Trên con đường nhân sinh cần học cách ‘Quên’ và ‘Nhớ’
“Quên” và “nhớ” là hai hoạt động hoàn toàn khác biệt, nhưng lại liên quan mật thiết đến cuộc đời của mỗi người.
“Nhớ” được tích lũy theo quá trình lớn lên, phát triển và trưởng thành của một đời người; “Quên” lại là bỏ đi những gì vụn vặt, chỉ giữ lại những gì tinh túy hoặc là dần dần nhạt phai theo năm tháng đời người. “Nhớ” là một loại bản sự; “Quên” không chỉ là đãng trí hay tuổi già lơ đễnh, mà nó còn có thể là một loại tu dưỡng.
Ghi nhớ là một kỹ năng thực sự, tất nhiên trí nhớ có thể được cải thiện bằng cách rèn luyện và các phương pháp, song vẫn là tương đối hạn chế. Chỉ liếc qua là có thể đọc nhanh như gió, đọc lướt qua mà nhớ thuộc làu như nước chảy, đọc thuộc lòng bản thảo, nhớ kỹ lời ca, bản nhạc… Những người như vậy xứng đáng được xem là bậc kỳ tài thiên phú.
Trên thực tế, cần phải biết “Nhớ”, nhưng cũng cần phải biết “Quên”. Mà “Quên” so với “Nhớ” có lẽ còn khó hơn rất nhiều! Quên đi được mới là hạnh phúc thực sự.
“Nhớ” là thông minh; “Quên” là trí tuệ, là tu dưỡng. Thông minh hiếm thấy, hồ đồ cũng khó gặp, “đại trí nhược ngu” càng đáng trân quý.
“Phủ kim truy tích”, nghĩa là nhìn nay nhớ xưa. “Nhìn nay” có nghĩa là phải sống cho hiện tại, nhìn thẳng vào hiện thực, nắm bắt hiện tại; “Nhớ xưa”, đừng quên ước nguyện ban đầu, nhớ lại bài học giáo huấn, vấp ngã ở đâu thì đứng lên ngay ở đó.
“Thi nhân thận vật niệm, thụ thi thận vật vong”, ý tứ rằng “cho đi chớ nên nhớ, nhận ân chớ nên quên”. Cảm ơn mỗi một người hữu duyên trong quá khứ: Những người đã đối tốt với chúng ta, đó chính là quan tâm, giúp đỡ, cổ vũ; Còn những ai đối với ta không tốt, chính là tấm gương cho ta suy xét lại mình, là sự khích lệ, rèn luyện
Quên đi lỗi lầm thiếu sót, chế nhạo, nhục mạ của người khác, chính là khoan thứ, ung dung rộng lượng và từ bi; quên đi nỗi vinh nhục, thất bại, lỗi lầm của bản thân trong quá khứ, chính là dũng cảm gánh chịu, khiêm tốn, cảm ân. Quên đi yêu, hận, tình, thù đã qua, buông bỏ hết thảy chấp trước thế gian, có mất ắt có được, thăng hoa bác ái, đạt được đại ngã là cảnh giới còn cao xa hơn.
Những gì không muốn buông bỏ, thường không đáng trân quý; những thứ đau khổ truy cầu lại thường không cần thiết cho sinh mệnh.
Trong mọi việc, đừng chỉ chăm chăm suy nghĩ cho riêng mình, tốt nhất đầu tiên nên suy nghĩ nhiều hơn cho người khác, thấu hiểu, cảm thông và khoan dung nhiều hơn một chút;
Thuận theo tự nhiên sẽ bớt đi sự hiểu lầm, không vui, mâu thuẫn và chỉ trích. Sự tình hòa hoãn ắt sẽ tốt đẹp, không nhanh không chậm, nắm chắc và xử lý thỏa đáng, cần tránh nhất là gấp gáp, nóng nảy, buồn bực, do dự. Trải qua xung đột, ma sát, nghịch cảnh, sẽ có thể có được bản lĩnh, tâm tính tốt mọi chuyện đều tốt, đây chính là nhân sinh.
Làm người cần phải giữ bổn phận, giữ đạo đức, sáng suốt mà không nên quá khôn khéo, không động niệm làm việc xấu; Làm việc không thể quá truy cầu, khiến mệt mình, phiền người và nhọc tâm.
Trên đời không có thử thách nào mà không vượt qua được, cũng không có con đường nào mà không thể đi, chỉ có không thể buông tâm xuống. Điều mấu chốt là đừng để bản thân mình bị vây khốn, cũng chớ làm khó chính mình, vì vậy cần phải biết nghĩ thoáng đi, coi nhẹ, buông lòng. Chỉ cần bạn cải biến tâm tình, thì thế giới sẽ hoàn toàn đổi khác.
Cuộc sống vốn dĩ mười phần thì có tám, chín phần không như ý, bởi vậy hãy vui vẻ lạc quan, rộng mở cõi lòng. Bỏ đi gông xiềng phiền muộn trong lòng, quẳng đi tâm trạng và cảm xúc tiêu cực, hãy để niềm hân hoan dẫn bạn đến một tương lai hoàn toàn mới.
Tươi cười, ung dung, vui vẻ nhiều hơn chút, khoan dung với chính mình, bao dung với cuộc sống; viên dung với người với sự việc, sáng suốt linh hoạt đối với khó khăn trắc trở… Chỉ cần tấm lòng rộng lớn bao dung và thuận theo tự nhiên, thì nhân sinh sẽ vui vẻ ấm áp. Buông xuống chấp trước, thuyền nhẹ lướt nhanh, tâm tĩnh xuống, trong lòng sáng tỏ, mới có thể chiếu rõ bản tính chân thực của vạn vật.
Nhân sinh lúc nào cũng phải học cách “Quên” và “Nhớ”. Có được một phần tu dưỡng thì sẽ có một phần khí chất, học cách lắng đọng tâm tình, lắng đọng mọi thứ đã qua, để sinh mệnh có được sự tĩnh lặng và vượt trội. Tâm hồn tĩnh lặng thì hạnh phúc thường tại. Tâm cảnh bình yên, vạn vật tự nhiên sẽ chiếu sáng lẫn nhau; tâm linh hài hòa, thì vui vẻ hạnh phúc luôn đồng tại. Tâm tĩnh lặng và an hòa, khoảnh khắc đó chính là vĩnh hằng, tâm tĩnh thì an nhiên tự tại.
Thích Minh thực hiện
Phương Viễn biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: