TT Biden ký sắc lệnh, thành lập Ban Điều hành để quản lý Đạo luật CHIPS trị giá 280 tỷ USD
Hôm 25/08, Tổng thống (TT) Joe Biden đã ký một sắc lệnh để chỉ thị việc thực thi Đạo luật CHIPS trị giá 280 tỷ USD, nhằm mục đích thúc đẩy sản xuất trong nước và nghiên cứu liên quan đến chất bán dẫn.
Lệnh này sẽ bắt đầu cung cấp nguồn tiền cho các công ty, chẳng hạn như Intel – hãng hiện sẽ bắt đầu xây dựng các cơ sở chế tạo ở Hoa Kỳ.
“Đạo luật này … sẽ tạo ra các khoản đầu tư mang tính chuyển đổi để khôi phục và nâng cao vai trò lãnh đạo của Quốc gia chúng ta trong việc nghiên cứu, phát triển, và sản xuất các chất bán dẫn,” một tuyên bố liên quan của Tòa Bạch Ốc được công bố hôm 25/08 nêu rõ.
Tuyên bố trên cũng nói rằng những quỹ này sẽ giúp giảm “sự phụ thuộc vào các công nghệ quan trọng từ Trung Quốc và các chuỗi cung ứng ngoại quốc dễ bị công kích hoặc quá tập trung khác.”
Trong số 280 tỷ USD tài trợ mà dự luật này phân bổ, có khoảng 52 tỷ USD sẽ trực tiếp chuyển đến các công ty dưới hình thức trợ cấp, trong khi phần còn lại sẽ cung cấp cho các chương trình giảm thuế doanh nghiệp, nghiên cứu, và các chương trình xã hội.
Để đạt được mục tiêu đó, sắc lệnh này đã thành lập một Ban Điều hành do các cố vấn tổng thống đồng chủ trì để điều phối việc phát triển chính sách liên quan của dự luật và bảo đảm việc khai triển hiệu quả.
TT Biden đã ký Đạo luật CHIPS và Khoa học hôm 09/08, phân bổ một gói tài trợ trị giá 280 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước và các nỗ lực nghiên cứu khác nhau. Nhưng sắc lệnh này sẽ bắt đầu quá trình thực hiện việc tài trợ.
Một tờ thông tin của Tòa Bạch Ốc về đạo luật này cho biết, “Đạo luật CHIPS và Khoa học sẽ thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, và sản xuất chất bán dẫn của Mỹ, bảo đảm sự dẫn đầu của Hoa Kỳ trong công nghệ tạo nền tảng cho mọi thứ, từ xe hơi đến các thiết bị gia dụng, và cho đến cả các hệ thống phòng thủ.”
“Luật này cũng sẽ bảo đảm việc Hoa Kỳ duy trì và nâng cao lợi thế khoa học và công nghệ của mình.”
Sau khoản tài trợ trị giá 52 tỷ USD cho sản xuất và các chi phí liên quan, phần lớn số tiền còn lại của ngân sách sẽ được chuyển sang việc giảm thuế cho các tập đoàn công nghệ lớn, các sáng kiến năng lượng xanh, và tài trợ nghiên cứu cho các dự án công bằng xã hội khác nhau của chính phủ.
Luật này cũng sẽ cấp hàng tỷ dollar cho các khoản đầu tư vào “các cộng đồng chịu thiệt thòi” để bảo đảm rằng các nhà sản xuất chất bán dẫn “hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế công bằng.”
Tương tự như vậy, Tòa Bạch Ốc cho biết họ sẽ chi một số tiền đáng kể để tiến hành nghiên cứu tại các trường đại học lâu đời dành cho người Mỹ gốc Phi Châu và chống lại việc “sách nhiễu trên cơ sở giới trong các ngành khoa học.”
Ưu tiên đầu tiên đối với Ban Điều hành được liệt kê trong sắc lệnh của TT Biden là tuân thủ và giám sát. Trong khi đó, “đáp ứng các nhu cầu kinh tế, bền vững, và an ninh quốc gia” là ưu tiên thứ hai.
Bất chấp những ồn ào xung quanh dự luật nói trên, các nhà phê bình từ cả hai đảng chính trị đã lên án khoản chi này như là một dạng tài trợ doanh nghiệp, điều có thể làm tăng lạm phát và gây tổn hại cho những người nộp thuế ở Hoa Kỳ.
“Câu hỏi mà chúng ta nên hỏi là đây,” Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (Độc Lập-Vermont) cho biết trong khi tranh luận về dự luật này. “Những người Mỹ nộp thuế có nên cung cấp cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn một tấm séc khống trị giá hơn 76 tỷ USD vào đúng thời điểm khi các công ty bán dẫn đang kiếm được hàng chục tỷ USD lợi nhuận và trả cho các giám đốc điều hành của họ những gói lương thưởng cao ngất ngưởng không?”