Nam Hàn buộc phải chọn bên khi cuộc chiến vi mạch bán dẫn Hoa Kỳ-Trung Quốc nóng lên
Nam Hàn, một quốc gia dẫn đầu trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn toàn cầu, hiện đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, đó là phải chọn bên trong cuộc chiến vi mạch bán dẫn Hoa Kỳ-Trung Quốc. Nam Hàn đã được Hoa Kỳ mời tham gia Liên minh Chip 4 với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đài Loan, rõ ràng là để chống lại sự thống trị của Trung Quốc trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn toàn cầu.
Chất bán dẫn đóng một vai trò quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp chủ chốt bao gồm xe hơi, thiết bị điện, chăm sóc sức khỏe, hệ thống quân sự, và điện toán. Mặt hàng này trọng yếu — cả về kinh tế lẫn chiến lược — đến nỗi chính phủ Nhật Bản và chính phủ Nam Hàn so sánh chất bán dẫn với gạo.
Đại dịch virus corona đã khiến hoạt động sản xuất vi mạch bán dẫn ở Trung Quốc bị ngưng trệ, cũng là nguyên nhân sơ khởi gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp chất bán dẫn trên toàn thế giới, nhưng tình trạng này đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Hoa Kỳ dường như đang quyết tâm tái cấu trúc chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu mà không có sự tham gia của Trung Quốc.
Nam Hàn đã rất thành công trong lĩnh vực kinh doanh bộ nhớ bán dẫn, nhưng nước này phụ thuộc Hoa Kỳ trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn và phụ thuộc Trung Quốc về thị trường xuất cảng. Giờ đây, sự cân bằng này không còn có thể duy trì được khi cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều cố gắng kéo Nam Hàn về phía mình.
Khoản đầu tư 22 tỷ USD của tập đoàn SK Group vào công nghệ Hoa Kỳ
Tổng thống Joe Biden và các chính trị gia chủ chốt khác đã đến thăm Nam Hàn để khuyến khích đầu tư vào ngành kinh doanh vi mạch bán dẫn của Hoa Kỳ.
Trong chuyến thăm Nam Hàn hôm 19/07, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen đã kêu gọi “sản xuất tại các quốc gia bằng hữu” (friend-shoring) – giao thương với các đồng minh “đáng tin cậy” của Hoa Kỳ để giảm bớt sự thống trị của Trung Quốc trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hôm 26/07, tại Tòa Bạch Ốc, ông Chey Tae-won, chủ tịch tập đoàn SK Group Nam Hàn, đã công bố khoản đầu tư trị giá 22 tỷ USD của SK vào các ngành công nghệ của Hoa Kỳ bao gồm chất bán dẫn và dược phẩm.
SK Group là nhà sản xuất chất bán dẫn lớn thứ ba thế giới và đứng thứ hai tại Nam Hàn.
SK có kế hoạch đầu tư 15 tỷ USD vào ngành công nghiệp bán dẫn bao gồm xây dựng các nhà máy sản xuất bộ nhớ bán dẫn, vật liệu, Nghiên cứu & Phát triển; 5 tỷ USD cho năng lượng xanh như vật liệu pin, và các ngành công nghiệp khác như khoa-sinh và dược phẩm. Với các kế hoạch đầu tư trước đây đã được thực hiện trước công bố này, ông Chey nhận xét rằng kế hoạch này nâng tổng số vốn đầu tư của SK Group trong tương lai lên gần 30 tỷ USD.
Ông Biden cho biết: “Thông báo mang tính đột phá này thể hiện bằng chứng rõ ràng rằng Hoa Kỳ, Nam Hàn và các đồng minh của họ đang trở lại và giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh công nghệ của thế kỷ 21.”
Samsung đầu tư 17 tỷ USD vào các nhà máy bán dẫn ở Texas
Hồi tháng Năm, ông Biden đã đến thăm Nam Hàn và nói chuyện với Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-Yong và Chủ tịch Tập đoàn Motor Hyundai Chung Euisun.
Ông cũng đã tham quan Khuôn viên Pyeongtaek của Samsung Electronics và nói chuyện với ông Lee về liên minh vi mạch bán dẫn tiềm năng Hoa Kỳ-Nam Hàn. Samsung Electronics là công ty đi đầu thế giới về bộ nhớ bán dẫn và là xưởng đúc lớn thứ hai trên thế giới. Đây cũng là công ty ngoại quốc duy nhất được mời tham dự một số cuộc họp về chính sách chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ kể từ hồi tháng Mười năm ngoái.
Tháng 11/2021, Samsung đã công bố một khoản đầu tư trị giá 17 tỷ USD vào việc xây dựng các cơ sở sản xuất chất bán dẫn ở Texas, khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của tập đoàn này tại Hoa Kỳ.
Gần đây, Samsung cũng đã nộp 11 đơn đề nghị miễn giảm thuế cho các nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn tiềm năng ở Texas, chiếm khoảng 192.1 tỷ USD tiền đầu tư và 10,000 việc làm. Các đơn đề nghị này nằm trong chương trình ưu đãi theo Đề mục 313 của tiểu bang và Samsung có thể được hưởng lợi từ việc được giảm 4.8 tỷ USD tiền thuế.
Thượng viện Hoa Kỳ thông qua dự luật trị giá 280 tỷ USD để chống lại mối đe dọa cạnh tranh của Trung Quốc
Hôm 27/07, Thượng viện đã thông qua “Đạo luật CHIPS và Khoa học” trị giá 280 tỷ USD, phân bổ hàng tỷ dollar cho nghiên cứu khoa học và sản xuất vi mạch bán dẫn nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ. Đạo luật này cung cấp một khoản tài trợ 52 tỷ USD cho các nhà sản xuất vi mạch bán dẫn trên toàn tiểu bang và một khoản ưu đãi thuế 25% trị giá 24 tỷ USD cho khoản đầu tư vào hoạt động sản xuất vi mạch bán dẫn trong nước.
Các công ty như Samsung, SK Group, Intel, và TSMC đã công bố các kế hoạch đầu tư lớn vào Hoa Kỳ và do đó sẽ được hưởng lợi ích từ đạo luật nói trên, với một điều kiện: họ không được phép mở rộng sản xuất vi mạch bán dẫn tân tiến của mình ở Trung Quốc, hoặc ở bất kỳ quốc gia đáng lo ngại nào khác, trong 10 năm. Công ty nào vi phạm các hạn chế nói trên sẽ được đề nghị hoàn lại tiền tài trợ của liên bang.
Trung Quốc đe dọa: Nam Hàn theo Hoa Kỳ là ‘tự sát thương mại’
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tập trung vào việc mở rộng ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, thể hiện qua việc chi tiêu lớn nhằm củng cố vị thế thống trị của họ trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Khi cuộc chiến vi mạch bán dẫn Hoa Kỳ-Trung Quốc ngày càng nóng lên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cố gắng kéo Nam Hàn về phía mình, với lời đe dọa là Nam Hàn sẽ mất đi thị trường xuất cảng là Trung Quốc.
Cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, Thời báo Hoàn Cầu, đã đăng một bài xã luận có nhan đề “Nam Hàn cần mạnh dạn nói ‘không’ với sự cưỡng bách của Hoa Kỳ” hôm 20/07, chỉ trích liên minh Chip 4 và đe dọa Nam Hàn rằng việc gia nhập liên minh này có thể dẫn đến những tổn thất đáng kể. Bài báo của tờ Thời báo Hoàn Cầu lưu ý rằng 60% trong số 128 tỷ USD doanh thu xuất cảng chất bán dẫn của Nam Hàn năm ngoái được xuất cảng sang Trung Quốc và Hồng Kông, và việc rời bỏ một thị trường như vậy cũng tương đương với “hành động tự sát thương mại”.
Trong cuộc họp báo hôm 26/07, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phản đối mạnh mẽ việc Nam Hàn gia nhập liên minh Chip 4 và nhắc lại tầm quan trọng của Trung Quốc đối với Nam Hàn, đặc biệt là về hoạt động xuất cảng.
Hôm 25/07, trong cuộc trò chuyện giữa Bộ trưởng Thương mại Nam Hàn Ahn Duk-geun và Đại sứ Trung Quốc tại Nam Hàn Hình Hải Minh (Xing Haiming), ông Hình nói rằng Trung Quốc muốn tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại với Nam Hàn, và sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp Nam Hàn.
Trong cuộc gặp của ông Hình với người đứng đầu Ủy ban Đặc biệt về Ngành công nghiệp Bán dẫn của Nam Hàn Yang Hyang-ja hôm 26/07, ông cho biết Trung Quốc hy vọng có thể “ngăn chặn sự can thiệp của ngoại quốc” vào Nam Hàn và củng cố các tập đoàn trong ngành bán dẫn.
Nhưng gần đây, bà Yang nói rằng bà đã đề nghị với Tổng thống Yoon Suk-yeol rằng Nam Hàn nên tham gia vào Liên minh Chip 4. Bà nói, một liên minh suy yếu hoặc tan vỡ với Hoa Kỳ sẽ tồi tệ hơn một liên minh với Trung Quốc, vì vậy, Nam Hàn nên có một liên minh chiến lược với Hoa Kỳ.
Thủ tướng Han Duck-soo: Cần nhìn vào mặt tích cực của liên minh bốn nước
Trong cuộc phỏng vấn với đài KBS hôm 28/07, khi được hỏi về việc liệu Nam Hàn có tham gia liên minh Chip 4 hay không, Thủ tướng Han Duck-soo đã trả lời rằng cần phải nhìn vào mặt tích cực của liên minh này.
Thủ tướng giải thích rằng với tư cách là một nhà lãnh đạo toàn cầu trong ngành công nghiệp bán dẫn, việc Nam Hàn gia nhập liên minh này sẽ giúp dễ dàng chia sẻ thông tin hơn, giữ vị trí hàng đầu trong việc đặt ra các quy tắc, và tăng cường sự hợp tác của Nam Hàn với các nước thành viên khác.
Cô Lisa Bian là một cây bút của The Epoch Times sinh sống tại Nam Hàn. Cô chuyên viết về xã hội Nam Hàn, văn hóa, và các mối quan hệ quốc tế của nước này.