Du học sinh Trung Quốc can thiệp vào tự do ngôn luận tại các trường đại học Mỹ thu hút chú ý về sự xâm nhập của ĐCSTQ
Hai vụ việc liên tiếp về việc sinh viên Trung Quốc phá đám lễ tưởng niệm dân chủ trong khuôn viên các trường đại học Hoa Kỳ hồi tháng Sáu đã một lần nữa làm dấy lên những lo ngại về sự xâm nhập của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào Hoa Kỳ.
Theo Đài Á Châu Tự do hôm 09/06, anh Cao Vĩnh Khiêm (Kinen Kao), một sinh viên Hồng Kông tại Đại học Cornell, đang dán các bích chương có nội dung “Hồng Kông tự do” và “Người Duy Ngô Nhĩ tự do” tại một khu phố gần trường của anh lúc 6 giờ chiều ngày 08/06 thì một thanh niên Trung Quốc đến gần anh, xé các bích chương xuống và đe dọa, “Này thì dán, dám dán lên nữa không!”
Khi anh Cao lấy điện thoại di động ra để quay video, thanh niên này đã đẩy anh xuống đất và cố giật điện thoại của anh nhưng không thành công.
Đây không phải là lần duy nhất diễn ra cảnh này.
Bốn ngày trước, hôm 04/06, các nhà hoạt động tại Đại học California, San Diego, đã tự phát tổ chức tưởng niệm Vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 04/06 bằng cách cầm các bảng biểu ghi “Đừng quên ngày 04/06”, đặt hoa, và thắp nến trong một không gian rộng mở phía trước thư viện trường đại học. Đến tối muộn, một người đàn ông Trung Quốc đã xé nát một tấm bích chương và ném nó xuống đất, và một phụ nữ Trung Quốc đã đá đổ một cây nến, Đài Á Châu Tự do đưa tin hôm 07/06.
Ngày 09/06 đánh dấu kỷ niệm ba năm Phong trào Chống Dự luật Sửa đổi Luật Dẫn độ ở Hồng Kông, một phong trào xã hội lớn nổ ra hồi tháng 06/2019 để phản đối việc chính quyền sửa đổi Sắc lệnh về Tội phạm Đào tẩu cho phép dẫn độ các nghi phạm hình sự từ Hồng Kông sang Trung Quốc đại lục để xét xử. Công chúng lo ngại rằng luật này sẽ làm suy yếu hệ thống “một quốc gia, hai chế độ” và quyền tài phán độc lập của Hồng Kông.
Vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn xoay quanh việc sinh viên từ các trường đại học ở Trung Quốc đại lục tổ chức một cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, vào năm 1989, và quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lái xe tăng vào Bắc Kinh và Quảng trường Thiên An Môn để sát hại những người biểu tình bằng vũ lực vào sáng sớm ngày 04/06.
Ngày 04/06 năm nay đánh dấu kỷ niệm 33 năm vụ thảm sát gây chấn động thế giới này. Số người tử vong chính xác vẫn chưa rõ ràng, và vụ việc ngày 04/06 là một trong những từ ngữ nhạy cảm bị ĐCSTQ kiểm duyệt cho đến ngày nay.
Trong nhiều thập niên, chế độ độc tài nắm đấm sắt của ĐCSTQ đã mở rộng từ đại lục sang Hồng Kông. Đồng thời, nhà cầm quyền này cũng không ngừng nỗ lực xâm nhập sâu hơn vào các quốc gia phương Tây.
Theo một báo cáo của Propublica.org hôm 30/11/2021, trước đó hồi tháng Mười Một, anh Khổng Chí Hào (Kong Zhihao), một sinh viên Trung Quốc tại Đại học Purdue, đã bị sách nhiễu vì “ca ngợi chủ nghĩa anh hùng của các sinh viên thiệt mạng trong vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.”
Anh Khổng đã nhận được lời đe dọa từ các sinh viên Trung Quốc khác cùng trường, nói rằng họ phải báo cáo anh với Đại sứ quán Trung Quốc và Cục An ninh Quốc gia của ĐCSTQ.
Không lâu sau, các nhân viên an ninh đã tiếp cận cha mẹ của anh ở Trung Quốc và cảnh báo họ rằng con trai họ không nên tham gia các hoạt động ở ngoại quốc.
Cha mẹ của anh Khổng nói với anh: “Họ nói với cha mẹ rằng hãy bắt con dừng lại, nếu không tất cả chúng ta sẽ gặp rắc rối.”
Ngay cả những sinh viên Trung Quốc không tham gia vào các hoạt động chính trị nổi tiếng cũng lo lắng về sự giám sát từ những người xung quanh, dẫn đến việc tự kiểm duyệt trong lớp học về các chủ đề mà ĐCSTQ có thể coi là nhạy cảm.
Trung tâm Wilson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã chỉ ra trong một báo cáo năm 2019 có nhan đề “Nghiên cứu sơ bộ về các hoạt động can thiệp và ảnh hưởng chính trị của CHND Trung Hoa trong giáo dục đại học tại Hoa Kỳ”, một số giảng viên cho biết họ tin rằng nhiều sinh viên Trung Quốc ngại thảo luận về các chủ đề nhạy cảm trong lớp vì họ sợ ai đó sẽ báo cáo họ với chính quyền ĐCSTQ.
Báo cáo này trích dẫn một ví dụ về giảng viên Jason McGrath của Đại học Minnesota, người trong một giờ học vào năm 2014, đã cố gắng khích lệ sinh viên Trung Quốc tham gia thảo luận về một bộ phim chỉ trích sự tham nhũng của Trung Quốc, và đã gặp phải sự im lặng.
Sau một vài lời thúc giục từ phía giảng viên này, cuối cùng một sinh viên Trung Quốc đã nói, “Bọn con không thoải mái khi nói về điều đó vì bọn con không biết liệu có ai có thể đang nghe lén bọn con.”
Một ví dụ khác được một giảng viên tại Đại học Indiana đưa ra. Ông nói rằng khi ông bắt đầu chiếu một bộ phim về Pháp Luân Công trong một giờ học về các tôn giáo ở Á Châu vào năm 2012, một sinh viên Trung Quốc đã yêu cầu ông đóng cửa lại. Khi được giảng viên hỏi tại sao, sinh viên này nói rằng anh không muốn những người Trung Quốc khác nhìn thấy mình đang xem phim.
Điều những sinh viên Trung Quốc này lo lắng không phải là vô lý. Kinh nghiệm của cô Dương Thư Bình (Yang Shuping) là một ví dụ về những gì có thể xảy ra với bất kỳ sinh viên Trung Quốc nào đi du học.
Tại lễ tốt nghiệp năm 2017 tại Đại học Maryland, cô Dương đã đưa một bài diễn thuyết nói rằng cô rất thích “không khí tự do ngôn luận trong lành” ở Hoa Kỳ và nhanh chóng bị quở trách ở Trung Quốc, địa chỉ gia đình của cô Dương ở Trung Quốc đã bị đăng trên tờ China Daily, một tờ báo do ĐCSTQ sở hữu, và gia đình cô đã bị tấn công trực tuyến, VOA đưa tin hôm 14/01/2020.
Theo một báo cáo năm 2018 của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ-Trung Quốc của Quốc hội Hoa Kỳ, Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc (CSSA), một công cụ mà ĐCSTQ dùng để kiểm soát du học sinh Trung Quốc, bị cáo buộc có liên hệ chặt chẽ với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ và nhận tiền hỗ trợ từ Đại sứ quán Trung Quốc.
Vào mùa xuân năm 2007, vào đêm trước ngày câu lạc bộ Pháp Luân Đại Pháp, một nhóm tín ngưỡng dựa trên “Chân, Thiện, Nhẫn” tại Đại học Columbia chuẩn bị tổ chức một cuộc thảo luận về thu hoạch nội tạng sống, một phần trong cuộc đàn áp của ĐCSTQ, câu lạc bộ đã nhận được một thư điện tử từ ông Từ Khải (Xu Kai), một sinh viên tốt nghiệp ngành cơ khí và lúc đó là chủ tịch Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc tại Đại học Columbia (CUCSSA), tiết lộ các kế hoạch tổ chức một cuộc tấn công các học viên Pháp Luân Công. Vào ngày diễn ra hội thảo, 20 người đã xuất hiện với biểu ngữ và cờ để can thiệp vào sự kiện, theo bản tin hồi tháng 12/2018 của The Blue and White, một tạp chí trực tuyến của Đại học Columbia.
Chính phủ Hoa Kỳ nhận thức rõ về sự xâm nhập của ĐCSTQ vào các trường học của Hoa Kỳ.
Đầu tháng 10/2018, trong một bài diễn văn tại Viện Hudson ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, phó tổng thống đương thời Mike Pence đã trực tiếp cáo buộc CSSA cảnh báo “các lãnh sự quán và đại sứ quán Trung Quốc khi các sinh viên Trung Quốc, và các trường học Hoa Kỳ, đi chệch khỏi đường lối của Đảng Cộng sản.”
Hồi tháng 02/2018, Giám đốc FBI Christopher Wray đã làm chứng trước Quốc hội về những rủi ro tình báo mà sinh viên Trung Quốc gây ra đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ, nói rằng trên khắp đất nước, ở các thành phố lớn và thị trấn nhỏ, và đặc biệt là trong môi trường học thuật, “việc sử dụng những người thu thập tình báo phi truyền thống” có thể được tìm thấy trong tất cả các lĩnh vực nghiên cứu và những người này bao gồm các giáo sư, nhà khoa học, và sinh viên, theo bản tin hôm 15/02/2018 của Inside Higher Ed, một hãng thông tấn tập trung vào giáo dục đại học.
Cô Jenny Li đã viết bài cho The Epoch Times từ năm 2010. Cô đã đưa tin về các vấn đề chính trị, kinh tế, nhân quyền, và quan hệ giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc. Cô đã phỏng vấn sâu rộng các học giả, nhà kinh tế, luật sư, và các nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc ở Trung Quốc và hải ngoại.