Truyền thông của ĐCSTQ chia sẻ bài viết cảnh báo Hoa Kỳ không nên ‘can thiệp’ vào Eo biển Đài Loan trong bối cảnh Hamas tấn công Israel
Sau khi tổ chức vũ trang Hamas ở Palestine đột kích Israel, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn không lên án hành động này. Nhiều blogger Trung Quốc còn ca ngợi tính hiệu quả trong cuộc đột kích của Hamas và chế nhạo cơ quan tình báo Israel là “những kẻ vô tích sự.” Có hãng thông tấn của ĐCSTQ còn đăng lại một bài đăng trên blog với nội dung “Mấy người can thiệp Eo biển Đài Loan của tôi, tôi sẽ động vào Israel của mấy người.” Sau đó, bài viết này đã bị gỡ. Những tín hiệu này thu hút sự chú ý của ngoại giới. Đồng thời, ba hành động trước đó của ông Tập Cận Bình nhằm can dự chặt chẽ hơn vào Trung Đông cũng khiến mọi người đặt nghi vấn.
Các blogger của ĐCSTQ nhất tề châm biếm Israel
Hamas đã đột kích vào Israel và bắn hàng ngàn hỏa tiễn, bắt giữ một số lượng lớn binh lính cùng thường dân. Sau đó, Israel phản công, dẫn đến thương vong nặng nề cho cả hai bên.
Trước bối cảnh này, các quốc gia phương Tây đã lên án cuộc tấn công của Hamas. Về phía Trung Quốc, mặc dù hôm 08/10, Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ tuyên bố rằng họ “lo ngại sâu sắc về việc gia tăng căng thẳng và leo thang bạo lực giữa Palestine và Israel,” và kêu gọi “lập tức ngừng bắn,” nhưng lại đề cập đến “giải pháp hai quốc gia” và đề nghị thành lập một nhà nước Palestine độc lập.
Trên mạng Internet ở Hoa lục, phần lớn cư dân mạng lên tiếng ủng hộ Palestine, không bày tỏ sự cảm thông đối với người dân Israel bị Palestine bắt làm con tin. Trong đó, quan điểm của một số blogger Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của ngoại giới. Những blogger này nói về những điểm yếu của Israel. Quan điểm của họ trái ngược hoàn toàn với quan điểm của các quốc gia dân chủ và cộng đồng quốc tế nói chung.
Ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), cựu tổng biên tập tờ “Thời báo hoàn cầu,” cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCSTQ, cho rằng ngày càng có nhiều quốc gia Ả Rập hòa giải với Israel, Hoa Kỳ cũng đang thúc đẩy bình thường hóa mối bang giao giữa Saudi Arabia và Israel; người Palestine không thể tự mình đánh bại Israel, họ cần phải “đại náo một trận” để phá vỡ cục diện hiện tại ở Trung Đông.
Sáng ngày 08/10, ông Hồ viết trên Weibo rằng Hamas “tấn công bất ngờ và hiệu quả,” cơ quan tình báo Mossad của Israel và CIA của Hoa Kỳ đều đã trở thành “những kẻ vô dụng.”
Cùng ngày 08/10, trương mục Weibo “Ngưu Đạn Cầm” (牛弹琴) được cho là có xuất thân từ Tân Hoa Xã đăng bài viết nói rằng: “Israel đã mắc phải hai sai lầm trí mạng.” Một là thiếu sót nghiêm trọng trong công tác tình báo, hai là phản ứng của quân đội quá chậm chạp. Bài viết cho rằng cuộc đột kích “chứng tỏ sức sống mãnh liệt và lực chiến đấu của Hamas.”
Trước đó, hôm 07/10, trang web Phượng Hoàng (Ifeng.com) đã công bố một bài viết trên blog của trương mục “Tri Giám Minh Sử” (知鉴明史) với nội dung: “Mấy người can thiệp Eo biển Đài Loan của tôi, tôi sẽ động vào Israel của mấy người! Trung Quốc sẽ tạo ra đột phá ở ba khía cạnh tại Syria.” Bài viết cáo buộc những hành động của Hoa Kỳ ở Biển Đông, nói rằng Hoa Kỳ cản trở sự “trở về” của Đài Loan, và Trung Quốc đã chịu đựng điều đó đủ lâu rồi. “Lần này Trung Quốc sẵn sàng phản công Hoa Kỳ, thiết lập sự hợp tác chặt chẽ với Syria và tấn công con tốt của Hoa Kỳ là Israel.”
Phóng viên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times phát hiện bài viết trên trang web Phượng Hoàng này đã bị gỡ bỏ vào chiều ngày 09/10, nhưng một bài viết tương tự vẫn tồn tại trên trang web Toutiao.
Hôm 09/10, ông Tô Tử Vân (Su Ziyun), Giám đốc Viện Nghiên cứu Tài nguyên và Chiến lược Quốc phòng thuộc Viện nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Đài Loan, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, ở Trung Quốc không có tự do báo chí, những blogger này đều là cơ quan ngôn luận của chính quyền, thứ họ thiếu nhất chính là tinh thần nhân đạo. Tuy nhiên, vấn đề của Đài Loan không giống với vấn đề của Palestine, “Đài Loan là Trung Hoa Dân Quốc, từ lâu đã là một quốc gia độc lập và có chủ quyền, ĐCSTQ là thủ phạm chia rẽ Trung Quốc.”
Cùng ngày 09/10, ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), Phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng chính quyền Cộng sản Trung Quốc vốn dĩ không có nguyên tắc, lúc nào cũng chỉ xem những lời nào có lợi hơn cho mình. Chính quyền này muốn giữ lập trường trung lập để mưu cầu lợi ích, còn những người đi theo họ thì đều không có tiêu chuẩn thiện ác, đúng sai. “Họ sợ thiên hạ không loạn. Trật tự quốc tế hiện nay là do Hoa Kỳ chủ đạo, [nên họ muốn] càng hỗn loạn càng tốt. Đây là tâm lý của họ. Tâm lý này là kết quả sự mê muội của những kẻ thống trị.”
Phân tích: Hành động liều lĩnh của Hamas là “tài liệu tham khảo” cho việc ĐCSTQ xâm lược Đài Loan
Hôm 09/10, nhà văn và là nhà bình luận độc lập Thái Thận Khôn (Cai Shenkun) nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, mặc dù không có quá nhiều bằng chứng cho thấy ĐCSTQ can dự sâu đến đâu, nhưng ông tin rằng việc Hamas phát động cuộc chiến lần này chắc chắn không phải là hành động bộc phát, mà đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.
“Hơn nữa tôi nghĩ rằng ở một khía cạnh nào đó, đây là một lần thử nghiệm mạo hiểm trên quy mô lớn, có tác dụng tham khảo rất lớn cho việc ĐCSTQ xâm lược Đài Loan,” ông Thái nhận định. “Quý vị thử nghĩ xem, Hamas có thể chuẩn bị hàng ngàn hỏa tiễn trong khoảng thời gian ngắn như vậy ở một nơi nhỏ như Gaza, hơn nữa là dưới lệnh cấm vận vũ khí. Thậm chí còn có một số lượng lớn phi cơ không người lái mang theo bom bay tới Israel, và quan trọng hơn là họ đến từ những nơi khác nhau – những quân nhân có vũ trang này xông vào Israel đồng thời từ trên biển, trên không và trên đất liền. Tôi cho rằng chắc chắn có một thế lực lớn hơn hậu thuẫn. Thế lực này chắc chắn không chỉ giới hạn ở Iran. Tôi cho rằng Trung Quốc và Nga đều có góp phần trong này.”
Ông Thái nói rằng từ cuộc đột kích thành công của Hamas, ĐCSTQ có thể đã nhìn thấy bước tiếp theo để đối phó với Đài Loan, và điều này rất đáng để lưu tâm. Giờ đây, có lẽ những người có ảnh hưởng trên Internet đang cố gắng phỏng đoán ý đồ của ĐCSTQ.
“Bởi vì sự hỗn loạn ở Israel và toàn bộ Trung Đông sẽ ảnh hưởng đến chiến lược của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hoặc vai trò của quốc gia này ở Eo biển Đài Loan. Điều này sẽ khiến các nước phương Tây phân tán tinh lực. Đến lúc đó, một khi ĐCSTQ quyết định dùng vũ lực để chiếm Đài Loan, các quốc gia phương Tây căn bản sẽ không ứng phó được. Nếu cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và cuộc chiến giữa Nga và Ukraine không được giải quyết tốt, thì nguy cơ chiến tranh lớn sẽ xuất hiện rất nhanh.”
Ba hành động gây chú ý trước đó của ông Tập Cận Bình
Trước lần tập kích này của Hamas vào Israel, ông Tập Cận Bình đã lần lượt có sự tiếp xúc với Palestine, Iran, và Syria kể từ tháng Sáu năm nay.
Ông Tập Cận Bình đã gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Bắc Kinh hôm 14/06. Trong cuộc họp, ông Tập đã dành sự ủng hộ đối với Palestine trong lời nói của mình. Ông Tập nhấn mạnh Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận nhà nước Palestine, đồng thời nói thêm rằng Trung Quốc “luôn kiên định ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của người dân Palestine trong việc khôi phục các quyền dân tộc hợp pháp của mình, sớm thúc đẩy một giải pháp toàn diện, công bằng và lâu dài cho vấn đề của Palestine.” Vào thời điểm đó, Trung Quốc và Palestine đã tuyên bố thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược.”
Sáng ngày 24/08, ông Tập Cận Bình đã gặp Tổng thống Iran tại Hội nghị các nhà lãnh đạo BRICS ở Johannesburg. Tại hội nghị này, ĐCSTQ đã ủng hộ Iran trở thành thành viên chính thức của BRICS.
Trước khi Á Vận hội ở Hàng Châu bế mạc vào ngày 09/10, ĐCSTQ đã gửi lời mời tới Tổng thống Syria Bashar al-Assad tham dự lễ bế mạc Á Vận hội, đồng thời phái chuyên cơ để phục vụ ông Bashar al-Assad. Tổng thống Syria Bashar al-Assad trước nay luôn được xem là người nhiệt tình ủng hộ Palestine.
Ông Tô Tử Vân cho rằng, ba hành động của ông Tập Cận Bình có thể có liên quan gián tiếp đến cuộc tấn công của Hamas vào Israel.
“Chính phủ của ông Abbas ở Palestine đã đạt được sự công nhận nhất định trên trường quốc tế. Ông ấy đã tới Bắc Kinh gặp ông Tập để thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Tổ chức vũ trang Hamas và chính quyền ông Abbas là khác biệt. Vì vậy, Bắc Kinh cần phải làm rõ liệu ông Tập Cận Bình ủng hộ Palestine hay ủng hộ các tổ chức bạo lực cực đoan.”
Ông Tô nói rằng, cộng đồng quốc tế hiện đang nghi vấn liệu hỏa tiễn mà Hamas sở hữu có được ĐCSTQ gián tiếp hỗ trợ hay không, vì trước đó các hãng thông tấn của Đức từng đưa tin rằng hỏa tiễn của Hamas được sản xuất tại Trung Quốc. Nếu không phải do Trung Quốc sản xuất, thì liệu Trung Quốc có trợ giúp Hamas về nguyên liệu thô hay không?
Về cái gọi là “ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của Palestine” mà ông Tập Cận Bình đề cập, ông Thái Thận Khôn cho rằng điều này thực chất là đề cập đến cuộc chiến chống lại Israel, không có bất kỳ “sự nghiệp chính nghĩa” nào cả.