Cuốn sách mới bóc trần chiến dịch gây ảnh hưởng đến truyền thông toàn cầu của Bắc Kinh
Một tháng trước đợt bầu cử giữa nhiệm kỳ, một số công ty phân tích và an ninh mạng đã đưa ra cảnh báo giống nhau: Chính quyền Trung Quốc cộng sản đã tìm cách gây ảnh hưởng đến cử tri Hoa Kỳ nhằm kích động tranh đấu nội bộ đảng phái và quảng bá Trung Quốc như một tấm gương về tính ưu việt của chế độ độc tài so với nền dân chủ.
Trong số những công ty này, Mandiant, một công ty an ninh mạng gần đây đã được Google mua lại, cho biết họ đã và đang theo dõi một chiến dịch trực tuyến mà họ gọi là “cầu rồng” (“dragonbridge”) kể từ tháng 06/2019. Năm ngoái, Mandiant đã quan sát thấy nỗ lực của chiến dịch cầu rồng nhằm tổ chức và kích động các cuộc biểu tình trên đường phố ở Hoa Kỳ để phản đối tinh thần bài xích người Mỹ gốc Á. Hơn nữa, các hoạt động của chiến dịch này đã bành trướng trên hàng chục nền tảng truyền thông xã hội với hơn bảy ngôn ngữ. Năm nay, Mandiant đã chứng kiến các hoạt động tinh vi hơn với những luận điệu leo thang nhằm ngăn cản người Mỹ đi bỏ phiếu.
Một lần nữa, những phát hiện này đã đưa chiến dịch gây ảnh hưởng lên truyền thông toàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ra ánh sáng. Nói về chủ đề đó, một cuốn sách mới — “Cuộc Tấn công của Bắc Kinh vào Truyền thông Toàn cầu: Chiến dịch Không cân xứng của Trung Quốc nhằm Gây ảnh hưởng đến Á Châu và Thế giới” — mang lại một cái nhìn toàn diện với các chi tiết về lịch sử và các hoạt động của các nền tảng truyền thông truyền thống và kỹ thuật số.
Một trường hợp điển hình được nêu bật trong cuốn sách này là Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn chính thức của ĐCSTQ. Tác giả Joshua Kurlantzick, một thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Ngoại giao (CFR), nói với The Epoch Times trong một thư điện tử, “[Tân Hoa Xã] đã ký các thỏa thuận chia sẻ nội dung với một loại các ấn phẩm ở các nước đang phát triển và đã phát triển, hơn nữa, ở một số quốc gia Tân Hoa Xã đang ngày càng được xem là một nguồn tin tức không khác gì AP hoặc Reuters, v.v.”
Theo ông, mặc dù nội dung của Tân Hoa Xã ít được truyền thông Hoa Kỳ sử dụng hơn, nhưng “China Watch” — một phụ trang quảng cáo cho các bài báo từ cơ quan ngôn luận Anh ngữ của ĐCSTQ là China Daily — được sử dụng phổ biến hơn. Trong cuốn sách của mình, ông cho biết China Daily đã đăng những phụ trang như vậy trên hơn 30 hãng thông tấn lớn có phạm vi tiếp cận quốc tế.
Ông nói thêm trong thư điện tử nói trên, “Một số hãng thông tấn của Hoa Kỳ, như Wall Street Journal, đã làm rất tốt vì đã rạch ròi rằng những thứ đó về căn bản chỉ là quảng cáo; [tuy nhiên] những hãng thông tấn khác thì không như thế, và ‘China Watch’ có thể được một số độc giả xem như một trang báo thực sự, mặc dù phụ trang này đến từ China Daily.”
Theo cuốn sách mới của ông Kurlantzick, mặc dù ĐCSTQ đã kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng đến các hãng truyền thông địa phương ở các quốc gia khác, đi đôi với các chiến dịch đưa thông tin sai lệch trực tuyến một phần học hỏi được từ Nga, nhưng hiệu quả tổng quan còn mơ hồ, tốt xấu lẫn lộn.
Đối với ông, sự hỗ trợ của ĐCSTQ đối với Nga trong cuộc chiến Ukraine, mặc dù gần đây có phần lắng dịu, nhưng đã làm tổn hại đến hình ảnh toàn cầu của đảng này, đặc biệt là ở Âu Châu. Ông nói thêm: “Điều đó cũng đã làm suy yếu cuộc tấn công của giới truyền thông Trung Quốc và — cùng với các yếu tố khác như sự cưỡng bách kinh tế và chính sách ngoại giao chiến lang của Trung Quốc — đang dẫn đến tình trạng nhiều quốc gia có cái nhìn vô cùng tiêu cực về Trung Quốc.”
Tuy nhiên, với việc ông Tập Cận Bình bảo toàn nhiệm kỳ thứ ba tại Đại hội Đảng khóa 20 với tư cách là Tổng Bí thư ĐCSTQ cho đến năm 2028, việc xuất cảng tuyên truyền cộng sản được dự kiến sẽ tăng lên.
Trong chuyến thăm Báo Giải phóng quân hồi tháng 12/2015, ông Tập đã có câu nói nổi tiếng: “Ở đâu có độc giả, ở đâu có người xem, thì phải vươn xúc tu tuyên truyền tin tức của mình đến đó, đồng thời phải đặt trọng tâm và điểm kết thúc của công tác tuyên truyền tư tưởng tại đó.”
Hôm 25/10, vài ngày sau Đại hội Đảng lần thứ 20, tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng đã công bố trên Weibo, nền tảng tương tự Twitter của Trung Quốc, 40 “câu khẩu hiệu” hàng đầu được sử dụng trong các bản tin chính thức của Đảng. Theo đó, các phiên bản Anh ngữ chính thức sẽ làm theo bản gốc Hoa ngữ.
Ông Tăng Phổ (Sang Pu), nhà bình luận chính trị và chủ tịch Hiệp hội Hồng Kông Đài Loan, nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ rằng, cách tiếp cận này nhằm cung cấp cho các biệt ngữ Đảng một phiên bản chính thức và đưa các định nghĩa của ĐCSTQ vào các cụm từ tiếng Anh khi xuất cảng tuyên truyền. Ông nói thêm rằng “hành trình mới” (“new journey”), phiên bản Anh ngữ của cụm từ đầu tiên trong danh sách này, đã bỏ qua ngữ điệu mang sắc thái chiến tranh trong bản gốc Hoa ngữ — một chiến thuật điển hình trong tuyên truyền của ĐCSTQ.
Ông Kurlantzick nói với The Epoch Times rằng việc khiến các thông tấn nhà nước Trung Quốc ghi danh làm đại diện ngoại quốc ở Hoa Kỳ là một công cụ hiệu quả, nhưng điều đó sẽ không giải quyết được việc chia sẻ nội dung tuyên truyền hoặc quảng cáo trả tiền. Ông cho biết các chương trình nhằm “nâng cao kiến thức của người Mỹ để nhận biết được các nguồn tin chất lượng” và “ngăn chặn việc sử dụng thông tin sai lệch trực tuyến ngày càng tăng của Trung Quốc” là điều rất cần thiết.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times