Sự vắng mặt của 3 thẩm phán Tối cao Pháp viện trong buổi đọc Thông điệp Liên bang trở thành vấn đề chính trị
Rõ ràng là ba trong số các thẩm phán nghiêng về phía bảo tồn truyền thống nhiều nhất của Tối cao Pháp viện đã vắng mặt tại buổi đọc Thông điệp Liên bang (SOTU) của Tổng thống Joe Biden.
Sự vắng mặt của các Thẩm phán Clarence Thomas, Amy Coney Barrett, và Samuel Alito diễn ra chỉ một tuần sau khi tòa án cấp cao này đồng ý xem xét lập luận của cựu Tổng thống Donald Trump rằng ông có quyền miễn trừ truy tố cho điều được cho là kích động một cuộc nổi dậy tại Tòa nhà Quốc hội vào ngày 06/01/2021.
Việc thụ lý vụ án diễn ra sau khi Tối cao Pháp viện hoãn phán quyết của Tòa Phúc thẩm bác bỏ yêu cầu miễn trừ truy tố của cựu TT Trump cho đến khi họ nghe các tranh luận trực tiếp, được ấn định vào ngày 25/04.
Thẩm phán Coney Barrett, người được ông Trump bổ nhiệm, đã tham dự buổi đọc diễn văn Thông điệp Liên bang trước đây của Tổng thống Biden trong khi cả hai thẩm phán Alito và Thomas thì chưa bao giờ đến nghe bài SOTU nào của tổng thống.
Mặc dù việc các thẩm phán Tối cao Pháp viện vắng mặt trong các bài diễn văn của Tổng thống không phải chuyện mới lạ, nhưng Đảng Dân Chủ đã biến sự vắng mặt lần này của ba vị thẩm phán trở thành một vấn đề trên mạng xã hội.
Dân biểu Hank Johnson (Dân Chủ-Georgia), người đang dẫn đầu các nỗ lực gây áp lực buộc Thẩm phán Thomas phải rút lui khỏi quá trình phân xử của Pháp viện trong vụ của ông Trump, đã đặc biệt chế nhạo Thẩm phán Thomas trong một bài đăng trên X. “Ông Clarence Thomas đã tránh tham dự #SOTU!” ông viết.
Ông Kaivan Shroff là một nhà bình luận chính trị của Đảng Dân Chủ, thư ký báo chí của tổ chức ủng hộ ông Biden có tên là Giấc mơ Mỹ quốc của Thế hệ Z, và từng là nhà tổ chức kỹ thuật số cho chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton. Ông cũng đăng những bình luận chế nhạo sự vắng mặt của ba vị thẩm phán theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống này.
Việc Tổng thống Biden chỉ trích cụ thể ba vị thẩm phán Tối cao Pháp viện này cũng làm dấy lên sự giận dữ từ các thành viên Đảng Cộng Hòa như ông Garrett Ventry, một người trong cuộc của Quốc hội và có liên quan đến việc bổ nhiệm Thẩm phán Brett Kavanaugh do ông Trump tiến cử. Ông đã chỉ trích tổng thống vì đã tấn công cá nhân các thẩm phán Tối cao Pháp viện.
Ông Ventry đăng trên X, “Việc ông Joe Biden công kích Tối cao Pháp viện khi trình bày SOTU thật là kinh khủng, không thể chấp nhận được, và đáng sợ. Hoàn toàn không phù hợp và cần bị lên án rộng rãi.”
Sáu thẩm phán còn lại đều tham dự và ngồi ở hàng ghế đầu để nghe bài diễn văn của Tổng thống Biden. Trong bài diễn văn, ông đã đưa ra những bình luận gay gắt nhắm vào việc Pháp viện lật ngược án lệ Roe kiện Wade. Ba thẩm phán không đến dự cũng nằm trong số năm thẩm phán đã bỏ phiếu lật ngược vụ này.
Thẩm phán Alito, người được cựu TT George W. Bush đề cử vào năm 2005, đã không tham dự một bài diễn văn SOTU nào kể từ năm 2010. Năm đó, camera ghi lại cảnh ông mấp máy môi mà nhiều người cho rằng ông đang nói là: “không đúng sự thật,” khi Tổng thống Barack Obama trừng phạt Tối cao Pháp viện vì đã nâng các giới hạn chi tiêu của chiến dịch.
Thẩm phán Thomas, người được cố Tổng thống Bush cha bổ nhiệm vào năm 1991, đã không tham dự tất cả các buổi đọc SOTU của Tổng thống Biden.
Vào năm 2012, sau khi không đến dự SOTU của Tổng thống Obama, Thẩm phán Clarence Thomas nói với một nhóm sinh viên đại học rằng ông làm như vậy vì bài diễn văn của tổng thống đã trở nên quá đảng phái và do đó khiến một thẩm phán không thoải mái khi ngồi nghe.
“Có rất nhiều điều quý vị không nghe thấy trên TV — đó là những tiếng huýt sáo, la hét, và những bình luận xì xào,” Thẩm phán Thomas nói với các sinh viên tại Đại học Luật Stetson, theo tờ New York Times. “Một trong những hậu quả là giờ đây pháp viện trở thành một đề tài trò chuyện, nếu các em muốn gọi như vậy, trong các bài diễn văn đó. Đó chỉ là một ví dụ về lý do tại sao tôi không đến tham dự.”
Thanh Nguyên lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times