Họa sĩ cổ đại triển hiện Thần tích, vẽ rồng điểm mắt biến thành thật
Có lẽ rất nhiều người đều biết câu chuyện về Thần bút Mã Lương. Mã Lương là một đứa trẻ hiền lành và rất thích vẽ tranh.
Một ngày nọ, cậu được Thần Tiên tặng cho một cây bút Thần. Kể từ đó, tất cả mọi thứ cậu vẽ đều có sinh mệnh: vẽ chim thì chim có thể bay lên trời và hót líu lo; vẽ cá thì cá có thể bơi xuống nước và nhảy múa; máy cày, guồng nước và cối xay bằng đá mà cậu vẽ đều có thể dùng được; vẽ trâu thì trâu có thể cày ruộng. Với cây bút thần này, Mã Lương đã trợ giúp những người cần giúp đỡ, lan tỏa sự thiện lương, cùng chia sẻ món quà của Thần Tiên ban cho này với mọi người.
Có lẽ trong mắt những người dân Trung Quốc lớn lên dưới chủ nghĩa vô thần, thì đây bất quá chỉ là một câu chuyện thần thoại cổ tích mà thôi. Tuy nhiên trong sử sách Trung Quốc, thật sự có những ghi chép về việc tĩnh vật dưới ngòi bút của người họa sĩ đã đột nhiên trở nên sống động như thật.
Họa sĩ thời Tần điểm mắt cho hổ, hổ biến thành thật
Vào năm đầu tiên thời Tần Thủy Hoàng (247 TCN ), nước Khiên Tiêu đã cống nạp cho Thủy Hoàng một người giỏi điêu khắc và hội họa tên là Duệ. Địa chỉ chính xác của Khiên Tiêu quốc đến nay vẫn chưa được khảo chứng, nhưng đại khái đó là một tiểu quốc ở Tây Vực.
Khi Duệ vẽ tranh, miệng ngậm chu sa và thạch thanh (phẩm xanh) trong miệng rồi phun xuống đất là có thể biến ra các thứ như yêu ma và những đồ vật kỳ dị khác. Cậu còn có thể chạm khắc ra hình dạng của những con thú bằng đá, ngay cả sợi lông cũng sống động như thật. Ngoài ra, cậu còn điêu khắc thời gian lên ngực các con thú.
Nếu Duệ trải vải lụa lên mặt đất, trong một tấc vuông, cậu có thể vẽ ra bản đồ của Tứ Độc (bốn con sông chảy ra biển ở Trung Quốc cổ đại: sông Giang, sông Hoàng Hà, sông Hoài, sông Tề) và Ngũ Nhạc (5 ngọn núi lớn ở Trung Quốc cổ đại, bao gồm: Thái sơn, Hoa sơn, Tung Sơn, Hoành Sơn, Hằng Sơn) cũng như các quốc gia khác. Nếu cậu vẽ rồng và phượng, chúng sẽ uốn lượn như bay, vô cùng sống động, nhưng tất cả đều không vẽ mắt. Người ta nói rằng nếu điểm mắt cho chúng, thì chúng sẽ bay đi.
Sau khi Tần Thủy Hoàng nghe nói về những bức tranh kỳ diệu của Duệ, trong lòng ông sinh ra nghi vấn: “Những thứ được vẽ này, làm sao có thể bay đi được?”. Vì vậy, ông đã yêu cầu Duệ điểm một con mắt cho hai con hổ mà cậu đã vẽ bằng sơn mài nguyên chất. Kết quả là không đến mười ngày, hai con hổ trong tranh đã biến mất, không ai biết chúng đã đi đâu.
Tần Thủy Hoàng ra lệnh cho người đi khắp nơi điều tra. Có người dân ở vùng núi Đại Trạch nói rằng họ nhìn thấy hai con hổ trắng, mỗi con thiếu một mắt, chúng đi cùng nhau, bộ lông và hình dáng của chúng khác hẳn những con hổ khác. Mọi người nhìn thấy loài hổ này đều cảm thấy rất kỳ lạ.
Đến năm sau, có người ở vùng miền Tây dâng lên cho Tần Thủy Hoàng hai con hổ trắng, cả hai đều thiếu một con mắt. Tần Thủy Hoàng nghi ngờ đó là hai con hổ đã mất trước đây, nên ra lệnh giết chết chúng. về sau khi kiểm tra trước ngực của hai con hổ, quả nhiên phát hiện trên đó có khắc thời gian mà năm kia Duệ đã vẽ.
Trương Tăng Diêu và thành ngữ “vẽ rồng điểm mắt”
Khi nói đến câu thành ngữ “Vẽ rồng điểm mắt”, không thể không nói đến Trương Tăng Diêu, một họa sĩ cung đình trong thời kỳ Nam triều Lương Vũ Đế. Trương Tăng Diêu nổi tiếng với các bức tranh về Phật và Đạo, đồng thời ông cũng giỏi vẽ các nhân vật, chân dung, chim hoa, động vật, phong cảnh, v.v. Trong số đó, tranh vẽ rồng được mọi người nhắc đến nhiều nhất. Ông đã vẽ một số lượng lớn tranh tường tại không ít ngôi chùa ở Giang Nam, tất cả đều sống động như thật.
Một năm nọ, trên bức tường của chùa An Lạc ở Kim Lăng, Trương Tăng Diêu đã vẽ bốn con rồng, thần thái sinh động, như thể chúng có thể bay đi bất cứ lúc nào. Những người đến xem đều hết lời khen ngợi, nhưng cũng đều thắc mắc tại sao bốn con rồng đều không có mắt, bèn hỏi Trương Tăng Diêu. Trương Tăng Diêu nói với mọi người rằng: “Nếu vẽ mắt vào, rồng sẽ bay đi”. Mọi người đều cho rằng điều này thật hoang đường, nhất quyết yêu cầu ông điểm mắt cho rồng.
Trương Tăng Diêu không còn cách nào khác, đành vẽ mắt cho hai con rồng trong đó. Quả nhiên vừa vẽ xong, sắc trời liền biến đổi, sấm chớp nổi lên vang dội, hai con rồng phá tường cưỡi mây bay lên trời, còn hai con rồng không mắt vẫn ở trên tường. Mọi người lúc này mới tin những gì Trương Tăng Diêu nói là thật.
Ngoài ra trên bức tranh tường ở chùa Hoa Nam cũng có rồng. Vào thời nhà Tùy, có hai con rồng bay ra khỏi Độc Long Đàm gần chùa để giao đấu với rồng trên bức tranh, gây ra mưa to gió lớn. Đạo sĩ Đinh Huyền Chân đã vẽ một lá bùa sắt, hai con rồng kia mới xuyên núi bay đi, duy chỉ có con rồng trên bức tranh vẫn ở lại. Đinh Huyền Chân hỏi: “Ai đã vẽ con rồng này? Đều vẽ thành Tiên rồi!!”. Hòa thượng nói: “Là Trương Tăng Diêu đại nhân vẽ”. Đinh Huyền Chân thở dài: “Vẽ thì vẽ, điểm mắt làm gì chứ!!”. Sau đó, ông đóng hai chiếc đinh sắt vào mắt rồng trên bức tranh tường, cuối cùng đã thu phục được con rồng trên bức tranh.
Nét vẽ có thần của Ngô Đạo Tử
Ngô Đạo Tử là một họa sĩ thời nhà Đường. Ông cũng giỏi vẽ Phật Đạo, quỷ thần, nhân vật, phong cảnh, chim thú, cỏ cây, lầu các v.v.. Ông đặc biệt tinh thông về Phật Đạo và các nhân vật, trình độ vượt qua cả Trương Tăng Diêu. Ông từng vẽ bức “Địa ngục đồ”, thế nhân sau khi nhìn thấy đều cảm thấy kinh sợ chốn địa ngục, trong tâm không còn dám nghĩ đến làm điều ác. Trong bức tranh “Ngũ long đồ” của ông, năm con rồng lắc đầu vẫy đuôi như thể sắp bay lên, mỗi khi trời mưa thì trên bức tranh bốc khói nghi ngút.
Rất nhiều họa sĩ trong lịch sử đều tín Thần và vẽ Thần, đồng thời cũng là người tu luyện. Các bức tranh dưới ngòi bút của Trương Tăng Diêu và Ngô Đạo Tử đều có thể triển hiện Thần tích, đây chính là minh chứng.