Tuyên bố của EU nêu bật tình trạng nhân quyền bị xói mòn ở Hồng Kông
Trong bài diễn văn trước cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) hôm 26/09, đại diện Liên minh Âu Châu (EU) đã đặc biệt đề cập đến tình hình nhân quyền ở Hồng Kông, bày tỏ mối lo ngại sâu sắc của họ về Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông (NSL) và việc tái áp dụng Luật chống Xúi giục Nổi loạn của chính quyền Hồng Kông, đồng thời đề cập đến vụ bắt giữ Đức Hồng y Trần Nhật Quân (Joseph Zen), Chủ tịch Hiệp hội Ký giả Hồng Kông (HKJA), và việc kết án các thành viên của Tổng Liên đoàn Nhà trị liệu Ngôn ngữ Hồng Kông vì tội xúi giục nổi loạn liên quan đến Vụ án Sách truyện dành cho Trẻ em. Ông mô tả rằng tất cả những trường hợp kể trên trên cho thấy rõ quyền tự do ở Hồng Kông đang bị xói mòn.
Cuộc họp của UNHRC được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ. Hôm 26/09, đại diện EU đã đưa ra một tuyên bố bày tỏ lo ngại về tình hình nhân quyền ở nhiều quốc gia và khu vực, bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Nga, Afghanistan, Ethiopia, Belarus (Belarus), Eritrea, Thổ Nhĩ Kỳ, Palestine, Myanmar, và Nicaragua. Trong số đó, ông đã đề cập đến Hồng Kông trong một đoạn văn riêng biệt.
Tuyên bố của EU nêu rõ họ vẫn lo ngại sâu sắc về Luật An ninh Quốc gia (NSL) hà khắc, việc tái áp dụng Luật chống Xúi giục Nổi loạn, và những thay đổi sâu rộng trong hệ thống bầu cử vi phạm các nguyên tắc dân chủ và khuynh hướng đa nguyên chính trị. Việc thực hiện hợp pháp các quyền con người và các quyền tự do căn bản, đặc biệt là quyền tự do hội họp và lập hội một cách ôn hòa, quyền tự do biểu đạt, bao gồm cả tự do truyền thông, thực chất đang bị xói mòn nghiêm trọng.
Đức Hồng y Trần Nhật Quân, cựu giám mục Hồng Kông, đã bị chính quyền Hồng Kông bắt vì cáo buộc “thông đồng với các thế lực ngoại quốc” hồi tháng 05/2022 vì là người được ủy thác của Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612. Quỹ này được xây dựng nhằm mục đích hỗ trợ nhân đạo và hỗ trợ tài chính thích đáng cho những người bị thương, bị bắt giữ, bị tấn công, hoặc bị đe dọa bạo lực trong các cuộc biểu tình phản đối Dự luật Sửa đổi Luật Chống Dẫn độ.
Chủ tịch của Hiệp hội Ký giả Hồng Kông (HKJA), ông Trần Lãng Thăng (Ronson Chan), đã bị cảnh sát chặn lại để điều tra trên đường đến một buổi phỏng vấn tin tức hồi tháng Sáu năm nay và bị yêu cầu giao nộp căn cước công dân (ID). Ông đã tuân thủ mệnh lệnh của cảnh sát nhưng sau đó bị bắt vì tội cản trở người thi hành công vụ và gây rối trật tự nơi công cộng.
Năm thành viên của Tổng Liên đoàn các Nhà trị liệu Ngôn ngữ Hồng Kông đã bị kết án 19 tháng tù vì xuất bản những gì mà các công tố viên cho là sách trẻ em có nội dung “xúi giục nổi loạn” chống chính phủ. Một bị cáo, cô Lê Văn Linh (Lorie Lai Man-ling), cựu chủ tịch của Tổng Liên đoàn nói, “Tôi sẵn sàng trả giá cho việc thực thi quyền tự do ngôn luận của mình. Dù thua, nhưng tôi vẫn đứng lên và khẳng định lập trường của mình.” Cô ấy tin rằng có những hạn chế đối với quyền tự do ngôn luận, mà không nên trở thành lằn ranh đỏ chính trị.
Tuyên bố của đại diện EU cũng đề cập đến Đức Hồng y Trần Nhật Quân, bốn ủy viên khác, và thủ quỹ, người đã bị bắt vì liên quan đến vụ 612, ông Trần Lãng Thăng, chủ tịch Hiệp hội Ký giả Hồng Kông, người mới bị bắt giữ, và năm thành viên của Tổng Liên đoàn các Nhà trị liệu Ngôn ngữ Hồng Kông đã bị kết án tù vì xuất bản sách dành cho trẻ em. Các trường hợp trên đã làm suy giảm quyền tự do được bảo đảm trong Luật Căn bản của Hồng Kông. Tuyên bố cũng đề cập tính độc lập của cơ quan tư pháp đang chịu áp lực rất lớn và việc giam giữ kéo dài trước khi xét xử trong các vụ án theo Luật An ninh Quốc gia, cũng như việc giải thể của nhiều nhóm xã hội dân sự là nguyên nhân dẫn đến lo lắng.
EU kêu gọi Trung Quốc và chính quyền Hồng Kông khôi phục sự tôn trọng đầy đủ đối với pháp quyền, dân chủ, và nhân quyền, bao gồm quyền tự do lập hội và quyền tự do biểu đạt, bảo đảm sự độc lập của cơ quan tư pháp, cũng như duy trì mức độ tự trị cao của Hồng Kông theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, tuân thủ Luật Căn bản của Hồng Kông và các cam kết trong nước và quốc tế của Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, EU đồng ý với việc Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc công bố báo cáo đánh giá các lo ngại về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương. Báo cáo này nhấn mạnh những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng xảy ra ở Tân Cương và nhận thấy rằng những vi phạm này có thể cấu thành tội ác phản nhân loại.
EU nhắc lại những lo ngại sâu sắc và nhất quán của mình về sự tồn tại của một mạng lưới lớn các trại cải tạo chính trị, các vụ giam giữ tùy tiện hàng loạt, các biện pháp giám sát, theo dõi và kiểm soát trên diện rộng, những hạn chế nghiêm trọng và có hệ thống đối với việc thực hiện các quyền tự do căn bản, bao gồm quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, cũng như việc sử dụng lao động cưỡng bức, tra tấn, cưỡng bức phá thai và triệt sản. Tất cả những điều trên được chứng minh bằng các báo cáo.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times