Truyền thuyết ‘mộng bút sinh hoa’ – Cây bút Thần của các thi nhân xưa
Từ thời xa xưa, cả chính sử và dã sử đều có ghi lại những câu chuyện về “mộng bút” hoặc “mộng bút sinh hoa”.
Vào thời Ngũ Đại, trong cuốn sách “Khai nguyên thiên bảo di sự” của mình, văn nhân Vương Nhân Dụ đã ghi lại câu chuyện kể rằng: Khi Lý Bạch còn trẻ, ông đã mộng thấy chiếc bút lông mà mình thường sử dụng có một bông hoa xinh đẹp mọc trên đầu bút. Từ đó về sau, Lý Bạch văn tư mẫn tiệp, thơ từ nổi tiếng khắp thiên hạ, được người đời yêu thích và truyền tụng. Đây chính là nguồn gốc của câu chuyện “Mộng bút sinh hoa”.
Theo “Nam Sử – Kỷ thiếu du truyện” ghi chép: văn nhân thời Nam triều Kỷ Thiếu Du khi còn nhỏ đã nằm mộng thấy Lục Thùy – một văn nhân nổi tiếng lúc bấy giờ – tặng cho ông một cây bút lông với ống bút làm bằng ngọc bích. Kể từ đó, thơ văn của ông tuôn trào như suối chảy, trình độ sáng tác cũng được cải thiện rất nhiều.
Có câu thành ngữ “Giang Lang tài tận”, đây là câu chuyện nói về Giang Yêm, một văn nhân thời Nam triều. Không có ghi chép nào trong sử sách về thời gian Giang Yêm được trao tặng cây bút thần, nhưng việc có người lấy lại cây bút thần vào những năm cuối đời của ông thì đã được ghi lại trong sử sách và một số ghi chép khác. Theo “Nam Sử – Giang Yêm truyện” và “Thi phẩm – Quyển trung” của Chung Vanh, một văn nhân thời Nam triều, sau khi Giang Yêm từ chức Thái thú ở Tuyên Thành, trên đường về quê, trong khi nghỉ ngơi ở một trạm nghỉ chân, ông mơ thấy một người tự xưng là Quách Phác (một văn nhân nhà Tấn) nói với mình rằng: “Tôi có một cây bút để ở chỗ ông nhiều năm rồi, có thể trả lại cho tôi rồi”. Nghe vậy, Giang Yêm cho tay vào túi và lấy ra một cây bút ngũ sắc trả lại cho Quách Phác. Kể từ đó, Giang Yêm không còn có thể viết ra những câu thơ ưu mỹ như trước nữa. Người thời đó nói rằng ông ấy đã tài tận rồi, đây là nguồn gốc của điển cố “Giang Lang tài tận”.
Trong “Nhị thập tứ sử” có ghi lại rất nhiều câu chuyện về “Mộng bút” của người xưa. Tác giả cũng xin kể lại một số điều mà mình biết, do hạn chế về những gì thấy và biết được nên tình huống được mô tả dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo cho bạn đọc.
Để nằm mộng hoặc nhìn thấy Thần bằng thiên mục, và các vị Thần Phật ở tầng thứ cao ban cho bút Thần, thì có một điều kiện tiên quyết, đó là người đó phải tin vào sự tồn tại của các vị Thần, đồng thời tôn kính Thiên Địa Thần minh. Như chúng ta đều biết, điều đầu tiên mà trẻ em thời cổ đại được học khi bước vào trường là tôn kính Tiên Thánh Tiên Sư (những vị Thánh nhân và Hiền sư đã khuất). Lấy nhà Đường làm ví dụ, Tiên Thánh của Quốc Tử Học là Chu Công, Tiên Sư là Khổng Tử, trường học ở châu và huyện cũng là như vậy. [1]
Hơn nữa, triều đình còn quy định khi làm lễ cúng tế phải thông qua lễ nghi Tam hiến [2]. Trẻ em ở thời cổ đại từ nhỏ đã phải học cách tôn kính Thiên Địa Thần Minh, cẩn trọng đối đãi với văn hóa truyền thống. Giống như “Thi kinh – Đại nhã – Ức” nói: “Kính thận uy nghi, duy dân chi tắc” (đại ý là: tôn kính và cẩn trọng đối với lễ nghi truyền thống, trong đó bao gồm lễ tế, nghi trượng, nghi dung… và duy trì tốt các nguyên tắc đạo đức làm người).
Cũng có một số tình huống là “Trời ban bút Thần”, có người trời sinh đã có sẵn căn cơ tiên thiên rất tốt, cũng chính là vừa sinh ra đã mang theo một cây bút Thần. Ví dụ như “Tống sử – Phạm Chất truyện” ghi rằng: “Đêm Chất sinh ra, mẫu thân nằm mơ thấy Thần Tiên ban cho chàng một cây bút ngũ sắc. Chín tuổi, chàng có thể thuộc văn, mười ba tuổi có thể thông thuộc ‘Thượng thư’, thu nhận môn sinh”. “Bút ngũ sắc” được đề cập trong bài viết còn được gọi là “hào ngũ sắc” (lông ngũ sắc), là cây bút lông có năm màu xanh, đỏ, vàng, trắng, đen tương ứng với ngũ hành Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy. Đây là trường hợp của hầu hết các văn học gia và thi nhân nổi tiếng thời cổ đại, họ có căn cơ tiên thiên tốt, vừa sinh ra đã mang theo một cây bút Thần, và mang đi sau khi tạ thế. Bút thần của Lý Bạch cũng là tiên thiên đã có, “Mộng bút sinh hoa” ý tứ là cây bút Thần của ông đã được Thượng Thiên ban cho nhiều công năng hơn, chẳng hạn như làm thơ hay hơn.
Cũng có một số người là hậu thiên (về sau) được Thần Tiên nội trong tam giới ban cho bút Thần. Trường hợp này nói chung đều là có quan hệ nhân quả, có người sau một thời gian sẽ bị lấy lại hoặc chuyển cho người khác; chỉ là khi bị lấy lại thì có người có cảm giác thấy (ví dụ như Giang Yêm), có người thì không cảm giác thấy. “Cựu ngũ đại sử – Hòa Ngưng truyện” ghi lại rằng: “Hòa Ngưng, tự Thành Tích, cũng là người Tu Xương, Vấn Dương… Vào năm 17 tuổi được chọn làm cống sinh. Khi đến kinh đô, cậu đột nhiên mơ thấy có người tặng cho cây bút ngũ sắc, nói: ‘Con có tài như vậy, còn không thi làm tiến sĩ?’. Vì tài năng thông tuệ, cậu đã trở thành tiến sĩ vào năm 19 tuổi”. Đây là trường hợp hậu thiên được trao tặng cây bút Thần.
Cho dù đó là tiên thiên mang theo cây bút Thần hay hậu thiên mới có được, nó đều biểu hiện ở một chiều không gian khác, mang theo thân thể ở không gian khác. Cây bút này chỉ có thể được sử dụng nếu nó được gắn với một vật tải thể nào đó trong không gian con người, điều này phải do các vị Thần Tiên trong Tam giới hoặc các vị Thần Phật bên ngoài Tam giới mới có thể làm được. Vật tải thể này rất đa dạng, nó có thể là một chiếc bút hoặc nhiều chiếc bút, hoặc một cuốn sách, hoặc một cuốn sổ tay. Người xưa thường ghi những câu nói hay câu thơ học được vào một cuốn sổ và mang theo bên mình, cuốn sổ này sẽ truyền cảm hứng cho họ làm thơ, thậm chí là ý thơ sẽ tuôn trào như suối. Kỳ thực, là cây bút Thần ở không gian khác đã kết nối với vật tải thể này. Hai cuốn “Lạp ông đối cú” và “Thanh luật khải mông” mà chúng ta đọc hiện nay, đều là do người xưa biên soạn dựa trên những ghi chép của chính họ.
Ngay cả khi một người sinh ra đã có cây bút Thần, nhưng nếu không có sự trợ giúp của Thần thì cũng không thể nào vận dụng được. Một người không tín Thần, thì cũng đừng hy vọng được Thần trợ giúp. Cung kính Thiên Địa Thần minh là điều kiện tiên quyết. Lấy thể thơ Đường luật làm ví dụ, phải thuộc lòng, lý giải đầy đủ thơ văn cổ, còn phải có lão sư chân chính truyền dạy niêm luật, cách gieo vần và cách đối. Cũng giống như ca sĩ và vũ công chuyên nghiệp, họ nhất định phải trải qua quá trình luyện tập gian khổ, bởi không có miếng bánh nào từ trên trời rơi xuống. Hơn nữa, càng tuân thủ cách luật của thi từ, sẽ càng nhận được nhiều điểm hóa và trợ giúp từ Thần minh.
Theo cách nói của giới tu luyện, cây bút Thần là một loại Pháp khí. Pháp khí này dù là tiên thiên mang theo, thì lúc đầu nó vẫn ở trong trạng thái ngủ say, sau khi đáp ứng đủ các điều kiện nói trên, Thần mới đánh thức nó, ban cho nó linh tính và sinh mệnh, đồng thời kết nối nó với những vật tải thể như cuốn sách hay cây bút… trong không gian nhân loại này. Nói cách khác, cây bút chúng ta thường dùng để làm thơ, hay cuốn sổ chúng ta dùng để tham khảo, chính là hiện thân của cây bút Thần trong không gian nhân loại.
Sau khi có cây bút Thần trời ban rồi, quá trình làm thơ là một quá trình kỳ diệu. Đôi khi sẽ cảm thấy rằng, những từ ngữ mỹ diệu cứ hiện ra như lụa, cách luật của thơ giống như kích thước, thi nhân sẽ sử dụng bút Thần để phân chia và cắt xén, vì vậy cổ nhân gọi làm thơ là “cắt thơ”, rất có tính hình tượng.
Thơ viết xong, Thần sẽ ban cho nó sinh mệnh mới, sẽ có sự sống. Khi các thi nhân sử dụng những lời thơ ưu mỹ để mô tả các loài hoa như hoa sen, hoa mai, hoa thủy tiên…, có khi họ sẽ khiến các vị Thần ở tầng thứ đó xúc động, ví như Thần của hoa thủy tiên sẽ đến cảm ơn. Vì vậy, quay về truyền thống mới có thể tiếp xúc với Thần, mà quá trình này không thể mang theo những tâm chấp trước của con người, đặc biệt là tâm hữu cầu. Cổ nhân nói: “Văn chương bản Thiên thành, diệu thủ ngẫu đắc chi” (câu nổi tiếng trong bài ‘Văn chương’ của Lục Du, thi nhân thời Tống). [Ý rằng: văn chương vốn là từ Thiên Thượng mà thành, người viết chỉ là ngẫu nhiên đạt được]. Tất cả đều là do Thần tạo ra và ban tặng, vậy nên sau khi viết được một bài thơ hay, các thi nhân sẽ bày tỏ lòng cảm ân đối với Thần minh.
Người không có bút Thần trời ban, cho dù đọc qua rất nhiều cổ thi, đến khi muốn làm thơ thì có thể đầu óc vẫn trống rỗng, không nghĩ ra được điều gì. Có khi, họ phải mất nhiều ngày mới có thể viết ra một bài thơ, nhưng ý tứ không mấy hay ho hoặc cũng rất phàm tục. Còn những người có cây bút Thần trời ban, thì làm thơ vừa nhanh vừa tuyệt.
Pháp khí bút Thần có sự phân chia tầng thứ cao thấp khác nhau, có cái là hình thành trong Tam giới, có cái là do Thần Phật bên ngoài Tam giới ban tặng, thông thường đều có mang theo đặc điểm của tầng thứ đó. Và cây bút Thần do Sáng Thế Chủ ban tặng mới chính là cây bút tốt nhất. Thơ rằng:
Tu tâm nhập đạo hung khâm khoát,
Tri mệnh kính thiên nhãn giới thù.
Quân tử tài thi nhân mộng bút,
Thanh phong tác bạn thượng quy đồ.
Chú thích:
[1] Theo “Cựu đường thư – Chí đệ tứ”: “Vào năm Vũ Đức thứ 2 thời Hoàng đế Đường Cao Tổ, quốc tử lập miếu Chu Công và Khổng Tử”. “Tháng Bảy, năm thứ hai sau khi Cao Tông hiển khánh, Lễ bộ Thượng thư Hứa Kính Tông kiến nghị: Theo chiếu, Chu Công làm Tiên Thánh, Khổng Tử làm Tiên Sư”. Ngoài ra, “Lễ Ký” viết: “Thủy lập học, thích điện vu Tiên Thánh” [ý rằng, việc học đầu tiên bắt đầu từ việc cúng tế các vị Tiên Thánh]. Trịnh Huyền chú thích: “Như Chu Công, Khổng Tử vậy.” Công đức của Chu Công có thể so sánh Đế vương, xứng với Vũ Vương. Lấy Khổng Tử làm Tiên Thánh.”
Triêu Huy thực hiện
Lâm Phương Vũ biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ