Trung Quốc: Người dân công khai phản đối chính sách zero COVID trước Đại hội Đảng
Trước Đại hội Đảng lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhiều địa phương đã tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, khiến người dân ngày càng phẫn nộ. Dân chúng và nhiều quan chức đã công khai phản đối chính sách “zero COVID” và lệnh phong tỏa của ĐCSTQ.
Quản thúc người dân
Một quan chức kỳ cựu ẩn danh ở Bắc Kinh, đã nói với phóng viên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, dân chúng đang hối thúc chính quyền chấm dứt chính sách zero COVID, nhưng chính quyền vẫn nhắm mắt làm ngơ.
Ông chia sẻ với các ký giả rằng, hiện khi ra ngoài mua đồ phải có phiếu kết quả xét nghiệm acid nucleic. “Giờ ngay cả đi lấy thuốc tôi cũng không được đi, phải có phiếu xét nghiệm acid nucleic có giá trị trong ba ngày (mới được đến tiệm thuốc). Người dân ngày ngày than khổ, oán trách phàn nàn. Không biết họ đang sợ điều gì, chẳng lẽ sợ dân chúng tạo phản, nên mới nhốt người ta ở trong nhà như vậy?”
Ông cho biết, cứ ba ngày phải xét nghiệm acid nucleic một lần, có lúc muốn ra ngoài thì kết quả xét nghiệm đã quá hạn 72 giờ rồi. Điều này khiến ông thấy vô cùng bất tiện.
“Loại tăm bông (dùng trong xét nghiệm acid nucleic) cũng không an toàn. Nó chứa các thành phần hóa học đặc biệt, thế chẳng phải là sẽ có tác dụng phụ sao? Điều này rất nguy hiểm! Trung Quốc giờ đã bế tắc rồi.”
Tài chính kiệt quệ vì chính sách zero COVID
Một tiến sĩ luật tại Bắc Kinh nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, theo ông, bất kỳ ai có chút khả năng phân tích cũng đều có thể hiểu được rằng cái gọi là “chính sách zero COVID” chỉ để phô trương xem chế độ nào lợi hại hơn, ĐCSTQ hay phương Tây.
Ông cũng nói rằng, hầu như mọi người đều có thể nhìn thấy rõ rằng, dù virus được tạo ra trong tự nhiên hay bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm, thì sau ba năm, độc tính của các biến thể mới đang ngày càng suy giảm.
Ông nói, “Việc nhiễm biến thể Omicron mới nhất chỉ có triệu chứng giống như bệnh cảm cúm. Nhiều người bạn của tôi ở Hoa Kỳ đã bị nhiễm Omicron, qua 3-4 ngày thì khỏi. Triệu chứng chỉ giống như bị cảm cúm, cũng không cần uống thuốc.”
Ông cho biết thêm: “Đợt bùng phát đỉnh điểm ở Tây Tạng, chính quyền địa phương ở Tây Tạng cũng thông báo không cần điều trị, chỉ cần ở nhà cách ly một tuần là khỏi.”
Ông nói chính sách zero COVID đã thu hút sự phẫn nộ của công chúng ở nhiều nơi. Tuần trước, người dân ở Trùng Khánh và Thành Đô đã rất bất bình, nhiều người dân bình thường đã quá mệt mỏi với chính sách này, và một khi bị dồn vào đường cùng, thì họ cũng sẽ đứng lên phản đối.
Ngoài ra, ông cũng tin rằng, mặc dù vẫn chưa chắc chắn chính sách zero COVID kéo dài đến khi nào, nhưng chắc chắn nó sẽ kết thúc. Bởi vì ĐCSTQ cũng không thể kéo dài thời gian mãi được, do họ sắp cạn nguồn tài chính.
Ông nói: “Nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc trả lương cho công nhân viên. Ví dụ, những người bạn của tôi ở Hứa Xương, Hà Nam, đã nói rõ rằng họ đang gặp khó khăn trong việc trả lương.”
Phản ứng của người dân
Ông Trương Hải, một nạn nhân trong trận đại dịch này, nói với The Epoch Times rằng, người dân ai cũng phản đối chính sách zero COVID và cái gọi là phong tỏa này. Ngoài ra, vì việc kiểm duyệt mạng Internet ngày càng tăng cường, nên những tiếng nói bày tỏ sự phản đối khó có thể tồn tại lâu trên mạng xã hội. Thậm chí, dù có thành công đăng lên, thì cũng sẽ bị chặn.
Ông Trương nói: “Nỗi bất bình của người dân ngày một tích tụ nhiều lên. Hết phong tỏa, đến di chuyển trong đêm, từ thành phố phải đi cách ly ở các vùng lân cận, họ đã nếm trải đủ cả. Điều này tạo thành xung kích mạnh mẽ đến mọi ngành nghề trong xã hội, rất nhiều người dân phổ thông không làm việc trong công ty, không có biên chế, mà làm việc tự do. Nếu cứ bị nhốt trong nhà, không kiếm được đồng nào, mà vẫn phải chi trả sinh hoạt phí, v.v. Như thế đương nhiên kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.”
Ông chia sẻ thêm, “Tôi thấy trên mạng đăng tải rất nhiều trường hợp nhảy lầu, miền Bắc miền Nam đều có cả. Theo như trong video nói, tất cả họ đều vì chịu quá nhiều áp lực do bị phong tỏa trong thời gian dài, về cả thể chất lẫn tinh thần, đặc biệt là về tài chính. Bị phong tỏa thì không có thu nhập, đây là một nguyên nhân rất trọng yếu.”
“Vì sao người ta phải nhảy lầu, sống chẳng phải vẫn tốt hơn sao? Nhảy lầu cũng chỉ vì bất đắc dĩ. Chính vì lệnh phong tỏa quá tàn khốc, quá méo mó ấy đã khiến người dân hoàn toàn suy sụp.”
Giả danh ‘phòng dịch’ để che đậy suy thoái kinh tế
Tại sao ĐCSTQ phải áp dụng biện pháp zero COVID “tự mình hại mình” để phòng chống dịch đã làm dấy lên hàng loạt mối nghi ngờ.
Ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times dẫn lời luật sư Lý người Trung Quốc cho hay một đồng nghiệp của ông từ Hồ Nam nói rằng những người trong nội bộ Đảng cho biết việc liên tiếp áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt ở nhiều nơi như vậy phần lớn là để che đậy suy thoái kinh tế.
“Lợi dụng công tác phòng chống dịch để che đậy thực tế suy thoái kinh tế và đổ lỗi cho các vấn đề lớn của nền kinh tế vào việc phòng chống dịch”, Luật sư Lý nói.
“Nhiều người trong nhà nước thừa biết rằng, không phải nguyên nhân do dịch bệnh, mà là vì dữ liệu kinh tế các nơi không báo cáo công khai, nên chỉ có thể dùng chiến thuật này. Tôi cảm thấy quan điểm này rất có lý.”
Ông nói: “Về căn bản, ở Trung Quốc, quý vị không thể nhìn thấy bất cứ thứ gì từ Internet và các phương tiện truyền thông. Một số phương tiện truyền thông ở hải ngoại có thể không biết về điều đó nên họ không đưa tin.”
Người dân liên tiếp phản đối chính sách zero COVID của ĐCSTQ
Chính sách zero COVID của ĐCSTQ đã gây tổn hại rất lớn đến thể chất, tinh thần và kinh tế của người dân. Ngày càng có nhiều người bắt đầu đứng lên phản đối.
Mặc dù ĐCSTQ phong tỏa nghiêm ngặt mọi thông tin, nhưng gần đây, vẫn có những video về các cuộc biểu tình phản đối phong tỏa lan truyền trên Internet.
Ví dụ, một cô gái trong một tiểu khu nào đó ở Trung Quốc đã dùng hai tay để chặn cửa sổ phòng xét nghiệm COVID, ngăn cản người người dân xét nghiệm COVID.
Ngoài ra còn có đoạn video cho thấy một thanh niên Trung Quốc từ chối đeo khẩu trang, tranh luận với cảnh sát phòng chống dịch bệnh và những người khác rằng: “Toàn thế giới có bao nhiêu quốc gia như thế, tại sao chỉ có Trung Quốc phải làm vậy?” Kết quả là anh bị cảnh sát xịt hơi cay và còng tay dẫn đi.
Video trực tuyến cũng cho thấy Thành Đô gần đây đã thông báo rằng một số khu vực sẽ gỡ bỏ lệnh phong tỏa, nhưng một số khu vực của 5 khu đô thị ở quận Thanh Dương, Cẩm Giang, Vũ Hầu, v.v. sẽ tiếp tục phong tỏa. Một khu cách ly cho người dân địa phương ở quận Cẩm Giang có điều kiện rất tồi tệ, khiến người dân vô cùng bất mãn.
Một video trực tuyến khác cho thấy một người phụ nữ từ chối quét mã QR khai báo y tế ở lối vào ga Chu Hải, cuối cùng cô bị công an bắt đi. Theo mô tả trong video, cô gái này bị giam giữ hành chính 20 ngày.
Cũng có người dân thành phố Tam Hà, Hà Bắc đã gọi điện cho chính quyền thành phố và hỏi: “Tại sao vừa thức dậy qua đêm mà thành phố lại phong tỏa rồi?”. Sau đó, nhân viên chính phủ đáp với giọng lạnh lùng: “Không có thông báo à?”
“Một người dương tính nên cả thành phố bị phong tỏa, chuyện là vậy phải không?” Công dân này hỏi tiếp: “Đây chính là ‘phòng ngừa và kiểm soát chuẩn xác’ của các ông phải không?”
“Muốn phong tỏa cả thành phố, phải báo cáo với Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát của Quốc vụ viện và được phê chuẩn thì mới có thể phong tỏa thành phố chứ! … Xin hỏi, các ông đã báo cáo chưa? Đã được chấp thuận chưa? … Văn bản đâu rồi? Công bố với công chúng ở đâu? Vì sao tất cả mọi người đều không biết?”
Nhân viên công vụ này nói: “Tôi cũng không biết. Dù sao thì chúng tôi cũng không công khai văn bản liên quan.” Người dân này lên án: “Các anh không không khai, thế chẳng lẽ một câu nói của các anh là quyết định mọi việc sao? Chúng tôi làm sao mà biết được các anh đã báo cáo hay chưa, đã được cấp trên phê chuẩn chưa?”
Cuối cùng, nhân viên này nói với vị này rằng nếu anh muốn ra ngoài thì tự mà tìm cách!
Do Hạ Tùng, Lạc Á thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ