Đảng Cộng Hòa giành được các yêu cầu làm việc để nhận phúc lợi trong trận chiến về mức trần nợ
Trong cuộc tranh luận và đàm phán về mức trần nợ giữa Tổng thống Joe Biden và Hạ viện do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo, cả hai bên đều đã cố thủ và kiên quyết không lay chuyển về vấn đề yêu cầu làm việc để đủ điều kiện nhận trợ cấp xã hội.
Tuy nhiên, những thay đổi đã được thực hiện đối với các yêu cầu làm việc để nhận phúc lợi. Và như trường hợp của dự luật Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa năm 2023 rộng lớn hơn mà Hạ viện đã thông qua, với tỷ lệ 314-117, vào giữa buổi tối ngày 31/05, thì đó là nội dung mà Tòa Bạch Ốc và Đảng Cộng Hòa đều tuyên bố chiến thắng.
Sau khi Thượng viện thông qua dự luật, với tỷ lệ 63-36, trong một cuộc bỏ phiếu vào đêm khuya ngày 01/06, đạo luật này hiện đang được chuyển đến bàn của ông Biden.
Với chữ ký của mình, tổng thống sẽ ngăn được việc quốc gia vỡ nợ.
Tại Hạ viện của Quốc hội, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) và nhóm của ông đã giành được những thay đổi nhằm củng cố và tăng các yêu cầu làm việc trong Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP), trước đây gọi là Phiếu Thực phẩm, và Trợ cấp Tạm thời cho các Gia đình Túng thiếu (TANF), trước đây được gọi là Viện trợ cho các Gia đình có Trẻ em Phụ thuộc (AFDC).
Ông Biden đã kiên trì với Medicaid và đã có thể duy trì chương trình này như một phúc lợi xã hội không đòi hỏi người nhận phải làm việc.
Một cuộc thăm dò của YouGov từ ngày 05-09/01/2023 cho thấy 68% người trưởng thành ở Hoa Kỳ tin rằng những người nhận phúc lợi nên được yêu cầu làm việc hoặc tham gia đào tạo nghề, với 83% người ủng hộ Đảng Cộng Hòa, 64% ủng hộ Đảng Dân Chủ, và 61% người trung lập ủng hộ yêu cầu làm việc này.
Ông McCarthy dẫn đầu nỗ lực thành công
Ông McCarthy có thể khẳng định một cách đúng đắn rằng về phía Hạ viện, ông đã lãnh đạo một trong những thỏa thuận cắt giảm nợ và cắt giảm chi tiêu quan trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, ngay cả khi ông Biden đã bảo vệ thành công một số ưu tiên cấp tiến nhất định.
Sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, ông McCarthy, cùng với các thành viên trong nhóm lãnh đạo của ông, đã nói trước giới truyền thông và giải thích rằng mặc dù ông Biden chỉ mặc cả về một phần nhỏ của ngân sách — điều mà chủ tịch mô tả là 11% tổng số — Đảng Cộng Hòa đã thực hiện tốt.
“Nhưng trong 11% đó, chúng tôi không chỉ mang đến cho quý vị khoản tiết kiệm lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, mà sẽ có những người đang hưởng phúc lợi ngày nay sẽ không còn được hưởng phúc lợi nữa,” ông McCarthy nói. “Họ sẽ tìm việc vì có yêu cầu làm việc.”
“Lòng tự trọng của họ, thái độ của họ, sẽ thay đổi. Họ sẽ tin vào chính mình. Họ sẽ có thể mua nhà, cho con đi học đại học nhờ cuộc bỏ phiếu phiếu mà chúng tôi đã tổ chức tối nay.”
Hiện tại, theo quy định của SNAP, một người trưởng thành khỏe mạnh dưới 50 tuổi và không sống với trẻ em phụ thuộc, không thể nhận được hơn ba tháng trợ cấp trong khoảng thời gian 36 tháng trừ khi người đó làm việc hoặc tham gia khóa đào tạo trong ít nhất 80 giờ mỗi tháng. Yêu cầu đó có thể được miễn, theo lệnh của tiểu bang nơi người nhận cư trú, nếu tiểu bang đó thiếu việc làm.
Vào năm 2024, thỏa thuận Biden-McCarthy sẽ nâng độ tuổi yêu cầu đi làm đối với những người trưởng thành khỏe mạnh không sống cùng trẻ em phụ thuộc, để bao gồm thêm cả những người từ 50 đến 52 tuổi. Năm sau đó, yêu cầu này sẽ tăng lên 54 tuổi. Những người sẽ được miễn là những người vô gia cư, cựu quân nhân, và những người từ 18 đến 24 tuổi đang sống trong cơ sở chăm sóc tạm thời vào thời điểm họ đủ 18 tuổi.
Ngoài ra, theo dự luật Biden-McCarthy, số khoản miễn trừ được cho phép mà một tiểu bang có thể sử dụng để những người đủ điều kiện nhận trợ cấp SNAP được giảm từ mức 12% của hiện tại xuống còn 8% trong tổng số trường hợp.
Các thay đổi này kết thúc vào ngày 01/10/2030.
Luật TANF hiện có theo quy định cho phép các tiểu bang tùy ý thiết kế các chương trình phúc lợi. Ít nhất 50% những người nhận trợ cấp phải đang làm việc, nhưng một tiểu bang có thể giảm tiêu chuẩn tối thiểu đó dựa trên tỷ lệ phần trăm số trường hợp mà tiểu bang đó đã giảm kể từ năm 2005. Ví dụ, nếu tiểu bang đã giảm 10% số trường hợp kể từ năm 2005, thì chỉ 40% gia đình cần phải đáp ứng ngưỡng này.
Khi Tổng thống Biden ký vào dự luật, một cấu trúc mới sẽ được tạo ra — các tiểu bang có hai năm để thực hiện — cấu trúc này sẽ thiết lập năm 2015 là năm so sánh và sẽ dẫn đến việc nhiều tiểu bang phải tăng yêu cầu làm việc của họ. Các tiểu bang có thể giảm mức yêu cầu làm việc bằng cách tăng số tiền họ đóng góp vào quỹ phúc lợi.
Ông Biden ủng hộ yêu cầu làm việc để nhận phúc lợi
Những người theo phái bảo tồn truyền thống ưa thích nói về một sự kiện vào cuối tháng 08/1996, khi Tổng thống đương thời là ông Bill Clinton ký Đạo luật Hòa giải Cơ hội Làm việc và Trách nhiệm Cá nhân, một đạo luật cải tổ phúc lợi mang tính bước ngoặt mà Hạ viện và Thượng viện do Đảng Cộng Hòa kiểm soát đã gửi tới bàn của ông.
Hoàn cảnh chính trị đã buộc ông Clinton phải chấp bút ký vào dự luật. Ông đắc cử tổng thống vào năm 1992 khi vận động tranh cử với tư cách là một thành viên Đảng Dân Chủ kiểu mới, một người coi cải tổ phúc lợi là trọng tâm trong nghị trình lãnh đạo của mình. Tuy nhiên, khi còn đương chức, ông ít chú ý đến việc thực hiện các thay đổi trong các chương trình trợ cấp công cộng nhưng đã dành thời gian và nguồn lực đáng kể cho một nỗ lực thất bại trong việc thiết lập dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Cử tri đã không hài lòng. Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 1994, làn sóng ủng hộ các thành viên Đảng Cộng Hòa — tranh cử với thông điệp và lời hứa đồng nhất với cử tri mang tên “Contract With America” (Cam Kết Với Nước Mỹ) vốn xem cải tổ phúc lợi là một thành phần quan trọng — đã dẫn đến chiến thắng cách biệt ở Hạ viện và Thượng viện, tăng số lượng vị trí thống đốc thêm 20, và đã giành lại thế đa số trong 20 cơ quan lập pháp tiểu bang.
Tuy nhiên, ông Clinton đã phủ quyết hai dự luật cải tổ phúc lợi mà Quốc hội do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo thông qua. Nhưng khi cuộc bầu cử tổng thống năm 1996 bước vào giai đoạn gay cấn, ông nhận ra rằng nếu dự luật cải tổ phúc lợi có yêu cầu làm việc không xảy ra, thì rất có thể nhiệm kỳ thứ hai của ông cũng không xảy ra.
Một trong những thành viên của Quốc hội ủng hộ luật này là một vị thượng nghị sĩ đến từ Delaware tên là Joe Biden.
Hôm 23/05, tổ chức tư vấn theo phái bảo tồn truyền thống Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI) đã đăng một bài báo, “The White House Defender of Welfare Work Requirements” (Người Bênh Vực Cho Các Yêu Cầu Làm Việc Để Nhận Phúc Lợi Trong Tòa Bạch Ốc), của các nhà nghiên cứu cao cấp của AEI là Angela Rachidi và Matt Weidinger. Bài báo đã đưa ra các lập luận về lý do tại sao nên yêu cầu làm việc để nhận phúc lợi và nói về sự ủng hộ của ông Biden đối với chính sách này.
Các nhà nghiên cứu Rachidi và Weidinger viết: “Ông Biden là một trong số 78 thượng nghị sĩ — gồm tất cả các thành viên Đảng Cộng Hòa và hơn một nửa số thành viên Đảng Dân Chủ — đã bỏ phiếu cho luật cải tổ phúc lợi năm 1996 … khi luật này được thông qua vào tháng 08/1996. Luật bao gồm các yêu cầu làm việc mới rộng rãi đối với chi phiếu phúc lợi Trợ cấp Tạm thời cho các Gia đình Túng thiếu (TANF) trả cho các bậc cha mẹ có thu nhập thấp cũng như phiếu thực phẩm cấp cho người trưởng thành khỏe mạnh không có người phụ thuộc.”
“Trong cả hai trường hợp, người trưởng thành nhận trợ cấp đã được mong đợi đi làm, tìm kiếm việc làm, hoặc tham gia vào giáo dục, đào tạo, hoặc các hoạt động khác ít nhất là bán thời gian để duy trì đủ điều kiện nhận trợ cấp.”
Các tác giả đã chia sẻ, từ sự nghiệp của ông Biden tại Quốc hội, những bình luận của ông ấy về việc ủng hộ yêu cầu làm việc, mà trong số đó hồi năm 1996, vị thượng nghị sĩ này đã cho biết: “Kể từ năm 1987, khi tôi lần đầu tiên đề nghị cải tổ hệ thống phúc lợi, tôi đã lập luận rằng những người nhận phúc lợi cần phải làm việc.”
Trong khi những người thiên tả và cấp tiến cho rằng yêu cầu làm việc sẽ dẫn đến sự gia tăng nghèo đói và khốn khổ và sẽ không đóng góp đáng kể vào công việc có thể cải thiện được cuộc sống của người nhận phúc lợi, thì bằng chứng nhận được đã cho thấy một lập luận khác.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times