TT Biden diễn thuyết trước cả nước sau khi thông qua thỏa thuận về mức trần nợ: ‘Những rủi ro đã ở mức cao nhất’
Trong bài diễn văn đầu tiên trước cả nước từ Oval Office của mình hôm 02/06, Tổng thống (TT) Joe Biden đã bày tỏ sự ủng hộ cho thỏa thuận mức trần nợ mới đây nhằm ngăn một vụ vỡ nợ lịch sử của Hoa Kỳ. Ông cho biết ông sẽ ký ban hành dự luật này vào thứ Bảy (03/06).
Ông Biden đã mở đầu bài diễn văn của mình bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận mà ông đạt được với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California).
TT Biden nói: “Việc thông qua thỏa thuận ngân sách này là rất quan trọng. Những rủi ro đã ở mức cao nhất.”
“Đã có những tiếng nói cực đoan đe dọa đến Mỹ quốc lần đầu tiên trong lịch sử 247 năm của chúng ta,” ông Biden nói thêm. “Không điều gì, không điều gì vô trách nhiệm hơn thế. Không có điều gì thảm khốc hơn thế.”
Ông Biden lưu ý rằng không bên nào trong các cuộc đàm phán này nhận được mọi thứ mà họ mong muốn nhưng người dân Mỹ cuối cùng đã thắng.
“Chúng tôi đã ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế và sụp đổ kinh tế.”
Trong bài diễn văn đầu tiên trước cả nước từ Oval Office của mình, ông Biden đã làm nổi bật những chiến thắng về lập pháp mà ông đạt được, đồng thời cho biết ông bảo vệ các ưu tiên quan trọng như An sinh Xã hội, Medicare, phúc lợi cho cựu chiến binh, cơ sở hạ tầng, và các khoản đầu tư năng lượng sạch.
Ông Biden nói rằng ông sẽ tiếp tục ưu tiên tăng nguồn thu bằng cách tăng thuế, truy lùng những người trốn thuế, và bảo đảm rằng ai cũng đều đóng phần thuế của mình một cách công bằng.
“Tôi sẽ trở lại và với sự giúp đỡ của quý vị, tôi sẽ giành chiến thắng,” ông Biden nói.
Các cuộc đàm phán đã bắt đầu như thế nào
Hồi tháng Một, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã thông báo với Quốc hội rằng Hoa Kỳ sẽ sớm vượt mức trần nợ 31.4 ngàn tỷ USD. Bà đã Yellen tuyên bố rằng điều này có thể bị trì hoãn cho đến tháng Sáu.
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đã yêu cầu Tòa Bạch Ốc cắt giảm chi tiêu để đổi lấy việc tăng hạn mức nợ. Tuy nhiên, ông Biden đã từ chối đàm phán, nói rằng điều đó sẽ gây rủi ro cho “niềm tin và uy tín trọn vẹn của Hoa Kỳ.”
Hôm 09/03, ông Biden đã trình bày đề nghị ngân sách của mình cho năm 2024 và yêu cầu Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện cũng làm như vậy.
Hôm 26/04, thế bế tắc này đã được phá vỡ khi Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện thông qua Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng, trong đó quy định tăng mức trần nợ cũng như cắt giảm chi tiêu vốn phản ánh các ưu tiên của Đảng Cộng Hòa.
Hôm 09/05, các cuộc đàm phán đã bắt đầu một cách căng thẳng và kéo dài trong ba tuần.
Dự luật
Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa giữ nguyên mức trần nợ cho đến ngày 01/01/2025, giảm nhẹ việc chi tiêu tùy nghi phi quốc phòng vào năm 2024 và giới hạn mức tăng trưởng chi tiêu tùy nghi ở mức 1% vào năm 2025.
Thỏa thuận này cũng gồm có các cải cách cho phép khoan dầu khí, sửa đổi các yêu cầu công việc đối với một số chương trình phúc lợi xã hội, và thu hồi 20 tỷ USD tài trợ của IRS và 30 tỷ USD trong quỹ cứu trợ COVID-19 chưa được chi tiêu.
Trong khi Quốc hội không có hành động cho phép vay thêm, mới đây bà Yellen đã cảnh báo rằng chính phủ liên bang sẽ hết tiền vào ngày 05/06.
Dự luật này đã được Hạ viện thông qua hôm 31/05 với số phiếu lưỡng đảng là 314 phiếu thuận và 117 phiếu chống. Hôm 01/06, Thượng viện đã thông qua dự luật này với 63 phiếu thuận và 36 phiếu chống từ lưỡng đảng.
Ông McCarthy đã gọi đây là dự luật mang tính lịch sử và là lần cắt giảm chi tiêu lớn nhất từng được Quốc hội thông qua. Sau khi dự luật được Thượng viện thông qua hôm 01/06, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) cho biết, “Chúng tôi đã cứu đất nước này khỏi tai họa vỡ nợ.”
Dự luật này đã nhận được sự ủng hộ của Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York) và Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky).
Không ai thích sự thỏa hiệp
Theo sau những thỏa hiệp này, nhiều nhà lập pháp đã nêu lên các vấn đề về dự luật cho đến khi cuối cùng dự luật có thể được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua.
Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen (Dân Chủ-New Hampshire) nói với The Epoch Times hôm 01/06: “Tôi nghĩ những gì chúng ta đạt được là một sự thỏa hiệp vốn không bao gồm những gì mọi người mong muốn. Nhưng đó là bản chất của công việc điều hành. Đó là phải đạt được các thỏa hiệp.”
Ông McCarthy nói trong một cuộc họp báo hôm 31/05, “Đó có phải là tất cả những gì tôi muốn không? Không. Nhưng việc một Hạ viện ngồi lại với một Thượng viện thuộc Đảng Dân Chủ và một tổng thống thuộc Đảng Dân Chủ không muốn họp bàn với chúng tôi, thì tôi nghĩ chúng tôi đã làm khá tốt cho công chúng Mỹ.”
Dân biểu Tom Cole (Cộng Hòa-Oklahoma) cho biết, “Đó không phải là một dự luật hoàn hảo, nhưng thể hiện sự thỏa hiệp giữa chính phủ và Quốc hội. Điều đó là cần thiết trong một chính phủ phân quyền (hai nhánh Hành Pháp và Lập Pháp do hai đảng kiểm soát). Không ai có được mọi thứ họ muốn. Nhưng kết quả cuối cùng là một dự luật thực sự mang tính lịch sử.”
Sau khi dự luật được thông qua, ông Cole, người đã bỏ phiếu thuận cho dự luật này, nói với The Epoch Times rằng gói dự luật này đại diện cho “thỏa thuận tốt nhất mà chúng ta có thể cắt giảm.” Đồng thời, ông khen ngợi khả năng lãnh đạo của ông McCarthy vì đã đạt được thỏa thuận thỏa hiệp này, gọi chủ tịch Hạ viện là một “bậc thầy của nghệ thuật (chính trị) thực dụng.”
Dân biểu Greg Landsman (Dân Chủ-Ohio) chỉ nói đơn giản rằng “Dự luật này thể hiện thực tế là Quốc hội bị phân quyền.”
Bà Kelly Veney Darnell, Giám đốc điều hành lâm thời của viện nghiên cứu Bipartisan Policy Center, cho biết: “Loại thỏa hiệp này chính xác là cách thức hoạt động của chính phủ phân quyền.”
Sự phản đối
Những người theo phái bảo tồn truyền thống và cấp tiến chiếm đa số trong những dân biểu bỏ phiếu chống tại Hạ viện (71 dân biểu Đảng Cộng Hòa và 46 dân biểu Đảng Dân Chủ).
Các dân biểu tại Nhóm họp kín Tự do Hạ viện (House Freedom Caucus) chiếm khoảng một nửa trong số 71 phiếu “chống” của Đảng Cộng Hòa.
Hôm 30/05, Dân biểu Scott Perry (Cộng Hòa-Pennsylvania), Chủ tịch của Freedom Caucus, cho biết tại một cuộc họp báo, “Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã nhận được sự ủy thác từ người dân Mỹ với một vị thế đàm phán mạnh mẽ của một Đảng Cộng Hòa thống nhất… để giữ vững quan điểm về dự luật mà chúng ta đã thông qua.”
Ông Perry cho biết thỏa thuận lưỡng đảng do ông McCarthy đàm phán “hoàn toàn thất bại.”
Dân biểu Chip Roy (Cộng Hòa-Texas) cho biết hôm 30/05, “Hội nghị của Đảng Cộng Hòa hiện đã bị tan rã và chúng tôi đang nỗ lực để cố gắng tập hợp lại vào cuối tuần này bằng cách bảo đảm rằng dự luật này sẽ bị chặn lại.”
Tại Thượng viện, 31 thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu phản đối dự luật này, cùng với bốn thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ và một thượng nghị sĩ độc lập.
Bản tin có sự đóng góp của Jackson Richman
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times