Tây Tạng: Người dân khốn đốn vì đợt phong tỏa kéo dài hơn 40 ngày của chính quyền
Lhasa, thủ phủ của khu tự trị Tây Tạng phía tây Trung Quốc, đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới sau đợt bùng phát COVID-19 gần đây. Thành phố — với dân số ước tính dao động từ 300,000 đến khoảng 900,000 người — đang phải đương đầu với việc kiểm soát dịch bệnh hỗn loạn trong một cuộc phong tỏa kéo dài hơn một tháng.
Chính quyền địa phương đã phong tỏa các khu vực của thành phố đồng thời thực hiện xét nghiệm hàng loạt cho cư dân theo các chính sách zero COVID của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khi đợt bùng phát lần đầu tiên được công bố hôm 08/08.
Theo một thông báo chính thức hôm 20/09, những quận có nguy cơ lây nhiễm thấp cũng vẫn bị phong tỏa. Hôm 22/09, thành phố này đã ghi nhân 5 trường hợp có triệu chứng và 58 trường hợp không có triệu chứng, theo cơ quan ngôn luận chính của ĐCSTQ Trung Quốc Nhật báo (China Daily).
“Chúng tôi không thể cầm cự lâu hơn nữa. Hãy cứu giúp người dân Tây Tạng! Hãy cứu lấy mảnh đất Tây Tạng!”, theo một bài đăng của một cư dân mạng có tên là Renjian Xiaoxiaoxian, người không còn được tìm thấy trên các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc.
Hàng dài xe buýt chuyển người đi cách ly giữa đêm
Cô Trương Tình (Zhang Qing, hóa danh) là một cư dân của quận Thành Quan, nơi đặt trụ sở của chính quyền thành phố Lhasa. Cô nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 16/09 rằng cô đã bị cách ly trong khu ký túc của công ty mình kể từ ngày 02/08.
Cô Trương nói rằng toàn bộ mọi người trong cùng một khu dân cư đã bị đưa đến các điểm cách ly ngay cả khi chỉ có một hoặc hai người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.
“Các chuyến xe trung chuyển đến lúc 9 giờ 30 phút tối. Các khách hàng của chúng tôi và nhiều đồng nghiệp của tôi đều được những chiếc xe buýt này chở đi,” cô Trương nói, “các nhân viên chính phủ sẽ gọi cho cư dân trong ngày, thông báo cho họ rằng ai đó đã xét nghiệm dương tính với COVID, yêu cầu họ thu dọn đồ đạc, và bảo họ đợi xe buýt đến đón ở cổng khu dân cư.”
Vào buổi tối, các chuyến xe buýt đã chuyển một lượng lớn cư dân đến các bệnh viện dã chiến hoặc các điểm cách ly tập trung, nơi thiếu thức ăn, nước uống, và thuốc men. Một số bệnh viện dã chiến là những tòa nhà chung cư chưa hoàn thiện hoặc những bãi đậu xe lớn, không có các thiết bị vệ sinh phù hợp, như được tiết lộ trong các bài đăng và video trực tuyến trước khi những thông tin này bị gỡ xuống.
Cảnh quay trực tuyến do The Epoch Times thu thập được cho thấy hàng dài xe buýt chở người cùng hành lý rời khỏi các khu dân cư. Ấn phẩm đã không thể kiểm chứng tính xác thực của cảnh quay này.
“Rất nhiều xe buýt đến chở mọi người đi vào ban đêm, cảnh tượng ấy thật là kinh khủng,” cô Trương nói. “Ngày nào cũng có xe buýt tới, và cứ thế sau năm hoặc sáu ngày, toàn bộ khu phố này sẽ không còn một bóng người.”
Cô Trương cho biết: “Cảm giác còn tra tấn hơn khi mọi người ở nhà chờ đợi trong tâm trạng hoang mang, không biết khi nào đến lượt mình bị đưa đi và sẽ bị đưa đi đâu, rồi phải ở lại những nơi đó trong bao lâu.”
Cô Trương nói với ấn phẩm này rằng kể từ ngày 15/09, các cơ sở cách ly mới là những chiếc lều, vì tất cả các cơ sở cách ly kiên cố, trong đó có các công trường xây dựng và trường học, đã không còn chỗ trống.
Thành phố Lhasa nằm ở độ cao 3,656 m (gần 2.5 dặm) so với mực nước biển. Nhiệt độ trung bình vào ban đêm ở tháng Chín là 8 ℃ (khoảng 46 ℉).
200,000 người được cho là đang bị cách ly
Chính quyền đã cách ly những cư dân Lhasa có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 và những người có kết quả xét nghiệm âm tính vào cùng một chỗ, khiến virus lây lan nhanh chóng trong số những người bị cách ly, cư dân nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
“Hiện chỉ riêng ở Lhasa, 200,000 người đã bị nhiễm [COVID-19] và bị cách ly,” cô Triệu (hóa danh), cư dân quận Thành Quan, cho biết.
Cô nói với ấn phẩm này hôm 16/09 rằng, vì các ca nhiễm ngày càng tăng thêm, trong khi không có đủ cơ sở cách ly, nên chính phủ đã trưng dụng các trường học, công trường xây dựng, căn hộ chưa hoàn thiện, và thậm chí cả lán trại làm nơi cách ly tạm thời.
Cô Lương (hóa danh) nói với ấn phẩm trong một cuộc phỏng vấn hôm 17/09 rằng cô bị cách ly trong một bệnh viện dã chiến ở làng Liễu Ngô, vùng ngoại ô phía tây nam Lhasa.
“Ở chỗ chúng tôi, có tất cả bốn tòa nhà được sử dụng làm khu cách ly, đều là những tòa nhà cao hơn chục tầng, chật kín người,” cô Lương nói. Cô đã được đưa đến khu cách ly này cùng với những cư dân khác trong khu chung cư của cô, trong đó một trường hợp dương tính đã được báo cáo.
Một người bạn của cô Triệu đến Lhasa để tham quan, nhưng cả nhóm du lịch này đã bị phong tỏa trong một nhà trọ.
“Tất cả những gì họ có là một hộp thuốc cảm cúm, và họ được yêu cầu uống một lượng nước nhất định, rất nhiều nước. Họ phải tự dựa vào sức đề kháng của mình để khỏi bệnh,” cô Triệu nói. Bạn của cô có kết quả âm tính sau bảy ngày bị cách ly và sắp được đưa ra khỏi nhà trọ thì một khách du lịch khác ở cùng phòng lại có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID.
“Sau đó, khi cả đoàn đều có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19, họ được thông báo rằng nhà trọ của họ nằm trong khu vực có nguy cơ cao. Họ không thể rời đi,” cô Triệu nói,“ Các chính sách của chính phủ đúng là quá quắt.”
Tính đến ngày 19/09, cơ quan ngôn luận nhà nước China News báo cáo rằng 58,863 trường hợp tiếp xúc gần sẽ thoát khỏi cảnh cách ly và theo dõi tập trung, trong khi 66,675 người vẫn đang bị cách ly.
‘Không thể cầm cự lâu hơn nữa’
Đã hơn 40 ngày kể từ khi thành phố bị phong tỏa. Cư dân không có thu nhập, và nhiều người đang sắp cạn nguồn thực phẩm. Họ nhận được ít nguồn cung cấp từ chính phủ.
“Tôi đã bị nhốt ở nhà hơn một tháng và không thể ra ngoài”, bà Lưu (hóa danh), cư dân Lhasa, nói với ấn phẩm hôm 17/09.
Bà Lưu cho biết, “Toàn bộ thành phố đang bất động. Hầu hết những người có thu nhập thấp như chúng tôi đều rất buồn. Chúng tôi không có thu nhập, không có tiền tiết kiệm, và không có tiền trong tay. Cuộc sống của chúng tôi rất khó khăn. Một số người trong chúng tôi phải trả các khoản thế chấp và các khoản vay mua xe hơi, nhưng chúng tôi không có tiền. Chúng tôi khó mà sống nổi.”
Cô Triệu cho biết, trong tháng qua, cô và những người hàng xóm đã chia sẻ số rau ít ỏi mà họ có và họ chỉ ăn một bữa mỗi ngày. Cô Triệu tức giận nói: “Chính quyền nói rằng họ đã phân phát rau cho chúng tôi. Ừ thì có, nhưng chúng tôi chỉ nhận được một túi rau vào ngày 02/09, trong đó có khoảng chục củ khoai tây và một quả dưa chuột. Và chỗ rau củ đó là dành cho từng ấy nhà trong một tầng!”
“Làm sao có thể chia chỗ rau củ cho quá nhiều người được đây? Mỗi người một củ khoai tây ư? Cắt dưa chuột thành từng miếng và chia cho mỗi người một miếng?” Cô Triệu chia sẻ rằng cô cảm thấy không biết phải làm sao trong tình huống đó.
Cô Triệu cho biết, để tiết kiệm thực phẩm, người dân chỉ ăn một bữa giản tiện mỗi ngày, phần thời gian còn lại là đi ngủ. Cô ấy nói rằng dù mỗi ngày chỉ ăn một bữa thì đồ dự trữ của họ chỉ có thể tồn tại trong một tuần.
Cô Đổng cũng sống ở quận Thành Quan. Cô ấy nói rằng chính quyền đã cấm giao thức ăn kể từ ngày 12/09.
“Các quan chức chính phủ đã khóa công ty của chúng tôi lại và nhốt chúng tôi ở trong, sau đó dán giấy niêm phong trên ngoài cửa công ty. Ai dám xé giấy niêm phong mà chính quyền dán lên chứ?” cô Đổng nói, “Giờ tôi chỉ ước mình có thể sống sót.”
“Chúng tôi đã bị phong tỏa hơn một tháng. Chúng tôi thấy sống còn không bằng chết. Không có sự giúp đỡ từ bất cứ đâu. Không có thu nhập, và chúng tôi không thể trả các khoản thế chấp hoặc các khoản vay của mình. Giá thực phẩm thì tăng cao,” một cư dân mạng viết trên mạng xã hội Trung Quốc.
Khi nói với ấn phẩm hôm 17/09, một cư dân Lhasa là ông Lý (hóa danh) cho biết cư dân mạng bị cấm đăng nội dung liên quan đến đợt phong tỏa này lên mạng và được chính quyền địa phương cảnh báo không được tung “tin đồn”.
“Rõ ràng là chính quyền mới là người đang tung tin đồn, nhưng họ lại bảo đó là chúng tôi!” ông Lý nói, “Các tin tức chính thức đều là giả!”
Bản tin có sự đóng góp của Cố Hiểu Hoa, Tiêu Luật Sinh, Triệu Phượng Hoa, Hồng Ninh, và Lâm Sầm Tâm
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times