Trung Quốc thắt chặt quy định trên nền tảng trực tuyến, yêu cầu xác thực danh tính người dùng
Hôm 27/06, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã ban hành quy định mới yêu cầu tất cả các nhà khai thác nền tảng trực tuyến phải xác thực danh tính của người dùng và xác nhận thông tin tài khoản mà người dùng đã gửi đi trong quá trình đăng ký.
Quy định mới này yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ thông tin mạng phải hiển thị địa chỉ IP của người dùng trên trang thông tin tài khoản của họ, điều này sẽ tạo điều kiện cho Bắc Kinh giám sát vị trí của người dùng.
Bộ quy định mới này sẽ có hiệu lực vào ngày 01/08. Đó là thời điểm mà các công ty cần phải xác thực danh tính trên mạng của tất cả người dùng.
Nhà bình luận Lục Bắc (Lu Bei) nói với The Epoch Times rằng quy định mới cho phép nhà cầm quyền duy trì quyền kiểm soát thông tin trong bối cảnh họ phải đối mặt với những lời chỉ trích ngày càng gia tăng trên mạng.
Ông Lục nói rằng Bắc Kinh có mục đích mở rộng quyền kiểm soát tập trung các hệ thống thông tin vào cuộc sống hàng ngày của người dân, giám sát từng hành động của họ. Nhà cầm quyền nước này nổi tiếng trong việc sử dụng công nghệ mạng theo cách vi phạm các quyền riêng tư của công dân bình thường, trong khi đó lại thất bại trong việc theo dõi hành tung của tội phạm.
Ông lấy một trường hợp gần đây làm ví dụ, đó là chính quyền sử dụng ứng dụng sức khỏe COVID bắt buộc để ngăn không cho những người gửi tiền biểu tình đòi quyền lợi, khoản tiền tiết kiệm của những người này đã bị ngân hàng nông thôn đóng băng.
Một số người gửi tiền nói với The Epoch Times hôm 14/06 rằng mã sức khỏe trên ứng dụng truy vết tiếp xúc COVID-19 của họ chuyển sang màu đỏ ngay sau khi họ quét mã vạch các địa điểm ở Trịnh Châu, thủ phủ của miền trung tỉnh Hà Nam.
Mã sức khỏe màu đỏ — cho biết là có khả năng bị nhiễm COVID-19 — ngăn chặn cá nhân đó tiếp cận các địa điểm công cộng, từ nhà vệ sinh công cộng đến cửa hàng cho đến ga tàu. Những cá nhân này cũng phải đối mặt với quy trình cách ly bắt buộc trong các trung tâm cách ly tập trung.
Trên khắp Hà Nam, hàng chục ngàn người đã đấu tranh hơn hai tháng để đòi lại khoản tiền tiết kiệm ngân hàng của họ.
Cuộc khủng hoảng này bắt đầu hồi tháng Tư, khi có ít nhất bốn đơn vị cho vay ở Hà Nam đóng băng tất cả các hoạt động rút tiền mặt, với lý do nâng cấp hệ thống nội bộ. Nhưng các khách hàng cho biết cả ngân hàng lẫn quan chức đều không cung cấp bất kỳ thông tin nào về lý do hay quy trình nâng cấp này sẽ kéo dài bao lâu, dẫn đến các cuộc biểu tình phẫn nộ bên ngoài văn phòng cơ quan quản lý ngân hàng ở Trịnh Châu hồi tháng Năm.
Các bài đăng ‘bất hợp pháp’ chỉ trích chính quyền
Hôm 28/06, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Nhân dân Nhật báo cho biết, Bộ Công an Trung Quốc cho biết trên tài khoản WeChat công khai của mình rằng phòng an ninh mạng của họ đã điều tra hơn 600 trường hợp đăng bài “bất hợp pháp” của “thủy quân mạng” hay “hải quân mạng” — nhiều tài khoản giả mạo được trả tiền để đăng các bình luận tích cực nhằm thổi phồng hình ảnh trên mạng của các công ty — và bắt giữ hơn 4,000 nghi phạm.
Báo cáo cho biết những người bình luận đó đã truyền bá quan điểm tiêu cực về nền kinh tế Trung Quốc và một số đã tung ra “thông tin bất hợp pháp và có hại để thao túng hoặc phá vỡ trật tự của dư luận trực tuyến.”
Ông Lục tin rằng cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với cái gọi là “hải quân mạng bất hợp pháp” là để ngăn người dân nói về các chủ đề nóng, chẳng hạn như vụ bê bối buôn người “Người Phụ Nữ Bị Trói Bằng Xích Sắt,” các đợt phong tỏa “ác mộng” ở Thượng Hải, vụ đánh đập phụ nữ ở Đường Sơn, và vụ người gửi tiền ngân hàng ở Trịnh Châu.
Ông Lục nói thêm: “Bất kỳ chủ đề nào liên quan đến dân thường đều bị dập tắt, và các bình luận không phù hợp sẽ bị lọc ra, gỡ xuống hoặc gắn nhãn cảnh báo. Người dân bị tước đoạt quyền tự do và bị coi là tội phạm vì ‘gây gổ và gây rối.’”
“Trong khi đó, hải quân mạng ‘hợp pháp’ lại được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thuê và trả tiền. Theo báo cáo, họ được trả ‘năm mươi xu’ cho mỗi bình luận ủng hộ ĐCSTQ hoặc để đổi lấy việc được giảm án tù.”
Bản tin có sự đóng góp của Dorothy Li