Đầu tư ngoại quốc vào các dự án mới tại Hoa Kỳ tiếp tục sụt giảm
Hoa Kỳ có thành tích kém trong việc thu hút các nhà đầu tư toàn cầu, với các khoản đầu tư ngoại quốc vào các cơ sở mới đã giảm mạnh trong vài thập niên qua.
Theo một phân tích gần đây từ Tổ chức Công nghệ Thông tin và Đổi mới (ITIF), một tổ chức tư vấn công nghệ, giá trị của các khoản đầu tư trực tiếp ngoại quốc vào dự án mới (greenfield FDI) so với quy mô của nền kinh tế Mỹ đã giảm 96% kể từ những năm 1990. Đầu tư trực tiếp ngoại quốc vào dự án mới là các khoản đầu tư ngoại quốc vào các cơ sở mới được xây dựng hoặc mở rộng.
Theo ông Ian Clay, trợ lý nghiên cứu tại ITIF, trong khi đầu tư ngoại quốc vào Hoa Kỳ đã tăng trở lại vào năm 2021, tình hình không được sáng sủa như vẻ bề ngoài.
“Tỷ lệ vốn FDI đầu tư vào các cơ sở mới hoặc mở rộng ở Hoa Kỳ tiếp tục giảm,” ông viết trong một báo cáo gần đây. “Các công ty ngoại quốc có vẻ sẵn sàng mua những tài sản hiện có của các công ty Hoa Kỳ nhưng không sẵn sàng xây dựng các cơ sở mới hoặc mở rộng các cơ sở hiện có ở Hoa Kỳ.”
Năm 2021, tổng giá trị các khoản chi tiêu cho dự án mới chỉ là 3.4 tỷ USD, hay 0.01% tổng sản phẩm quốc nội Hoa Kỳ.
Theo ý kiến của ông Clay, việc đầu tư chậm chạp vào cơ sở hạ tầng mới đã bác bỏ quan điểm cho rằng Hoa Kỳ là một thỏi nam châm thu hút đầu tư ngoại quốc.
Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ (BEA) báo cáo rằng dòng vốn FDI vào Hoa Kỳ đã phục hồi vào năm 2021 sau khi giảm mạnh kể từ năm 2018. Đầu tư ngoại quốc tăng lên 333.6 tỷ USD, tăng từ 141.4 tỷ USD vào năm 2020.
Tuy nhiên, các thương vụ mua lại — việc mua các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã thành lập — phần lớn là yếu tố dẫn đến sự phục hồi này. Và những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ các thương vụ mua lại của ngoại quốc trong năm ngoái là dược phẩm; địa ốc; và các dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp, khoa học, và kỹ thuật.
BEA chia FDI thành ba nhóm: mua lại, thành lập, và mở rộng. Việc thành lập và mở rộng được coi là chi tiêu cho dự án mới, nhóm này được mong đợi nhiều hơn.
ITIF nói rằng đầu tư vào các dự án mới là đầu tư trực tiếp vào năng lực sản xuất của nền kinh tế tiếp nhận đầu tư. Tuy nhiên, việc mua lại chỉ liên quan đến việc chuyển giao quyền sở hữu cho một tổ chức ngoại quốc. Do đó, đầu tư vào các dự án mới là những thương vụ đầu tư quan trọng và hấp dẫn nhất đối với các quốc gia.
Năm 2021, chi tiêu cho dự án mới chỉ chiếm 1% trong dòng vốn FDI vào Hoa Kỳ, trong khi các hoạt động mua lại chiếm đến 99% còn lại.
Một số nhà quan sát cho rằng chính phủ Hoa Kỳ đã không nỗ lực để khuyến khích đầu tư vào dự án mới vào thời điểm nhiều tập đoàn toàn cầu đang cân nhắc việc rời khỏi Trung Quốc.
Một cuộc khảo sát gần đây của QIMA, một nhà cung cấp dịch vụ kiểm soát chất lượng và tuân thủ, cho thấy nỗ lực của các công ty toàn cầu nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc vẫn tiếp tục, đặc biệt là sau các đợt phong tỏa liên quan đến COVID-19 trong năm 2022 do chính quyền Trung Quốc áp đặt, gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, có vẻ như Hoa Kỳ không được hưởng lợi từ cuộc di dời này.
Các ưu đãi dành cho R&D
Theo ITIF, các dòng vốn FDI dành cho dự án mới đổ vào Hoa Kỳ không phục hồi vì chúng phụ thuộc nhiều vào các ưu đãi về nghiên cứu và phát triển (R&D) và các chính sách hào phóng khác dành cho chi tiêu vốn.
Ông Clay nói với The Epoch Times: “Các ưu đãi R&D so với các quốc gia khác đã thực sự bị tác động trong những thập niên gần đây.”
Ông nói thêm rằng mức giảm thuế của chính phủ Hoa Kỳ cho hoạt động R&D của doanh nghiệp thấp hơn mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
“Ngoài ra, so với những thập niên trước, các khoản trợ cấp vốn của chúng ta ít hào phóng hơn nhiều so với các quốc gia cạnh tranh về vốn FDI khác.”
Trợ cấp vốn là khoản chi phí đầu tư vốn mà một công ty có thể khấu trừ khỏi thu nhập của mình thông qua khấu hao.
Các chính phủ trên toàn thế giới đang ngày càng dựa vào những ưu đãi này để thúc đẩy đầu tư vào dự án mới và khuyến khích đổi mới.
Một nghiên cứu gần đây của Tax Foundation (pdf) cho thấy Hoa Kỳ đứng thứ 21 về mức trợ cấp vốn trung bình trong số 38 thành viên của OECD. Bộ luật thuế của Hoa Kỳ cho phép các doanh nghiệp thu hồi trung bình 67.7% chi phí đầu tư vốn, so với mức trung bình 70.7% của OECD. Cụ thể hơn, Hoa Kỳ đứng thứ 32 về mức hỗ trợ vốn cho cao ốc và thứ 34 về tài sản vô hình.
Hoa Kỳ đứng thứ 3 về trợ cấp vốn cho máy móc nhờ vào điều khoản tính chi phí toàn bộ theo cải cách thuế năm 2017. Tuy nhiên, điều khoản này sẽ bắt đầu bị hủy bỏ dần trong năm nay và sẽ bị loại bỏ vào năm 2026.
Theo ITIF, Quốc hội nên thừa nhận thiếu sót này và tập trung đẩy mạnh đầu tư vào dự án mới.
Gần đây, Quốc hội đã thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học, tạo ra các động lực để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước ở Mỹ. Theo ông Clay, khoản tín thuế đầu tư 25% cho các khoản đầu tư vào sản xuất vi mạch bán dẫn được bao gồm trong dự luật này sẽ khuyến khích việc dịch chuyển sản xuất quay trở lại Hoa Kỳ.
Ông tin rằng những ưu đãi như vậy sẽ trở nên phổ biến hơn trong tương lai để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ.
Bà Emel Akan là phóng viên đưa tin về chính sách kinh tế của Tòa Bạch Ốc tại Hoa Thịnh Đốn. Trước đây, bà làm việc trong lĩnh vực tài chính với tư cách là chuyên viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan và là cố vấn tại PwC. Bà tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Georgetown.