Trung Quốc: Sinh viên Trịnh Châu bị trấn áp vì biểu tình phản đối phong tỏa
Tối hôm 29/09, sinh viên của nhiều trường đại học ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã tiếp tục tập trung để phản đối việc phong tỏa trường học kéo dài và hô vang khẩu hiệu “Dỡ bỏ phong tỏa!” (Hán Việt là “giải phong”).
Hôm 30/09, vẫn có nhiều sinh viên tổ chức phản đối nhưng bị phía nhà trường trấn áp và cảnh cáo. Sinh viên cho biết, các trường đại học và cao đẳng ở Trịnh Châu đang dần dỡ bỏ phong tỏa. Tuy nhiên trên Weibo vẫn có nhiều bài viết của sinh viên tiếp tục bày tỏ cảm xúc bức bối và kêu gọi dỡ bỏ phong tỏa.
Theo các báo cáo của chính quyền, tình hình dịch bệnh ở Trịnh Châu không nghiêm trọng. Ủy ban Y tế và Sức khỏe Hà Nam hôm 30/09 thông báo, hôm 28/09 ở Trịnh Châu xuất hiện một ca nhiễm bệnh mới không triệu chứng ở địa phương; mấy ngày trước ở Trịnh Châu không có ca nhiễm nào; và trong những ngày gần đây, các báo cáo ghi nhận số ca nhiễm ở Hà Nam chỉ dừng lại ở một chữ số. Tuy nhiên, số liệu mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa ra luôn bị nghi vấn vì lịch sử che đậy thông tin và báo cáo thấp so với thực tế của đảng này.
Do áp dụng chính sách zero COVID của chính quyền Bắc Kinh, các trường đại học và cao đẳng ở Trịnh Châu đã thực hiện các biện pháp kiểm soát và phong tỏa nghiêm ngặt. Một sinh viên cho biết, trường học đã bị phong tỏa suốt một năm, dẫn tới sinh viên biểu tình phản đối liên tục. Nhiều sinh viên đăng các bài viết kêu gọi “Hãy lấy lại sự tôn nghiêm của một con người! Hãy nói ra những điều bất mãn trong lòng mình”, cũng có người đăng bài viết về “Khao khát tự do”.
Sinh viên biểu tình phản đối phong tỏa trường học bị nhà trường trấn áp và cảnh cáo
Tối hôm thứ Tư (28/09), sinh viên của nhiều trường đại học ở Trịnh Châu đã tập trung phản đối việc phong tỏa trường học. Video trực tuyến trên mạng cho thấy, các sinh viên đã tranh luận với giáo viên nhà trường và đồng thanh hô vang “Dỡ bỏ phong tỏa! Dỡ bỏ phong tỏa!”
Hôm thứ Năm (29/09), tại Trường Cao đẳng Môi trường và Thủy lợi Hà Nam tọa lạc trên đường Hoa Viên, một sinh viên họ Vương (hóa danh) nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng: “Các trường đại học ở Trịnh Châu đều xảy ra sự việc phản đối ở các cấp độ khác nhau. Trường chúng tôi có tổng cộng bảy dãy ký túc xá. Theo những gì tôi nghe được, tối hôm qua sinh viên trong bốn dãy ký túc xá đã ra ngoài cửa phòng hô lớn ‘dỡ bỏ phong tỏa!’”
“Sự việc kéo dài gần 30 phút, cho đến khi có một giáo viên nói, ‘Các bạn sinh viên, dịch bệnh vẫn chưa kết thúc, vì nghĩ đến vấn đề an toàn, nên hiện nay nhà trường áp dụng quản lý trường học theo yêu cầu của cấp trên, mong các em bình tĩnh thực hiện’, đồng thời nói với sinh viên ‘Các yêu cầu hợp lý sẽ được nhà trường phản hồi một cách hợp lý. Thầy cô đứng về phía các em!’”
Sự việc bắt đầu vào khoảng 10 giờ tối, sinh viên họ Vương cho biết. “Từ tối hôm qua trường học của chúng tôi bắt đầu bị trấn áp, tất cả sinh viên đều bị cấm nói lên suy nghĩ của mình hoặc hô hào.” “Hiện giờ trong trường chỉ cần có người đề đạt vấn đề liền sẽ bị cảnh cáo.”
Sinh viên họ Vương nói tiếp: “Từ sau kỳ nghỉ quốc khánh 01/10 năm ngoái, trường chúng tôi mới bắt đầu khai giảng trở lại, nhưng mãi cho đến giờ vẫn chưa dỡ bỏ phong tỏa, hơn nữa còn trở thành mỗi tuần học 6 ngày nghỉ 1 ngày, đây là sinh viên đại học ư? Hồi tôi học trung học thì sau khoảng thời gian đi học 6 ngày nghỉ 1 ngày, sẽ có lúc được cho nghỉ 2 ngày liên tiếp, trường này học 6 ngày nghỉ 1 ngày đã một năm rồi!”
Sinh viên họ Vương cũng cho biết, “Trường chúng tôi chưa có ca xác nhận nhiễm bệnh, nhưng nhà trường dường như đang đối phó với điều đó, hoàn toàn không để ý đến cảm xúc của sinh viên, cứ muốn nhanh chóng dạy cho xong để cho chúng tôi nghỉ, như vậy sinh viên nếu có xảy ra chuyện gì thì nhà trường cũng sẽ không chịu trách nhiệm.”
“Bây giờ trên trang web và Weibo của nhà trường đều đầy những lời phản đối, nhưng các bài đăng liên tục bị xóa; chỉ có chết may ra mới thoát khỏi trường.”
Sinh viên này tiếp tục chia sẻ: “Tối nay (29/09) không thấy ồn ào nữa, nhà trường đang tổ chức họp lớp cho mỗi lớp vào thời điểm này. Chúng tôi tổ chức họp lớp ở đây, thời gian nghỉ không đổi, vào ngày 01 và 02/10 có thể ra ngoài trường, nhưng không thể rời khỏi Trịnh Châu, nhất định phải trở về trước 9 giờ.”
Trên mạng internet đang lan truyền những hình ảnh chụp sinh viên lao ra khỏi hàng rào màu vàng. Sinh viên họ Vương cho rằng, “những bức ảnh đó có vẻ như là sinh viên ở Trường Thủy điện và Thủy lợi Hoa Bắc, vì ký túc xá của họ ở bên ngoài trường, muốn về ký túc xá phải đi qua cầu vượt ở cổng trường, nhưng sinh viên rất đông, cầu vượt đi không xuể, hai bên đường lại dựng lên rất nhiều tấm chắn màu vàng ngăn trở, cho nên cuối cùng càng lúc càng đông người chen lấn, và các tấm chắn màu vàng bị đổ xuống. Sau khi được đăng lên mạng internet, mọi người đều cho rằng dường như chỉ có phản kháng thì mới có tác dụng.”
Anh Vương còn cho biết, các sinh viên “sẽ bị đuổi về nhà vào các các kỳ nghỉ đông và nghỉ hè.”
Có sinh viên đăng bài nói rằng: “Hôm nay, ban giám hiệu nhà trường họp nói rằng, những trường có những sinh viên gây rối đều đã bị Phòng Đào tạo điểm danh. Trường chúng ta cũng đang phòng ngừa sinh viên gây rối đấy.”
Nhiều trường dỡ bỏ phong tỏa sau khi bị sinh viên phản đối
Liên quan đến “hành động dỡ bỏ phong tỏa” do sinh viên Trịnh Châu khởi xướng, hôm 30/09 có tin tức truyền ra rằng nhiều trường đã “dỡ bỏ phong tỏa” hoặc “thông báo ngày nghỉ”.
Hôm thứ Năm (29/09), một sinh viên họ Trần (hóa danh) thuộc Trường Cao đẳng Tài chính Thuế vụ Trịnh Châu nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, “Vừa rồi, lớp trưởng đã thông báo rằng ngày 01/10 sẽ được nghỉ 7 ngày. Chúng tôi không yêu cầu được nghỉ 7 ngày, mà là muốn dỡ bỏ phong tỏa.”
Sinh viên họ Vương nói trên cho biết, “Hình như bây giờ đã có 8 trường đại học dỡ bỏ phong tỏa, 3 trường trong đó đều là do có sinh viên phản đối rồi mới dỡ bỏ; có trường có sinh viên biểu tình phản đối ngay tại sân tập, thế là nhà trường gọi bảo vệ đến bắt sinh viên.”
Tuy nhiên, trường học của sinh viên họ Vương vẫn chưa dỡ bỏ phong tỏa, “Tối hôm nay có thể sẽ có biểu tình phản đối, lần này hẳn là ở sân trường hoặc cổng trường, đã có người đang tiến hành tổ chức.”
Ở Trịnh Châu dường như không có quy định thống nhất về việc phong tỏa trường học. Sinh viên họ Vương cho biết, “Đối diện với trường chúng tôi là Cao đẳng Thống kê Tin tức, trước đây không lâu họ có người tiếp xúc gần [với người nhiễm bệnh], nên trường đã tiến hành phong tỏa, mà giờ thì lại mở cửa rồi. Nhưng trường chúng tôi chưa dỡ phong tỏa.”
Anh nói, “Ở trường đối diện không xảy ra biểu tình, nhưng người ta vẫn dỡ bỏ phong tỏa, căn bản là không cần đến biểu tình.”
Bị nhà trường chặn trước
Một sinh viên khác họ Tôn (hóa danh) của Cao đẳng Tài chính Thuế vụ Trịnh Châu nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, “Ban đầu, chúng tôi dự định sẽ tập trung để nói chuyện vào chiều ngày 29/09, nhưng có thể ban lãnh đạo nhà trường đã biết tin, vì vậy đã có người canh giữ từ trước, nên kế hoạch đó chưa bao giờ thực hiện được.”
Phong tỏa trường học khiến giá cả trong trường tăng cao
Việc phong tỏa tại các trường đại học và cao đẳng ở Trịnh Châu không giống nhau, nhưng có một hiện tượng giống nhau, đó là giá cả trong khuôn viên trường tăng cao.
Sinh viên họ Trần đến từ Cao đẳng Tài chính Thuế vụ Trịnh Châu cho biết, “Điều quan trọng là con em giáo viên và nhân viên nhà ăn có thể ra vào trường tùy ý, và những người bán hàng rong cũng thế, nhưng sinh viên lại không được ra ngoài. Tại các buổi họp lớp hoặc học phụ đạo, nhà trường còn lưu ý không cho chúng tôi lên mạng nói lung tung.”
Sinh viên họ Tôn cũng cho biết, “Các thầy cô và nhân viên trường học vẫn ra vào trường bình thường, có thể họ cũng bị yêu cầu xét nghiệm acid nucleic.”
Sinh viên họ Vương cũng nói: “Nếu không phải là sinh viên, bạn có thể đến và đi tùy ý. Sáng nay tôi đi ngang qua cổng trường và nhìn thấy một đám người đi xe hơi điện không đeo khẩu trang vào trường.”
Ngoài ra, giá cả trong trường vốn luôn đắt hơn bên ngoài nay lại càng tăng lên. Sinh viên họ Trần cho hay, “Giá hàng hóa đã tăng. Một quả trứng là 5 tệ (≈16,700 đồng). Quá đắt.”
Sinh viên họ Vương cũng nói: “Giá cả trong trường tăng lên rồi. Ngay cả thuốc lá bên ngoài 23 tệ (≈76,900 đồng), trường học cũng bán đến 28 tệ (≈93,700 đồng), Coca Cola 3 tệ (≈10,000 đồng) bán 3.5 tệ (≈11,700 đồng đồng), có lúc cao nhất là 4 tệ (≈13,400 đồng).”
Liên quan đến việc tăng giá trong trường học, các sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Trịnh Châu đã phàn nàn về trường mình như sau: “Kinh doanh bằng cách hút cạn tài chính của sinh viên, phong tỏa sinh viên trong trường rồi vơ vét tiền bạc. Tôi nói với bạn rằng, phòng chống dịch không thể là lý do của ban giám hiệu. Có chỗ nào ở đây là vì sinh viên? Phong tỏa trường học, tăng giá trong siêu thị và căng tin. Lấy việc phong tỏa và kiểm soát hoàn toàn để trục lợi, cuộc sống [của sinh viên] căn bản không được bảo đảm, ban giám hiệu chẳng làm gì.”
Sinh viên bị phong tỏa: ‘Khao khát tự do’
Sau khi sinh viên đại học Trịnh Châu hô to “Dỡ bỏ phong tỏa” trên Weibo hôm 28/09, cho đến hôm 29/09 vẫn có một số lượng lớn các bài đăng của sinh viên Trịnh Châu yêu cầu dỡ bỏ phong tỏa.
Một sinh viên Trường Cao đẳng Tài chính và Thuế vụ Trịnh Châu cho biết, “Chúng tôi không muốn ra ngoài trong thời gian ngắn ngủi, chúng tôi cần một trường đại học không có rào chắn, yêu cầu của chúng tôi là được quản lý một cách bình thường, chúng tôi có thể ra ngoài hàng tuần hoặc thậm chí là mỗi ngày, việc canh thả ba ngày thế này chỉ dành cho tù nhân.”
“Chúng tôi phải theo đuổi những lợi ích tốt nhất cho mình. Chúng tôi không muốn trở thành những con chim bị nhốt trong lồng. Chúng tôi cần có một cuộc sống đại học xán lạn. Chúng tôi cần có thời gian để ra ngoài. Chúng tôi là sinh viên đại học, không phải tù nhân.”
Do Cố Hiểu Hoa, Trình Tĩnh thực hiện
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ