Ẩn sau bộ máy tuyên truyền phức tạp mà ĐCSTQ thao túng là ý đồ truyền bá tư tưởng cộng sản (Phần 1)
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cố gắng điều khiển cách tường thuật tin tức toàn cầu của Trung Quốc bằng các biện pháp lén lút mà dường như là vô hại. Phần lớn những người di cư từ Trung Quốc thích tiếp nhận tin tức bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Thông qua một cấu trúc phức tạp gồm các cơ quan thông tấn đã ghi danh ở trong nước và hải ngoại, các kênh truyền thông do ĐCSTQ kiểm soát biên dịch tin tức toàn cầu theo hướng có lợi cho họ và phát tán các nội dung đã được làm giả này với rất ít sự phản đối từ các chính phủ trên toàn thế giới.
[Bộ máy] truyền thông của Trung Quốc bao gồm rất nhiều hãng truyền thông và thật khó để mô tả do sự thường xuyên tái tổ chức và thay đổi tên gọi các cơ quan. Ngoài các hãng thông tấn nhà nước, thì còn có nhiều hãng truyền thông thuộc sở hữu độc lập. Cho dù một số hãng truyền thông có ghi danh hoạt động ở ngoại quốc thế nào đi chăng nữa, thì tất cả họ vẫn trung thành với ĐCSTQ và việc lan truyền những tin tức giả mạo và thông tin sai lệch của đảng này.
Đứng đầu đế chế truyền thông tại hải ngoại của Trung Quốc là Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ. Trực thuộc cơ quan này là Văn phòng Kiều Vụ (hay Văn phòng Các vấn đề Hoa Kiều), vốn bao gồm cả Trung Quốc Tân Văn Xã (China News Service, CNS). CNS là cơ quan tuyên truyền chính của ĐCSTQ nhắm vào người Hoa ở hải ngoại. CNS có văn phòng tại nhiều quốc gia kể cả Hoa Kỳ. Năm 1990, nhân viên của CNS được cử đến Hoa Kỳ để thành lập mạng lưới truyền hình SinoVision (Truyền hình Trung Quốc) và tờ báo The China Press (Qiao Bao, Kiều Báo) để chống lại những nhận thức tiêu cực về chính quyền Trung Quốc sau cuộc biểu tình và thảm sát sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
ĐCSTQ cũng gián tiếp kiểm soát tờ Tinh Đảo Nhật báo (Sing Tao Daily) quốc tế của Hồng Kông, nhóm truyền thông xã hội WeChat của Tencent, và nhiều kênh truyền thông trên mạng xã hội của Kiều Báo trên toàn cầu.
Tỷ lệ các tờ báo thiên tả của Mỹ thu hút được cộng đồng người Hoa nhập cư là rất nhỏ. Cựu ủy viên Hội đồng Thành phố New York Peter Koo đã dùng một ví dụ để minh họa rằng tại các khu vực tập trung người Hoa và người Hàn ở khu phố Flushing của thành phố New York, nếu một tờ báo Anh ngữ thiên tả của phương Tây bán được một bản, thì tất cả các tờ báo Hoa ngữ địa phương cộng lại có thể bán được “200 bản mỗi ngày,” gấp 200 lần so với tờ báo Anh ngữ đó.
Những yếu tố này cho phép ĐCSTQ gây ảnh hưởng đến nền chính trị Hoa Kỳ theo những cách mà các quan chức chính phủ Hoa Kỳ không dễ dàng hiểu được. Để hiểu bản chất làm xói mòn và gây hại của ĐCSTQ tới xã hội Mỹ quốc, các nhà hoạch định chính sách phải hiểu môi trường truyền thông của Trung Quốc, để giải quyết tốt hơn sự can thiệp và tác động của đảng này đối với cộng đồng người Mỹ gốc Hoa ở Hoa Kỳ.
‘Mượn thuyền ra khơi’
Mặc dù mọi người đều biết rằng Tân Hoa Xã của Trung Quốc là cơ quan đại diện cho chính quyền ĐCSTQ, nhưng việc dán nhãn cho tờ báo này là “đại diện ngoại quốc” ở Hoa Kỳ là không đủ để ngăn chặn họ lan rộng tuyên truyền của mình. Tân Hoa Xã không chỉ đơn giản là phát hành tin tức trực tiếp cho độc giả Trung Quốc tại Hoa Kỳ mà còn thực hiện việc này thông qua các đối tác địa phương dưới các thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chiến lược phân phối hai tầng này cho phép tường thuật tin tức của ĐCSTQ được truyền đến độc giả Mỹ quốc thông qua một bên thứ ba, giúp Tân Hoa Xã tránh khỏi những cáo buộc rằng họ đang phát tán tuyên truyền chính thức.
ĐCSTQ gọi chiến lược này là “mượn thuyền ra khơi.” Trong cộng đồng người Hoa ở New York, ít nhất ba “con thuyền” — Truyền hình Trung Quốc (SinoVision), Kiều Báo, và Tinh Đảo Nhật báo — đã mở đường cho Tân Hoa Xã và các cơ quan ngôn luận khác của ĐCSTQ truyền bá [thông tin] ra thế giới bên ngoài.
Kiều Báo, nhật báo Hoa ngữ duy nhất ở Hoa Kỳ sử dụng Hán tự giản thể và có một trung tâm tin tức ở Bắc Kinh, được thành lập tại New York vào tháng 01/1990. Trong một bài báo năm 2015, khi tổng giám đốc của hãng thông tấn này, ông Du Giang (You Jiang), thảo luận về “những cơ hội và thách thức” của tờ báo, ” ông thừa nhận rằng cơ hội của tờ báo nằm ở chỗ là “một phần bổ sung quan trọng cho hoạt động tuyên truyền ngoại giao nói chung của Trung Quốc,” và chính quyền ĐCSTQ ngày càng xem trọng tờ báo này.
Báo cáo có nhan đề “Ảnh hưởng của Trung Quốc và Lợi ích của Mỹ quốc: Thúc đẩy Cảnh giác mang tính Xây dựng” của Viện Hoover năm 2018, đã cho thấy tờ Kiều Báo được thành lập bởi nhân viên Tạ Nhất Ninh (Xie Yining) do Văn phòng Kiều Vụ và China News Service cử đến Hoa Kỳ để đảo ngược quan điểm tiêu cực về chế độ ĐCSTQ sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Tờ Kiều Báo chính thức thuộc sở hữu của Tập đoàn Văn hóa và Truyền thông Á Châu, vốn cũng là chủ sở hữu của Truyền hình Trung Quốc (SinoVision). Truyền hình Trung Quốc và Kiều Báo hoạt động ở cùng một địa điểm và thuộc cùng một tập đoàn.
Nói một cách chính xác, Kiều Báo và Truyền hình Trung Quốc là những “con thuyền” mà ĐCSTQ trực tiếp tạo ra bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, vì Kiều Báo được ghi danh chính thức tại Hoa Kỳ với tư cách là một công ty thuộc sở hữu của người Mỹ và hoạt động như vậy, nên tờ báo này vẫn chưa được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt kê là đại diện ngoại quốc.
Tài khoản WeChat của Kiều Báo và Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ
The Epoch Times phát hiện ra rằng tài khoản WeChat mang tên “nyqiaobao” của tờ Kiều Báo Hoa ngữ có trụ sở tại New York được chứng nhận và vận hành bởi Công ty Phát triển Công nghệ Đường Ấn Trung Tân Bắc Kinh (Beijing Zhongxin Chinese Technology Development Co.), một công ty con thuộc sở hữu toàn phần của Trung Quốc Tân Văn Xã (CNS). CNS là một trong những cơ quan tuyên truyền chính của ĐCSTQ nhắm vào các cộng đồng Hoa kiều ở hải ngoại.
Hoạt động kinh doanh cốt lõi của Công ty Phát triển Công nghệ Đường Ấn Trung Tân Bắc Kinh là cung cấp trợ giúp thông tin kỹ thuật cho các kênh truyền thông Hoa ngữ hải ngoại tại Hoa Kỳ, Pháp, Brazil, Úc, và các quốc gia khác. Sự trợ giúp này gồm cả các hệ thống quản lý nội dung, quản lý nội dung đa phương tiện, xuất bản video, xuất bản bản tin điện tử, phát triển ứng dụng, điều tra dư luận, phân tích ảnh hưởng dữ liệu lớn, và hệ thống truyền thông thông minh được xã hội hóa.
“Hệ thống giám sát dư luận trên toàn bộ các phương tiện truyền thông” này cho thấy cách ĐCSTQ tích hợp và phối hợp các phương tiện truyền thông Trung Quốc ở ngoại quốc với các phương tiện truyền thông chính thức bên trong Trung Quốc để tạo ra một mạng lưới giám sát quy mô lớn.
Năm 2018, các chức năng của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất đã được mở rộng và Văn phòng Kiều Vụ được sáp nhập vào ban lãnh đạo của cơ quan này. Hành động này trực tiếp đặt CNS trực tiếp dưới quyền của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất. Thông qua CNS, Ban Công tác Mặt trận Thống nhất sở hữu hoặc kiểm soát nhiều kênh truyền thông Hoa ngữ ở ngoại quốc và các tài khoản WeChat của họ, bao gồm cả Kiều Báo ở Hoa Kỳ.
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times