Chuyên gia: Hoa Kỳ ‘phụ thuộc nặng nề’ vào Trung Quốc về các nguyên tố đất hiếm
Theo các nhà lập pháp và chuyên gia, việc Hoa Kỳ phụ thuộc vào Trung Quốc về các nguyên tố đất hiếm là một rủi ro an ninh và đang trở nên trầm trọng hơn do chính phủ Tổng thống Biden ép buộc chuyển đổi sang cái gọi là công nghệ xanh.
Việc thúc đẩy từ trên xuống của chính phủ Tổng thống Biden đối với năng lượng có thể tái tạo đòi hỏi việc khai thác các nguyên tố đất hiếm phải phát triển mạnh mẽ. Hiện tại, Hoa Kỳ dựa vào những năng lực khai thác và chế biến của Trung Quốc, một quốc gia có các quy định về môi trường tồi tệ hơn nhiều, để đạt được phần lớn các nhu cầu về đất hiếm của mình.
“Chúng ta phụ thuộc nặng nề vào các quốc gia đối địch ngoại quốc,” Dân biểu Pete Stauber (Cộng Hòa-Minnesota) cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 22/08 với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times. “Nếu ngày nay, quốc gia cộng sản Trung Quốc ngừng bán các khoáng chất đất hiếm và quan trọng của họ cho chúng ta, thì chúng ta sẽ gặp rắc rối lớn từ quốc phòng cho đến hoạt động sản xuất trên toàn cầu.”
Các nguyên tố đất hiếm là một số nguyên tố có các đặc tính riêng biệt đã khiến chúng trở nên quan trọng đối với các công nghệ mới. Các khoáng chất quan trọng này là những nguyên tố đất hiếm không thể thay thế, có nguồn cung hạn chế, hoặc mang tính sống còn về mặt kinh tế.
Những bình luận của ông Stauber được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết Hoa Kỳ sẽ cố gắng chấm dứt “sự phụ thuộc quá mức” vào đất hiếm, thứ mà Hoa Kỳ cần để sản xuất nhiều công nghệ khác nhau, từ tấm pin quang điện, pin xe điện đến điện thoại thông minh.
“Đáng tiếc là chính phủ này phải phụ thuộc vào quốc gia cộng sản Trung Quốc về các khoáng sản quan trọng cũng như các khoáng chất đất hiếm của mình,” Dân biểu Stauber nói. “Điều đó đơn giản là không thể chấp nhận được bởi lẽ chúng ta có các khoáng sản quan trọng và một số ít các nguyên tố đất hiếm ngay tại Hoa Kỳ. Nhưng chính phủ này sẽ không cho phép chúng ta khai thác.”
Theo ông Stauber, chính phủ Tổng thống Biden thiếu ý chí chính trị để đơn giản là khai thác các nguyên tố cần thiết ngay trong nước. Ví dụ, nickel, đồng, và coban đều có tại các hoạt động khai thác hiện nay ở Minnesota. Tuy nhiên, thay vì cho phép các công ty Hoa Kỳ khai thác những khoáng chất này, chính phủ đang theo đuổi chính sách “friendshoring”, trong đó họ chỉ chuyển chuỗi cung ứng hàng hóa gia công từ Trung Quốc sang các quốc gia thân thiện hơn, chẳng hạn như Nam Hàn.
Ông Stauber nói, “Chúng ta có các tiêu chuẩn môi trường tốt nhất, tiêu chuẩn lao động tốt nhất, và cơ hội để đạt được sự độc lập về chuỗi cung ứng của chúng ta và tự kiểm soát vận mệnh quốc gia vĩ đại của chúng ta.”
“Chúng ta không nhất thiết phải làm theo cách này. Chúng ta phải có một chính phủ hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ các khoáng chất quan trọng và khoáng chất đất hiếm của chúng ta. Chúng ta phải đưa đất nước này, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, trở lại vị trí thống trị về khai thác và khoáng sản. Hơn nữa, chúng ta có thể làm được điều đó nếu chúng ta có bản lĩnh chính trị.”
Trung Quốc vũ khí hóa đất hiếm
Bà Ann Bridges, một tác giả tại Thung lũng Silicon đồng thời là cố vấn chính sách tại Viện Heartland, cho biết nỗi lo sợ về việc Trung Quốc vũ khí hóa quyền lực ngày càng tăng của họ đối với các nguyên tố quý hiếm và quan trọng không phải là chưa có tiền lệ.
“Vào năm 2010, thực sự đã nổ ra xung đột về đất hiếm giữa Nhật Bản và Trung Quốc,” bà Bridges nói với NTD. “Trung Quốc đã đáp trả bằng cách không cho Nhật Bản tiếp cận với đất hiếm, việc này thực sự có tác động đến khả năng sản xuất của Nhật Bản.”
“Vì vậy, không nằm ngoài phạm vi tưởng tượng để tin rằng trong thời kỳ chiến tranh, Trung Quốc sẽ thật sự tận dụng loại quyền lực này.”
Trung Quốc là quốc gia có vai trò quan trọng nhất toàn cầu đối với nhiều loại khoáng sản quan trọng, mà nhu cầu hiện đang tăng vọt do công nghệ phát triển. Do đó, bà Bridges cho biết việc thúc đẩy từ trên xuống của chính phủ đối với xe điện và các sáng kiến khí hậu toàn cầu khác cuối cùng có thể đe dọa an ninh của Hoa Kỳ nếu điều này không được tiến hành cẩn thận hơn.
“Chính phủ đương nhiệm hoàn toàn chỉ quan tâm đến vấn đề khí hậu, phải không nào, cứu lấy môi trường phải không?” bà Bridges cho biết. “Đa phần trong số đó là thúc đẩy sản xuất xe điện, nhưng điều đó cần rất nhiều khoáng chất và các nguyên tố đất hiếm. Thế rồi đột nhiên, kiểu như, chà, chúng ta sẽ lấy những thứ đó ở đâu đây? Ở Trung Quốc phải không nào?”
“Chúng ta cần phải hết sức thận trọng về cách chúng ta chấp nhận một thế giới quan duy nhất, cho dù thế giới quan này đến từ Trung Quốc cộng sản, hay đến từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới.”
Ông Andrew Thornebrooke là phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.