Hồng Kông: Làn sóng giảng viên từ chức lan sang cả lĩnh vực giáo dục đại học
Làn sóng từ chức trong ngành giáo dục của Hồng Kông hiện đã lan sang các trường đại học.
Chính quyền địa phương thông báo 4,050 giáo viên của các trường tiểu học và các trung học cả công lập lẫn được tài trợ trực tiếp trong năm học 2021-2222 đã nghỉ việc, một mức cao kỷ lục trong những năm gần đây. Cũng trong niên khóa này, khoảng 399 giảng viên đã thôi việc tại các trường đại học được công quỹ tài trợ, với một tỷ lệ thôi việc là 7.4%, lập kỷ lục mới kể từ khi chuyển giao chủ quyền vào năm 1997.
Theo Ủy ban Tài trợ Giáo dục Đại học, trong niên khóa 2021-22, Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, một học viện chuyên về nghiên cứu công nghệ, có nhiều giảng viên nghỉ việc nhất, trong đó có 64 giảng viên toàn thời gian và 20 giảng viên bán thời gian hoặc giảng viên ký hợp đồng ngắn hạn, tổng cộng là 84 người.
Đại học Bách khoa, một trường đại học chuyên về khoa học, đã có tổng cộng 71 giảng viên nghỉ việc, bao gồm 61 giảng viên toàn thời gian và 10 giảng viên bán thời gian hoặc có hợp đồng ngắn hạn.
‘Hồng Kông không còn hấp dẫn’
Ông Hoàng Vỹ Quốc (Benson Wong Wai-kwok), một học giả độc lập về nghiên cứu văn hóa và khoa học chính trị ở Hồng Kông, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 30/01 rằng, “việc thực thi Luật An ninh Quốc gia, cuộc đối đầu giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các nước phương Tây, sự suy giảm quyền tự do học thuật ở Hồng Kông, và các chính sách phòng chống dịch nghiêm ngặt, là những yếu tố chính khiến các học giả này rời đi.”
Ông Hoàng nói thêm rằng, “Trong toàn bộ xã hội Trung Quốc, môi trường học thuật của Hồng Kông là gần gũi với phương Tây nhất, và ‘cảm giác như ở nhà’ đó đã thu hút nhiều học giả ngoại quốc đến đây làm việc. Số đơn đề nghị nghỉ việc gia tăng cho thấy Hồng Kông kém hấp dẫn hơn trước.”
Ông Hoàng đã đề cập đến các yếu tố khác dẫn đến làn sóng nghỉ việc này. Cụ thể là ủy ban yêu cầu tám trường đại học địa phương chứng minh hiệu suất như một tiêu chí để nhận các khoản tài trợ nghiên cứu, vậy nên một số giảng viên không đáp ứng các tiêu chí về hiệu suất sẽ bị sa thải, còn một số học giả cũng sẽ phải rời đi nếu họ không được thăng chức sau sáu năm làm việc.
Ông Hoàng giải thích rằng nghiên cứu học thuật cần có thời gian. Nền tảng đó là “một nhóm người tích lũy các kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm … Nếu những người đó rời đi với một tốc độ chưa từng thấy, thì Hồng Kông chỉ có thể dựa vào tiền và lương để thu hút mọi người, mà các yếu tố này sẽ không giúp cho việc xây dựng thực lực nghiên cứu của Hồng Kông.”
Ông Hoàng nói: “Rất có khả năng Đài Loan sẽ sớm thay thế Hồng Kông và trở thành cơ sở nghiên cứu mới về Trung Quốc và các quốc gia Á Châu trong khu vực Đông Á. Đến lúc đó, Hồng Kông không thể thoát khỏi hiện thực rành rành trước mắt là địa vị học thuật của mình đang suy giảm.”
Các học giả rời đi
Ông Hoàng Chiếu Đạt (Justin Wong), một cựu giáo sư phụ tá tại Trường Nghệ thuật Thị giác thuộc Đại học Baptist Hồng Kông (HKBU) và là người vẽ tranh biếm họa chính trị, đã từ chức sau khi ông bị báo công an vì một bài báo mang tính học thuật về phong trào chống dẫn độ hồi tháng 09/2021.
Ông Trần Tổ Vy (Joseph Chan Cho-wai), một cựu giáo sư Khoa Chính trị và Hành chính Công tại Đại học Hồng Kông (HKU), đã tuyên bố từ chức hồi năm 2021. Ông đã giảng dạy tại trường HKU trong 30 năm. Ông bày tỏ sự thất vọng trước khi rời đi: “Tôi không còn được nói chuyện thoải mái tự do nữa.” Mặc dù ông hy vọng rằng HKU có thể điều hành các khoa của mình với “sự khoan dung và hòa nhập” trong tương lai, nhưng ông tin rằng trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, những hy vọng như vậy chỉ có thể chuốc lấy thất vọng nhiều hơn.
Nie Law, Ying Cheung và Harry McKenny thực hiện
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times