Hồng Kông: Gần 4,000 công chức sẽ thôi việc, tăng gấp đôi năm ngoái
Một phần họ sợ bị trả đũa chính trị, phần khác là bị ép buộc phải tuyên thệ trung thành với chế độ
Kể từ khi chính phủ Hồng Kông bắt buộc tuyên thệ tuân thủ Luật Căn bản, cam kết trung thành với chính phủ, và cống hiến hết mình để phục vụ chính phủ, số lượng công chức thôi việc đã tăng lên đáng kể.
Số lượng đơn từ chức trong các cơ quan dân sự đã tăng gấp đôi từ gần 2,000 người trong giai đoạn 2020-2021 lên gần 4,000 người trong giai đoạn 2021-2022.
Các nhà bình luận về các vấn đề thời sự tin rằng, việc không gian làm việc bị chính trị hóa đã buộc các công chức phải thực hiện những nhiệm vụ có thể trái với lương tâm của họ, khiến họ quyết định nghỉ việc.
Cục Công vụ gần đây đã đệ trình một báo cáo lên Hội đồng Lập pháp để trình bày về tình hình này.
Theo tài liệu này, năm ngoái, chính phủ Hồng Kông đã mất đi 10,500 công chức, chiếm khoảng 5.9% số lượng công chức hiện có. Báo cáo cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến quyết định nghỉ việc của khoảng 6,100 công chức là do tới tuổi về hưu. Những người khác rời đi vì hết hạn hợp đồng hoặc qua đời.
Báo cáo cho rằng số lượng công chức thôi việc trong những năm gần đây đã “tăng nhẹ” và “số lượng công chức từ chức ít ảnh hưởng đến hoạt động của chính phủ.”
Chính phủ Hồng Kông không nêu rõ tổng số người từ chức, điều này trái ngược với cách chính phủ tiết lộ tổng số công chức về hưu trong giai đoạn 2021-2022, là “khoảng 6,100 người.”
Biểu đồ đường trên mô tả xu hướng nghỉ việc của công chức từ năm 2007 đến năm 2015. Hằng năm, số lượng công chức nộp đơn nghỉ việc không quá 1,000 người. Tuy nhiên, nhìn chung có một xu hướng tịnh tiến.
Sau đó vào giai đoạn 2015-2016, con số này tăng vọt khi hơn 1,000 người nghỉ việc sau Phong trào Dù vàng. Các con số đã tăng gấp đôi trong cả hai năm tài khóa 2020-2021 và 2021-2022, dẫn đến số người thôi việc tương ứng với hai giai đoạn này là gần 2,000 và gần 4,000.
Trong chương trình của mình, người dẫn chương trình trực tuyến Tào Gia Siêu (Anthony Cho Ka-chiu) đã thận trọng nói rằng: “Chính phủ Hồng Kông sẽ không cung cấp cho chúng ta số lượng công chức từ chức hoặc tiết lộ bộ phận nào chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.”
Ông Tào đoán rằng bộ phận chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông, vì trong phần “tuyển vị trí còn trống” đề cập cụ thể đến việc lực lượng cảnh sát sẽ tổ chức “Ngày Tuyển dụng”.
Hồi tháng 10, ông Chu Nhất Minh (Joe Chow Yat-ming), một phó ủy viên cảnh sát (DCP), đã thừa nhận với giới truyền thông rằng lực lượng cảnh sát gặp phải những thách thức trong việc tuyển dụng.
Ông Chu cho rằng sự sụt giảm trong nguồn cung lao động nói chung là do những người trẻ tuổi giảm sự quan tâm đến việc phục vụ chính phủ. Phó ủy viên này cho biết: “Có hơn 5,000 vị trí trống trong Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông.”
Trong giai đoạn tháng 04-09/2022, có 1,816 người ứng tuyển vào các vị trí thanh tra, trong khi 2,654 người ứng tuyển vào các vị trí cảnh sát.
So sánh với cùng thời kỳ của năm 2021, các con số ứng tuyển vào các vị trí trên đã giảm lần lượt 12% và 15%.
Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông tuyển dụng quanh năm. Hồi tháng Năm, Cục trưởng Cục An ninh Đặng Bỉnh Cường (Chris Tang Ping-keung) đã bày tỏ rằng tỷ lệ cảnh sát bị thiếu đã lên tới 18%. Ông Đặng cho biết sở cảnh sát cũng đã tăng điểm lương theo quân hàm/cấp bậc với hy vọng thu hút và giữ được các nhân viên trong cơ quan chấp pháp.
Công chức cho rằng việc buộc tuyên thệ là điều khiến họ nản lòng
Cục Công vụ lần lượt giới thiệu quy trình tuyên thệ cho các công chức mới và đương nhiệm lần lượt vào tháng 10/2020 và tháng 01/2021. Quy trình này yêu cầu tất cả các công chức phải tuyên thệ tuân thủ Luật Căn bản và phụng sự chính phủ Hồng Kông với lòng trung thành, tinh thần trách nhiệm, và sự tận tâm.
Khi trả lời các câu hỏi của Hội đồng Lập pháp vào tháng 06/2022, ông Tăng Quốc Vệ (Tsang Kwok-wai), giám đốc Hội đồng Các vấn đề về Đại lục và Hiến Pháp, cho biết tổng cộng 129 công chức đã bác bỏ và từ chối ký hoặc gửi lại bản tuyên thệ của họ mà không có bất kỳ lời giải thích thỏa đáng nào. Tất cả họ đều nghỉ việc vào cuối năm 2021.
Những công chức nghỉ việc vì các lý do khác, chẳng hạn như thôi việc theo Quy định Công vụ, hết thời gian tập sự, và về hưu sớm. Các đơn từ chức khác là do người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc bị sa thải do vi phạm kỷ luật.
Các công chức trở nên rụt rè, lo sợ
Cựu người dẫn chương trình RTHK Ngô Chí Sâm (Ng Chi-sum) lập luận rằng, trái ngược với niềm tin của công chúng, nhiều vị trí làm việc tại chính phủ có thể được trả lương thấp hơn mức mà cộng đồng doanh nghiệp có thể cung cấp. Tuy nhiên, khi nền kinh tế trở nên bất ổn, làm việc trong hệ thống công chức ở Hồng Kông đã trở thành một lựa chọn tốt.
Ông Ngô kết luận, “Việc buộc công chức tuyên thệ vào năm 2021 không thay đổi kết quả từ chức. Mà môi trường bị chính trị hóa đã lôi kéo công chức thực hiện những nhiệm vụ có thể trái với lương tâm của họ.”
Nỗi sợ về việc tuyên thệ trung thành và sự trả đũa chính trị
Ông Ngô phân tích rằng một số công chức có thể chỉ lo ngại sau khi ký vào bản tuyên thệ trung thành. Ông cho biết các công chức lo lắng tuyên bố này có thể hạn chế các ý kiến công khai của họ. Ông Ngô giải thích: “Xét đến môi trường chính trị hiện tại ở Hồng Kông, các nhân viên chính phủ sợ bị trả đũa hoặc gặp phải các hậu quả chính trị.”
Ông Ngô nói rằng trước khi các nhà chức trách thành lập hội đồng xét duyệt tư cách ứng viên, một quan chức hành chính sẽ được chỉ định làm “người gác cổng”. Nhiệm vụ của các nhân viên hành chính là loại bỏ các ứng cử viên bằng cách sử dụng các tội danh và cáo buộc ngẫu nhiên.
Các thủ thư được yêu cầu thu hồi những cuốn sách được coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và chính phủ Hồng Kông. “Các nhân viên chính phủ lo ngại rằng bất kỳ sự khác biệt nào về quan điểm có thể bị coi là vi phạm lời tuyên thệ. Một số công chức có thể cho rằng nhiệm vụ này là không thể chấp nhận được.” Ông Ngô cho biết mọi thứ chính phủ làm đang ngày càng rời xa các giá trị cốt lõi.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, một công chức cao cấp, cô Dư (hóa danh), đã kể chi tiết rằng cô có một gia đình gồm hai đứa con và bốn người già phải nuôi ở nhà. Cô ấy đã lên kế hoạch rời Hồng Kông trước khi việc tuyên thệ trở thành một yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, vì việc di cư sang một quốc gia khác sẽ mất nhiều thời gian nên cô Dư quyết định tuyên thệ trước.
Cô Dư giải thích: “Vào thời điểm tôi được thông báo về việc tuyên thệ, tôi đã bán căn hộ của mình. Tôi cũng rục rịch lên kế hoạch rời khỏi Hồng Kông.”
Cô Dư cho biết việc từ chức của cô là do cô không thể cảm thấy an tâm với tình trạng các quyền tự do mà cô từng có ở Hồng Kông đang ngày càng bị xói mòn. Cô cũng cho biết cô không muốn nhìn thấy con mình lớn lên trong môi trường tẩy não đã bị ĐCSTQ làm cho ô uế.
“Tại văn phòng của cô, chỉ những người thân Bắc Kinh mới có thể lớn tiếng bày tỏ quan điểm chính trị của họ. Những người khác lựa chọn im lặng vì họ sợ bị sa thải. Tôi thấy mình bị đàn áp.” Cô Dư nghỉ việc vào giữa năm 2022 và di cư đến Canada thông qua các chương trình thuyền cứu sinh của Canada dành cho thường trú nhân Hồng Kông.
Một cư dân mạng đã bình luận trên chương trình của ông Ngô rằng anh từng làm việc cho RTHK. Nhưng điều đó đã thay đổi khi chính phủ buộc anh tuyên thệ trung thành. Anh rời khỏi thành phố này và đến Vương quốc Anh. Cư dân mạng này bộc bạch, “Lý do rất đơn giản. Tôi bị buộc phải tuyên thệ. Vì tôi từng làm việc trong các cơ quan công vụ, tôi đã chứng kiến những ủy viên hội đồng dân chủ mà tôi gặp bị tống vào tù. Tôi không thể ở lại đây [Hồng Kông] thêm nữa.”
Một cư dân mạng khác viết rằng anh ấy là huấn luyện viên bán thời gian tại Sở Dịch vụ Văn hóa và Giải trí (LCSD) từ năm 1998 đến năm 2021. “LCSD đã sa thải tôi vì tôi không ký vào bản tuyên thệ.”
Chính phủ Hồng Kông mất đi lớp công chức trẻ
Số lượng và tỷ lệ công chức trong độ tuổi từ 20 đến 29 đã suy giảm.
Do Lý Nhĩ, Trương Anh Du và Summer Lawson thực hiện
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times