Nam Hàn: Cường quốc xuất cảng vũ khí mới ở Á Châu?
Thị trường vũ khí quốc tế vốn không phải là một nơi đem lại cơ hội bình đẳng. Không có sân chơi bình đẳng trong thị trường này, ngay cả những quốc gia dẫn đầu thị trường như Hoa Kỳ, Âu Châu, Nga, và một số quốc gia khác cũng không thao túng toàn bộ lĩnh vực kinh doanh vũ khí. Do những rào cản lớn đối với việc gia nhập, nên một nhà xuất cảng vũ khí có tham vọng khó lòng có thể thâm nhập vào ngành này.
Chi phí thường ít liên quan đến việc mua vũ khí hơn người ta có thể nghĩ. Các hệ thống vũ khí có giá rẻ nhất thường không phải là những hệ thống được chọn cuối cùng.
Thậm chí, năng lực thường cũng không phải là một yếu tố chính trong việc quyết định mua loại khí tài nào từ nhà cung cấp nào. Đa phần khí tài hiện đại — chiến đấu cơ, thiết vận xa, hỏa tiễn, chiến hạm — khá giống nhau. Về công năng, các loại khí tài này có sự trùng lặp đáng kể; bất kỳ vũ khí nào trong số đó cũng có thể “vận hành chiến đấu.”
Vậy tại sao một vài khách hàng lại ưu ái một số nhà cung cấp vũ khí nhất định? Trước hết, khách hàng thường thể hiện thứ chỉ có thể được gọi là “sự trung thành với thương hiệu.” Cha tôi là một người hâm mộ “General Motors”: cả đời ông chỉ mua Buicks hoặc Pontiacs; việc mua một chiếc Ford sẽ không bao giờ xuất hiện trong tâm trí của ông. Các quốc gia nhập cảng vũ khí thường giống nhau: họ có các nhà cung cấp ưu tiên, và nhiều quân đội sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho một bộ vũ khí cụ thể nào đó, ngay cả khi nó tốn nhiều chi phí hơn. Bên cạnh đó, trong thế giới buôn bán vũ khí, giá cả luôn có thể thương lượng được.
Chính trị cũng đặc biệt quan trọng. Chẳng hạn, các quốc gia có truyền thống mua vũ khí từ Hoa Kỳ để xây dựng các mối bang giao hữu hảo và củng cố liên minh. Đó là lý do tại sao rất nhiều quốc gia trên toàn thế giới đã mua chiến đấu cơ F-16 từ Hoa Kỳ: đó là một cách để một quốc gia thể hiện lòng trung thành với Hoa Thịnh Đốn; đổi lại, họ mong đợi một sự cam kết phòng thủ đáng tin cậy từ Hoa Kỳ.
“Gửi đi tín hiệu” là một yếu tố quan trọng khác trong quá trình ra quyết định chính trị. Ví dụ, Hoa Kỳ, bằng cách cung cấp vũ khí cho một quốc gia cụ thể — chẳng hạn như Đài Loan hoặc Ukraine — đang gửi đi một tín hiệu (trong trường hợp này, là gửi đến Trung Quốc và Nga) rằng Hoa Thịnh Đốn xem an ninh và quyền bất khả xâm phạm lãnh thổ của những khách hàng này là vô cùng quan trọng đối với Hoa Kỳ.
Cuối cùng, các quân đội ưu tiên thiết bị có uy tín đã được chứng minh về hiệu lực và độ tin cậy. Họ đặc biệt thích những hệ thống “có tính hủy diệt trong trận chiến.” Đây là lý do tại sao rất nhiều quốc gia thích mua khí tài từ Israel; vũ khí của Israel đã được chứng minh về tính hiệu quả và độ chắc chắn, mà trên hết, đã được “kiểm chứng trong chiến đấu.”
Do đó, thị trường vũ khí toàn cầu đã ổn định đáng kể trong 20 năm qua. Ví dụ, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, vào giữa những năm 1990, năm nhà xuất cảng vũ khí lớn nhất chiếm 83% tổng số vũ khí được chuyển giao quốc tế. Hồi năm 2021, năm công ty hàng đầu này vẫn nắm giữ khoảng 78% lĩnh vực kinh doanh này. Trên thực tế, nếu các nhà xuất cảng vũ khí chủ lực truyền thống được gộp lại với nhau — Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, và Ý — thì họ sẽ kiểm soát toàn bộ thị trường, ngoại trừ 16% thị trường vũ khí hiện tại.
Do đó, các nhà cung ứng mới không có nhiều cơ hội để thâm nhập. Ví dụ, Israel đã tạo ra một thị trường ngách béo bở cho mình với tư cách là nhà cung cấp một số thiết bị quân sự quan trọng, đặc biệt là thiết bị không người lái, vũ khí chống tăng và hỏa tiễn phòng không, radar, và hệ thống quang điện tử — nhưng điều này vẫn chỉ đủ để giành được một thị phần nhỏ (khoảng 2.5%) trong tổng thị trường toàn cầu.
Nam Hàn
Tất cả những yếu tố này là lý do tại sao những thành công mới đây của Nam Hàn trên thị trường vũ khí quốc tế lại rất ấn tượng. Bất chấp những rào cản đáng kể đối với việc gia nhập thị trường và các phân khúc thị trường đã bão hòa với các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao, Nam Hàn đã đạt được doanh thu rất cao trong những năm gần đây.
Hầu hết lượng hàng này chỉ giới hạn ở một số sản phẩm nhưng đã được bán rộng rãi trên thị trường. Ví dụ, Nam Hàn đã xuất cảng đạn pháo tự hành K9 155mm của mình đến tối thiểu tám quốc gia, trong đó có Úc, Ai Cập, Estonia, Phần Lan, Ấn Độ, Na Uy, và Thổ Nhĩ Kỳ. Seoul đã bán chiến đấu cơ huấn luyện cho Indonesia, Peru, Senegal, và Thổ Nhĩ Kỳ; hay bán tàu ngầm cho Indonesia; và bán các tàu tác chiến đổ bộ cho Indonesia, Peru, và Philippines. Thổ Nhĩ Kỳ đang sản xuất một loại thiết vận xa nội địa với một động cơ và hộp số được sử dụng trên thiết vận xa K2 Black Panther của Nam Hàn.
Đặc biệt, mới đây Nam Hàn đã tham gia vào thị trường chiến đấu cơ toàn cầu đầy cạnh tranh. Seoul chế tạo phản lực cơ huấn luyện/tấn công hạng nhẹ “Đại bàng vàng” (Golden Eagle) T-50, mà nước này đã ký thỏa thuận xuất cảng với Columbia, Indonesia, Iraq, Philippines, và Thái Lan; năm quốc gia này cùng mua 90 phiên bản khác nhau của T-50.
Tuy nhiên, thỏa thuận vũ khí quan trọng nhất của Nam Hàn là với Ba Lan. Chỉ trong năm nay, Seoul đã ký nhiều hợp đồng với Warsaw để bán 180 thiết vận xa K2, 212 khẩu pháo K9, 300 bệ phóng hỏa tiễn K239 Chunmoo, và 48 phiên bản chiến đấu cơ T-50 tấn công mặt đất. Tổng cộng, lượng hàng này trị giá ít nhất 9 tỷ USD.
Nhìn chung, tổng doanh thu bán vũ khí của Nam Hàn trong giai đoạn 2017-2021 đã tăng 177% so với 5 năm trước đó. Seoul chiếm hết thảy 2.8% thị trường vũ khí chung, trở thành nước xuất cảng vũ khí lớn thứ tám thế giới, trên cả Israel.
Tổng giá trị xuất cảng vũ khí của Nam Hàn đạt 15 tỷ USD trong năm 2022 và có thể đạt 20 tỷ USD vào cuối năm nay.
Làm thế nào Seoul đạt được một kỳ tích như vậy? Ở một mức độ đáng kể, các loại vũ khí mà họ bán ra được “thương mại hóa” cao, nghĩa là chúng mang tính đặc trưng về kỹ thuật hoặc tính năng phổ biến hơn là bởi thương hiệu hoặc độc nhất về năng lực. Hàng hóa được bán trên thị trường chủ yếu dựa trên giá cả, và trong trường hợp này, vũ khí giá rẻ hơn mà chất lượng khá tốt của Nam Hàn đã có thể bán rẻ hơn các đối thủ cạnh tranh của họ.
Khi Nam Hàn nỗ lực tiến lên để đưa các hệ thống vũ khí phức tạp, tân tiến hơn ra thị trường thì lợi thế của nước này có thể tiêu tan. Đồng thời, sức mạnh của Nam Hàn luôn là sự lạc quan gần như vô biên, họ có thể tin rằng nếu kiên trì và chỉ cần cố gắng hơn nữa, họ có thể vượt qua mọi rào cản hoặc thất bại.
Một trong những thách thức lớn nhất của Seoul có thể là việc bảo đảm được một danh sách khách hàng ổn định mà họ có thể kỳ vọng để có các đơn đặt hàng tiếp theo. Điều đó không phải là không thể đối với một quốc gia sản xuất nhỏ như Nam Hàn để xây dựng một vị thế thành công trên thị trường vũ khí toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ có mỗi sự lạc quan thì sẽ không bán được chiến đấu cơ.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times