Đảng Cộng sản bổ nhiệm các sĩ quan cảnh sát làm hiệu phó trường học trên khắp Trung Quốc
Đảng cộng sản cầm quyền của Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát hành một thông báo ra lệnh cử cảnh sát đến tất cả các trường học ở Trung Quốc với tư cách là hiệu phó vì “các lý do an ninh.” Các chuyên gia đã chỉ trích hành động này như một cái cớ để nhà cầm quyền thắt chặt hơn nữa sự kiểm soát của mình đối với xã hội Trung Quốc, vốn dĩ đã là một nhà nước cảnh sát.
Cổng thông tin lớn NetEase của Trung Quốc đã đưa tin về thông báo do Bộ Giáo dục Trung Quốc đưa ra hôm 06/06, trong đó nói rằng đảng sẽ yêu cầu tất cả các trường bổ nhiệm một sĩ quan cảnh sát làm hiệu phó để “thúc đẩy pháp quyền trong giáo dục và giải quyết nạn bắt nạt và bạo lực trong trường học.” Thông báo này cũng được lan truyền trên mạng xã hội, gây ra một làn sóng chỉ trích dữ dội và lan rộng.
Một cư dân mạng đã đặt câu hỏi trong một bài đăng, “[Vì các lý do an ninh thì] các ông có thể thiết lập một điểm báo động hoặc một chốt tuần tra trong khuôn viên trường mà, tại sao các ông lại cần phải cử một viên cảnh sát làm hiệu phó?”
Một bài đăng khác viết, “Trung Quốc đã hoàn toàn trở thành một nhà nước cảnh sát!”
Thông báo nêu trên được đưa ra sau một lệnh của Bộ Giáo dục được ban hành hồi tháng Mười Hai năm ngoái (2021), tên là “Các biện pháp Bổ nhiệm và Quản lý Hiệu phó về Luật ở các Trường Tiểu học và Trung học.” Luật này dự tính được thực hiện từ ngày 01/05.
Về biện pháp mới của ĐCSTQ, ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney, nói với The Epoch Times rằng quy định nói trên rõ ràng là để nhà cầm quyền có thể duy trì sự ổn định chính trị dưới quyền lực độc đảng và kiểm soát người dân hơn nữa.
“An ninh trong mắt ĐCSTQ không có nghĩa là quý vị, sự an toàn của người dân, hay an ninh cá nhân của quý vị, mà là an ninh của chế độ. Đảng sử dụng lực lượng cảnh sát của mình để giải quyết sự chống đối và phản kháng của người dân bằng bạo lực,” ông nói.
Ông Phùng nói thêm rằng trước khi ĐCSTQ lên nắm quyền vào năm 1949, đảng này đã tích cực thúc đẩy việc đưa cảnh sát ra khỏi khuôn viên trường học.
“Trong những năm qua, tôi và các nhà nghiên cứu lịch sử cảm thấy rất buồn. Vào những năm 1940, trong phong trào lập hiến ở Trung Quốc trong Kỷ nguyên Cộng Hòa, cảnh sát và các chi bộ đảng đã bị loại bỏ khỏi các trường học và đại học. Độc lập giáo dục và tự do học thuật đã được coi như một dấu ấn của nền văn minh. Lúc đó, chính ĐCSTQ lại hoạt động tích cực nhất trong việc thúc đẩy loại bỏ cảnh sát vì nghị trình chính trị của riêng mình.”
“Ngày nay thật đáng sợ khi thấy ĐCSTQ lại đưa các phương pháp từ thời Mao trở lại; chính trị hóa mọi thứ và xây dựng một nhà nước cảnh sát toàn diện.”
Một tiến sĩ luật họ Trương ở Bắc Kinh đồng ý với phân tích của ông Phùng, nói với The Epoch Times rằng với việc cảnh sát phụ trách các trường học, ĐCSTQ có thể đạt được sự kiểm soát toàn diện đối với người dân.
“Họ có động cơ ngầm, đó là tạo cớ để ĐCSTQ thực hiện việc kiểm soát cảnh sát toàn diện thông qua bạo lực đối với mọi tầng lớp và lĩnh vực của xã hội,” ông nói. “Họ cố tình đưa Trung Quốc đến vực thẳm của một nhà nước cảnh sát, sử dụng bạo lực để kiểm soát bạo lực.”
Hôm 09/06, một luật sư họ Lý ở Trung Quốc đại lục nói với The Epoch Times: “Thực tế, trước khi áp dụng biện pháp mới, cảnh sát đã liên hệ với mọi trường học trong khu của họ, chỉ là họ chưa nắm giữ chức vụ hiệu phó.Thực tế, chủ trương mới không có gì thay đổi lớn so với trước đây.”
Ông nói, “Vấn đề bạo lực trong khuôn viên trường đang được phóng đại. Nếu nó có tồn tại, thì đó là vấn đề thuộc về giáo dục.”
“Khi cảnh sát là hiệu trưởng trường học, việc kiểm soát giáo viên và học sinh vì sự ổn định chính trị của chế độ trong trường học sẽ thuận tiện hơn: đó là để đe dọa và giám sát những giáo viên và học sinh có tư duy tự do.”
“Tôi không nghĩ biện pháp này sẽ làm được gì tốt đẹp,” ông nói.
Ông Alex Wu là một tác giả của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền, và các mối quan hệ quốc tế.