Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực chất bán dẫn và an ninh kinh tế
Hôm thứ Sáu (29/07), Hoa Kỳ và Nhật Bản tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác trong việc thúc đẩy an ninh kinh tế, đồng thời xây dựng khả năng thích ứng và phục hồi của chuỗi cung ứng để đối phó với những thách thức do Trung Quốc và cuộc chiến Nga-Ukraine gây ra.
Các quan chức hàng đầu của hai nước đã gặp nhau tại Hoa Thịnh Đốn trong cuộc đàm phán an ninh “hai cộng hai” đầu tiên, trong đó họ tiết lộ kế hoạch khởi động một trung tâm nghiên cứu chung mới cho chất bán dẫn thế hệ tiếp theo.
Cuộc họp có sự tham gia của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, cũng như Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi, và Bộ trưởng Thương mại Koichi Hagiuda.
Trình bày trước giới báo chí, ông Hagiuda nói rằng “Nhật Bản sẽ nhanh chóng bắt tay vào hành động” về chất bán dẫn thế hệ tiếp theo, vốn là lĩnh vực mà hai đồng minh này đã đồng ý đẩy nhanh hoạt động nghiên cứu và phát triển chung.
Trung tâm nghiên cứu nói trên sẽ mở cửa cho “các doanh nghiệp và viện nghiên cứu ở hải ngoại,” kể cả cho sự hợp tác từ các “quốc gia cùng chí hướng”, ông nói.
Ông Hagiuda nhận xét, “Bất kể quy mô của đất nước đó ra sao, họ phải mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia. Khuôn khổ kinh tế [hai cộng hai] này là một chiếc la bàn để hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.”
Trước mắt, hai quốc gia này không công bố thêm thông tin chi tiết nào về kế hoạch của họ, nhưng tờ Nikkei Shimbun của Nhật Bản cho biết trung tâm này sẽ được thành lập tại Nhật Bản vào cuối năm nay để nghiên cứu vi mạch bán dẫn 2 nanomet.
Hoa Kỳ cũng đang theo đuổi hợp tác bán dẫn với Nam Hàn thông qua khuôn khổ liên minh “Chip 4”, trong đó Đài Loan và Nhật Bản đã đồng ý tham gia.
Đài Loan hiện là quốc gia sản xuất phần lớn vi mạch bán dẫn dưới 10 nanomet, nhưng có lo ngại về sự ổn định của nguồn cung nếu căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc trở nên tệ hơn. Trung Quốc vốn coi hòn đảo này là một tỉnh nổi loạn.
Chống lại các mối đe dọa
Hai nước đồng minh cũng đã đưa ra một tuyên bố chung, trong đó họ tái khẳng định cam kết “chống lại các mối đe dọa đối với an ninh kinh tế và trật tự kinh tế quốc tế dựa trên luật lệ”, đồng thời cam kết làm cho nền kinh tế của họ trở nên “cạnh tranh và có sức bền hơn”.
Theo tuyên bố chung, liên minh này muốn hướng tới “làm sâu sắc thêm các cuộc thảo luận và thúc đẩy hợp tác giữa các đối tác cùng chí hướng” đồng thời kêu gọi tất cả các nền kinh tế lớn tuân thủ luật lệ và nghĩa vụ quốc tế.”
Ông Blinken cho biết đại dịch COVID-19 và chiến tranh Nga-Ukraine đã để lộ ra điểm yếu trong các chuỗi cung ứng quan trọng, trong khi “ngày càng nhiều quốc gia” đang phải chật vật giải quyết gánh nặng nợ nần theo sau “các hoạt động cho vay không bền vững và không minh bạch”.
Ông nói với các phóng viên: “Các hoạt động kinh tế mang tính cưỡng chế và trả đũa của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa buộc các quốc gia phải đi đến các lựa chọn thỏa hiệp về an ninh, sở hữu trí tuệ, và sự độc lập kinh tế của họ.”
Hoa Kỳ và Nhật Bản cam kết phối hợp với các đối tác cùng chí hướng khác để giải quyết “sự cưỡng ép kinh tế, đối đầu hiệu quả với các chính sách và thông lệ phi thị trường, đồng thời đưa ra thông điệp đã qua đánh giá kỹ lưỡng cho cộng đồng quốc tế.”
“Là các nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ ba trên thế giới, điều quan trọng là chúng ta phải làm việc cùng nhau để bảo vệ một trật tự kinh tế quốc tế dựa trên luật lệ, một trật tự mà tất cả các quốc gia đều có thể tham gia, cạnh tranh, và thịnh vượng,” Ngoại trưởng Blinken nói.
Hoa Kỳ và các quốc gia khác trước đây đã chỉ trích công khai việc Bắc Kinh sử dụng “ngoại giao bẫy nợ” để chiêu dụ các nước tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường của họ, vốn được lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013 nhằm củng cố mạng lưới thương mại của Bắc Kinh.
Cô Aldgra Fredly là một cây bút tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.