TT Biden đến Nhật Bản gặp các nhà lãnh đạo G-7 trong bối cảnh khủng hoảng nợ đang rình rập ở quê nhà
HIROSHIMA, Nhật Bản — Hôm thứ Năm (18/05), Tổng thống (TT) Joe Biden đã đến Nhật Bản để tham dự hội nghị thượng đỉnh G-7 kéo dài ba ngày gồm các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, bỏ lại phía sau cuộc đàm phán căng thẳng về mức trần nợ với các nhà lãnh đạo Quốc hội.
Vào khoảng 5 giờ chiều theo giờ địa phương, ông Biden đã đến Hiroshima, nơi các nhà lãnh đạo Nhóm Bảy (G-7) sẽ gặp nhau từ ngày 19 đến 21/05 để thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có cuộc xung đột ở Ukraine và các mối đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan, cũng như an ninh kinh tế.
Hội nghị thượng đỉnh G-7 diễn ra vào một thời điểm đầy thách thức đối với ông Biden, khi ông phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn trong nước nếu Quốc hội không nâng mức trần nợ để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ trước cái gọi là “ngày x” — có thể đến sớm nhất là vào tháng Sáu.
Trước khi khởi hành, ông Biden đã bày tỏ sự tin tưởng rằng thế bế tắc kéo dài nhiều tháng giữa Tòa Bạch Ốc và Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện về việc nâng mức trần nợ 31.4 ngàn tỷ USD của quốc gia sẽ sớm được giải quyết.
Hôm 17/05, ông Biden nói với các phóng viên, “Tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ đạt được thỏa thuận về ngân sách, rằng nước Mỹ sẽ không vỡ nợ. Và mọi nhà lãnh đạo trong căn phòng này đều nhận thức về những hậu quả này nếu chúng ta không thanh toán các hóa đơn của mình.”
Lịch trình công du của tổng thống đã được rút ngắn để ông có thể trở lại Hoa Thịnh Đốn sớm hơn dự định và tiếp tục đàm phán về mức trần nợ với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California). Các chuyến đi khác của ông Biden tới Úc và Papua New Guinea đã bị hoãn lại.
Ông Biden đã hạ cánh xuống Iwakuni trước để chào các quân nhân tại một căn cứ không quân của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ trước khi đến Hiroshima. Ông đã tham gia một cuộc gặp song phương với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Hiroshima ngay sau khi ông đến để thảo luận về hợp tác quân sự và kinh tế giữa hai quốc gia.
Hôm thứ Sáu (19/05), tổng thống sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh cùng với các nhà lãnh đạo từ Pháp, Vương quốc Anh, Đức, Nhật Bản, Ý, và Canada.
Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan, người đã thông báo cho các phóng viên trên đường tới Nhật Bản về nghị trình của hội nghị thượng đỉnh này, cho biết: “Cuộc xâm lược Ukraine của Nga có tác động rất lớn và sẽ là một chủ đề thảo luận quan trọng.”
Ông nói rằng những nhà lãnh đạo G-7 sẽ thảo luận về các biện pháp trừng phạt dành cho Nga và cách đóng cửa các mạng lưới trốn tránh lệnh trừng phạt cũng như giải quyết các thiếu sót trong các lệnh trừng phạt để làm tối đa tác động của chúng trong những tháng tới. Ông nói thêm rằng Hoa Kỳ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt cùng với một tuyên bố của nhóm G-7 về vấn đề thực thi.
Theo ông Sullivan, những nhà lãnh đạo này sẽ có một nghị trình bận rộn. Các chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, và trí tuệ nhân tạo sẽ là một số chủ đề thảo luận chính.
Hội nghị thượng đỉnh năm nay dự kiến sẽ làm nổi bật lịch sử của Hiroshima vì là nơi diễn ra hoạt động quân sự gây thương vong nhiều nhất thế giới và nhằm truyền tải một “thông điệp mạnh mẽ” về sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân tới phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Nga.
Một trọng tâm quan trọng khác của hội nghị thượng đỉnh năm nay là “Tiếp cận Nam Bán cầu,” dự định gia tăng vùng tiếp cận của các nước G-7 với châu Mỹ Latinh, châu Phi, phần còn lại của châu Á và Thái Bình Dương để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở những khu vực này.
“Những mối lo ngại và những vấn đề chung liên quan đến những chính sách và thực tiễn của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ được đưa ra thảo luận,” ông Sullivan nói. “Tất nhiên, mỗi quốc gia có mối quan hệ riêng biệt và cách tiếp cận riêng, nhưng những mối quan hệ và cách tiếp cận đó đều được xây dựng trên một cơ sở chung. Và tôi nghĩ quý vị sẽ thấy điều đó được phản ánh trong kết quả của G-7.”
Vào ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh này, ông Biden và các nhà lãnh đạo G-7 khác sẽ đến thăm Công viên Tưởng niệm Hòa bình và gặp gỡ những người sống sót từ vụ bom nguyên tử vốn san bằng thành phố vào ngày 06/08/1945.
Khi được hỏi liệu tổng thống có ý định thay mặt Hoa Kỳ đưa ra một lời xin lỗi về việc sử dụng bom nguyên tử cách đây 78 năm hay không, ông Sullivan nói rằng tổng thống sẽ không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào.
“Tổng thống sẽ không đưa ra tuyên bố nào tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình. Ông sẽ tham gia cùng các nhà lãnh đạo G-7 khác trong lễ đặt vòng hoa và một số sự kiện khác,” ông Sullivan giải thích. “Với tư cách là một trong những nhà lãnh đạo G-7, ông đến để bày tỏ lòng kính trọng đối với lịch sử cũng như sự kính trọng đối với Thủ tướng Kishida, người vốn dĩ có quê hương là Hiroshima.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times