Trung Quốc đang mở rộng mạng lưới căn cứ ở ngoại quốc
Đầu những năm 2010, Trung Quốc bắt đầu xây dựng một nhóm đảo nhân tạo thuộc Quần đảo Trường Sa. Vào thời điểm đó, giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cam kết là sẽ không quân sự hóa những hòn đảo này.
Hóa ra đó là một lời nói dối, và một vài hòn đảo sau đó đã được xây dựng với hệ thống đường băng và bến cảng có khả năng tiếp nhận phi cơ quân sự và chiến hạm. Ngoài ra, các đảo này còn được trang bị các trạm radar, súng phòng không, hỏa tiễn hành trình chống hạm, và hỏa tiễn đất đối không tầm xa.
Quần đảo Trường Sa là một chuỗi đảo gồm chủ yếu là các rạn san hô ở phía đông Biển Đông hầu như không nổi lên trên mặt biển. Tuy nhiên, những hòn đảo san hô này lại tiếp giáp với các tuyến đường liên lạc chính trên biển (SLOC) cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên hàng hải có tiềm năng sinh lợi, chẳng hạn như nguồn lợi thủy sản và các mỏ dầu khí.
ĐCSTQ lại tiếp tục chuyển sang đại xảo ngôn tiếp theo của mình. Trong nhiều thập niên, họ từng tán thành một chính sách ngoại giao “theo chủ nghĩa không can thiệp,” trong đó phản đối ý tưởng thành lập các căn cứ hải quân hoặc quân sự ở hải ngoại, cùng nhiều đề mục khác. Lập trường này chủ yếu được sử dụng để chỉ trích các quốc gia như Hoa Kỳ, vốn có hàng trăm căn cứ và địa điểm như vậy trên toàn thế giới.
Giờ đây, chúng ta đều biết, từ các tài liệu bị rò rỉ trên “Discord” (tức các nhóm trò chuyện), rằng Trung Quốc đang trù hoạch xây dựng một mạng lưới các căn cứ và địa điểm tiếp vận trải dài từ Biển Đông qua Ấn Độ Dương và đến đông Đại Tây Dương. Đây là toàn bộ những thứ được gọi là Dự án 141, một kế hoạch nhằm thiết lập tối thiểu năm căn cứ ở ngoại quốc và mười trung tâm hỗ trợ hậu cần vào năm 2030.
Theo kế hoạch này, Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) muốn tạo ra một mạng lưới tiền đồn quân sự trên toàn thế giới ở Guinea Xích đạo, Djibouti, Cộng hòa Ả Rập Thống nhất (UAE), Cambodia, và Mozambique. Theo các thông tin rò rỉ từ Discord, hai trong số những tiền đồn này hiện đang trong quá trình xây dựng — một tiền đồn đang hoạt động, và hai tiền đồn còn lại đang chờ thông qua.
Căn cứ hoạt động đầu tiên trong số các căn cứ này là ở Djibouti, một tiểu vương quốc nằm trong khu vực Sừng Phi châu ngay cửa ngõ phía nam của Hồng Hải. Djibouti nằm ở vị trí chiến lược gần một số tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới, đang kiểm soát việc tiếp cận Hồng Hải và Ấn Độ Dương. Cảng này cũng đóng vai trò như một trung tâm tiếp nhiên liệu và trung chuyển quan trọng và là cảng hàng hải chính cho hàng hóa nhập cảng và xuất cảng từ nước lân bang Ethiopia.
Trung Quốc bắt đầu xây dựng cơ sở quân sự của mình ở đó vào năm 2016, vì vậy họ trả cho chính phủ Djibouti 20 triệu USD mỗi năm. Căn cứ mà PLA gọi là một “cơ sở hỗ trợ hậu cần” này có một bến tàu dài 1,120 foot (khoảng 341 mét) (đủ lớn để chứa hàng không mẫu hạm của Trung Quốc) và là nơi đồn trú của khoảng 1,000 đến 2,000 nhân viên quân sự.
Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện và các hoạt động của mình tại Djibouti. Họ sắp hoàn thành việc xây dựng các hoạt động anten cho bộ sưu tập SATCOM và SIGINT ở châu Phi, châu Âu, Trung Đông. Hồi tháng Một, Trung Quốc và Djibouti đã ký một thỏa thuận thành lập phi trường không gian đầu tiên ở châu Phi.
Trung Quốc cũng đang bí mật xây dựng một “cơ sở độc lập” đặt tại Căn cứ Hải quân Ream ở Cambodia, mà sự tồn tại của cơ sở này đã được phát hiện thông qua giám sát vệ tinh. Công trình này bao gồm hai cầu tàu mới và một vài tòa nhà mới. Phần này của căn cứ hải quân sẽ nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Trung Quốc.
Trung Quốc đang xem xét các quốc gia khác ở châu Phi để tìm những cơ hội đặt căn cứ mới, bao gồm Guinea Xích đạo và Gabon, Mauritania, Nigeria, Mozambique, và Tanzania. Theo các thông tin rò rỉ trên Discord, cộng đồng tình báo Hoa Kỳ ngày càng lo ngại rằng Trung Quốc có ý định thiết lập một căn cứ hải quân tại Bata, Guinea Xích đạo, dọc theo bờ biển phía tây của châu Phi. Bata hiện đang sở hữu một cảng nước sâu do một công ty Trung Quốc xây dựng. Nếu đúng thế, thì Hải quân PLA có thể có sự hiện diện quân sự thường trực đầu tiên ở Đại Tây Dương, cho phép các chiến hạm Trung Quốc tiếp cận trực tiếp bờ biển phía đông của Hoa Kỳ.
Các đại diện của ĐCSTQ cũng được cho là đã đến thăm Guinea Xích đạo và Gabon để thảo luận về việc xây dựng một trung tâm đào tạo chung. Trung Quốc cũng được cho là đang cố gắng hoàn tất một thỏa thuận có tên là “status of forces” (tạm dịch: Thỏa thuận về Tình trạng Pháp lý của Các Lực lượng Vũ trang) với Mozambique để xây dựng một căn cứ quân sự ở đó. Trong khi đó, Bắc Kinh đang củng cố mối bang giao với Nigeria qua nhiều thương vụ mua bán vũ khí, bao gồm các loại phi cơ không người lái được vũ trang và tiêm kích cơ JF-17.
Trung Quốc đặc biệt tích cực trong việc tìm kiếm các cơ hội đặt căn cứ mới trên vùng duyên hải Ấn Độ Dương. ĐCSTQ đã xây dựng các cảng nước sâu ở Pakistan (Gwadar và Karachi), Sri Lanka (Colombo và Hambantota), và Miến Điện/Myanmar (Sittwe).
Đáng báo động hơn, Trung Quốc đang hợp tác chặt chẽ với UAE — một đối tác an ninh quan trọng của Hoa Kỳ ở vùng Vịnh — để thiết lập một căn cứ PLA và kho tiếp vận tại Khu Công nghiệp Khalifa ở Abu Dhabi. Bắc Kinh đã đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào việc phát triển cảng này, và một vài công ty Trung Quốc đang tham gia vào việc xây dựng và vận hành cảng này.
Theo một báo cáo gần đây của chính phủ Hoa Kỳ, Trung Quốc đã và đang sử dụng Cảng Khalifa làm căn cứ cho các hoạt động của quân đội và hải quân của họ. Báo cáo đó tuyên bố rằng Trung Quốc đang sử dụng cảng này như một trung tâm cho quân nhân, thiết bị, và vật tư. Ngoài ra, PLA đã xây dựng một khu liên hợp quân sự tại cảng này, bao gồm các doanh trại, văn phòng, và nhà kho lưu trữ, tất cả đều nằm trong một hàng rào vành đai.
Với mạng lưới căn cứ quân sự và trung tâm tiếp cận ngày càng bành trướng trên toàn cầu, ĐCSTQ đã thay đổi giọng điệu của mình về tính hợp pháp và chính đáng của các cơ sở ở ngoại quốc. Theo một bài báo năm 2019 của bà Tiết Quế Phương (Xue Guifang) và ông Trịnh Khiết (Zheng Jie), Trung Quốc hiện cần các căn cứ quân sự ở ngoại quốc để “bảo vệ các lợi ích mở rộng ở ngoại quốc và thực hiện tốt hơn các trách nhiệm quốc tế.” Ngoài ra, họ lập luận rằng, “Các căn cứ quân sự ở hải ngoại của Trung Quốc chủ yếu sẽ phục vụ cho các mục đích hòa bình.”
Như vậy, Trung Quốc không gọi cơ sở ở Djibouti của họ là một “căn cứ hải quân.” Thay vào đó, họ gọi địa điểm này là một “cơ sở hỗ trợ hậu cần … không chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động tác chiến.” Hai tác giả này nhấn mạnh rằng các cơ sở của Trung Quốc tại Djibouti không cấu thành một căn cứ quân sự vì “những nơi này không đáp ứng các tiêu chuẩn quân sự về quy mô và chức năng, chẳng hạn như chứa các tàu hải quân.” (Tất nhiên, căn cứ vào việc xây dựng bến tàu mới dài hơn 1,000 foot tại cơ sở này, thì lập luận này xem như vô tác dụng.)
Bắc Kinh “bỗng nhiên” phát hiện ra việc sử dụng “hòa bình” của các căn cứ ở ngoại quốc. Dấu ấn quân sự toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc ban đầu có thể là kết quả của việc mở rộng các lợi ích kinh tế và thương mại quốc tế (“hạm đội theo sau lá cờ!”). Tuy nhiên, khát vọng địa chiến lược và quyền lực lớn ngày một trào dâng đang vượt xa kinh tế học. Giống như Hoa Kỳ, Trung Quốc muốn trở thành một siêu cường toàn cầu với sự hiện diện bao trùm thế giới, và những tham vọng này đang thúc đẩy các kế hoạch đặt căn cứ mới phủ sóng toàn thế giới của họ.
Trong những trường hợp như vậy, kinh tế sẽ không phải là yếu tố dẫn đầu mà chỉ củng cố thêm cho các nỗ lực toàn cầu hóa quân sự của Trung Quốc.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times