Trung Quốc: Trường đại học ban hành lệnh cấm ngôn khi ông Putin đến thăm Cáp Nhĩ Tân
Các quan chức trường học của ĐCSTQ đã ban hành ‘lệnh cấm ngôn’ để cấm sinh viên nói những điều nhạy cảm về Nga.
Trong khuôn khổ chuyến công du Trung Quốc nhằm tìm kiếm sự trợ giúp không ngừng của chính quyền cộng sản Bắc Kinh cho những tham vọng địa chính trị của mình, lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã đến thăm Cáp Nhĩ Tân—một thành phố được xây dựng từ thời Nga hoàng ở phía đông bắc Trung Quốc.
Trong khi đó, các quan chức trong trường học của chính quyền Trung Quốc ở Cáp Nhĩ Tân đã ban hành “lệnh cấm ngôn” đối với sinh viên trong chuyến thăm của ông Putin, cấm đề cập đến các chủ đề nhạy cảm về Nga.
Hôm 17/05, trong ngày thứ hai trong chuyến công du cấp quốc gia của ông Putin tới Trung Quốc, ông đã đến thăm một Nhà thờ Giáo hội Chính thống do Nga hoàng và Đại học Công nghiệp Cáp Nhĩ Tân xây dựng, đồng thời gặp gỡ các giảng viên và sinh viên của trường này.
Người dân Cáp Nhĩ Tân tiết lộ trên mạng xã hội Trung Quốc rằng một số quan chức trường học ở địa phương gần đây đã đưa ra thông báo thông qua các nhóm WeChat với nội dung: “Phụ huynh vui lòng hướng dẫn các con chú ý đến lời nói của mình và không đăng bất kỳ từ ngữ nhạy cảm nào trên bất kỳ mạng xã hội nào (kể cả bất cứ điều gì liên quan đến ‘Hội chợ triển lãm Trung-Nga’, tên của các sự kiện và của người, v. v.)!! Xóa bất kỳ từ nào trong số đó càng sớm càng tốt!”
Thông báo chính thức này cũng cảnh báo rằng “quản lý an ninh mạng là rất nghiêm ngặt và đừng chạm vào ‘lằn ranh đỏ.’”
Đại học Công nghiệp Cáp Nhĩ Tân được thành lập năm 1920 với tên gọi Trường Công nghiệp Trung-Nga Cáp Nhĩ Tân để đào tạo các kỹ sư đường sắt cho hệ thống Đường sắt Đông Trung Quốc do Nga kiểm soát, một phần mở rộng của Đường sắt xuyên Siberia của Nga hoàng. Vào thời điểm đó, các lớp học được dạy bằng tiếng Nga và trường này được vận hành theo mô hình giáo dục của Nga.
Cáp Nhĩ Tân có lịch sử phức tạp với Nga. Từng được biết đến với cái tên “Little Moscow” (Moscow nhỏ), thành phố này của Trung Quốc được phát triển bởi các kiến trúc sư người Nga và Âu Châu trong thời kỳ Nga hoàng xây dựng phần mở rộng Đường sắt Xuyên Siberia đến đông bắc Trung Quốc hồi cuối thế kỷ 19, điều này càng thúc đẩy sự bành trướng uy quyền của Nga ở Viễn Đông và chiếm thêm lãnh thổ của Trung Quốc. Cuối Đệ nhị Thế chiến (WWII), Hồng quân Liên Xô đã tiếp quản vùng đông bắc Trung Quốc từ tay Nhật Bản, cướp phá thành phố này, và sát hại nhiều thường dân Trung Quốc.
Đường sắt Đông Trung Quốc là tuyến đường sắt hình chữ “T” được Nga hoàng xây dựng vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 nhằm chiếm đoạt tài nguyên của vùng Đông Bắc Trung Quốc và thống trị Viễn Đông. Sau đó, Liên Xô tiếp quản tuyến đường sắt này cho đến những năm 1950 khi trả lại phần của mình cho nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc.
Hiện tại, Đại học Công nghiệp Cáp Nhĩ Tân là một trong “Bảy Học viện Quân sự” đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển quân sự của chính quyền Trung Quốc. Năm 2020, viện này bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa vào danh sách trừng phạt vì cố gắng sử dụng công nghệ của Hoa Kỳ để phát triển phi đạn cho Trung Quốc.
Ông Putin cũng tham dự lễ khai mạc Hội chợ Thương mại Nga-Trung và tham dự Diễn đàn Hợp tác Khu vực Nga-Trung tại Cáp Nhĩ Tân.
Khi cuộc chiến tranh Nga-Ukraine kéo dài làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của Nga, thì xung đột giữa Nga và phương Tây tiếp tục trở nên sâu sắc hơn. Dưới các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga đã ngày càng trở nên phụ thuộc vào chính quyền cộng sản Trung Quốc về mặt kinh tế, ngoại giao, và quân sự. Giới quan sát các vấn đề quốc tế cho rằng mục đích chuyến thăm Trung Quốc của ông Putin là nhằm tìm kiếm sự trợ giúp toàn diện từ phía Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hôm 17/05, ông Trịnh Chính Bỉnh (Cheng Cheng-Ping), một giáo sư tại Đại học Khoa học Kỹ thuật Quốc lập Vân Lâm (NYUST) của Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng việc ông Putin tham dự hội chợ thương mại Trung-Nga ở Cáp Nhĩ Tân dường như có định hướng kinh tế hơn, nhưng hợp tác kinh tế và thương mại cũng cho thấy sự hợp tác quân sự. “Nếu hợp tác kinh tế và thương mại thành công, thì nguồn tài chính của Nga sẽ được duy trì, cuộc chiến tranh với Ukraine sẽ tiếp tục leo thang, và mối đe dọa đối với châu Âu sẽ tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, tuyên bố chung Trung-Nga cũng đề cập rằng họ sẽ nâng cấp hơn nữa các cuộc tập trận quân sự chung ở Đông Á, Bắc Hàn, và Trung Đông, tăng cường hợp tác ở Bắc Cực và Đông Á. Cùng với sự hợp tác kinh tế chặt chẽ, thì đây là một tín hiệu xấu đối với thế giới phương Tây hay thế giới.”
Ông Putin tỏ lòng thành kính đối với quá khứ Xô Viết ở Trung Quốc
Ông Putin cũng đặt hoa tại một đài tưởng niệm các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đã tử trận hồi năm 1945 tại Cáp Nhĩ Tân.
Truyền thông địa phương Trung Quốc đưa tin rằng để chào đón chuyến thăm của ông Putin, các quan chức Cáp Nhĩ Tân đã sơn lại tượng đài này.
Theo thông tin công khai và ghi chép lịch sử, thì tượng đài mang tên “Đài tưởng niệm các Anh hùng Hồng quân Liên Xô” ở Cáp Nhĩ Tân này được Liên Xô xây dựng hồi tháng 08/1945 để kỷ niệm việc Liên Xô đưa quân tới Đông Bắc Trung Quốc vào cuối Đệ nhị Thế chiến. Khi quân đội Liên Xô chiếm Đông Bắc Trung Quốc, họ cướp phá các cơ sở kinh doanh, máy móc thiết bị, hầm mỏ, phá hủy nền kinh tế phồn vinh này.
Lính Liên Xô còn thực hiện các hành động tàn bạo như cướp bóc, hãm hiếp, sát hại phụ nữ và trẻ em gây hoang mang cho người dân địa phương và để lại hậu quả tiêu cực lâu dài, mà đến nay vẫn là một ký ức đau thương đối với nhiều người dân sinh sống trong khu vực này. Quân đội Liên Xô đã trao quyền kiểm soát khu vực Đông Bắc cho ĐCSTQ thay vì chính phủ hợp pháp là Trung Hoa Dân Quốc, đây vốn là bước ngoặt trong cuộc nội chiến ở Trung Quốc và dẫn đến việc ĐCSTQ nắm quyền kiểm soát Trung Quốc hồi năm 1949.
Bản tin có sự đóng góp của Lý Tịnh, Ninh Hải Chung, và Lạc Á
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times