Trung Quốc mở rộng luật chống gián điệp nhắm vào các công ty ngoại quốc và những người bất đồng chính kiến
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thông qua luật chống gián điệp mới sửa đổi, sẽ có hiệu lực vào ngày 01/07 năm nay.
Bản sửa đổi này đã mở rộng định nghĩa về hoạt động gián điệp, làm cho rộng hơn và mơ hồ hơn. Các nhà quan sát nhân quyền tin rằng đó là một sự leo thang trong việc đàn áp người dân Trung Quốc và sẽ được sử dụng để nhắm mục tiêu nhiều hơn nữa vào các cá nhân và công ty ngoại quốc tại Trung Quốc.
Hôm 26/04, cơ quan lập pháp bù nhìn của chế độ này đã công bố luật sửa đổi này trên trang web của mình. Đây là lần sửa đổi đầu tiên kể từ lần ban hành vào tháng 11/2014.
Việc mở rộng định nghĩa của luật về hoạt động gián điệp này đã thu hút nhiều sự chú ý từ thế giới bên ngoài. Chẳng hạn, phạm vi của những đối tượng đánh cắp các bí mật được mở rộng sang “các tài liệu, dữ liệu, tư liệu, vật phẩm khác liên quan đến an ninh và lợi ích quốc gia.”
Luật chống gián điệp mới sửa đổi này cũng phân loại việc bán thông tin cho các tổ chức gián điệp và đặc vụ của họ là hoạt động gián điệp, cũng như “việc tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào các cơ quan nhà nước, các đơn vị liên quan đến hoạt động cơ mật, hoặc cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng” là hoạt động gián điệp.
Bản sửa đổi mới này cũng bao gồm “thiết lập một hệ thống quản lý cho các đơn vị an ninh và chống gián điệp chủ chốt.”
Làm dấy lên nỗi sợ hãi ở các công ty ngoại quốc
Nikkei, một công ty truyền thông của Nhật Bản, đưa tin rằng việc Trung Quốc hạn chế truyền tải bất kỳ thông tin nào liên quan đến an ninh quốc gia theo luật chống gián điệp được sửa đổi này đã làm dấy lên lo ngại rằng ĐCSTQ đang đẩy mạnh việc nhắm mục tiêu vào những cá nhân và công ty ngoại quốc. Luật mở rộng này sẽ dẫn đến việc thực thi pháp luật tùy tiện, chẳng hạn như giam giữ các cá nhân mà không có bằng chứng cụ thể.
Hồi tháng trước (03/2023), một giám đốc điều hành tại văn phòng Bắc Kinh của Astellas Pharmaceuticals của Nhật Bản đã bị bắt với cáo buộc hoạt động gián điệp. Vụ việc này đã gây chấn động cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, với một số công ty đã đánh giá lại các rủi ro và tạm dừng các chuyến công tác đến Trung Quốc.
Hồi tháng Ba, chính quyền Trung Quốc đã đột kích vào văn phòng ở Bắc Kinh của Tập đoàn Mintz, một công ty điều tra của Mỹ, và bắt giữ 5 nhân viên Trung Quốc.
Theo xác nhận của một phát ngôn viên của công ty này hôm 26/04, công an Trung Quốc đã đến văn phòng ở Thượng Hải của Bain & Co., một công ty tư vấn của Hoa Kỳ, và thẩm vấn các nhân viên ở đó và tịch thu các máy điện toán và điện thoại di động.
Hôm 27/04, ông Hoàng (Huang), một giám đốc điều hành của một công ty ngoại quốc ở Hồng Kông, nói với The Epoch Times rằng việc sửa đổi luật chống gián điệp của ĐCSTQ có thể tác động lớn hơn đến các công ty và nhân viên trong ba loại hình kinh doanh.
“Loại thứ nhất là những người có hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc liên quan đến điều tra hoặc những người có hoạt động kinh doanh xem xét vốn kế toán, chẳng hạn như Deloitte và bốn công ty kế toán lớn khác. Họ có thể có một số thông tin nhạy cảm. Thứ hai là các công ty báo cáo phân tích đầu tư,” ông nói. “Loại thứ ba là các doanh nghiệp có quan hệ hợp tác hoặc trao đổi kinh tế, thương mại về công nghệ sinh học y tế và nhu liệu tại Trung Quốc.”
Ông Hoàng nói rằng hầu hết các nước phương Tây đều có các luật an ninh quốc gia và luật chống khủng bố, nhưng Trung Quốc không phải là một hệ thống luật pháp quốc tế. Thay vào đó, nước này là một hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa không tương thích với hầu hết các luật quốc tế thường được sử dụng trên thế giới “bởi vì các hoạt động hợp pháp của ĐCSTQ thường vi phạm nhân quyền, nên các công ty ngoại quốc, và nhân viên của họ sẽ rất lo lắng.”
Hôm 27/04, luật sư Trung Quốc Dương Minh (Yang Ming-bút danh) nói với The Epoch Times rằng ông tin rằng “nhiều doanh nghiệp do ngoại quốc tài trợ và những nhà đầu tư ngoại quốc sẽ đưa ra một đánh giá dựa trên các vấn đề tiềm ẩn trong xã hội Trung Quốc hiện tại, và họ không dám dễ dàng đến Trung Quốc để đầu tư.”
Đàn áp công dân Trung Quốc
Ông Đổng Úc Ngọc (Dong Yuyu), một cựu biên tập viên cao cấp của tờ báo chính thức của Trung Quốc, Guangming Daily (Quang Minh nhật báo), đã bị chính quyền Bắc Kinh bắt giữ hồi năm ngoái khi đang ăn trưa với một nhà ngoại giao Nhật Bản và bị buộc tội gián điệp. Ông Đổng đã nhiều lần chỉ trích chế độ Trung Quốc. Hôm 24/04, gia đình ông lần đầu tiên bình luận công khai về vụ án này, nói rằng các cáo buộc của chính quyền Trung Quốc là bịa đặt nhằm đàn áp bất đồng chính kiến.
Ông Dương nói rằng định nghĩa về hoạt động gián điệp của Trung Quốc là rất rộng.
“Hoạt động gián điệp là gì? Nói một cách chính xác, hoạt động gián điệp là một hành động được chứng minh bởi bằng chứng rằng ai đó đã bị một kẻ thù hoặc một quốc gia thù địch đào tạo hoặc hưởng lợi để thu thập hoặc cung cấp thông tin tình báo cho họ,” ông Dương giải thích. “Nhưng trên thực tế, ĐCSTQ định nghĩa hoạt động gián điệp một cách tùy tiện. Nếu quý vị thực hiện một cuộc khảo sát kinh tế hoặc có một bức ảnh về một căn cứ quân sự trên điện thoại di động của mình, nếu quý vị đăng nó lên internet, thì chế độ này có thể coi đó là hoạt động gián điệp.”
Ông Dương cho rằng việc đưa ra luật chống gián điệp mở rộng này, cũng như luật chống khủng bố và luật an ninh mạng mà chế độ này từng đưa ra trước đó, đều là “những biện pháp của ĐCSTQ nhằm củng cố chế độ độc tài và cai trị bất hợp pháp, chủ yếu là để đe dọa người dân thường.”
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung and Lạc Á
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times