòng thủ và răn đe đáng tin cậy của Ukraine trong dài hạn.”
Cựu Tổng thống Trump từng tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine nếu tái đắc cử.
Ứng cử viên Đảng Cộng Hòa này cũng thường xuyên kêu gọi châu Âu gánh vác một phần lớn hơn gánh nặng tài chính trong việc trợ giúp nỗ lực chiến tranh của Ukraine.
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, thỏa thuận mới nhất cam kết cả hai bên sẽ “đẩy mạnh hợp tác kinh tế và an ninh, đòi hỏi Nga phải chịu trách nhiệm cho các hành động của mình, đồng thời tạo ra các điều kiện cần thiết để đạt được một nền hòa bình vừa công bằng vừa bền vững.”
Thỏa thuận này cũng được cho là cho phép hai nước chia sẻ thông tin tình báo và tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung.
Theo văn bản của tài liệu này, thì thỏa thuận cũng dự định đóng vai trò là bước đệm cho việc Ukraine cuối cùng sẽ gia nhập NATO với tư cách là thành viên chính thức.
Hôm 13/06, ông Ihor Zhovkva, cố vấn chính sách ngoại giao của ông Zelenskyy, cho biết: “Đã có suy đoán rằng bằng cách ký kết đủ các thỏa thuận này, chúng tôi không cần tư cách thành viên [NATO].”
“Sai rồi. Chúng tôi cần tư cách thành viên NATO.”
Không có sự thay đổi cho NATO
Lần đầu tiên Kyiv nộp đơn xin gia nhập NATO là vào cuối năm 2022, sáu tháng sau khi Nga tiến hành cuộc xâm lược ban đầu.
Nhưng mùa hè năm ngoái, tại một hội nghị thượng đỉnh mang tính bước ngoặt của NATO ở Lithuania, Kyiv đã không nhận được lời mời chính thức gia nhập liên minh này, bất chấp những kỳ vọng.
Vào thời điểm đó, các thành viên NATO hứa sẽ đưa ra lời mời tới Ukraine “khi các đồng minh đều đồng ý và các điều kiện gia nhập được đáp ứng.”
Thay vào đó, Kyiv đã chắc chắn có được sự trợ giúp của liên minh này dưới hình thức “những bảo đảm an ninh” song phương với từng thành viên, nhiều bảo đảm trong số đó đã được ký kết.
Để gia nhập NATO, Ukraine phải giành được sự chấp thuận của tất cả 32 thành viên hiện tại, một số thành viên trong số đó tiếp tục cho thấy sự dè dặt, vì lo ngại đối đầu trực tiếp với Nga.
Trình bày tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas kêu gọi các đồng sự lãnh đạo EU “chứng minh bằng … lời nói và hành động rằng con đường gia nhập NATO của Ukraine là không thể thay đổi được.”