Tổng thống Putin đến Bình Nhưỡng để hội đàm với nhà lãnh đạo Bắc Hàn
Trong khi đó, Hoa Thịnh Đốn khẳng định Bắc Hàn đang cung cấp phi đạn đạn đạo cho Nga sử dụng tại chiến trường Ukraine.
Hôm 18/06, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang có chuyến thăm cấp quốc gia tới Bình Nhưỡng. Trong thời gian đó ông dự kiến sẽ hội đàm với người đồng cấp Bắc Hàn Kim Jong Un.
Mặc dù hai nhà lãnh đạo này đã gặp nhau vài lần, nhưng đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Putin tới thủ đô Bắc Hàn sau 24 năm.
Đi cùng ông Putin có một phái đoàn cấp cao gồm Ngoại trưởng Sergey Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Andrei Belousov, và các quan chức hàng đầu khác của Nga.
Vào ngày trước chuyến đi, nhà lãnh đạo Nga đã ca ngợi mối quan hệ lịch sử giữa hai nước.
“Bình Nhưỡng luôn là bên ủng hộ tận tâm và cùng chí hướng của chúng tôi,” ông nói trong một thông điệp công khai được truyền thông nhà nước Bắc Hàn đăng tải.
Các hãng truyền thông Bắc Hàn đánh dấu chuyến công du của ông Putin bằng một loạt những bài viết ca ngợi Nga và lên tiếng ủng hộ các chính sách đối ngoại của Moscow.
Một bài báo viết: “Người dân Triều Tiên sẽ luôn đứng về phía chính phủ và người dân Nga, và hoàn toàn ủng hộ cuộc tranh đấu bảo vệ chủ quyền và lợi ích an ninh quốc gia của họ.”
Trong thông điệp công khai của mình, ông Putin cũng chỉ trích “toàn thể phương Tây” vì đã cố gắng duy trì cái mà ông gọi là “sự thống trị toàn cầu” phương hại đến các quốc gia có chủ quyền.
Ông nói rằng giống như Nga, Bắc Hàn “sẵn sàng đối đầu với những nỗ lực của toàn thể phương Tây nhằm ngăn chặn sự xuất hiện của một trật tự thế giới đa cực dựa trên công lý và tôn trọng chủ quyền [quốc gia].”
Ông cho biết cả hai nước cố gắng tạo ra “các quy định thương mại và thanh toán thay thế—không do phương Tây kiểm soát—và chống lại các lệnh trừng phạt bất hợp pháp, [do phương Tây] đơn phương áp đặt.”
Giống như Nga, Bắc Hàn không xa lạ với các lệnh trừng phạt kinh tế do phương Tây áp đặt.
Năm 2017, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC) đã áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng sau khi nước này bắn thử phi đạn đạn đạo, làm gia tăng căng thẳng trên toàn khu vực.
Năm 2022, Nga đã cùng với Trung Quốc cản trở những nỗ lực do Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm áp đặt một vòng trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an đối với Bắc Hàn vì chương trình phi đạn đạn đạo của nước này.
Cùng với các cuộc hội đàm trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo, chuyến công du một ngày tới Bình Nhưỡng của ông Putin sẽ gồm có một bữa tiệc chiêu đãi cấp quốc gia, buổi hòa nhạc, phiên ký kết tài liệu, và họp báo chung.
Hôm 19/06, sau khi rời Bình Nhưỡng, ông Putin và phái đoàn tháp tùng dự kiến sẽ tới Hà Nội để hội đàm với các quan chức Việt Nam.
Những yêu cầu chuyển giao vũ khí
Kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine hồi đầu năm 2022, Moscow đã công khai tìm cách tăng cường bang giao với Bình Nhưỡng—gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Hoa Thịnh Đốn.
Cùng với mối quan hệ song phương đang ngày càng sâu sắc này là việc Hoa Kỳ thường xuyên tuyên bố rằng Bắc Hàn đang bí mật cung cấp phi đạn đạn đạo cho Nga để sử dụng ở Ukraine.
Trong những bình luận trước đó, Moscow và Bình Nhưỡng đã công khai cam kết tăng cường hợp tác song phương, đặc biệt là về công nghệ quân sự.
Tháng Chín năm ngoái, ông Putin đã gặp người đồng cấp Bắc Hàn tại một hội nghị thượng đỉnh mang tính bước ngoặt ở vùng Viễn Đông của Nga.
Sau cuộc gặp, Moscow cho biết mối quan hệ mở rộng giữa hai nước gồm có “sự tương tác quân sự và thảo luận về các vấn đề an ninh khẩn cấp.”
Hội nghị thượng đỉnh Putin-Kim năm ngoái đã khiến các quan chức phương Tây suy đoán rằng Nga và Bắc Hàn đang trao đổi vũ khí và các công nghệ liên quan.
Vào thời điểm đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cảnh báo rằng Bình Nhưỡng sẽ “phải trả giá” nếu bị phát hiện đang cung cấp vũ khí cho Moscow để sử dụng tại chiến trường Ukraine.
Hồi tháng Một, ông Putin đã tiếp đón bà Choe Son Hui, Ngoại trưởng Bắc Hàn, trong các cuộc hội đàm hiếm hoi tại Điện Kremlin.
Ngay sau đó, một phát ngôn viên của Điện Kremlin đã nhận định Bình Nhưỡng là một “đối tác quan trọng” mà Moscow đang tìm cách “phát triển hơn nữa mối quan hệ trong mọi lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực nhạy cảm.”
Bà Choe cho biết cuộc gặp của bà ở Moscow là để xác nhận rằng mối quan hệ song phương đang “tiến triển nhanh chóng.”
‘Cấu trúc an ninh’ mới
Ngay trước chuyến thăm Moscow của bà Choe, Tòa Bạch Ốc, viện dẫn “thông tin tình báo được giải mật,” cáo buộc rằng Nga đang sử dụng phi đạn tầm ngắn của Bắc Hàn để tấn công các mục tiêu ở Ukraine.
Hôm 17/06, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller lặp lại tuyên bố này, khẳng định rằng Bình Nhưỡng gần đây đã cung cấp cho Nga “hàng chục phi đạn đạn đạo và hơn 11,000 container đạn dược.”
Ông nói rằng ông Putin ngày càng “rất cần” thay thế thiết bị và vũ khí bị mất trên chiến trường và hy vọng tìm kiếm vũ khí thay thế từ cả Bắc Hàn và Iran.
Trong khi đó, Moscow đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc của phương Tây rằng nước này đã và đang nhận được các chuyến hàng vũ khí từ một trong hai nước đó.
Tuy nhiên, chuyến công du cấp quốc gia tới Bình Nhưỡng của ông Putin cho thấy mối quan hệ song phương đang thân cận hơn bao giờ hết.
Mới đây, phụ tá tổng thống Nga Yury Ushakov nói với các phóng viên rằng Moscow và Bình Nhưỡng có thể ký một “hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện” trong—hoặc ngay sau—chuyến công du của ông Putin.
Ông Ushakov nói rằng một thỏa thuận như vậy sẽ “tính đến những gì đã xảy ra giữa hai nước chúng ta trong những năm gần đây về mặt chính trị, kinh tế quốc tế … và, tất nhiên là, các vấn đề an ninh.”