Truyền thông Trung Quốc tuyên bố Hồng Kông là nơi an toàn để đầu tư trong bối cảnh khủng hoảng ngân hàng toàn cầu
Thương vụ thâu tóm Credit Suisse làm mất uy tín ngành ngân hàng, giảm niềm tin của nhà đầu tư
Trong bối cảnh niềm tin của các nhà đầu tư xuống thấp do các vụ sụp đổ ngân hàng gần đây ở Hoa Kỳ và Thụy Sĩ, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng nhiều nhà đầu tư giàu có ở Hoa Kỳ và Thụy Sĩ đã đóng tài khoản trong nước và vội vã chuyển tiền đến Hồng Kông. Tuy nhiên, các nhà phân tích tài chính cho rằng Hồng Kông vẫn là “một nơi không an toàn” để nắm giữ và đầu tư tài sản.
Sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank hồi đầu tháng Ba, các ngân hàng trên toàn thế giới lần lượt rơi vào tình trạng căng thẳng; với ngân hàng lớn nhất gặp khó khăn là Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai ở Thụy Sĩ.
Thành lập vào năm 1856, Credit Suisse là một “ngân hàng quan trọng với hệ thống (SIB)” ở Thụy Sĩ theo nhận định của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ. Đây cũng là một trong những “Ngân hàng Quan trọng với Hệ thống Toàn cầu (G-SIB)” theo định nghĩa của Hội đồng Ổn định Tài chính hồi năm 2021.
Sau một loạt bê bối trong những năm gần đây, cùng việc thay thế thường xuyên các giám đốc điều hành hàng đầu, và khoản lỗ hàng tỷ USD trong các quỹ đầu tư, hồi đầu tháng Ba Credit Suisse đã bắt đầu chứng kiến những lượt rút tiền lên tới 10 tỷ USD mỗi ngày, dẫn đến sự sụp đổ của ngân hàng này.
Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ, Cơ quan Giám sát Thị trường Tài chính Thụy Sĩ (FINMA), và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã kịp thời can thiệp để khắc phục tình hình.
Trong một thương vụ tiếp quản do chính phủ tài trợ, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, UBS, đã tuyên bố sẽ mua Credit Suisse với giá khoảng 3.23 tỷ USD. Theo thỏa thuận, các cổ đông của Credit Suisse sẽ nhận được 1 cổ phiếu UBS cho mỗi 22.48 cổ phiếu Credit Suisse nắm giữ, tương đương với 0.76 CHF (Franc Thụy Sĩ) cho mỗi cổ phiếu, thấp hơn đáng kể so với giá đóng cửa của Credit Suisse là 1.86 CHF hôm 17/03.
Tuy nhiên, trái phiếu cấp một bổ sung (AT1) có mệnh giá 16 tỷ CHF (khoảng 17.2 tỷ USD) của Credit Suisse sẽ được ghi giảm về 0, khiến khoản đầu tư của các nhà đầu tư trái phiếu bị xóa sổ hoàn toàn.
Mặc dù việc đưa trái phiếu AT1 về 0 diễn ra theo thỏa thuận sáp nhập, nhưng hành động này đã đi chệch khỏi các quy tắc mặc định của thị trường tài chính. Theo Basel III, bộ tiêu chuẩn quy định có ảnh hưởng nhất trong ngành ngân hàng trên toàn cầu, thì trái phiếu có ưu tiên trả nợ cao hơn cổ phiếu. Thông thường, khi một ngân hàng phá sản, các cổ đông sẽ chịu thiệt hại trước các trái chủ.
Tuyên bố sai sự thật của truyền thông nhà nước Trung Quốc
Sau khi UBS thông báo mua lại Credit Suisse, tờ báo tài chính nhà nước Trung Quốc Securities Times hôm 23/03 đã đăng thứ gọi là một ‘bản tin độc quyền’ tuyên bố rằng “một lượng lớn người Mỹ và người Thụy Sĩ giàu có đã đóng tài khoản trong nước và đang gấp rút chuyển tiền của họ tới Hồng Kông.”
Tờ báo này được cho là đã yêu cầu Cục Quản lý Tiền tệ Hồng Kông (HKMA), ngân hàng trung ương của thành phố, xác nhận tuyên bố này, nhưng HKMA đã không trả lời trực tiếp.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 25/03, ông Albert Song, nhà phân tích tài chính cao cấp và chuyên gia về hệ thống tài chính Trung Quốc, đã phân tích cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện tại và giải thích rằng tuyên bố về việc chuyển tiền vào Hồng Kông có thể là sai sự thật.
Ông Song nói, “UBS đã mua lại Credit Suisse và chính phủ Thụy Sĩ đã cung cấp một khoản cứu trợ tương đương với một phần ba GDP, nhưng các khoản đầu tư của các trái chủ đã bị xóa sổ, gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của ngành tài chính Thụy Sĩ vì trái phiếu phải luôn có ưu tiên trả nợ cao hơn hơn cổ phiếu. Có vẻ như các nhà đầu tư đã bị thiệt hại nặng nề, vì vậy kể từ bây giờ, các nhà đầu tư trên toàn thế giới sẽ rất thận trọng đối với các khoản đầu tư liên quan đến Thụy Sĩ.”
“Do truyền thống giữ bí mật ngân hàng của Thụy Sĩ, đất nước này đã trở thành nơi hàng đầu để những người giàu có và quyền lực trên thế giới cất giữ tiền mặt của họ. Tuy nhiên, do sự sụp đổ ngân hàng gần đây, nhiều người thực hiện giao dịch ngân hàng tại đó hiện đang mất ngủ vào ban đêm và lo lắng về sự an toàn của tiền của họ, đặc biệt là các quan chức Trung Quốc tham nhũng đã sử dụng các ngân hàng Thụy Sĩ làm nơi cất giấu tiền của mình.”
“Việc Trung Quốc tuyên bố rằng một số lượng lớn những người giàu có ở Hoa Kỳ và Thụy Sĩ đang đóng tài khoản trong nước và chuyển tiền của họ đến Hồng Kông là tin giả. Có thể có những động cơ chính trị đằng sau việc này.”
Ông Song đã làm việc trong lĩnh vực tài chính Trung Quốc được 27 năm. Ông cũng là một chuyên gia về chính trị và kinh tế Trung Quốc.
Ông Song nói, “Nếu tiền ở Thụy Sĩ không an toàn, chúng có thể được chuyển sang các nước khác. Nếu các ngân hàng vừa và nhỏ ở Hoa Kỳ gặp vấn đề, chúng có thể được chuyển giao cho JPMorgan Chase và các ngân hàng lớn khác. Tại sao tiền lại nên được chuyển đến Hồng Kông? Hồng Kông là một nơi không an toàn. Hệ thống Tỷ giá Hối đoái Liên kết (LERS) của Hồng Kông đã tích lũy rủi ro trong hệ thống tài chính của thành phố này trong năm qua. Hiện tại họ đang rất cần một dòng vốn chảy vào thành phố.”
Các đợt tăng lãi suất gần đây của Hoa Kỳ đã gây áp lực rất lớn lên đồng dollar Hồng Kông (HKD), vì đây là một loại tiền tệ được neo với USD. HKMA đã phải bán đi lượng lớn dự trữ ngoại tệ của mình để giữ cho HKD không bị mất giá so với đồng USD, do đó tạo ra rủi ro đáng kể trong hệ thống tài chính của thành phố.
Ông Song nói thêm, “Trong một nỗ lực nhằm tăng dòng vốn chảy vào thành phố, chính phủ Hồng Kông gần đây đã đề ra các biện pháp mới nhằm thu hút các gia đình giàu có đến sinh sống tại thành phố, với hy vọng họ sẽ gửi tiền vào ngân hàng và kinh doanh ở đó.”
Hồng Kông rất cần có vốn chảy vào
Chính phủ Hồng Kông hôm 24/03 đã công bố một kế hoạch mới nhằm thu hút các gia đình có thu nhập cao đến định cư tại thành phố, bao gồm một lộ trình dễ dàng hơn để cư trú thông qua các khoản đầu tư, gọi đó là “Tuyên bố Chính sách về Phát triển Doanh nghiệp Văn phòng Gia đình ở Hồng Kông.”
Ưu đãi đầu tiên, “Chương trình Đầu tư Vốn mới (CIES),” sẽ cho phép các cá nhân giàu có và các thành viên gia đình của họ được cư trú tại Hồng Kông nếu họ đầu tư một số tiền nhất định vào cổ phiếu, trái phiếu, hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư, hoặc các tài sản khác.
Chương trình này bao gồm các khoản miễn thuế và các ưu đãi khác cho các văn phòng gia đình và chủ sở hữu tài sản toàn cầu.
Lý do đằng sau sự tích cực thu hút vốn vào thành phố của Hồng Kông là Hệ thống Tỷ giá Hối đoái Liên kết (LERS) đang chịu áp lực từ các đợt tăng lãi suất liên tục của Fed. Hôm 23/03, sau khi Cục Dự trữ Liên bang công bố tăng lãi suất thêm 25 điểm căn bản, HKMA ngay lập tức đã tăng lãi suất thêm 25 điểm căn bản.
Kể từ ngày 17/10/983, Hồng Kông đã áp dụng Hệ thống Tỷ giá Hối đoái Liên kết (LERS), cho phép HKMA ổn định tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và đồng HKD trong khoảng từ 7.75 đến 7.85, khoảng neo tỷ giá này còn gọi là Cam kết Chuyển đổi (CU). Vì được neo giá theo USD, nên CU khi HKD mạnh (strong-side CU) là 7.75 trên 1 USD và CU khi HKD yếu (weak-side CU) là 7.85. HKMA từng gọi LERS là “trụ cột cho sự ổn định tài chính và tiền tệ của Hồng Kông.”
Tuy nhiên, các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed liên tục kích hoạt CU khi HKD yếu. Để duy trì tỷ giá hối đoái trong phạm vi cam kết chuyển đổi, HKMA đã phải liên tục bán dự trữ USD của mình để mua vào HKD, khiến dự trữ ngoại hối của thành phố giảm đáng kể.
Hôm 14/02, CU khi HKD yếu lại được kích hoạt lần nữa, khiến HKMA phải mua thêm 14.868 tỷ HKD (khoảng 1.93 tỷ USD) để bảo đảm giá trị của đồng tiền này. Đây là lần mua HKD thứ 43 của ngân hàng trung ương kể từ tháng 05/2022 và là lần mua lớn nhất cho đến nay.
Dữ liệu được công bố hôm 07/03 cho thấy dự trữ ngoại tệ của HKMA ở mức 428.9 tỷ USD hồi cuối tháng Hai, giảm 36.1 tỷ USD so với mức 465 tỷ USD hồi tháng 05/2022.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times