Truyền thông Trung Quốc: Việc khử đồng dollar hóa cải thiện vị thế quốc tế của đồng nhân dân tệ
Từ lâu đồng USD đã được công nhận là tiền tệ dự trữ/tiền pháp định toàn cầu hàng đầu. Nhưng những khó khăn gần đây do đại dịch, chiến tranh, các lệnh trừng phạt kinh tế, nguồn dự trữ lương thực ngày càng cạn kiệt và thiếu hụt năng lượng đã thúc đẩy một số quốc gia đẩy nhanh việc đa dạng hóa tiền tệ của họ. Xu hướng mới nổi này được gọi là khử đồng dollar hóa.
Các phương tiện truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khuyến khích cách tiếp cận này, chỉ ra cách Ngân hàng Israel gần đây đã chấp nhận đồng nhân dân tệ hay đồng RMB của Trung Quốc trong một hành động mà họ hy vọng sẽ tăng cường dự trữ ngoại hối của mình, mặc dù xét kỹ hơn, hành động này không phải nhất thiết là việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với Trung Quốc.
Nhân dân tệ của Trung Quốc đã chiếm một tỷ lệ nhỏ trong dự trữ ngoại hối của một số quốc gia. Nhưng không có một loại tiền cụ thể nào có thể thay thế hoàn toàn đồng USD với tư cách là tiền tệ toàn cầu hàng đầu.
Ngoại tệ của Israel chủ yếu dựa vào USD, euro và bảng Anh. Nhưng ngoài nhân dân tệ, Israel sẽ sớm bổ sung thêm đồng yên của Nhật, đồng CAD của Canada và đồng AUD của Úc.
Hôm 20/04 Bloomberg đưa tin rằng đây là lần điều chỉnh lớn nhất đối với dự trữ ngoại hối của Israel trong hơn một thập niên. Ủy ban tiền tệ của Ngân hàng Israel và các cuộc thảo luận của họ vào năm 2021 sẽ cung cấp thông tin chi tiết về động lực thúc đẩy sự điều chỉnh này.
Báo cáo đề cập đến việc thành phần dự trữ ngoại hối của Israel đã biến động như thế nào. Ví dụ, tỷ trọng của USD trong dự trữ ngoại hối của Israel giảm từ 66.5 xuống 61% và đồng euro giảm từ 30 xuống 20%. Báo cáo cũng lưu ý rằng phần bảng Anh đã tăng lên 5%. Đối với các loại tiền dự trữ mới của Israel, đồng yên chiếm 5% trong khi đồng CAD và AUD mỗi loại chiếm 3.5%. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc chiếm tỷ trọng thấp nhất, chỉ 2%.
Mặc dù đồng nhân dân tệ chiếm tỷ trọng thấp nhất trong dự trữ ngoại tệ của Israel, nhưng các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc muốn quý vị tin tưởng khác đi.
Hôm 24/04, công ty dịch vụ internet Trung Quốc Sohu đã đăng một bài đăng từ Defense Times, tờ báo tập trung vào quốc phòng duy nhất của ĐCSTQ. Bài đăng cho rằng Israel đang “bán phá giá USD để lấy nhân dân tệ.”
Bài đăng cho biết lý do là vị thế của đồng USD trên trường quốc tế đang bị thách thức khi thị phần của đồng nhân dân tệ dầu mở rộng. Alpha Southeast Asia đưa tin hôm 15/03 rằng đồng “nhân dân tệ dầu mỏ” đề cập đến việc Bắc Kinh đàm phán với Ả Rập Xê Út để sử dụng đồng nhân dân tệ cho việc mua dầu từ vương quốc này.
Ngoài ra, bài báo của Defense Times đã đề cập trước đó khẳng định cuộc chiến Nga-Ukraine đã khiến nhiều nước “đẩy nhanh quá trình khử dollar hóa và chuyển sự chú ý của họ sang đồng nhân dân tệ như thế nào”.
Tuy nhiên, bài báo cũng so sánh việc khử dollar hóa với việc bóp kem đánh răng, cho thấy quá trình này cần được “đẩy mạnh từng chút một”. Bài báo thừa nhận một cách thận trọng, “Chúng tôi không thể nghĩ rằng đồng nhân dân tệ đã ở một vị thế mạnh” bởi vì gió có thể đổi chiều trong tương lai.
Ông Albert Song, một nhà nghiên cứu và chuyên gia tài chính của tổ chức tư vấn Thiên Quân cũng chia sẻ một cảnh báo tương tự về đồng nhân dân tệ. Dựa trên 27 năm kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực tài chính của Trung Quốc, ông Song nói với Epoch Times hôm 25/04, “Hiện tại, dường như không có đồng tiền nào có thể thay thế đồng USD trở thành tiền tệ toàn cầu.”
Khi được hỏi về việc Israel lần đầu tiên bổ sung đồng nhân dân tệ, ông Song cho biết, “Tất cả các quốc gia đều sử dụng nhiều ngoại tệ và đồng nhân dân tệ vẫn chiếm một tỷ lệ nhỏ trong dự trữ ngoại hối. Hiện tại, tỷ trọng tài sản bằng USD trong tài sản toàn cầu là rất cao. Ví dụ, tài sản bằng USD chiếm khoảng 2/3 dự trữ ngoại hối chính thức của Trung Quốc.”
Ông Song cũng nói, “Điểm quan trọng là đồng tiền của một quốc gia được nhiều quốc gia công nhận hơn. Mặc dù ĐCSTQ tuyên bố rằng đồng nhân dân tệ đang trên con đường quốc tế hóa, nhưng tỷ trọng thanh toán quốc tế của nó trong những năm qua chỉ là 3.2%. Điều này là do đồng nhân dân tệ được kiểm soát, không được tự do chuyển đổi và nó có độ tín nhiệm kém.”
Ông Song tin rằng ĐCSTQ đang cố gắng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ bằng cách liên kết nó với dầu mỏ.
Ông nói, “ĐCSTQ muốn sử dụng một số tài sản để ràng buộc đồng nhân dân tệ để định giá hoặc giàn xếp, cố gắng làm cho nó được nhiều quốc gia chấp nhận hơn. Đây thực sự là một mối đe dọa, và người ta tin rằng trong quá trình toàn cầu hóa ngược lại, các quốc gia sẽ bác bỏ hành vi của ĐCSTQ.”
Hồi tháng 03/2018, hợp đồng dầu thô tương lai đã được niêm yết để giao dịch bởi Sàn giao dịch Hàng hóa Kỳ hạn Thượng Hải. Khi điều này được công bố, Thời báo Chứng khoán Trung Quốc đã đưa tin rằng việc ra mắt “phiên bản dầu thô tương lai của Trung Quốc” có ý nghĩa quan trọng hơn dự kiến.
Điều khiến thông báo này trở nên quan trọng là một báo cáo khác vào tháng Một năm đó của Trung tâm Tin tức Dầu khí Quốc gia Trung Quốc. Báo cáo này tuyên bố rằng có một khoảng cách lớn giữa hợp đồng tương lai dầu thô của Trung Quốc và dầu thô nhẹ, ít lưu huỳnh được gọi là hợp đồng tương lai West Texas Intermediate (WTI) được niêm yết bởi New York Mercantile Exchange (NYMEX) và hợp đồng tương lai Brent được niêm yết bởi Sàn giao dịch Dầu khí Quốc tế Luân Đôn (IPE).
Hiện tại, việc giao hàng tại kho của dầu thô kỳ hạn của Trung Quốc chỉ giới hạn ở thị trường nội địa. Giao hàng là một điều khoản tương lai. Điều đó đề cập đến việc thanh toán tiền giữa nhà đầu tư và một công ty môi giới nhưng cũng có thể được hiểu là việc giao hàng và thanh toán tiền để kết thúc một giao dịch.
Cô Kathleen Li đã đóng góp cho The Epoch Times từ năm 2009 và tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô là một kỹ sư, làm việc trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và kết cấu tại Úc.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ THe Epoch Times
Xem thêm: