TT Biden kết hợp Thông điệp Liên bang với bài diễn văn tranh cử: 5 điểm chính được rút ra
Tổng thống đã công kích người tiền nhiệm hơn một chục lần.
Với nhiều nhân tố cản trở các cơ hội của mình trong cuộc bầu cử năm 2024, hôm 07/03, Tổng thống (TT) Joe Biden đã phải đối mặt với một Quốc hội bị chia rẽ sâu sắc để đưa ra một Thông điệp Liên bang gay gắt, đổ lỗi cho cựu TT Donald Trump và Đảng Cộng Hòa về hàng loạt cuộc khủng hoảng mà đất nước đang đối mặt và nêu bật thành tích của mình kể từ khi nhậm chức.
Trong bài diễn văn kéo dài gần một tiếng đồng hồ, TT Biden đã đề cập đến các vấn đề then chốt thúc đẩy chiến dịch tranh cử: cuộc khủng hoảng ở biên giới phía nam, tình trạng lạm phát dai dẳng, chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông, và quyền tiếp cận với việc phá thai.
Các Thông điệp Liên bang vào năm cuối cùng trong nhiệm kỳ đầu tiên của một tổng thống thường được xem là bước khởi đầu cho chiến dịch tranh cử của họ. Bài diễn văn này là một thời điểm quan trọng đối với đương kim tổng thống khi ông cố gắng nâng cao tỷ lệ tín nhiệm của mình bằng cách ca ngợi những thành tích của mình trong ba năm qua để tham gia cuộc so tài vào tháng Mười Một.
Dù không nhắc đích danh cựu TT Trump nhưng TT Biden đề cập đến “người tiền nhiệm của tôi” hơn một chục lần.
‘Người tiền nhiệm của tôi’
TT Biden đã công kích người tiền nhiệm và hiện là đối thủ trong cuộc tranh cử, cựu TT Donald Trump, về hầu hết mọi vấn đề chính được đề cập trong bài diễn văn này.
TT Biden chỉ trích cựu TT Trump về vấn đề Ukraine, trích dẫn việc cựu tổng thống nói rằng ông sẽ không bận tâm nếu TT Nga Vladimir Putin xâm lược các quốc gia thành viên NATO, những nước không đóng góp phần đã thỏa thuận cho quốc phòng.
“Người tiền nhiệm của tôi, một cựu Tổng thống thuộc Đảng Cộng Hòa, đã nói với ông Putin rằng: ‘Hãy làm bất cứ cái quái gì mà ông muốn,’” Tổng thống Biden nói. “Một cựu Tổng thống Mỹ thực sự đã nói như vậy, cúi đầu trước một nhà lãnh đạo Nga. Thật thái quá. Thật nguy hiểm. Thật không thể chấp nhận được.”
TT Biden đổ lỗi cho cựu TT Trump về việc Tối cao Pháp viện lật ngược phán quyết mang tính bước ngoặt về phá thai trong vụ Roe kiện Wade. Các thẩm phán mà ông bổ nhiệm — Neil Gorsuch, Bret Kavanaugh, và Amy Coney Barrett — đã bỏ phiếu thuận theo khối đa số để lật ngược phán quyết có từ năm 1973 này.
Ông nói rằng cựu TT Trump “đã nhậm chức với quyết tâm để chứng kiến vụ Roe kiện Wade bị lật ngược. Ông ấy là nguồn cơn khiến cho vụ án này bị lật ngược. Thực tế là ông ấy khoe khoang về điều đó.”
TT Biden lưu ý khả năng tiếp cận phá thai là một vấn đề ảnh hưởng đến quyết định của cử tri, và cho biết năm bầu cử này cũng sẽ không khác gì mấy.
Sau đó, TT Biden đã chỉ trích cựu TT Trump về vấn đề chăm sóc sức khỏe. Ông viện dẫn việc người tiền nhiệm của mình đang cố gắng bãi bỏ và thay thế Obamacare, một nỗ lực đã thất bại hồi năm 2017.
Tổng thống cũng chỉ trích người tiền nhiệm vì việc được cho là tác động đến Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện để ngăn chặn một dự luật an ninh biên giới.
“Ông ấy cảm thấy đó sẽ là một chiến thắng chính trị cho tôi và là một bàn thua về mặt chính trị cho ông ấy,” TT Biden nói.
Tổng thống còn chỉ trích người tiền nhiệm vì những lời hùng biện của ông ấy và hành động về vấn đề nhập cư.
“Tôi sẽ không thóa mạ những người nhập cư để mà nói rằng họ ‘đầu độc máu của đất nước chúng ta’ như ông ấy đã nói bằng lời của mình,” Tổng thống nói. “Tôi sẽ không chia cắt các gia đình.”
TT Biden cũng trách cựu TT Trump vì ông đã ban hành lệnh cấm đi lại từ các quốc gia có đa số người Hồi Giáo mà Mỹ không thể kiểm tra đúng [danh tính] của những người thuộc các quốc gia này. TT Biden đã bãi bỏ sắc lệnh đó vào ngày đầu tiên nhậm chức.
Tổng thống cũng lên án người tiền nhiệm về vấn đề Tu chính án thứ Hai.
Ông nói: “Người tiền nhiệm của tôi nói với NRA rằng ông ấy tự hào vì đã không làm gì về súng khi còn là Tổng thống.”
“Sau một vụ xả súng khác tại trường học ở Iowa, ông ấy lại nói rằng chúng ta nên ‘vượt qua,’” TT Biden tiếp tục, đề cập đến thảm kịch ngày 04/01 tại trường trung học Perry, nơi một tay súng đã sát hại ba người.
Những chỉ trích về vấn đề biên giới
TT Biden chỉ trích Đảng Cộng Hòa vì đã ngăn chặn dự luật lưỡng đảng về an ninh biên giới tại Thượng viện. Điều này đã khiến khán giả từ phía Đảng Cộng Hòa chế nhạo.
“Hồi tháng Mười Một (năm ngoái), đội ngũ của tôi đã bắt đầu các cuộc đàm phán nghiêm túc với một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng,” ông nói. “Kết quả là một dự luật lưỡng đảng với những cải tổ an ninh biên giới cứng rắn nhất mà chúng ta từng chứng kiến ở đất nước này.”
Đảng Cộng Hòa đã mô tả dự luật này là không thỏa đáng.
Tổng thống Biden nói: “Tôi được biết người tiền nhiệm của tôi đã gọi cho Đảng Cộng Hòa tại Quốc hội và yêu cầu họ chặn dự luật này.”
Trong phần nói về vấn đề nhập cư của bài diễn văn, Dân biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng Hòa-Georgia) đã chất vấn TT Biden và yêu cầu ông “nói ra tên của cô ấy,” đề cập đến một sinh viên điều dưỡng Đại học Georgia tên Laken Riley, người được cho là đã bị một người nhập cư bất hợp pháp sát hại.
Trong lúc ông Biden đang đọc diễn văn, bà Greene đã trao cho ông Biden một huy hiệu có dòng chữ “Laken Riley.”
Tổng thống Biden nhặt chiếc huy hiệu khi bà Greene kêu lớn, nhưng ông lại nói nhầm tên nạn nhân là “Lincoln Riley”.
Lincoln Riley là huấn luyện viên trưởng của đội bóng bầu dục thuộc Đại học Nam California.
Gây áp lực cho Đảng Cộng Hòa về vấn đề Ukraine
TT Joe Biden đã khiển trách các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa và cựu TT Donald Trump về một số vấn đề về chính sách đối ngoại, kể cả cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.
Tổng thống chỉ trích các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện vì dường như họ đã trì hoãn một dự luật viện trợ an ninh cho Ukraine, mặc dù dự luật này đã được Thượng viện thông qua.
Tổng thống Biden cũng bảo vệ sự cống hiến không ngừng của liên minh quân sự phòng thủ NATO, đồng thời công kích lập trường của cựu TT Trump về Ukraine cũng như thái độ phản kháng liên tục của ông đối với cuộc chiến đang diễn ra ở châu Âu này. Ông Trump từng hứa sẽ chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong “24 tiếng.”
Điều bị xoáy vào là những tuyên bố mà cựu TT Trump đưa ra hồi tháng trước (02/2024), trong đó ông nói rằng ông sẽ khuyến khích Nga tấn công các quốc gia NATO nào không thực hiện các yêu cầu về chi tiêu quốc phòng bắt buộc của họ.
“Thật thái quá. Thật nguy hiểm. Và thật không thể chấp nhận được,” Tổng thống Biden nói.
Thiếu hụt trong chi tiêu quốc phòng của NATO là một vấn đề chưa thể giải quyết được của cựu Tổng thống Trump kể từ chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông.
NATO yêu cầu các thành viên của mình đóng góp 2% GDP hàng năm cho quốc phòng, một mốc mà nhiều quốc gia chưa từng đạt được trong lịch sử. Tuy nhiên, xu hướng đó dường như đã đảo ngược kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược.
Hiện nay nhiều quốc gia NATO chi hơn 2% GDP, trong đó một số nước, như Ba Lan, chi hơn 4%, tức là một tỷ lệ lớn hơn so với tỷ lệ chi tiêu của Hoa Kỳ.
Tổng thống Biden cũng ca ngợi việc NATO mở rộng [gia nhập thành viên] trong năm qua, và những lợi ích an ninh mà liên minh này sẽ thu được từ việc kết nạp thêm Phần Lan và Thụy Điển.
‘Trường phái Kinh tế Biden’
TT Biden đã ca ngợi thành tích kinh tế của ông trong Thông điệp Liên bang vào thời điểm mà nhiều người Mỹ phản đối cách ông điều hành nền kinh tế.
“Tôi đã thừa hưởng một nền kinh tế đang trên bờ vực. Giờ đây nền kinh tế của chúng ta khiến cả thế giới phải ao ước!” ông nói.
Trong bài diễn văn của mình, Tổng thống Biden nhắc lại một số dữ liệu kinh tế, bao gồm việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các chủng tộc, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 50 năm, và 16 triệu người Mỹ mở các doanh nghiệp nhỏ.
Tuy nhiên, Tổng thống đã sai khi cho rằng lạm phát ở Hoa Kỳ là “thấp nhất thế giới”.
Mặc dù tỷ lệ lạm phát hàng năm đã chậm lại từ mức cao nhất 9.1% hồi tháng 06/2022 xuống còn 3.1% nhưng vẫn cao hơn các nền kinh tế lớn khác, chẳng hạn như Canada (2.9%), khu vực đồng euro (2.6%), Nhật Bản (2.2%), và Trung Quốc (âm 0.8%).
Ông trích dẫn nhiều cuộc thăm dò cho thấy “niềm tin của người tiêu dùng đang tăng mạnh.”
Đúng là các cuộc khảo sát hàng đầu, từ Chỉ số Tâm lý Người tiêu dùng của Đại học Michigan đến Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng của The Conference Board, đã đưa ra quan điểm đầy hứa hẹn trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, những chỉ số này đã sụt giảm trong tháng vừa qua trong bối cảnh lạm phát dai dẳng và những lo ngại về thị trường lao động.
Về vấn đề việc làm, TT Biden nhắc lại rằng “một kỷ lục” 15 triệu việc làm mới đã được tạo ra trong ba năm qua, trong đó có “800,000 việc làm mới trong lĩnh vực sản xuất.” Nhưng ông đang tính luôn cả những việc làm đã được phục hồi sau đại dịch virus corona, điều mà các nhà kinh tế cho rằng có thể gây hiểu lầm.
Trong khi đó, ông ủng hộ bộ ba thắng lợi về mặt lập pháp — Đạo luật Giảm Lạm Phát, Đạo luật CHIPS và Khoa học, và Luật Cơ sở hạ tầng Lưỡng đảng — đưa đến hàng trăm tỷ dollar đầu tư vào các khu vực tư nhân, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng quốc gia, và tạo thuận tiện cho tăng trưởng việc làm.
“Mọi thứ đang chuyển biến,” Tổng thống Biden nói.
“Khi người Mỹ bị đánh gục, chúng ta lại đứng dậy! Chúng ta tiếp tục tiến bước! Đó chính là nước Mỹ! Đó chính là quý vị, những người dân Mỹ!”
Ông cũng hứa rằng thời kỳ kinh tế suy thoái đã qua và các tập đoàn lớn nhất và giàu có nhất sẽ “không còn được nghỉ ngơi nữa.”
TT Biden đề nghị tăng thuế suất doanh nghiệp lên 21% và áp dụng mức thuế 25% cho các tỷ phú, ước tính sẽ mang về cho ngân sách khoảng 500 tỷ USD trong vòng 10 năm. Ông cũng hứa rằng không một ai có thu nhập dưới 400,000 USD [một năm] sẽ phải đóng thuế nhiều hơn.
“Không một ai. Không một xu nào.”
Ông nói thêm: “Cách để làm cho luật thuế trở nên công bằng là buộc các tập đoàn lớn và những người rất giàu rồi cũng phải đóng góp phần của họ.”
Giọng nói tràn đầy năng lượng, nhưng vẫn tiếp tục nói lắp, và phát âm sai
TT Joe Biden có nhiều vấn đề cần giải quyết trong bài diễn văn của mình, nhưng đối với một số nhà lập pháp cũng như các cử tri, quan trọng nhất là việc ông tạo dựng niềm tin vào khả năng lãnh đạo của ông bất kể tuổi tác và sức khỏe.
Trong khí thế tràn đầy sinh lực và sức sống mà Tổng thống Biden thể hiện trong phần lớn bài diễn văn của mình, ông cũng nói vấp và ngọng nghịu một vài lần, đặc biệt là khi ông nói tên một sinh viên điều dưỡng đến từ Georgia vừa bị sát hại.
Các nhà chức trách cho biết cô Laken Hope Riley, một sinh viên điều dưỡng 22 tuổi của Đại học Georgia, được cho là đã bị sát hại bởi Jose Ibarra, một người nhập cư bất hợp pháp 26 tuổi đến từ Venezuela.
Trước phần Thông điệp Liên bang, Đảng Cộng Hòa đã thúc giục Tổng thống Biden “nói tên của Laken Riley,” và khi cuối cùng ông cũng đã nói trong bài diễn văn của mình, thì thay vào đó, ông đã gọi nhầm tên cô là “Lincoln Riley.”
Tổng thống cũng nói nhầm từ “thảm sát” (massacre) khi đề cập đến vụ tấn công khủng bố ngày 07/10/2023 của Hamas thành “sáp chuốt mi” (mascara).
Tuy nhiên, sau đó TT Biden đã đề cập trực tiếp đến vấn đề tuổi tác của mình bằng cách thừa nhận một số người tin rằng ông “quá già”, không thể thực hiện công việc của mình một cách hiệu quả.
Ông nói đùa rằng các Thượng nghị sĩ khác đã từ chối giữ thang máy cho ông khi ông lần đầu tiên được bầu vào Thượng viện ở tuổi 29 vì họ cho rằng lúc đó ông còn “quá trẻ.”
Tổng thống Biden nhắc lại rằng tương lai của đất nước không phải là vấn đề “chúng ta bao nhiêu tuổi” mà thay vào đó là độ tuổi của những ý tưởng của chúng ta.
“Thù hận, giận dữ, trả thù, trừng phạt là những ý tưởng già cỗi nhất. Nhưng quý vị không thể lãnh đạo nước Mỹ bằng những ý tưởng cổ xưa, điều đó sẽ chỉ khiến chúng ta tụt hậu,” Tổng thống Biden nói.
Andrew Moran, Jacob Burg, Andrew Thornebrooke và Jackson Richman thực hiện
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times