Hiroshima tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G-7 nhằm giải quyết các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc
TOKYO, Nhật Bản—Các nhà lãnh đạo của Nhóm Bảy đại cường quốc (G-7) sẽ gặp nhau trong tuần này tại Hiroshima, Nhật Bản, thể hiện sức mạnh và sự đoàn kết nhằm thúc đẩy “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” trước sự gây hấn ngày càng leo thang của Nga và Trung Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh này, sẽ diễn ra từ ngày 19 đến ngày 21/05, sẽ là hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 49 của các nền dân chủ phát triển hùng mạnh nhất — Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Vương quốc Anh, Pháp, Ý, và Canada.
Tổng thống (TT) Joe Biden dự định tham dự hội nghị thượng đỉnh, mặc dù ông đang ở giữa các cuộc đàm phán khó khăn về trần nợ với các nhà lãnh đạo quốc hội. Theo Tòa Bạch Ốc, hành trình của tổng thống đã được rút ngắn để ông có thể trở lại Hoa Thịnh Đốn sớm hơn dự định để tiếp tục các cuộc đàm phán. TT Biden đã hoãn các chuyến thăm sau hội nghị thượng đỉnh tới Úc và Papua New Guinea.
Mặc dù hội nghị thượng đỉnh G-7 mọi năm thường không gây chú ý, nhưng hội nghị năm nay được xem là có ý nghĩa quan trọng vì thông điệp mà hội nghị này có thể gửi tới Nga và Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã chọn Hiroshima làm nơi tổ chức G-7 như một cơ hội mang tính biểu tượng để kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Hội nghị thượng đỉnh năm nay dự kiến sẽ làm nổi bật lịch sử của Hiroshima như là nơi diễn ra hoạt động quân sự tang thương nhất thế giới và cố gắng gửi một “thông điệp mạnh mẽ” tới phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Nga, về sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân.
Về nghị trình
Theo ông Matthew Goodman, phó chủ tịch cao cấp về kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cuộc chiến ở Ukraine và cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu sẽ là chủ đề chính trong nghị trình tại cuộc họp năm nay.
“Ngay bây giờ, có sự tập trung đặc biệt vào an ninh lương thực và năng lượng, và các vấn đề xung quanh khoản nợ của các nước đang phát triển,” ông Goodman cho biết trong một cuộc họp báo mà CSIS tổ chức để giới thiệu qua về hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo này.
Hội nghị này cũng có thể là một phép thử lớn đối với ảnh hưởng toàn cầu của Nhật Bản.
“Nhật Bản đang đặc biệt chú trọng đến giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân, bởi vì hội nghị thượng đỉnh này được tổ chức tại Hiroshima, quê hương của ngài thủ tướng, và cũng bởi vì Nga đã …. ngụ ý rằng họ có thể sẽ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine,” ông Goodman giải thích.
Theo CSIS, G-7 đã tìm thấy một mục tiêu chung mới sau hậu quả của cuộc xâm lược Ukraine của Nga và sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc. Năm nay, Nhật Bản hy vọng có thể đoàn kết các nền dân chủ hàng đầu để chống lại những nỗ lực của Nga và Trung Quốc nhằm phá hoại trật tự dựa trên luật lệ hiện có và mở rộng ảnh hưởng của họ ở Mỹ Latinh, Phi Châu, và Á Châu.
“G-7 sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt Nga và ủng hộ Ukraine,” chính phủ Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố tóm tắt nghị trình của hội nghị thượng đỉnh. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo “sẽ tái khẳng định và tăng cường hợp tác về ‘Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở.’”
Một trọng tâm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh năm nay là “Vươn tới Nam Bán Cầu,” vốn nhằm tăng cường khả năng tiếp cận với Mỹ Latinh, Phi Châu, phần còn lại của Á Châu, và Thái Bình Dương để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga tại những khu vực này.
Vì vậy mà một số lượng kỷ lục các nhà lãnh đạo đã được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh năm nay: Úc, Nam Hàn, Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Việt Nam, Comoros (đại diện cho Liên minh Phi Châu), và Quần đảo Cook (đại diện cho Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương) sẽ tham gia các phiên họp ở Hiroshima.
Khí hậu vẫn là trọng tâm chính, nhưng các nhà lãnh đạo G-7 cũng đang gặp khó khăn trong việc giải quyết nhu cầu năng lượng của quốc gia họ do hậu quả từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga và của các lệnh trừng phạt.
“Mặc dù tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh năng lượng được tái khẳng định trước hành động xâm lược Ukraine của Nga, nhưng mục tiêu để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 dựa trên Thỏa thuận Paris vẫn không thay đổi,” tuyên bố của G-7 cho biết.
Khi Đức tổ chức hội nghị thượng đỉnh G-7 một năm trước đây, thì việc giải quyết khủng hoảng khí hậu là một ưu tiên rất lớn. Mặt khác, Nhật Bản đã dành ít ưu tiên hơn cho vấn đề này, theo ông Goodman.
Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng sẽ đóng một vai trò nổi bật tại hội nghị thượng đỉnh G-7 năm nay, khi các nhà lãnh đạo thế giới kinh ngạc trước sự tiến bộ nhanh chóng và những rủi ro tiềm tàng của công nghệ này.
Các chủ đề chính khác sẽ được thảo luận trong hội nghị này bao gồm sự phát triển của các chuỗi cung ứng linh hoạt cũng như giải quyết các chính sách phi thị trường và cưỡng ép kinh tế. Các nhà lãnh đạo cũng được tiên liệu sẽ bày tỏ sự lo lắng về các dự án tài chính phát triển không minh bạch ở các nước nghèo, chẳng hạn như Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc cộng sản.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times