Trung Quốc: Người dẫn chương trình Đài phát thanh Tứ Xuyên qua đời trong tù vì bị bức hại
Hôm 13/02/2023, ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times nhận được tin rằng anh Bàng Huân (Pang Xun), người dẫn chương trình của Đài phát thanh Nhân dân tỉnh Tứ Xuyên và là một học viên Pháp Luân Công, đã bị bức hại đến tử vong trong nhà tù Lạc Sơn ở Tứ Xuyên khi anh chỉ mới 30 tuổi.
Một người biết tin tiết lộ với phóng viên của ấn bản này rằng anh Bàng Huân qua đời hôm 02/12/2022, trước đó anh đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt giữ phi pháp vào ngày 27/07/2020.
Nguồn tin này cho biết: “(Mẹ của anh Bàng Huân) nhận được thông báo (từ nhà tù) vào lúc 8 giờ sáng ngày 02/12/2022 rằng anh ấy không ổn, lúc 10 giờ thì nhận được tin anh ấy đã mất.”
Cha mẹ anh Bàng Huân sống ở Hồ Nam. Người biết tin cho biết: “Họ (cha mẹ của anh Bàng Huân) đã đi từ Hồ Nam đến Tứ Xuyên vào ngày 03/12/2022. Bác sĩ pháp y mà họ thuê từ Bắc Kinh đã không được phép đi cùng họ vào xem thi thể. Nhà tù đã ngăn không cho bác sĩ pháp y vào.”
“Hơn nữa, nhà tù thông báo với họ rằng nhất định phải hỏa táng trước ngày 13/12/2022, nhưng mẹ của anh Bàng Huân đã từ chối. Cuối cùng, nhà tù đã đồng ý khám nghiệm tử thi, nhưng bắt buộc phải có sự giám sát của nhà tù và cơ quan xét nghiệm.”
Vào ngày 11/02/2023, người dùng Twitter ở ngoại quốc có tên là @dbezuqun đã đăng một loạt video và hình ảnh, tiết lộ rằng anh và bạn của anh là Bàng Huân đã mất liên lạc từ tháng Sáu đến tháng Bảy năm 2020, về sau anh mới biết rằng bạn mình đã bị kết án 5 năm tù và bị tra tấn đến tử vong trong nhà tù của ĐCSTQ hồi tháng 12 năm ngoái.
https://twitter.com/dbezuqun/status/1624475529406709761?ref_src=twsrc%5Etfw%7Ctwcamp%5Etweetembed%7Ctwterm%5E1624475529406709761%7Ctwgr%5E4dff46574ab52529895140421267d29acc6425c4%7Ctwcon%5Es1_&ref_url=https%3A%2F%2Fwww.epochtimes.com%2Fgb%2F23%2F2%2F13%2Fn13929027.htm
Đoạn video cho thấy anh Bàng Huân có những vết bầm tím khắp người do bị điện giật, bị trói và đánh đập, hơn nữa còn xuất hiện hiện tượng đại tiện không tự chủ.
Nguồn tin trên nói với phóng viên của Epoch Times rằng: “Thi thể của anh Bàng Huân giống như trong video, khắp người đều có vết thương, lúc đầu họ chỉ cho xem mặt, nhưng sau đó họ kéo cả người ra, mới nhìn thấy khắp người đầy vết thương. Người nhìn thấy thi thể là cha mẹ và dì của anh ấy.”
Anh Bàng Huân đã từng giới thiệu Pháp Luân Công cho người cung cấp tin này. Người này nói: “Bàng Huân chỉ giới thiệu Pháp Luân Công cho tôi một lần, tôi đã từ chối, nhưng cậu ấy cho tôi cảm giác rằng cậu ấy không phải kiểu người có tinh thần khác thường và xấu xa như ĐCSTQ nói với mọi người ngoài kia, cậu ấy rất trong sáng, nhiệt tình, và vui vẻ.”
“Cậu ấy là người tốt bụng và dễ mến nhất mà tôi từng gặp. Cậu ấy nghĩa khí với bạn bè và tính tình rất trẻ con.”
Theo thông tin công khai, anh Bàng Huân tốt nghiệp khoa Phát thanh truyền hình của Đại học Truyền thông Trung Quốc, từng là người dẫn chương trình truyền thông cấp tỉnh. Anh đã tham gia dẫn chương trình và giảng dạy về phương tiện truyền thông mới trong 8 năm. Anh cũng từng là phóng viên của Trung tâm tin tức của Đài Phát thanh và Truyền hình Hồ Nam, là người dẫn chương trình cho Tencent Video, giảng viên chính cho kênh phát thanh và truyền thông Trường Sa Trung Nghệ, v.v.
“Bàng Huân chắc chắn đã bị đánh đập, bởi vì trước đó tôi đã nhìn thấy khắp người anh ấy đầy vết thương khi gặp mặt (nửa năm trước)”, nguồn tin này cho biết.
Người dùng Twitter @dbezuqun cho biết: “Lý do mà nhà tù đưa ra là anh ấy (Bàng Huân) mắc bệnh cường giáp, nhưng những người bạn quen biết anh ấy như chúng tôi đều biết anh ấy có sức khỏe rất tốt, không mắc bất kỳ căn bệnh nào có thể dẫn đến tử vong. Mẹ của anh ấy hiện đang muốn đưa pháp luật vào cuộc, nhưng tất cả chúng tôi đều biết việc đó sẽ không có tác dụng.”
“Người nhà đương nhiên muốn làm rõ lý lẽ,” người biết tin nói với phóng viên của Epoch Times. “Họ đã tìm luật sư, kiên quyết không đồng ý với việc hỏa táng, và yêu cầu khám nghiệm tử thi”.
Phóng viên của Epoch Times đã gọi điện đến nhà tù Lạc Sơn, nhưng điện thoại không thể kết nối.
Tin tức về sự qua đời của anh Bàng Huân đã làm dấy lên sự phẫn nộ của các cư dân mạng:
Cư dân mạng @dbezuqun nói: “Thật ghê tởm! Tôi thực sự không thể hiểu được thực tế này. Lời giải thích cuối cùng của bác sĩ pháp y là gì? Liệu cuối cùng có thể bắt được hung thủ hay không.”
@cement2010 cho biết: “Nhìn vào bàn chân, nguyên nhân tử vong rất có khả năng là do chấn thương sọ não nghiêm trọng.”
@Dival94 nói: “Thật tội nghiệp, sao lại ác độc với một người không quen biết như vậy.”
@9IGLRuDobZqKvaO: “Đứa trẻ ngoan như vậy, thật đáng tiếc! Đất nước này quá ác!”
@_Civeng_: “Thảm quá, xem con người như cỏ rác. Ai dám chắc bi kịch như thế này sẽ không xảy ra với bạn và tôi, nghĩ đến thôi cũng sợ rồi.”
@Titonos88 nói: “Tôi cũng không theo học Pháp Luân Công, nhưng mọi học viên Pháp Luân Công mà tôi gặp trong trại giam đều rất thân thiện và hòa đồng với mọi người. Họ ngồi thiền mỗi ngày, trình độ học vấn nói chung cao hơn so với các loại tù nhân khác, rất nhiều người đều là nghiên cứu sinh, còn có cả tiến sĩ.”
Pháp Luân Công là một môn tu luyện cả tâm lẫn thân, chiểu theo các nguyên tắc là chân, thiện, và nhẫn, đã phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc vào những năm 1990 vì những hiệu quả vượt trội trong việc chữa bệnh khỏe người. Chính quyền ĐCSTQ ước tính rằng vào năm 1999, có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người theo học môn này.
Vào tháng 07/1999, lãnh đạo Đảng lúc bây giờ là Giang Trạch Dân, vì nảy sinh tâm đố kỵ sau khi thấy số lượng học viên Pháp Luân Công vượt quá số lượng đảng viên ĐCSTQ, nên ông ta đã phát động chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc. Kể từ đó, các học viên Pháp Luân Công đã phải đối mặt với các loại bức hại như sách nhiễu, giam giữ phi pháp, tra tấn, và thu hoạch nội tạng, v.v.
Nguồn tin này nói với phóng viên của Epoch Times rằng: “Khi anh Bàng Huân bị bắt, anh ấy và chị gái ruột của mình – cũng là một học viên Pháp Luân Công, đã bị bắt khi họ cùng nhau ra ngoài dán bích chương (có thông tin về Pháp Luân Công).”
Theo thống kê chưa đầy đủ từ trang web minghui.org, một trang web chuyên đưa tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc, được biết vào tháng 01/2023, đã có 15 học viên Pháp Luân Công qua đời oan uổng trong cuộc bức hại của ĐCSTQ. Năm 2022, đã có ít nhất 172 học viên Pháp Luân Công bị ĐCSTQ bức hại đến tử vong.
Cố Hiểu Hoa thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ