Trung Quốc: Sản phẩm của nhiều thương hiệu nổi tiếng bị nghi ngờ do tù nhân sản xuất
Gần đây, có nhiều thông tin tiết lộ rằng sản phẩm của nhiều thương hiệu nổi tiếng ở Trung Quốc là do các tù nhân sản xuất, trong đó gồm có các thương hiệu Anta, Xtep, Hongxing Erke, và 361. Nạn lao động cưỡng bức và vi phạm nhân quyền trong các nhà tù của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại một lần nữa thu hút sự chú ý của công chúng.
Hoa Kỳ cấm các sản phẩm găng tay Milwaukee Tool có nguồn gốc từ các nhà tù của ĐCSTQ
Hôm 10/04, Hoa Kỳ đã cấm hàng loạt sản phẩm găng tay Milwaukee Tool (Milwaukee Electric Tool Corporation) có nguồn gốc xuất xứ từ các nhà tù của ĐCSTQ, do công ty này có liên quan đến việc cưỡng bức lao động đối với tù nhân.
Bà Thi Minh Lỗi (Shi Minglei), vợ của tù nhân chính trị đang bị giam cầm Trình Uyên (Cheng Yuan), đã không ngừng tiếp sức cho cuộc chiến chống lao động cưỡng bức trong thời gian dài. Bà viết trên trang cá nhân của nền tảng X rằng: “Thật đáng mừng! Hải quan Hoa Kỳ đã cấm chuỗi cung ứng găng tay sản xuất ở Trung Quốc của Milwaukee Tool. Nguyên nhân là vì những găng tay này được các tù nhân tại nhà tù Xích Sơn, Hồ Nam sản xuất.”
Ông Trình Uyên (Cheng Yuan), chồng của bà Thi, nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền Âu Bưu Phong (Ou Biaofeng), và nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền Đài Loan Lý Minh Triết (Li Mingzhe) đều bị cưỡng bức lao động trong các công xưởng lao động khổ sai tại nhà tù Xích Sơn ở Hồ Nam.
Cưỡng bức lao động kéo dài, bóc lột sức lao động của con người
Ông Hoàng (Huang), người được phóng thích khỏi nhà tù Điếm Giang hồi năm ngoái (2023), nói với ký giả ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, nhà tù Điếm Giang có tổng cộng 8 khu giam giữ. Trong đó, khu giam giữ thứ 4 có ba đội, tổng cộng không quá 500 người, có một đến hai đội khoảng 370 người chủ yếu làm phần đế giày.
Ông Hoàng nói, “Theo những gì tôi biết, ngoài những thương hiệu nhỏ không tiếng tăm, thì những thương hiệu lớn đã từng sản xuất ở đây bao gồm Anta, Xtep, Hongxing Erke, và 361. Từ những vật liệu nhỏ vụn, cho đến mọi công đoạn ngoại trừ đế giày, giá trị sản xuất của mỗi đôi giày chỉ vài đồng. Giá trị sản lượng trung bình của các tù nhân ở đây mỗi tháng tạo ra hơn 2,000 nhân dân tệ, nhưng thu nhập trung bình không vượt quá 200 nhân dân tệ. Hơn nữa họ còn phải mua những đồ dùng sinh hoạt trong nhà tù với giá cao gấp nhiều lần so với giá thị trường. [Như thế], họ lại bị bóc lột thêm một tầng nữa…”
Công ty Dụng cụ Thể thao Anta (ANTA Sports Products Limited) được thành lập vào năm 1994, có trụ sở chính đặt tại Tấn Giang, tỉnh Phúc Kiến, là một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh giày thể thao có thương hiệu, và là một công ty niêm yết. Sản phẩm của họ bao gồm giày và quần áo thể thao thương hiệu ‘ANTA.’
Ký giả ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times đã nhiều lần gọi điện cho Công ty Dụng cụ Thể thao Anta, nhưng sau khi điện thoại kết nối chuyển sang hệ thống giọng nói, không có ai bắt máy.
Ông Hoàng còn cho biết, “Nhà tù không tuân thủ luật pháp và quy định của Cục Quản lý Nhà tù Thành phố Trùng Khánh, thường xuyên tùy tiện thay đổi quy định ‘5+1+1’ hàng tuần (5 ngày làm việc + 1 ngày học tập + 1 ngày nghỉ). Họ còn thường xuyên tăng số giờ lao động. Đó hoàn toàn là một nhà máy lao động khổ sai!”
Theo tin của Đài Á Châu Tự Do (RFA), nhà hoạt động nhân quyền Đài Loan Lý Minh Triết, từng thụ án tại nhà tù Xích Sơn, cho biết: “Luật nhà tù của Trung Quốc quy định mỗi ngày chỉ làm việc 8 giờ, mỗi tuần có 1 ngày nghỉ và 1 ngày học tập. Nhưng chúng tôi không hề có ngày nghỉ, ngày học tập cũng thường bị gọi đi làm thêm giờ. Mỗi ngày làm việc 14 giờ, trung bình mỗi người chỉ nhận được 100 nhân dân tệ một tháng. Nếu công việc không hoàn thành chỉ được cấp 5 nhân dân tệ, tôi đã từng bị như vậy. Với sự bóc lột sức lao động như thế, đó gần như là một cách kiếm lợi tàn bạo.”
Ông Lý Minh Triết cũng đề cập rằng, khi bị giam ở nhà tù Xích Sơn, ông còn nhìn thấy bản hợp đồng sản phẩm công ty “JiHua” với nhà tù. Đây là một công ty hậu cần chuyên sản xuất sản phẩm quân dụng và giày quân đội. 80% khối lượng công việc ở nhà tù Xích Sơn là sản xuất hàng hóa cho Milwaukee Tool Thượng Hải và JiHua.
Ông Lý nói thêm: “Tôi lên mạng tìm danh mục găng tay của Milwaukee Tool và thấy một số găng tay mà tôi đã làm.”
Chủ blog trên nền tảng Douyin nhận định: ‘Dù Thiên Đường còn được gọi là dù nhà tù’
Đầu tháng 4/2024, tài khoản “Truyền bá sự thật” (真相传媒) đã đăng trên mạng xã hội X rằng: “Phần lớn dù hiệu Thiên Đường của Hàng Châu đều do tù nhân sản xuất. Thực ra, không chỉ là những người đang chịu án phạt trong nhà tù, mà những người bị giam giữ tạm thời trong trại giam cũng bị cưỡng bức lao động làm dù hoặc đèn trang trí Giáng Sinh hàng ngày. Hơn nữa, ở trong trại giam họ không hề được phát đồng tiền công nào.”
Người dùng có tên “Quỷ lão đại” (鬼老大) bình luận: “Khu nhà giam thứ tư trong nhà tù chúng tôi chính là làm dù Thiên Đường, khu nhà giam thứ hai làm khăn mặt Grace. Nhiều sản phẩm bán ở trên thị trường là được làm ra từ trong nhà tù, vì chi phí nhân công thấp, sản lượng cao, chất lượng tốt.”
Vào năm ngoái (2023), Blogger “E Mailbox” (E 邮筒) trên Douyin cũng từng tiết lộ: “Dù hiệu Thiên Đường hay còn gọi là dù nhà tù, là loại dù được làm thủ công truyền thống từ trong các nhà tù. Loại dù này có kỹ thuật rất tốt và hoa văn đặc biệt. Nó thực sự được làm bởi các tù nhân. Tuy nhiên trên thị trường hiện nay cũng có những sản phẩm dù do công ty Thiên Đường sản xuất.”
Dù Thiên Đường là một thương hiệu dù nổi tiếng trong nước của Trung Quốc, do Tập đoàn Công nghiệp Dù Thiên Đường ở Hàng Châu sản xuất. Các loại sản phẩm bao gồm dù đi mưa, dù đi nắng, dù bãi biển, dù thủ công, … Trên nhãn sản phẩm của dù Thiên Đường có một số ký hiệu, được cho là số hiệu của tù nhân. [Người ta nói rằng] số hiệu càng nhỏ thì thời gian thụ án càng dài, tuy nhiên điều này chưa được chứng thực.
Ký giả ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times đã gọi điện đến Tập đoàn Công nghiệp Dù Thiên Đường để xác thực thông tin. Người nghe điện thoại trả lời rằng, “Đây là nhà máy sản xuất, làm gì có chuyện sản xuất ở trong nhà tù. Có một phần linh kiện được cung cấp từ bên ngoài, nhưng không nhất định cứ phải được sản xuất ở đó (nhà tù). [Anh chị] nghe những thông tin do người nào truyền trên mạng thì vui lòng cứ đi hỏi họ đi.”
杭州的 #天堂伞 大多都是 #服刑人员 做的。 — 真相傳媒 (@TruthMedia123) April 3, 2024
其实不只是监狱里的服刑人员,被短期关押在看守所的嫌疑人一样每天都要被迫做伞或者是圣诞节彩灯,而且看守所里没有一分钱工资❗️ pic.twitter.com/8p2xaaKPf2