Cuộc đàm phán giữa ông McCarthy và TT Biden về mức trần nợ: ‘có hiệu quả hơn một chút’
Tổng thống (TT) Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đã ủy thác các cuộc đàm phán chính về việc nâng mức trần nợ và cắt giảm chi tiêu cho những người đại diện đáng tin cậy, thiết lập một quy trình rõ ràng hơn để giải quyết bế tắc giữa các bên.
Ông Steve Richetti, cố vấn của tổng thống, và bà Shalanda Young, giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách, sẽ thay mặt tổng thống đàm phán trong khi Dân biểu Garret Graves (Cộng Hòa-Louisiana) và các nhân viên của ông McCarthy sẽ tiến hành đàm phán thay cho Chủ tịch Hạ viện.
Ông McCarthy thông báo việc thay đổi quy trình này sau cuộc họp kéo dài một giờ với tổng thống và các nhà lãnh đạo khác hôm 16/05, đánh dấu nỗ lực đàm phán thứ hai giữa hai bên.
“Tôi thực sự cho rằng cuộc họp lần này hiệu quả hơn một chút. Chúng tôi còn cách xa nhau. Nhưng điều đã thay đổi trong cuộc họp này là tổng thống hiện đã chọn hai người từ chính phủ của ông ấy để đàm phán trực tiếp với chúng tôi,” ông McCarthy cho biết.
Những người cũng có mặt trong cuộc họp gồm có Phó Tổng thống Kamala Harris, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York), Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), và Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York).
“Họ đã trao đổi trong các cuộc họp này, vì vậy chúng tôi phần nào biết được lập trường của mọi người là gì. Điều đó khiến chúng tôi cảm thấy ổn,” ông McCarthy nói.
“Thời gian là điều cốt yếu,” ông McCarthy nói thêm, ý nói đến thời hạn có thể chấp nhận được là ngày 01/06 để nâng hạn mức vay.
Đồng hồ đang điểm
Hôm 13/01, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã thông báo với Quốc hội rằng Hoa Kỳ đang tiến gần đến mức trần nợ. Hôm 15/05, bà thông báo với Quốc hội rằng Bộ Ngân khố sẽ thiếu tiền để đáp ứng tất cả các nghĩa vụ tài chính của Hoa Kỳ vào “đầu tháng Sáu, và khả năng sớm nhất là vào ngày 01/06” nếu mức trần nợ không được nâng lên.
“Theo đánh giá của tôi — và của các nhà kinh tế học trong Bộ — một vụ vỡ nợ của Hoa Kỳ sẽ tạo ra thảm họa kinh tế và tài chính,” bà Yellen nói trong lúc diễn thuyết trước một nhóm các chủ ngân hàng cộng đồng độc lập hôm 16/05.
“Nền kinh tế Hoa Kỳ đang trong tình trạng bấp bênh. Sinh kế của hàng triệu người Mỹ cũng vậy. Không có thời gian để lãng phí. Quốc hội cần giải quyết hạn mức nợ càng sớm càng tốt.”
Ông McCarthy than thở về thực tế là không có cuộc đàm phán nào diễn ra trước tuần vừa qua.
“Thật không may, ĐDC đã lãng phí bốn tháng, khi nói rằng đó phải là một mức trần nợ ‘không kèm theo điều kiện nào’ hoặc là họ sẽ không đàm phán. Chà, quý vị biết không, toàn bộ điều đó giờ đã thay đổi. Và bây giờ chúng tôi đang ở tại vị trí mà lẽ ra chúng tôi phải quay lại đó từ hồi tháng Hai,” ông McCarthy nói.
Tổng thống và Chủ tịch Hạ viện đã rơi vào thế bế tắc trong việc [đàm phán] nâng mức trần nợ 31.4 ngàn tỷ USD của quốc gia kể từ tháng Một. TT Biden nhấn mạnh rằng mức trần nợ phải được nâng lên vô điều kiện để giữ trọn niềm tin và uy tín của Hoa Kỳ.
Ông McCarthy nói rằng sẽ không có sự gia tăng nào nếu không có thỏa thuận cắt giảm chi tiêu. Đảng Cộng Hòa đã đề xướng giảm chi tiêu không thiết yếu xuống mức của năm 2022, giới hạn mức tăng chi tiêu ở mức 1% hàng năm trong một thập niên, thu hồi các quỹ cứu trợ COVID-19 chưa sử dụng từ các tiểu bang, và nới lỏng các quy định về khoan dầu khí.
Tòa Bạch Ốc khẳng định rằng việc nâng hạn mức nợ là “nghĩa vụ hiến định” của các nhà lập pháp. Các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện phản bác rằng họ đã nâng hạn mức này bằng cách thông qua Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng hôm 26/04, mặc dù dự luật này đã không được Thượng viện thông qua.
Chưa có thỏa thuận nào
TT Biden cho biết ông tin rằng việc đi đến một thỏa thuận là nằm trong tầm tay, mặc dù cả hai bên đều không đề cập đến tiến trình cụ thể.
“Tôi vẫn lạc quan vì tôi là một người vốn dĩ lạc quan. Nhưng tôi thực sự cho rằng từ phía họ, cũng như từ phía chúng tôi đều có mong muốn đạt được một thỏa thuận, và tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ có thể làm được điều đó,” ông nói với các phóng viên hôm 14/05.
Sau cuộc họp hôm 16/05, ông McCarthy từ chối nói về quan điểm mong đợi đó.
Khi được hỏi liệu bây giờ ông có lạc quan hơn về việc đạt được thỏa thuận hay không, Chủ tịch Hạ viện nói: “Tôi không lạc quan hơn. Khi quý vị chỉ còn 15 ngày nữa và quý vị đang cố gắng nâng mức trần nợ? Điều duy nhất mà tôi nghĩ là tốt hơn là bây giờ chúng tôi có một định dạng, một cấu trúc, đó là thứ mà tôi đã yêu cầu từ hồi tháng Hai.”
“Tôi nghĩ bây giờ chúng tôi có thời gian để tìm ra giải pháp,” ông nói thêm.
Màn trình diễn hai người
Các cuộc đàm phán trở nên phức tạp do TT Biden dự định tới Nhật Bản hôm 17/05 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo G7, một chuyến đi dự kiến kéo dài 8 ngày và bao gồm các điểm dừng ở Úc và New Guinea để gặp gỡ các nhà lãnh đạo khác trong khu vực đó.
Tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc đã thông báo ngay sau cuộc họp về mức trần nợ rằng chuyến công du của tổng thống sẽ được rút ngắn với các chuyến thăm Úc và New Guinea bị hoãn lại.
Trước đó cùng ngày, Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre đã gạt bỏ ý kiến cho rằng bà Harris có thể đảm nhận các cuộc đàm phán khi tổng thống vắng mặt.
“Tổng thống có thể là tổng thống ở bất cứ đâu. Ông ấy có thể làm công việc của người Mỹ khi ở ngoại quốc,” bà Jean-Pierre cho biết.
Bà Jean-Pierre nói thêm: “Bà ấy đã tham gia vào quá trình này trong suốt các cuộc thảo luận về ngân sách, về việc không vỡ nợ. Điều đó sẽ không thay đổi.”
Mặc dù các nhà lãnh đạo khác đã có mặt trong các buổi đàm phán, nhưng rõ ràng là bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải được tổng thống và chủ tịch Hạ viện phê chuẩn.
Ông Schumer và ông Jeffries đã liên tục lặp lại các luận điểm của tổng thống, rằng không nên đàm phán về việc tăng mức trần nợ và đề xướng của Đảng Cộng Hòa (GOP) sẽ có hại cho người làm công ăn lương của Mỹ.
Tuy nhiên, mặc dù ông Schumer lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, nhưng tỷ lệ chênh lệch 51–49 là quá mong manh để thông qua mức trần nợ ‘không kèm theo điều kiện nào’, vốn sẽ cần 60 phiếu bầu.
Ông McConnell rõ ràng đã tuân theo sự lãnh đạo của ông McCarthy về vấn đề này, đến mức nói rằng ông “vui mừng khi được ngồi tại Tòa Bạch Ốc để hỗ trợ Chủ tịch McCarthy” trong các cuộc đàm phán với tổng thống.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times