Trước mưa gió cuộc đời, hãy can đảm để thích ứng với nghịch cảnh
Tôi rất thích bài thơ “Định phong ba” của đại văn hào Tô Thức (hiệu là Đông Pha cư sĩ) thời Bắc Tống. Ngưỡng mộ thái độ nhân sinh khoáng đạt, nội tâm tự tại khi đối diện với nghịch cảnh và khó khăn được thể hiện trong từng câu chữ của bài thơ.
Tuy nhiên, trong cuộc sống đời thực, khi đối mặt với mưa gió, vinh nhục, được mất của cuộc đời, tôi tự thấy lòng mình hổ thẹn, cảm thấy không thể ung dung bình thản giống như Tô Thức.
Định phong ba
“Mạc thính xuyên lâm đả diệp thanh,
Hà phương ngâm khiếu thả từ hành.
Trúc trượng mang hài khinh thắng mã,
Thùy phạ?
Nhất thoa yên vũ nhậm bình sinh.
Liêu tiễu xuân phong xuy tửu tỉnh,
Vi lãnh,
Sơn đầu tà chiếu khước tương nghênh.
Hồi thủ hướng lai tiêu sắt xử,
Quy khứ,
Dã vô phong vũ dã vô tình.”
Dịch thơ:
“Rừng động đừng nghe chuyển lá cành,
Ngâm nga chậm bước chẳng đi nhanh.
Gậy trúc giầy rơm say chếnh choáng,
Nào ngán?
Áo tơi mưa khói mặc bình sinh
Vi vút gió xuân xay chợt tỉnh
Hơi lạnh
Đầu non bóng ngả cũng tương nghinh
Ngoảnh lại những nơi tiêu sắt trước
Rời bước
Cũng không mưa gió cũng không hanh”
(Bản dịch của Nguyễn Chí Viễn, Tuyển tập từ Trung Hoa – Nhật Bản, NXB Văn hoá – Thông tin, 1996)
Trong “Ô đài thi án” (vụ án thơ văn do Ngự sử đài xử lý) xảy ra vào năm Nguyên Phong thứ 2 thời Hoàng đế Tống Thần Tông (năm 1079), Tô Thức bị mưu hại và bị giam vào ngục Ngự sử đài. Sau 130 ngày chịu đày đọa trong tù ngục, ông bị giáng chức và phái đến Hoàng Châu, vùng đất được coi là chim không thể đẻ trứng. Vụ án văn thơ lần này liên lụy hơn 70 người, có 29 người ngày thường hay lui tới với Tô Thức cũng bị xử phạt.
Đứng trước tình cảnh khốn đốn nhất của cuộc đời, khi Tô Đông Pha bị áp giải đến Thái Hồ, ông đã từng nghĩ tới việc nhảy cầu tự sát, nhưng nhiều lần giãy dụa đấu tranh, may mắn thay ý định của ông cuối cùng đã không thể thực hiện. Nếu không, thế nhân ngày nay sẽ không được nhìn thấy những lời hay ý đẹp cũng như hàng ngàn bài thơ sâu sắc ý nghĩa.
Vào mùa xuân hai năm sau khi bị giáng chức và phái đến thành Hoàng Châu (năm 1082), Tô Thức lần nữa lấy lại niềm tin yêu vào cuộc sống, thoát thai hoán cốt bước qua mưa gió cuộc đời, vì vậy đã viết nên bài thơ “Định phong ba” này. Từ trong lời thơ, người đời sau có thể thấy được cảnh giới của ông đã có một bước chuyển ngoặt, vượt qua khổ nạn, tiến về cảnh giới nhân sinh càng rộng mở và thông thấu hơn.
Noi gương người xưa thích ứng với mọi hoàn cảnh, rộng lượng đối đãi
Trăm ngàn năm qua, người xưa đã diễn dịch thái độ nhân sinh khi đối mặt với khó khăn nghịch cảnh, mở ra con đường để thế hệ hậu nhân chúng ta tiếp bước. Tuy nhiên, muốn đạt đến được cảnh giới khoáng đạt “Nhất thoa yên vũ nhậm bình sinh” (Áo tơi mưa khói mặc bình sinh) và “Hồi thủ hướng lai tiêu sắt xử, Dã vô phong vũ dã vô tình” (Ngoảnh lại những nơi tiêu sắt trước, Cũng không mưa gió cũng không hanh), thì khoảng cách có lẽ là khác biệt một trời một vực. “Gặp sao yên vậy”, thái độ thích ứng trong mọi tình cảnh và rộng rãi xử thế của người xưa, chính là tấm gương sáng cho chúng ta học tập.
Trong nhân sinh, cảnh ngộ của mỗi người đều không giống nhau. Cuộc sống này, con người có quá nhiều, quá nhiều việc cần phải nỗ lực và gánh vác. Sự tàn khốc vô tình của hiện thực có thể khiến con người trở nên ngột ngạt, cả một đời không thể tránh khỏi những khó khăn ngăn trở, chỉ là hoặc nhiều hoặc ít. Và những khó khăn trắc trở này, chính là những quan ải mà ông Trời an bài để chúng ta vượt qua, đó cũng chính là một sự rèn luyện, một cơ hội để trưởng thành. Bởi vậy, vượt qua càng nhiều khó khăn, thì năng lực sinh tồn cũng sẽ càng mạnh mẽ.
Có người nói, cảnh giới cao nhất của nhân sinh là biết mỉm cười trong nghịch cảnh. Tôi cảm thấy, nếu quả thật trong nghịch cảnh mà vẫn có thể giữ được phong thái tâm bình khí hòa, không kiêu ngạo không tự ti, thì tâm thái ấy sẽ quyết định cao độ nhân sinh của bạn.
Ngược lại, nếu gặp phải khó khăn trở ngại chỉ biết giận trời trách người, hoặc là nản lòng thoái chí, thế thì, cả một đời của người này chỉ có thể bị khốn cảnh chi phối, khó mà vượt qua được bóng tối của nghịch cảnh.
Kỳ thực, nếu tinh tế suy nghĩ, có thể thấy rằng mọi hoàn cảnh bên ngoài đều là triển hiện từ thế giới nội tâm của chính chúng ta, và nguồn sức mạnh vượt qua nghịch cảnh này là đến từ thiện tâm nghĩ cho người khác. Bởi vậy, nếu có thể luôn luôn bảo trì được tâm thái lạc quan, tường hòa, gặp phải sóng to gió lớn cũng không để ý thiệt hơn, thong dung đối đãi, thì nghịch cảnh cũng tự nhiên như làn gió mát thổi qua. Có thể nói rằng, cảnh tùy tâm chuyển, vạn sự chỉ là do cái tâm này mà thôi.
Đạo lý hiểu được rồi, nhưng muốn “buông xuống” cố chấp trong lòng, cũng không phải là điều dễ dàng làm được!
Còn có một loại cảnh giới, gọi là “xả đắc”, có xả, có buông đi thì mới có thành quả thu về. Người biết “buông bỏ” sẽ càng dễ cảm thấy vui vẻ và hài lòng hơn so với người khác.
Tạ Tiểu Nhữ thực hiện
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ