Phân tích: Ông Putin vội đến Bắc Kinh để cầu viện, Trung-Nga có sự khác biệt lớn về lợi ích
Hôm 17/05, Tổng thống Nga Putin đã kết thúc chuyến thăm chính thức Trung Quốc kéo dài hai ngày. Mặc dù Trung Quốc và Nga tiếp tục tuyên bố họ sẽ củng cố “mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện thời kỳ mới,” nhưng sau cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình vừa qua, Nga và Trung Quốc không đạt được bất kỳ thỏa thuận đột phá nào trong hàng loạt các vấn đề quan trọng gây chú ý.
Một số học giả cho rằng, mục đích của ông Putin cùng với phái đoàn đông đảo trong chuyến thăm Trung Quốc lần này là nhằm thuyết phục ĐCSTQ tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự và kinh tế. Tuy nhiên, ĐCSTQ dường như không hoàn toàn nghe theo các đề nghị của ông Putin, cho thấy sự khác biệt rất lớn về lợi ích giữa hai bên.
Khoảng 4 giờ sáng hôm 16/05, ông Putin đã đến Bắc Kinh, đây là lần thứ hai trong vòng bảy tháng ông đến thăm Trung Quốc, và cũng là chuyến công du ngoại quốc đầu tiên sau khi ông tái đắc cử. ĐCSTQ đã trải thảm đỏ tại phi trường và sắp xếp đội nghi thức để đón tiếp, đồng thời cử bà Thầm Di Cầm (Chen Yiqin), Uỷ viên Quốc vụ viện để phụ trách đón tiếp ở phi trường. Hiếm khi có việc ĐCSTQ phái một nữ quan chức đến đón tiếp như vậy.
Theo tư liệu công khai cho thấy, bà Thầm Di Cầm từng đảm nhiệm chức vụ Tỉnh trưởng và Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quý Châu trong một thời gian dài. Bà là nữ Bí thư Đảng ủy cấp tỉnh duy nhất của ĐCSTQ vào thời điểm đó. Tháng 03/2023, bà Thầm Di Cầm được bổ nhiệm Uỷ viên Trung ương ĐCSTQ, thành viên ban lãnh đạo Đảng trong Quốc vụ viện. Tháng 10/2023, bà Thầm Di Cầm được bổ nhiệm làm Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Quốc gia của ĐCSTQ, trở thành người đầu tiên giữ chức Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Quốc gia kể từ năm 1988, phá vỡ thông lệ của ĐCSTQ trong 35 năm qua.
Các bài viết trên một số trang web thông tin hàng đầu tại Trung Quốc gọi việc bà Thầm Di Cầm được phái đi đón ông Putin tại phi trường là một sự sắp xếp đặc biệt, cho thấy mức độ coi trọng ông Putin của ĐCSTQ rất cao, phản ánh mối quan hệ Trung-Nga đã đạt đến mức cao chưa từng có.
Trong khi đó, nhà bình luận chính trị đương thời Trần Phá Không (Chen Po Kong) đang sống tại Hoa Kỳ, đã cho biết trong chương trình truyền thông tự do của mình rằng, việc bà Thầm Di Cầm tiếp đón ông Putin tại phi trường là một sự kiện bất ngờ. Ông Trần Phá Không cho biết, lĩnh vực công tác của bà Thầm Di Cầm không liên quan đến ngoại giao, cũng không liên quan đến thương mại và kinh tế. Do đó, ông cho rằng đây là do ĐCSTQ cố ý sắp xếp, nhằm mục đích giảm bớt sự chú ý từ Âu-Mỹ, và hướng về phía Âu-Mỹ bày tỏ thiện chí trên bề mặt.
Ông Putin cần sự ủng từ ĐCSTQ, ông Tập lại lên tiếng ‘không liên minh’
Sau khi Trung Quốc và Nga thiết lập mối quan hệ đối tác “không giới hạn” hồi tháng 02/2022, Nga lập tức tiến hành cuộc xâm lược Ukraine. Trong hơn hai năm qua, Trung Quốc đã trở thành đồng minh quan trọng của Nga. Bắc Kinh đã từ chối lên án Nga, đồng thời tiếp tục thực hiện giao thương với Nga; điều này khiến Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu không hài lòng. Các nước phương Tây đã áp dụng các biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với Nga, dẫn đến nền kinh tế của Nga bị tách khỏi phương Tây. Trong tình huống này, ông Putin chỉ có thể trông cậy vào sự viện trợ ngoại giao và tài chính từ ĐCSTQ.
Các số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan ĐCSTQ cho thấy, vào năm 2023, tổng giá trị thương mại giữa Trung Quốc và Nga đạt mức kỷ lục 240.1 tỷ USD, tăng 26.3% so với năm trước, vượt mức mục tiêu mà lãnh đạo hai bên đặt ra trước đó.
Trong số hàng hóa mà Nga xuất cảng sang Trung Quốc, tài nguyên khoáng sản như dầu mỏ, than đá, và các sản phẩm dầu mỏ chiếm 73%, chiếm gần 40% tổng giá trị thương mại song phương. Các hàng hóa Trung Quốc xuất cảng sang Nga chủ yếu là sản phẩm điện cơ, điện gia dụng, xe hơi, và phụ tùng, chiếm gần 40% tổng giá trị thương mại xuất cảng sang Nga. Trong năm 2023, Trung Quốc nhập cảng 107 triệu tấn dầu mỏ từ Nga, biến Nga trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất của nước này.
Phía Nga cũng bán tài nguyên khí đốt thiên nhiên giá rẻ cho Trung Quốc. Tháng 02/2024, công ty khí đốt thiên nhiên Gazprom, tập đoàn năng lượng lớn nhất của Nga, tuyên bố đã vượt qua Turkmenistan để trở thành nhà cung cấp khí thiên nhiên lớn nhất cho Trung Quốc.
Trước chuyến thăm Trung Quốc, ông Putin cho biết trong một cuộc phỏng vấn đặc biệt với Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn chính thức của ĐCSTQ, rằng trong 5 năm gần đây, tổng giá trị thương mại giữa hai nước đã tăng vọt. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong 13 năm liên tiếp. Trong tương lai, hai bên sẽ nỗ lực thực hiện hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực như công nghiệp và công nghệ cao, hàng không vũ trụ, và áp dụng năng lượng hạt nhân cho các mục đích dân sự, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, và các lĩnh vực sáng tạo khác.
Ông Putin cũng tuyên bố rằng, mối bang giao Trung-Nga đã đạt đến “tầm cao chưa từng có,” và vẫn đang tiếp tục bền chặt thêm. Ông cũng khẳng định rằng, mối bang giao Trung-Nga hiện nay đã vượt qua hình thái ý thức, dù tình hình chính trị có thay đổi thế nào, việc phát triển mối bang giao của hai bên trên nhiều cấp độ chính là lựa chọn chiến lược có ý thức. Ông Putin cũng miêu tả Trung Quốc là “một láng giềng tốt và một bằng hữu đáng tin cậy.”
Phái đoàn của Nga trong chuyến viếng thăm lần này của ông Putin được xem là rất rầm rộ. Theo RIA Novosti, hãng thông tấn nhà nước Nga cho biết chuyến thăm Trung Quốc lần này có tới 5 phó thủ tướng đi cùng ông Putin, chịu trách nhiệm về kinh tế, xã hội, năng lượng, tài nguyên năng lượng, và văn hóa du lịch. Ngoài ra, trong đoàn còn bao gồm Bộ trưởng Ngoại giao Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Belousov, Bộ trưởng Tài chính Siluanov, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nabiullina, và ông Shoygu, người được điều chuyển giữ chức vụ Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga cùng lãnh đạo của các cơ quan quan trọng khác của Nga. Phía Nga còn cử một phái đoàn thương mại lớn, bao gồm gần 20 lãnh đạo khu vực và nhà quản lý của các doanh nghiệp quan trọng.
Tuy nhiên, khi ông Putin ca ngợi mối bang giao song phương, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình có thể đã có một số lo ngại.
Trong tuyên bố chung của liên minh song phương hôm 16/05, đã không còn câu “mối bang giao tốt đẹp giữa hai quốc gia không có giới hạn, hợp tác không hạn chế” như trước đây.
Tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với ông Putin, ông Tập cho biết, hai bên sẽ tiếp tục tuân thủ nguyên tắc “không liên minh, không đối đầu, không nhắm vào bên thứ ba.” Ông Tập nói thêm, cả ông và ông Putin đều cho rằng “Cần tích cực tìm kiếm điểm hợp nhất trong lợi ích của hai quốc gia, thúc đẩy ưu điểm của mỗi bên, làm sâu sắc hơn sự kết hợp lợi ích, đạt được thành tựu của hai bên.”
Hôm 17/05, nhà bình luận chính trị Đường Tịnh Viễn (Tang Jing Yuan) đang sinh sống tại Hoa Kỳ cho biết trên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng nội dung trong tuyên bố chung của liên minh Trung-Nga lần này rất rộng, cho thấy mối hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia. Mặc dù được gọi là “hợp tác” nhưng trên thực tế là ĐCSTQ đang ủng hộ và viện trợ cho Nga. Sau hơn hai năm chiến tranh giữa Nga – Ukraine, ngân khố quốc gia của Nga đã cạn kiệt. Hiện nay Nga hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ của ĐCSTQ. Trong bối cảnh này, sự hợp tác Trung-Nga đã phát sinh biến hóa, đồng thời vị thế của ông Putin và ông Tập đã đảo chiều.
Ông Đỗ Văn (Du Wen), từng là Giám đốc thực thi của Văn phòng cố vấn Pháp luật Chính phủ Khu tự trị Nội Mông Cổ của ĐCSTQ, hiện đang sinh sống tại Bỉ cho rằng mục đích của ông Putin trong việc dẫn đầu phái đoàn đông đảo trong chuyến thăm Trung Quốc lần này là để thuyết phục ông Tập tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự và kinh tế.
Ông Đỗ Văn nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, trên thực tế phái đoàn mà ông Putin mang theo là để giúp đỡ ĐCSTQ giải quyết các vấn đề. Ông Putin cố gắng loại bỏ nghi kỵ của ông Tập thông qua sự giao tiếp của đoàn chuyên gia. Có nghĩa là, nếu phương Tây áp đặt trừng phạt thì Nga và Trung Quốc sẽ đối phó ra sao? Ông Putin nỗ lực thuyết phục ông Tập không cần e ngại trước các biện pháp chế tài của phương Tây, và tiếp tục cung cấp viện trợ kinh tế và quân sự cho Nga.
“Dĩ nhiên, hiện nay dường như ĐCSTQ không hoàn toàn nghe theo các đề nghị của ông Putin. Lợi ích giữa Trung-Nga lần này có sự khác biệt rất lớn.” Ông Đỗ Văn nhận định rằng từ thái độ biểu hiện của ông Tập, có thể thấy ĐCSTQ vẫn kiên định ủng hộ Nga, nhưng sẽ không hy sinh vị thế của mình trong chuỗi cung ứng lĩnh vực công nghiệp. Do đó, giới hạn hợp tác giữa Trung-Nga không bao gồm việc hợp tác trong lĩnh vực quân sự và trang bị mà phương Tây không chấp nhận. Đồng thời, hợp tác đôi bên cũng không phải là “không giới hạn” mà là cần phải được thực hiện dưới điều kiện phù hợp với lợi ích của ĐCSTQ. Ông Đỗ Văn còn nói thêm rằng: “Nói một cách đơn giản, sự hợp tác đôi bên là về trao đổi lợi ích, cái gọi là tình bằng hữu chẳng qua chỉ là nói vậy thôi.”
Ông Đỗ Văn cũng cho biết, chuyến thăm của ông Putin tới Hoa lục lần này đã làm nổi bật ý định của cả hai nước trong việc tăng cường liên kết kinh tế và chính trị khi đối mặt với các lệnh trừng phạt của Tây phương. Tức là trong điều kiện tạm thời không đối đầu trực diện với phương Tây, họ sẽ tiến thêm một bước phát triển trong mối liên kết song phương, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, và năng lượng. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai bên vẫn tồn tại, và rõ ràng ĐCSTQ không thể cung cấp viện trợ quân sự mà ông Putin mong đợi. Một khi mất đi viện trợ từ ĐCSTQ, ông Putin sẽ không thể kiên trì [cuộc chiến với Ukraine] được lâu nữa.
Hoa Kỳ và châu Âu nhiều lần cảnh cáo ĐCSTQ không được viện trợ Nga
Trước khi đón tiếp ông Putin, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình vừa kết thúc chuyến công du châu Âu.
Bà Ursula Gertrud Von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu, đã nhận lời mời của Tổng thống Pháp Macron tham dự Hội nghị cấp cao ba bên với ông Tập Cận Bình diễn ra hôm 06/05 tại Paris. Bà Von der Leyen cho biết, bà và ông Macron đều bày tỏ mong muốn ĐCSTQ không nên cung cấp cho Nga những vũ khí gây thương vong, bao gồm việc viện trợ các sản phẩm lưỡng dụng (dùng cho quân sự lẫn dân sự). Bà Von der Leyen cũng nhấn mạnh rằng, vấn đề này rất quan trọng đối với mối bang giao giữa châu Âu và Trung Quốc. Trước đó, Hoa Kỳ và châu Âu đã nhiều lần chỉ trích ĐCSTQ cung ứng các vật liệu lưỡng dụng và các linh kiện vũ khí cho Nga.
Ngoài ra, ông Macron và bà Von der Leyen cũng tạo áp lực lên ông Tập Cận Bình về vấn đề dư thừa công suất của Trung Quốc. Ông Tập dường như không thực hiện bất kỳ nhượng bộ quan trọng nào, nhưng cũng bày tỏ thái độ tích cực ở một mức nào đó.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã tuyên bố trong chuyến thăm Bắc Kinh gần đây rằng, ĐCSTQ đang dung túng cho “mối đe dọa lớn nhất” đối với an ninh Âu Châu kể từ thời Chiến Tranh Lạnh đến nay. Hôm 19/04, ông Blinken đã cho biết, nếu ĐCSTQ muốn duy trì mối bang giao tốt đẹp với châu Âu và các quốc gia khác, thì không thể đồng thời dung túng cho mối đe dọa này.
Trong tháng 04/2024, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã được tổ chức tại đảo Capri, Ý. Các ngoại trưởng G7 cho biết, các công ty Trung Quốc đã chuyển giao vật liệu quân dân sự và các linh kiện vũ khí cho Nga. Điều này giúp Nga tái thiết và phục hồi nền công nghiệp quốc phòng của mình, tạo ra mối đe dọa đối với Ukraine và hòa bình quốc tế. Các ngoại trưởng cũng bày tỏ rất lấy làm tiếc về vấn đề này.
Hôm 09/05, chính phủ Hoa Kỳ đã đưa 37 tổ chức của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại vì đã đe dọa đến an ninh quốc gia hoặc xung đột với lợi ích ngoại giao của Hoa Kỳ, trong đó bao gồm một số doanh nghiệp của Trung Quốc đã viện trợ Nga trong cuộc xâm lược Ukraine. Hôm 16/05, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết sau khi lãnh đạo ĐCSTQ tuyên bố về việc muốn tăng cường hợp tác với ông Putin, ĐCSTQ không thể vừa cải thiện mối hợp tác với phương Tây vừa viện trợ Nga.
Từ Diệc Dương và Ninh Tâm thực hiện
Hoa Hưng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ