Hồng Kông: Trường học phải loại bỏ những cuốn sách ‘gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia’
Giáo viên phải tự kiểm duyệt để tránh nguy cơ bị trừng phạt
Hôm 06/06, Cục trưởng Cục Giáo dục Hồng Kông Dương Nhuận Hùng (Kevin Yeung) nhắc lại rằng các trường học có trách nhiệm bảo đảm thư viện của họ không chứa những cuốn sách bị coi là nguy hiểm đối với an ninh quốc gia.
Lời nhận xét của ông Dương đã làm dấy lên những lo ngại trong người dân Hồng Kông, những người đang lo sợ về một làn sóng tự kiểm duyệt khác tại các trường học.
Sau khi thực thi Luật An ninh Quốc gia vào giữa năm 2020, Cục Giáo dục Hồng Kông đã yêu cầu các trường học thường xuyên kiểm tra các đầu sách trong thư viện của họ và loại bỏ những cuốn sách được coi là gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia — chẳng hạn như những cuốn sách có chứa nội dung về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông năm 2019, các chủ đề ủng hộ dân chủ, và vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Những cuốn sách bị thư viện trường thải loại phải đem đi tiêu hủy toàn bộ — việc cho tặng những cuốn sách này không phải là một giải pháp theo hướng dẫn mà các trường nhận được.
Những luật này đã chứng kiến việc nhiều trường học loại bỏ một số lượng lớn sách ra khỏi thư viện của họ.
Theo Minh Báo, một tờ báo địa phương, một trường trung học ở Đông Cửu Long đã loại bỏ ít nhất 204 cuốn sách khỏi thư viện của mình, còn một trường khác ở Thuyên Loan đã loại bỏ 173 cuốn khỏi kệ sách thư viện.
Bài báo này của Minh Báo cũng cho biết các trường học không được cung cấp hướng dẫn rõ ràng về tiêu chí vi phạm pháp luật của sách báo, vì vậy giáo viên phải tự đặt ra tiêu chuẩn riêng cho mình. Vì sợ bị phạt, nên các trường học và giáo viên đã phải tự kiểm duyệt bằng cách loại bỏ một số lượng lớn sách có chứa thông tin về các phong trào chính trị và xã hội khác nhau.
Trong số những cuốn sách bị thải loại khỏi giá thư viện có những cuốn của các học giả nổi tiếng, trong đó có ông Kim Diệu Cơ (Ambrose King Yeo-chi), một nhà xã hội học Hồng Kông và là cựu hiệu trưởng của Đại học Trung văn Hồng Kông (CUHK). Một trong những tác phẩm của ông cho rằng chế độ thực dân và chủ nghĩa tư bản là hai chủ đề quan trọng của Hồng Kông. Các học giả khác có tác phẩm đã bị loại ra khỏi thư viện là ông Thái Tử Cường (Ivan Choy) và ông Mã Nhạc (Ma Ngok), hiện cả hai đều đang làm việc tại CUHK — ông Thái là giảng viên kỳ cựu, còn ông Mã là phó giáo sư.
Ba học giả này có lịch sử bày tỏ quan điểm đối lập với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hoặc các cơ quan cầm quyền của Hồng Kông.
Theo Đài Á Châu Tự do, nhưng một số cuốn sách về các chủ đề được coi là nhạy cảm về mặt chính trị vẫn sẽ được xuất hiện trên giá sách thư viện nếu chúng bám sát câu chuyện của ĐCSTQ.
“Hồng Kông đã thoái hóa thành một nơi hoàn toàn bị ĐCSTQ thao túng,” ông Chư Cát Minh Dương (Zhuge Mingyang), một nhà văn độc lập và chuyên gia về Trung Quốc, nói với The Epoch Times.
“Trong nhiều thập niên, người dân Trung Quốc đã học cách ‘kỷ luật’ bản thân để tồn tại dưới thời ĐCSTQ,” nhà văn Chư Cát nói.
“Cha mẹ và giáo viên thường dạy bảo trẻ em những gì không được đọc hoặc không được nói để cho các em được an toàn. Giờ đây, các giáo viên ở Hồng Kông cũng đã bắt đầu ‘kỷ luật’ chính mình.”
Sửa đổi chương trình học
Chính quyền Hồng Kông đang hướng tới mục tiêu tăng cường “bản sắc dân tộc” cho các em học sinh thông qua chương trình giảng dạy mới được ban hành hồi tháng 12/2021.
Được các nhà phê bình gọi là “tẩy não”, khung sửa đổi 89 trang về các giá trị công dân có tên “Khung Chương trình Giáo dục Các giá trị,” đã được ban hành cho tất cả các trường học trong thành phố.
Khung chương trình nêu rõ, chương trình giảng dạy mới được sửa đổi này sẽ “nuôi dưỡng ý thức về bản sắc dân tộc trong học sinh … và giúp các em hiểu trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ gia đình và tổ quốc với tư cách là một người Trung Quốc.”
Kể từ khi Bắc Kinh áp dụng Luật An ninh Quốc gia, các trường học địa phương đã trải qua một số tiết “giáo dục” để nắm rõ những thay đổi này.
Theo Thông tư số 11/2020 (pdf) của Cục Giáo dục được ban hành ngày 03/07/2020, giám thị và người đứng đầu của tất cả các trường tiểu học, trung học, và mầm non phải “‘tạo điều kiện kịp thời’ cho tất cả các cấp nhân viên và học sinh của trường để nắm bắt tình hình, và nhắc nhở toàn bộ nhân viên và học sinh phải tuân thủ Luật An ninh Quốc gia.”
Trong Thông tư số 3/2021 của Cục Giáo dục (pdf), tất cả các trường mẫu giáo, tiểu học, và trung học cơ sở được yêu cầu phải duy trì “một môi trường học tập an toàn để nuôi dưỡng những công dân tốt.”
Cô Kathleen Li đã đóng góp cho The Epoch Times từ năm 2009 và chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô là một kỹ sư chuyên về lĩnh vực xây dựng dân dụng và kết cấu tại Úc.