TT Biden: Nếu FDIC tiếp quản, ban quản trị SVB sẽ bị sa thải và các nhà đầu tư sẽ không được bảo vệ
Tổng thống (TT) Joe Biden cho biết trong một bài diễn văn được chuẩn bị sẵn rằng người dân Mỹ có thể tin tưởng rằng hệ thống ngân hàng của Mỹ là an toàn.
Nói chuyện trước chuyến thăm California hôm thứ Hai (13/03) của mình, tổng thống đã đề ra kế hoạch cho chính phủ của ông về Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank.
“Các khoản tiền gửi của quý vị sẽ ở đó khi quý vị cần các doanh nghiệp nhỏ trên toàn quốc,” TT Biden nói. “[Những người có] các tài khoản tiền gửi tại những ngân hàng này có thể cảm thấy an tâm hơn khi biết rằng họ sẽ có thể trả lương cho các nhân viên của họ và có thể thanh toán các hóa đơn của họ. Và những nhân viên làm việc chăm chỉ của họ cũng có thể cảm thấy an tâm hơn về những điều này.”
Ông đã giải thích rằng tất cả các khách hàng, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ, những người đã gửi tiền tại SVB và Signature Bank sẽ có quyền truy cập vào tiền của họ ngay lập tức.
Nếu Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) tiếp quản những ngân hàng này, thì ban quản trị sẽ bị sa thải và các nhà đầu tư sẽ không được bảo vệ.
Tổng thống nói, “Họ [các nhà đầu tư] nhận thức được vấn đề khi chấp nhận rủi ro, và khi rủi ro này không được bù đắp, thì các nhà đầu tư sẽ mất tiền. Đó là cách chủ nghĩa tư bản hoạt động.”
Ông đã nhấn mạnh rằng “những người nộp thuế sẽ không phải gánh chịu bất kỳ tổn thất nào,” đồng thời nói thêm rằng số tiền này sẽ đến từ các khoản phí mà các tổ chức tài chính nộp vào Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi.
Dự đoán về thời gian tới, các cơ quan quản lý liên bang sẽ đánh giá xem ngay từ đầu các ngân hàng này đã vướng vào tình trạng hỗn độn tài chính này như thế nào và bảo đảm những người chịu trách nhiệm cho những hành động đó phải chịu trách nhiệm, để bảo đảm điều này không bao giờ xảy ra nữa.
Tổng thống cho biết, “Trong chính phủ của tôi, không ai đứng trên luật pháp.”
TT Biden cũng đổ lỗi cho cựu tổng thống Donald Trump về những chuyện đã xảy ra, khi khẳng định rằng chính phủ của ông Trump đã chống lại các yêu cầu vốn có thể ngăn một cuộc khủng hoảng tài chính khác giống như cuộc khủng hoảng hồi năm 2008–2009 xảy ra. Do đó, ông sẽ yêu cầu Quốc hội và các cơ quan quản lý ngân hàng tăng cường các quy định đối với ngân hàng “nhằm giảm khả năng sụp đổ ngân hàng kiểu này xảy ra thêm một lần nữa.”
Trong một tuyên bố chung hôm Chủ Nhật (12/03), Cục Dự trữ Liên bang, Bộ Ngân khố, và FDIC đã công bố một kế hoạch khẩn cấp để chỉ định SVB và Signature Bank là “các rủi ro mang tính hệ thống.”
Quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC sẽ được sử dụng để chi trả cho những người gửi tiền, vì nhiều người không được bảo hiểm do mức giới hạn 250,000 USD đối với các khoản tiền gửi được bảo đảm. Ngân hàng trung ương sẽ đưa ra một chương trình tài trợ có kỳ hạn dành cho ngân hàng (BTFP) mới với mục tiêu bảo vệ các công ty có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng bất ổn thị trường có nguy cơ xảy ra sau sự sụp đổ của SVB. Các khoản vay này sẽ được mở ra cho các ngân hàng, các nghiệp đoàn tín dụng, và các hiệp hội tiết kiệm trong tối đa một năm. Những doanh nghiệp này sẽ được yêu cầu nộp tài sản thế chấp, bao gồm công khố phiếu và chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp.
Bộ Ngân khố sẽ cung cấp lên tới 25 tỷ USD từ Quỹ Bình ổn Trao đổi (ESF) của bộ trong trường hợp xảy ra thua lỗ tiềm ẩn.
“Hành động này sẽ củng cố năng lực của hệ thống ngân hàng trong việc bảo vệ các khoản tiền gửi và bảo đảm việc cung cấp tiền và tín dụng liên tục cho nền kinh tế,” Fed cho biết trong một tuyên bố. “Cục Dự trữ Liên bang đã sẵn sàng để giải quyết bất kỳ áp lực thanh khoản nào có thể phát sinh.”
Sự lây lan đã dừng lại?
Hôm Chủ Nhật (12/03), Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Patrick McHenry (Cộng Hòa-North Carolina) đã ra một tuyên bố, gọi đây là “đợt rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng đầu tiên do Twitter kích hoạt.”
“Tại thời điểm này, điều quan trọng là phải giữ bình tĩnh và xem xét thực tế — chứ không phải là suy đoán — khi đánh giá phương hướng đúng đắn phía trước,” Chủ tịch McHenry cho biết. “Tôi tin tưởng vào các cơ quan quản lý tài chính của chúng ta và những biện pháp bảo vệ đã có sẵn nhằm bảo đảm sự an toàn và lành mạnh của hệ thống tài chính của chúng ta.”
Giờ đây khi một kế hoạch đã được thiết lập để bảo vệ những người gửi tiền khỏi sự sụp đổ của SVB và Signature Bank, thì liệu hiệu ứng lây lan đã được ngăn chặn?
Hôm thứ Hai (13/03), giá cổ phiếu của First Republic Bank lao dốc khi các nhà đầu tư lo ngại rằng tổ chức có trụ sở tại San Francisco này có thể đối mặt với các vấn đề về vốn và thanh khoản tương tự. Tuy nhiên, ngân hàng này đã xác nhận trong một tuyên bố hôm Chủ Nhật (12/03) rằng “vốn và thanh khoản của họ rất mạnh, và vốn của họ vẫn cao hơn nhiều so với ngưỡng quy định đối với các ngân hàng có vốn hóa tốt.” Tính đến ngày 31/12/2022, ngân hàng First Republic duy trì khoảng 213 tỷ USD giá trị tài sản.
Cổ phiếu của ngân hàng này đã giảm mạnh khoảng 66% trong giao dịch trước giờ mở cửa hôm thứ Hai (13/03).
Các thị trường tài chính cũng đang chờ xem điều gì sẽ xảy đến với các tài sản của SVB.
Ông Greg McBride, trưởng bộ phận phân tích tài chính tại Bankrate, cho biết trong một ghi chú rằng, “Số phận những tài sản của Silicon Valley Bank vẫn chưa được xác định. Vào thời điểm này, vẫn chưa xác định được liệu một người mua, hay nhiều người mua, có xuất hiện hay không.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times